Định hướng học tập cho sinh viên năm nhất ngành Ngôn ngữ Anh
ĐỊNH HƯỚNG HỌC TẬP CHO SINH VIÊN NĂM THỨ NHẤT
NGÀNH NGÔN NGỮ ANH - CHUYÊN NGÀNH TIẾNG ANH PHÁP LÝ
Th.s Lã Nguyễn Bình Minh
Th.s Nhạc Thanh Hương[1]
I. Đặt vấn đề
Hiện nay đào tạo theo hệ thống tín chỉ (HTTC) được xem là hình thức đào tạo tiên tiến trên thế giới vì mục đích đào tạo của nó là hướng vào sinh viên, coi người học là trung tâm trong quá trình dạy - học[2]. Thực hiện đào tạo theo tín chỉ là một yêu cầu của đổi mới giáo dục theo hướng hiện đại hóa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường tính chủ động của sinh viên, và tạo ra những cử nhân có tính thích ứng cao với thị trường lao động trong nước.
Trường Đại học Luật Hà Nội áp dụng đào tạo theo HTTC từ năm 2008. Đào tạo theo tín chỉ là phương thức đào đòi hỏi sự đổi mới trong phương pháp dạy và học, từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận phương pháp. Học theo HTTC, theo phương pháp sư phạm tích cực, đòi hỏi sinh viên phải tự học tập nghiên cứu. Sinh viên cũng có cơ hội để học theo phương pháp thảo luận nhóm, còn giảng viên là người giúp đỡ sinh viên cách tư duy, phương pháp tự học, sáng tạo, chứ không phải đơn thuần là truyền thụ lại kiến thức. Có thể thấy rằng, đào tạo theo HTTC đòi hỏi sinh viên nói chung và sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng phải nắm chắc Quy chế đào tạo và được tư vấn đầy đủ, từ đó lập được kế hoạch học tập thật phù hợp với điều kiện và năng lực cụ thể của mình, cũng như tiếp cận được với phương pháp học tập chủ động, lấy tự học và học tập theo nhóm làm chính, đáp ứng được yêu cầu của đào tạo.
Ngành ngôn ngữ Anh - chuyên ngành Tiếng Anh pháp lý của Đại học Luật Hà Nội chính thức tuyển sinh vào năm 2014. Song song với hệ thống đào tạo theo tín chỉ được áp dụng, ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành tiếng Anh pháp lý là một ngành mới với đặc thù là chuyên về ngôn ngữ tiếng Anh, cụ thể là tiếng Anh chuyên ngành luật. Sinh viên có thể khá quen thuộc với thuật ngữ ngành Ngôn ngữ Anh, tuy nhiên lại không chưa thực sự hiểu về chuyên ngành tiếng Anh pháp lý. Sinh viên khi đăng kí học ngành Ngôn ngữ Anh, do đó, gặp khá nhiều bỡ ngỡ liên quan đến chương trình đào tạo của ngành như học môn gì, và phương pháp học như thế nào.
Vì tất cả những lí do trên, định hướng học tập cho sinh viên ngành ngôn ngữ Anh năm thứ nhất là vô cùng quan trọng bởi nó giúp cho sinh viên có cái nhìn tổng thể về quy chế đào tạo, chương trình đạo tạo của ngành. Từ đó, sinh viên xác định được mục tiêu, phương thức học tập và xây dựng được kế hoạch học tập cho bản thân mình.
II. Tổng quan về Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh
Chương trình đạo tạo ngành Ngôn ngữ Anh toàn khoá gồm 126 tín chỉ, trong đó: Khối kiến thức giáo dục đại cương: 24 tín chỉ (22 tín chỉ bắt buộc và 04 tín chỉ tự chọn); Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: 92 tín chỉ (40 tín chỉ kiến thức ngành ngôn ngữ Anh, 28 tín chỉ kiến thức chuyên ngành tiếng Anh pháp lý và 24 tín chỉ kiến thức bổ trợ ngành); Khoá luận hoặc chọn học và thi các môn học khác thuộc khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: 10 tín chỉ. Như vậy, có thể thấy, các môn học thuộc chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ Anh (không tính các môn học thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương như những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác- Lênin; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam, v.v.) có thể chia ra thành 03 nhóm môn chính:
1. Các môn học thuộc ngành ngôn ngữ Anh
1.1. Môn học thực hành, kĩ năng tiếng Anh: Nghe, Nói, Đọc, Viết, kĩ năng đàm phán, kĩ năng thuyết trình bằng tiếng Anh
1.2. Môn học lý thuyết tiếng Anh và Văn hoá, Văn học: Ngữ pháp; ngữ âm và âm vị học tiếng Anh; văn hoá Anh -Mỹ; văn học Anh- Mỹ; giao tiếp giao thoa văn hoá
2. Các môn thuộc tiếng Anh chuyên ngành: Tiếng Anh pháp lý cơ sở, Tiếng Anh pháp lý nâng cao; biên phiên dịch pháp lý cơ sở và nâng cao;
