Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Đào tạo nhân lực pháp luật với mục tiêu cao hơn, sâu sắc hơn
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần xây dựng Đề án mới về xây dựng 2 trường Đại học Luật thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật, về xây dựng Học viện thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp khác trình Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh mới, tình hình mới với mục tiêu cao hơn, sâu sắc hơn.
Quang cảnh Phiên họp 12 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.
Ngày 29/4, chủ trì Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng BCĐ đã nhấn mạnh như trên.
Tại Phiên họp, các thành viên BCĐ đã thảo luận cho ý kiến về: Báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP HCM thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật” (Đề án 1); Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp” (Đề án 2) do Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp trình; Đề án “Các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật” (Đề án 3) do Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị.
Tạo môi trường thuận lợi để xây dựng trường trọng điểm đào tạo nhân lực về pháp luật
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị cho tiếp tục thực hiện hai Đề án 1 và 2 vì thời gian vừa qua mới được 7 năm, một số mục tiêu đề ra chưa đạt được, đồng thời nhìn lại trách nhiệm của Nhà nước đối với đào tạo đội ngũ cán bộ pháp luật. Tuy nhiên, việc tiếp tục thực hiện sẽ trên cơ sở tôn trọng thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
Đối với Đề án 3, theo Bộ trưởng Long, việc kiểm soát chất lượng đào tạo nói chung, chất lượng đào tạo luật đặc thù nói riêng là hết sức cần thiết, bởi hàng năm nếu cứ hàng trăm nghìn sinh viên ra trường, cơ chế tuyển dụng chưa minh bạch thì đến lúc nào đó nguồn nhân lực pháp luật sẽ yếu kém. Ông đề nghị siết chặt tiêu chuẩn mở mã ngành đào tạo luật, mã ngành gần với đào tạo luật như dịch vụ pháp lý, kinh tế luật…; kiểm soát chất lượng đầu vào, chỉ tiêu tuyển sinh...
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, cơ sở của hai Đề án 1 và 2 là Nghị quyết 49 thực hiện đến năm 2020 thì nay cần tiếp tục thể hiện những mục tiêu chưa làm được trong một đề án mới. Bên cạnh đào tạo nghề thì phải quan tâm bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp trình độ để hội nhập quốc tế…
Về Đề án 3, ông Bình đề nghị cần giải pháp căn cơ hơn, có quy định chặt chẽ hơn để chất lượng đào tạo luật đầu ra tốt hơn, quan tâm viện trợ không hoàn lại của một số quốc gia trong đào tạo về luật thì mới mong tiệm cận chất lượng quốc tế. Ngoài ra, cần đánh giá toàn diện các cơ sở đào tạo luật, khẳng định cam kết rằng Nhà nước không “buông tay” trong đào tạo luật, không để tình trạng các cơ sở đào tạo luật “trăm hoa đua nở” như hiện nay…
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình
BCĐ đã thống nhất đánh giá, việc thực hiện hai Đề án 1 và 2 được Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp chỉ đạo tổng kết nghiêm túc, toàn diện. Sau hơn 7 năm thực hiện Đề án, hai trường Đại học Luật đã có sự chuyển biến tích cực về mọi mặt, từng bước mở rộng quy mô đào tạo, chú trọng hoàn thiện giáo trình, đổi mới phương pháp đào tạo; hoạt động nghiên cứu khoa học có chuyển biến tích cực; đội ngũ giảng viên ngày càng được tăng cường, chất lượng được nâng lên; cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập được quan tâm đầu tư trọng điểm, giúp hai trường có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại; hợp tác, trao đổi đào tạo cán bộ pháp luật trong và ngoài nước được tăng cường, mở rộng.
Để tiếp tục xây dựng 2 trường Đại học thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật cần đánh giá kỹ hơn, thẳng thắn hơn về những tồn tại, hạn chế, bất cập về tổ chức, hoạt động của hai trường, trong đó cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác đào tạo luật, nhất là trong bối cảnh cho các trường tự chủ đào tạo, tạo môi trường thuận lợi cho hai trường phát triển xứng đáng là trường trọng điểm đào tạo nhân lực về pháp luật, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và nhu cầu của xã hội.