3. Các môn học thuộc chuyên ngành Luật.
Chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ Anh có đặc trưng là bao gồm các môn học thuộc nhóm ngành ngôn ngữ Anh- các môn học bắt buộc trong chương trình khung ngành ngôn ngữ Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thực hành tiếng Anh; lý thuyết tiếng Anh; văn hoá văn học Anh Mỹ. Bên cạnh đó, sinh viên được học các môn học chuyên ngành Luật. Kiến thức nền tiếng Anh tốt và kiến thức chuyên ngành Luật cơ bản là cơ sở để sinh viên học tập tiếng Anh chuyên ngành Luật hay tiếng Anh pháp lý.
Việc phân chia các môn học trong chương trình đào tạo của ngành ngôn ngữ Anh thành các nhóm môn học đặc thù có vai trò quan trọng vì bộ môn, giảng viên có thể giúp sinh viên định hướng được việc chọn môn, phương pháp tiếp cận các môn học dễ dàng hơn.
III. Những khó khăn của sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, chuyên ngành tiếng Anh pháp lý tại trường Đại học Luật Hà Nội
3.1. Nhận thức chưa đầy đủ về mã ngành Ngôn ngữ Anh
Trường Đại học Luật Hà Nội có thế mạnh là một trong những trường hàng đầu trong cả nước về đào tạo Luật. Tuy nhiên, đào tạo ngoại ngữ chưa phải là thế mạnh của trường. Có nhiều trường đào tạo mã ngành Luật hoặc ngành ngôn ngữ Anh, nhưng không nhiều trường đào tạo mã ngành ngôn ngữ Anh - chuyên ngành tiếng Anh pháp lý. Ngành ngôn ngữ Anh - chuyên ngành tiếng Anh pháp lý, do đó, còn chưa phổ biến. Thực tế khảo sát sinh viên ngành ngôn ngữ Anh của 3 khoá 39, 40, 41 tại trường Đại học Luật Hà Nội cho thấy với năm đầu tiên, sinh viên còn bỡ ngỡ với các môn học, hình thức học tập khác hẳn với học phổ thông; ¾ sinh viên được khảo sát đều chưa nhận thức hay xác định rõ các môn học trong chương trình đào tạo, môn nào là môn trọng tâm của mã ngành. Hầu hết sinh viên khi đăng kí vào mã ngành ngôn ngữ Anh đều đưa ra lí do như: vì muốn tìm hiểu các môn học của ngành luật, đồng thời vì yêu thích môn tiếng Anh. Việc sinh viên mong muốn và cho rằng thời lượng môn tiếng Anh và môn Luật là tương đương nhau trong chương trình đào tạo của mã ngành là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thời lượng đào tạo 126 tín chỉ không cho phép cùng một lúc các môn thuộc chuyên ngành luật và các môn thuộc môn chuyên ngành tiếng Anh đều được đào tạo chuyên sâu như nhau.
Bên cạnh đó, ngoài các môn học bắt buộc thuộc khối kiến thức ngành ngôn ngữ Anh như kiến thức tiếng Anh (nghe, nói, đọc, viết); kiến thức ngôn ngữ, văn hoá - văn học và kiến thức chuyên ngành tiếng Anh pháp lý; sinh viên ngành ngôn ngữ Anh - chuyên ngành tiếng Anh pháp lý tại Đại học Luật Hà Nội phải tiến hành chọn các môn học thuộc khối kiến thức bổ trợ ngành như các môn học luật giảng dạy bằng tiếng Anh và bằng tiếng Việt. Khi lựa chọn các môn học thuộc khối kiến thức này, sinh viên phải cân nhắc 02 yếu tố: thời lượng của môn học và các môn học tiên quyết. Thực tế cho thấy, sinh viên muốn chọn một số chuyên ngành luật nhưng không đủ thời lượng hay vượt quá thời lượng cho phép, hoặc không đáp ứng điều kiện các môn học tiên quyết. Việc chọn môn học chuyên ngành luật nào, do đó, cũng là một khó khăn đối với sinh viên năm thứ nhất ngành ngôn ngữ Anh.
3.2. Khó khăn trong học các môn học thuộc ngành ngôn ngữ Anh
Nhóm môn học thực hành tiếng gồm những môn học bắt buộc như kĩ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết tiếng Anh theo chương trình đào tạo khung ngành ngôn ngữ Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển kĩ năng tiếng Anh tổng quát trước khi học tiếng Anh chuyên ngành, chương trình đào tạo ngôn ngữ Anh dành thời lượng 30 tín chỉ để dạy và học các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.
Đề án ngoại ngữ Quốc Gia (ĐANNGQ 2020) đã và đang thực hiện đổi mới toàn diện việc dạy và học tiếng Anh ở trường phổ thông, chuyển từ việc chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển năng lực tiếng Anh. Công văn số 5333/ BGDDT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 29 tháng 9 năm 2014 đã nêu rõ định hướng kĩ năng và năng lực đầu tra cho kiểm tra, đánh giá học sinh trung học môn tiếng Anh bao gồm kiểm tra, đánh giá đủ 04 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh[3]. Tuy nhiên, thực tế khảo sát sinh viên đang theo học ngành ngôn ngữ Anh, hầu hết sinh viên (đặc biệt sinh viên ở các tỉnh) đều trả lời rằng, chương trình tiếng Anh ở trung học phổ thông tập trung ôn luyện những bài tập về từ vựng, ngữ pháp, dành rất ít thời lượng để sinh viên có thể luyện tập kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.
Dựa vào kết quả của phiếu điều tra với đối tượng sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh của 3 khoá 39, 40, 41 (150 sinh viên) và giảng viên (08 giảng viên) tham gia giảng dạy các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết; đồng thời trên cơ sở đánh giá chủ quan của người nghiên cứu qua các tiết giảng trên lớp, có thể thấy thực trạng việc học các môn học thực hành tiếng Anh là chưa tốt. Phải thừa nhận thực tế là mặc dù đã qua 7 năm hoặc ít nhất 3 năm học tiếng Anh ở chương trình phổ thông, đa số sinh viên (75%) đánh giá kĩ năng nghe, nói, viết là môn học khá mới mẻ và hầu hết đều cho rằng các kĩ năng nghe, đọc, viết là kĩ năng hóc búa. Kĩ năng đọc là kĩ năng được 87% sinh viên đánh giá là kĩ năng không quá khó vì ít nhiều sinh viên được rèn luyện kĩ năng đọc bài ở bậc phổ thông, mặc dù bài đọc ở chương trình đào tạo đại học dài và phức tạp hơn. Qua kết quả điều tra và thực tế giảng dạy, có một số nguyên nhân dẫn đến việc sinh viên gặp phải những khó khăn trong học các môn thực hành tiếng Anh:
Mặc dù sinh viên có một số lượng từ vựng tiếng Anh khá tốt ở bậc phổ thông, môn thực hành tiếng Anh được giảng dạy bắt đầu từ kì học thứ 2 của năm thứ nhất. Điều này có nghĩa việc không học tiếng Anh trong một kì đầu năm học thứ nhất ít nhiều ảnh hưởng đến vốn từ vựng, kiến thức ngôn ngữ của sinh viên.
Trở ngại về kiến thức ngôn ngữ càng khó khăn khi đi kèm là sự hạn chế về kiến thức nền trong các lĩnh vực, vấn đề được đề cập đến trong bài nghe, nói, đọc, viết. Nếu không có kiến thức nền rộng liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, người học khó có thể nhận đoán được điều sẽ nghe, nói, đọc, hay viết [4]. Mặc dù kiến thức ngữ pháp được coi là một thế mạnh của sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, thực tế cho thấy sinh viên có thể viết một câu đơn lẻ ngữ pháp hoàn chỉnh. Tuy vậy, khi thực hành viết một bài viết bên cạnh lỗi về cách dùng từ, cách diễn đạt câu, sinh viên còn gặp những lỗi về phát triển ý tưởng mà nguyên nhân là do thiếu kiến thứ nền về vấn đề, lĩnh vực đó. Do đó, sinh viên khó có thể nâng cao hiệu quả học các môn thực hành tiếng Anh.