Về Đề án 2, để tiếp tục thực hiện Đề án đến năm 2030, BCĐ đề nghị cần làm rõ hơn lý do của việc đề xuất, trong đó xác định cụ thể phạm vi đào tạo, đối tượng đào tạo phù hợp với bối cảnh hiện nay; xác định những nhiệm vụ trọng tâm, nhất là các nhiệm vụ đào tạo 3 chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư nhằm trang bị mặt bằng kiến thức chung cho các chức danh tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán từ các chức danh tư pháp khác; đào tạo luật sư chất lượng cao; đào tạo chương trình tiếng Anh pháp lý cho luật sư và cán bộ tư pháp đủ năng lực tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Xác định rõ trách nhiệm của hai trường trong việc tự khẳng định vị thế của mình là những cơ sở có uy tín, kinh nghiệm trong đào tạo luật, trong đó, chú trọng xây dựng và triển khai chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên có chất lượng, có thể giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, coi đây là điều kiện quan trọng để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế; tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật trong tất cả các khâu từ việc xác định chuẩn đầu vào; xây dựng, ban hành chuẩn chương trình đào tạo, kiểm định chặt chẽ chất lượng đào tạo và kết quả đầu ra của hai trường.
Kiểm soát chất lượng đào tạo luật
Đối với Đề án 3, BCĐ đánh giá cao sự cố gắng của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng Đề án, tán thành với sự cần thiết phải xây dựng Đề án, nhất là trong bối cảnh cho các trường tự chủ, việc đào tạo cử nhân luật theo nhu cầu thị trường, có sự cạnh tranh rất lớn giữa các cơ sở đào tạo luật hiện nay (cả nước có đến 95 cơ sở đào tạo luật).
Để có cơ sở đề xuất các giải pháp, Đề án cần đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn thực trạng công tác đào tạo cử nhân luật, nhất là những hạn chế, khó khăn, vướng mắc về thể chế; số lượng, chất lượng giảng viên; chất lượng tuyển sinh đầu vào, giáo trình, tài liệu, cơ sở vật chất của từng cơ sở đào tạo cử nhân luật… dựa trên các tiêu chí nhất định và theo loại hình cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, cần đánh giá toàn diện, đầy đủ, cụ thể hơn thực trạng kiểm soát chất lượng đào tạo luật.
Ngoài các giải pháp kiểm soát chất lượng đào tạo mà Đề án đã đưa ra, cần bổ sung các giải pháp cụ thể, có tính đột phá, khả thi để kiểm soát chất lượng đào luật một cách thực chất, hiệu quả như rà soát, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo luật trên phạm vi cả nước bằng cơ chế kiểm soát, đánh giá chất lượng, năng lực, uy tín của các đơn vị đào tạo luật nhằm chấn chỉnh, sắp xếp lại hợp lý theo hướng siết chặt công tác đào tạo cử nhân luật, thu gọn và chỉ duy trì các cơ sở có đủ năng lực, uy tín.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kết luận Phiên họp.
Kết luận Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương hai trường Đại học Luật và Học viện Tư pháp có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện các Đề án. Thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, Chủ tịch nước cũng nhất trí tiếp tục xây dựng Đề án mới về xây dựng 2 trường Đại học Luật thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật, về xây dựng Học viện thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp khác trình Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh mới, tình hình mới với mục tiêu cao hơn, sâu sắc hơn.
Đối với Đề án 3, Chủ tịch nước yêu cầu trả lời sớm một số câu hỏi rằng khi nào Bộ Giáo dục và Đào tạo sắp xếp lại các cơ sở đào tạo luật; khi nào ban hành chuẩn đầu vào, chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn giáo án, giáo trình… làm tiêu chuẩn tối thiểu cho các trường căn cứ vào đó tự thực hiện. Bộ Giáo dục cần làm việc khẩn trương quyết liệt, nêu cao tinh thần, trách nhiệm với đất nước, đồng thời hai trường Đại học Luật, Bộ Tư pháp cũng rà soát lại hoạt động đào tạo của mình nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo luật.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch nước, cần chú trọng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho người học, hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, các trường, kể cả các tổ chức nghề nghiệp phải làm chuẩn, bài bản thì mới nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nói chung, đào tạo luật nói riêng. Nhà nước cũng cần quan tâm hơn đến mặt bằng, nguồn lực, cơ chế chính sách… tạo cơ sở pháp lý tốt để triển khai thực hiện.
Nguồn: Báo PLVN