Chưa nhận thức được sự ảnh hưởng của kĩ năng mềm trong phát triển các môn thực hành tiếng Anh cũng là một trong nguyên nhân khiến sinh viên gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, trong kĩ năng Nói, việc đánh giá kĩ năng Nói không chỉ là đánh giá nội dung, cấu trúc bài nói mà còn bao gồm nhiều yếu tố khác như năng lực sử dụng yếu tố ngôn ngữ (phát âm; sự nhạy bén về cách sử dụng ngôn từ, v.v) và năng lực sử dụng yếu tố phi ngôn ngữ (ngôn ngữ hình thể; cử chỉ, điệu bộ v.v)[5]. Điều này, hầu hết sinh viên ngành ngôn ngữ Anh đều gặp phải bởi chưa được hoặc ít được rèn luyện kĩ năng nói, thuyết trình trước đám đông khi học ở bậc phổ thông.
Một vấn đề nổi cộm khác làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình dạy học thực hành tiếng Anh là sự hổng kiến thức về văn hoá. Wardhaugh (1986) khẳng định ngôn ngữ và văn hoá có mối quan hệ không thể tách rời, không thể hiểu và đánh giá ngôn ngữ ngoài yếu tố văn hoá[6]. Vì vậy, nếu người học đem áp đặt mã hoá, phong tục tập quán của ngôn ngữ mẹ đẻ vào ngôn ngữ sẽ không giải đúng mã, từ đó không suy đoán được, thậm chí hiểu sai ý tưởng người học cần chuyển tải.
3.3. Khó khăn trong việc học tiếng Anh chuyên ngành pháp lý
Tiếng Anh pháp lý là một mảng kiến thức rất quan trọng trong chương trình đào tạo ngành ngôn ngữ Anh, vì đây là định hướng trọng tâm của chương trình đào tạo. Học phần tiếng Anh pháp lý đầu tiên được giảng dạy từ học kỳ 4 của chương trình, khi sinh viên đã hoàn thành xong 02 học phần tiếng Anh 1 và tiếng Anh 2 (20 tín chỉ) và học song song cùng tiếng Anh 3 (10 tín chỉ). Có thể nói, mặc dù sinh viên đã được tăng cường khá nhiều kiến thức tiếng Anh cơ sở trước khi bắt đầu học tiếng Anh chuyên ngành luật, nhưng sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh vẫn gặp phải những khó khăn nhất định khi học tiếng Anh pháp lý.
Thứ nhất, sinh viên thiếu kiến thức nền về pháp luật. Mục đích của giảng dạy môn tiếng Anh pháp lý là trang cho người học khối lượng kiến thức về từ vựng pháp lý ở đa dạng các lĩnh vực. Ở mỗi đơn vị bài học, sinh viên được làm quen với một lĩnh vực pháp luật khác nhau. Chính vì vậy, có nhiều bài học về chủ đề pháp luật mà sinh viên chưa được học hoặc sẽ không được học trong chương trình đào tạo, gây khó khăn cho quá trình hiểu nội dung bài học cũng như hiểu và nắm bắt ngay được các khái niệm pháp lý liên quan đến lĩnh vực đó.
Thứ hai, giáo trình được lựa chọn sử dụng để giảng dạy môn học là giáo trình của các nhà xuất bản nước ngoài, do vậy nội dung kiến thức được giảng dạy trong môn tiếng Anh pháp lý là về hệ thống pháp luật Common law (Hệ thống thông luật). Trong khi đó, hệ thống pháp luật của Việt Nam là Civil law (Hệ thống dân luật). Do vậy có sự khác biệt nhất định trong nội dung pháp lý cũng như các khái niệm pháp lý giữa hai hệ thống pháp luật. Khi sinh viên vừa không có kiến thức nền về hệ thống pháp luật Common law, vừa thiếu hoặc chưa được trang bị tri thức về hệ thống pháp luật Civil law, họ sẽ cảm thấy khó khăn gấp đôi khi phải học tiếng Anh pháp lý. Nhiều sinh viên khi được hỏi cũng trả lời không nhận thấy được sự hữu ích của môn học khi học về một hệ thống pháp luật hoàn toàn xa lạ, không thiết thực đối với nghề nghiệp của họ sau này.
Thứ ba là khó khăn xuất phát từ chính đặc trưng của tiếng Anh pháp lý, gồm ngữ pháp và và thuật ngữ.
Về đặc trưng thuật ngữ, tiếng Anh pháp lý có 3 đặc trưng gây khó khăn cho người học. Một là, do có sự khác biệt về hệ thống pháp lý, có nhiều thuật ngữ có thể dịch trực tiếp, và có thể tìm được khái niệm tương đương trong tiếng Việt, tuy nhiên cũng có thuật ngữ không có khái niệm tương đương trong tiếng Việt, gây khó khăn cho người học trong việc ghi nhớ cũng như hiểu và sử dụng các thuật ngữ đó. Hai là, có rất nhiều từ vựng tiếng Anh là từ đa nghĩa, trong đó nghĩa phổ thông và nghĩa chuyên ngành hoàn toàn khác nhau. Điều này dẫn đến thực tế là sinh viên học tiếng Anh chuyên ngành luật như học một ngoại ngữ mới. Ba là, văn phong tiếng Anh chuyên ngành luật sử dụng rất nhiều từ cổ, từ La-tinh, và các cặp từ đồng nghĩa và gần nghĩa; đây là từ vựng cũng như văn phong khá xa lạ đối với kể cả những người học tiếng Anh chuyên nghiệp.
Về đặc trưng ngữ pháp, các câu trong tiếng Anh chuyên ngành luật thường tương đối dài, cấu trúc phức tạp, sử dụng nhiều danh từ, cấu trúc bị động... Do vậy, sinh viên thường thấy khó khăn trong việc hiểu ngay ý mà bài viết muốn diễn đạt.
Thứ tư, sinh viên chưa có nhiều động lực học tập cũng như chưa trang bị cho mình một phương pháp học tập môn tiếng Anh pháp lý phù hợp. Đa số sinh viên được hỏi trả lời học tiếng Anh pháp lý khó hoặc rất khó, tuy nhiên việc học tiếng Anh pháp lý của sinh viên mới chỉ chủ yếu tập trung vào học các thuật ngữ có trong bài học. Sinh viên hầu như ít đọc thêm các tài liệu tiếng Anh chuyên ngành, cũng như không đối chiếu so sánh với pháp luật Việt Nam. Vì vậy, đa số sinh viên ghi nhớ từ vựng một cách máy móc theo kiểu học thuộc lòng, nên hiệu quả học tập chưa được cao.
IV. Định hướng học tập cho sinh viên của chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Tiếng Anh pháp lý
Như đã đề cập ở trên, hiện nay trường Đại học Luật Hà Nội áp dụng hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, theo đó phương pháp và cách thức tổ chức dạy và học là khá mới mẻ đối với sinh viên. Bên cạnh đó, ngành ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Tiếng Anh pháp lý cũng là một ngành có đặc trưng riêng. Tổ tiếng Anh - Bộ môn Ngoại Ngữ chưa áp dụng buổi học/tuần học định hướng cho sinh viên ngành ngôn ngữ Anh để sinh viên tiếp cận về chương trình đào tạo, phương pháp học tập các môn của ngành. Tuy nhiên, bộ môn cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc định hướng học tập cho sinh viên năm thứ nhất của ngành, bởi đây là năm bản lề khi sinh viên được tiếp xúc với các môn học đặc thù, phương pháp đào tạo, học tập hoàn toàn khác với những năm học ở phổ thông. Thực tế qua giảng dạy 03 khoá của của ngành ngôn ngữ Anh, nhóm tác giả xin đưa ra một số đề xuất với hy vọng có thể định hướng cho sinh viên các khoá sau, giúp sinh viên có cái nhìn tổng thể về chương trình, mục tiêu và chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, từ đó học tập hiệu quả hơn.
4.1. Vai trò của bộ môn và cố vấn học tập đối với việc định hướng học tập cho sinh năm thứ nhất ngành Ngôn ngữ Anh
Bộ môn, đặc biệt là cố vấn học tập có vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng, hướng dẫn sinh viên năm thứ nhất. Bộ môn, cố vấn học tập cần thực hiện một số nhiệm vụ:
Giới thiệu khung chương trình đào tạo. Đây là công việc quan trọng hàng đầu của cố vấn học tập hướng dẫn cho sinh viên tìm hiểu chương trình đào của khoá-ngành và cách lựa chọn các học phần phù hợp với mục tiêu chương trình. Cụ thể, cố vấn học tập có thể giới thiệu một vài kế hoạch học tập toàn khoá tiêu biểu để các sinh viên làm mẫu. Cố vấn học tập hướng dẫn, tư vấn cho sinh viên nên chọn học phần tự chọn nào là phù hợp với chuyên ngành và thời lượng của chương trình đào tạo.
Bên cạnh đó, cố vấn học tập có vai trò quan trọng trong việc tư vấn sinh viên chọn môn. Nhận thức được đặc thù của môn chuyên ngành luật; hiện nay, hầu hết các cố vấn học tập ngành ngôn ngữ Anh đều tư vấn sinh viên của ngành chọn những môn học chuyên ngành luật cơ bản trước như luật dân sự, luật hình sự hay công pháp quốc tế và từ pháp quốc tế. Những ngành luật cơ bản này là tiền đề để học tập, nghiên cứu chuyên sâu các chuyên ngành khác nếu sinh viên có nguyện vọng.
4.2. Định hướng học tập cho từng nhóm môn học
4.2.1. Nhóm môn học thực hành tiếng, lý thuyết tiếng, văn hoá, văn học Anh Mỹ của ngành ngôn ngữ Anh
Chuẩn đầu ra áp dụng cho chương trình đào tạo Đại học ngành ngôn ngữ Anh chuyên ngành tiếng Anh pháp lý của trường Đại học Luật Hà Nội là sinh viên tối thiểu đạt bậc 5/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc chứng chỉ IELTS quốc tế tương đương. Như vậy, chương trình giảng dạy các kĩ năng thực hành tiếng Anh đối với ngành ngôn ngữ Anh đều hướng tới chuẩn bài thi IELTS quốc tế. Do vậy, ngay từ năm thứ nhất sinh viên cần xác định được mục tiêu của chương trình đào tạo, từ đó lập kế hoạch để học tập và nâng cao các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết theo chuẩn bài thi IELTS quốc tế.
- Ôn luyện để phát triển đồng thời cả 4 kĩ năng Nghe- Nói- Đọc- Viết
Tiếng Anh không phải là môn học mới mẻ nhưng việc phát triển đồng thời cả 4 kĩ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết tiếng Anh cũng không hề đơn giản với người học[7]. Nghe- đọc vẫn là được coi là kĩ năng tiếp nhận (Receptive skills). Tuy nhiên, nghe hiểu và đọc hiểu không còn là kĩ năng ngôn ngữ thụ động chỉ đòi hòi kĩ năng tiếp nhận như một số quan niệm trước đây. Nghe hiểu và đọc hiểu trở thành kĩ năng chủ động trong đó người học đóng vai trò tích cức của người tham dự vào thông tin được nghe, được đọc; xử lý thông tin, hiểu và giải mã được thông tin để cuối cùng phản hồi lại được thông tin đó qua hình thức nói - viết, đúng như tiến trình gồm các bước: cảm nhận - hiểu - đánh giá - phản hồi do Steil, Barker & Wakson (1983) đề xuất[8]. Sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, do đó cần phải tạo tính chủ động trong việc học các kĩ năng nghe - đọc; gắn liền với kĩ năng nói - viết (kĩ năng sản sinh). Theo quan điểm của Anderson & Lynch (1988)[9], có mối liên hệ mật thiết giữa kỹ năng nghe hiểu và kĩ năng nói, giữa nghe hiểu và đọc hiểu, giữa đọc hiểu và viết, trong đó nói là kết quả của việc theo dõi và hiểu những gì nghe được, phát triển kĩ năng nghe hiểu không những giúp cải thiện khả năng nghe mà còn phát triển được khả năng nói, đọc hiểu, do đó cải thiện kĩ năng viết.
Việc người học được phổ biến ngay từ đầu năm học về chuẩn đầu ra của môn tiếng Anh tổng quát sẽ hướng người đọc đến phương pháp học tập để đạt năng lực sử dụng tiếng Anh tốt. Giảng viên, cố vấn học tập cần hướng dẫn sinh viên cách học và phát triển kĩ năng tiếng Anh từ đơn giản đến phức tạp. Sinh viên được khuyến khích nghe hiểu, đọc hiểu, nói và viết từ những cấu trúc, nội dung gần gũi, dễ hiểu tới những nội dung, bài viết, bài đọc theo văn phong học thuật. Hiện nay, chương trình giảng dạy tiếng Anh đối với ngành ngôn ngữ Anh đang được tiếp cận, thực hiện theo phương pháp như vậy.
Hơn nữa, cố vấn học tập, giảng viên cần tư vấn, định hướng để giúp người học hình thành thói quen luyện tập về cả 4 kĩ năng thường xuyên như luyện âm, luyện nghe, luyện đọc, luyện viết, luyện nói có sử dụng các yếu tố phi ngôn từ để tạo ra một bài nói, thuyết trình hoàn chỉnh. Hiện nay nguồn học liệu trên mạng khá đa dạng và uy tín, sinh viên, do đó có thể tìm hiểu, tự học, tự nghiên cứu những chiến lược, những bài tập thực hành của bài thi theo chuẩn quốc tế IELTS như: https://learnenglish.britishcouncil.org/en; http://ieltsmaterial.com; http://ielts-simon.com; https://www.ielts-exam.net; v.v
- Tìm hiểu và tiếp cận các môn văn hoá - văn học
Như đã đề cập ở trên, yếu tố ngôn ngữ và yếu tố văn hoá không thể tách rời. Nhiều sinh viên chưa hiểu được ý nghĩa của việc học các môn văn hoá, văn học. Nhiều sinh viên còn cho rằng những môn học đó là vô nghĩa. Thực tế, môn học văn học, văn hoá Anh Mỹ giúp sinh viên phát triển ngôn ngữ-yếu tố cần thiết để phát triển năng lực nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh. Do đó, sinh viên ngành ngôn ngữ Anh phải xác định tầm quan trọng của các môn văn hoá, văn học. Ngay từ đầu, giảng viên, cố vấn học tập cần định hướng cho sinh viên về phương pháp học các môn như đọc, tìm hiểu về văn hoá, văn học Anh Mỹ để có kiến thức nền tốt, từ đó, góp phần nâng cao năng lực tiếng Anh.
4.2.2. Nhóm môn học thuộc chuyên ngành tiếng Anh pháp lý
- Đối với môn tiếng Anh pháp lý
Để học tốt môn tiếng Anh pháp lý, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh cần lưu ý:
(i). Có từ điển tiếng Anh chuyên ngành luật tốt. Hiện nay có 02 cuốn từ điển tiếng Anh chuyên ngành luật tương đối tốt mà sinh viên cần phải có, một là cuốn Từ điển pháp luật Anh - Việt – là từ điển song ngữ và Black Law’s Dictionary – là từ điển Anh – Anh. Hai cuốn từ điển này sẽ giúp sinh viên hiểu rõ được các thuật ngữ, các khái niệm pháp lý và tìm cho mình những khái niệm tương đương trong tiếng Việt.
(ii). Có nền tảng tiếng Anh cơ sở tốt. Nền tảng tiếng Anh cơ sở tốt được hiểu là sinh viên có khối lượng từ vựng tương đối rộng về đa dạng các lĩnh vực của đời sống xã hội để việc đọc hiểu và nghe hiểu tiếng Anh pháp lý được dễ dàng hơn, nắm chắc kiến thức ngữ pháp tiếng Anh để có thể hiểu và phân tích các cấu trúc câu trong văn bản pháp lý, có kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tốt để có thể sử dụng một cách lập trong môi trường pháp lý.
(iii). Có kiến thức liên ngành. Kiến thức liên ngành là kiến thức về pháp luật nói chung và các lĩnh vực pháp luật khác nhau nói riêng. Đây là khối kiến thức đòi hỏi sinh viên ngành ngôn ngữ Anh phải tự học, tự đọc tương đối nhiều, bởi vì trong chương trình đào tạo mã ngành, sinh viên chỉ được học số lượng tương đối hạn chế các môn luật bằng tiếng Việt do phải dành thời lượng cho các môn học bắt buộc của ngành Ngôn ngữ Anh theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
(iv). Chú ý đến các đặc thù ngôn ngữ của tiếng Anh pháp lý để có phương pháp học tập phù hợp, đặc biệt là trong học từ vựng. Khi tra nghĩa của từ, sinh viên cần phải chú ý đến nghĩa chuyên ngành của từ đó cũng như văn cảnh mà từ đó xuất hiện để có thể chuyển ngữ một cách chính xác.
(v). Xây dựng thói quen tự học, tự đọc tài liệu để vừa củng cố từ vựng đã học, vừa mở rộng thêm các từ vựng mới, đặc biệt các từ vựng chuyên ngành. Hiện nay, thư viện nhà trường đã được trang bị rất nhiều đầu sách tiếng Anh chuyên ngành luật, ngoài giáo trình, còn có cả các sách về kỹ năng cần thiết của nghề luật như thư tín trong lĩnh vực luật (Legal Correspondence), kỹ năng viết và lập luận dành cho nghề luật (Legal Reasoning and Legal Writing), kỹ năng luật gia cơ bản (Basic Lawyering Skills) cũng như các sách bài tập. Đây là nguồn học liệu tương đối dồi dào để sinh viên có thể tự học, tự nâng cao năng lực tiếng Anh pháp lý cho bản thân.
(vi). Luôn đối chiếu so sánh giữa hai hệ thống pháp luật; ví dụ khi học về hệ thống toà án ở Anh, sinh viên cần biết vận dụng từ vựng đã học để giới thiệu về hệ thống pháp luật Việt Nam. Việc làm này không những giúp sinh viên củng cố được kiến thức về từ vựng, ngữ pháp đã học mà còn mở rộng hiểu biết về pháp luật quốc gia, làm cho môn học trở nên gần gũi, thiết thực và hiệu quả hơn.
- Đối với môn Biên phiên dịch pháp lý
Biên phiên dịch pháp lý là môn học đòi hỏi người học phải vận dụng tất cả kiến thức, kỹ năng đã học trong chương trình đào tạo. Quan trọng nhất, sinh viên phải có năng lực tiếng Anh thật tốt, đặc biệt là cần thành thạo các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Tiếng Anh pháp lý cũng là môn học quan trọng, vì nó cung cấp cho người học những kiến thức về ngôn ngữ, văn phong pháp lý, để từ đó họ có thể vận dụng vào để biên dịch tài liệu cũng như phiên dịch các buổi nói chuyện, toạ đàm, bài giảng…về chuyên ngành luật. Ngoài ra, sinh viên cần hiểu rõ văn hoá, văn phong của ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích để dịch thuật được hiệu quả.
V. Kết luận
Để sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất có định hướng học tập tốt các môn học trong chương trình đào tạo đòi hỏi phải có sự tham gia của rất nhiều các bên có liên quan: Bộ môn – với tư cách là đơn vị quản lý chuyên môn, cố vấn học tập, giảng viên giảng dạy và bản thân sinh viên. Bộ môn và cố vấn học tập cần cung cấp đầy đủ thông tin cho sinh viên để sinh viên nắm được nội dung, mục đích, yêu cầu của chương trình đào tạo, yêu cầu về chuẩn đầu ra đối với sinh viên của ngành để sinh viên có sự chuẩn bị về mặt tâm lý cũng như có phương hướng xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân. Giảng viên tham gia giảng dạy cần giúp sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của môn học, từ đó có thái độ học tập đúng đắn và có phương pháp nâng cao khả năng tự chủ trong học tập cho người học.
Bản thân người học là chủ thể của quá trình học tập, do vậy, thông qua việc nắm bắt các yêu cầu, người học cần phải chủ động, tích cực đối với hoạt động học tập của mình. Thêm vào đó, do đặc thù của chuyên ngành đào tạo là Ngôn ngữ Anh, vì vậy luyện tập thường xuyên là yếu tố quyết định đến sự thành công của người học./.
[1] Bộ môn Ngoại Ngữ
[2] Đặng Văn Tiến. (2013). Cách thức học ĐH, Phương pháp và một số lưu ý khi học theo tín chỉ của sinh viên năm thứ nhất. Khai thác từ http://www.ier.edu.vn/upload/product/ky-yeu-hoi-thao-vai-tro-cua-co-van-hoc-tap-trong-dao-tao-theo-tin-chi-tai-cac-truong-dh-cd-vn-945027003222.pdf
[3] Công văn số 5333/BGDDT- GDTrH v/v triển khai kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực môn tiếng Anh cấp trung học từ năm học 2014- 2015
[4] Ton Nu Xuan Phuong. (2014). An investigation into the difficulties in teaching English skills to English learners. Khai thác từ www.kh-sdh.udn.vn/zipfiles/So18/18_phuong_tonnuxuan.doc
[5] Brown, G, & Yule, G., Teaching Spoken English, CUP, 1983a
[6] Wardhaugh, R., An Introduction to Sociolinguistics, Basil Blackwell Ltd, 1986.
[7] Tuổi Trẻ. (01/5/2015). Học Tiếng Anh- Cần một định hướng. Khai thác từ http://tuoitre.vn/hoc-tieng-anh-can-mot-dinh-huong-81343.htm
[8] Steil, L. et al, Effective Listening, Mc. Graw Hill, Inc. 1983.
[9] Anderson, A. & Lynch, T., Listening, OUP, 1998.
Tải về tại đây