Các biện pháp tạo hứng thú học ngoại ngữ cho sinh viên

Đăng vào 22/01/2018 09:50

 

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HỨNG THÚ HỌC NGOẠI NGỮ

CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

                              ThS. Nhạc Thanh Hương

                            ThS. Lã Nguyễn Bình Minh[1]

 

I. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế đang diễn ra hết sức sâu rộng, ngoại ngữ trở thành một công cụ vô cùng quan trọng và cần thiết phải có nếu muốn làm việc với các đối tác nước ngoài ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Do vậy, nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ có trình độ chuyên môn tốt, tay nghề giỏi mà cần phải biết ngoại ngữ để đáp ứng các yêu cầu công việc ngày càng lớn.

Trường Đại học Luật Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo luật hàng đầu của Việt Nam, tuy nhiên trình độ ngoại ngữ của sinh viên trong Trường so với mặt bằng chung còn thấp, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ để làm việc. Do vậy, Đề án 549 về xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật đã nêu rõ Trường cần “tiếp tục chuẩn hóa và nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên (ưu tiên đào tạo tiếng Anh pháp lý), đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có chất lượng và khả năng ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế.” Mục tiêu và chiến lược phát triển của nhà trường về ngoại ngữ đã đặt ra yêu cầu đối với các giảng viên ngoại ngữ phải nghiên cứu, tìm ra các giải pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy và trình độ của sinh viên trong Trường.

Có thể nói, mục đích của giáo dục nói chung và giảng dạy ngoại ngữ nói riêng là biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục để người học có thể tự học suốt đời. Do đó, hiệu quả của giáo dục phụ thuộc rất nhiều vào việc làm thế nào để người học tham gia một cách chủ động và tích cực vào quá trình đó, mà hứng thú là một trong những gốc rễ quan trọng tạo nên tính tích cực đó.

Hứng thú kích thích hoạt động của con người, làm cho con người say mê, đem lại hiệu quả cao trong hoạt động của mình. Hoạt động nào có hứng thú cao hơn, người thực hiện nó một cách dễ dàng, có hiệu quả cao, tạo ra xúc cảm dương tính mạnh mẽ đối với người tiến hành hoạt động đó. Họ sẽ tìm thấy niềm vui trong hoạt động, hoạt động sẽ trở nên nhẹ nhàng, ít tốn công sức hơn, có sự tập trung cao. Ngược lại, người ta cảm thấy gượng ép, hoạt động trở nên nặng nhọc, khó khăn làm cho người ta mệt mỏi, chất lượng hoạt động giảm rõ rệt. Hứng thú học tập có ý nghĩa rất lớn đến thành tích kết quả học tập của sinh viên. Usinxki cho rằng: “Trong học tập không có hứng thú mà chỉ dùng sức mạnh của sự cưỡng ép, nó sẽ làm cho óc sáng tạo của người ta ngày thêm mai một, nó sẽ làm cho người ta ngày một thờ ơ với loại hình hoạt động này”.

Ngoại ngữ là môn học không dễ đối với phần lớn sinh viên, trong đó có sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội, vì sự phức tạp trong phát âm, khó khăn trong việc ghi nhớ từ vựng, ngữ pháp và học các kỹ năng ngôn ngữ. Do vậy, để việc học ngoại ngữ đối với sinh viên trở nên bớt ‘gian khổ’, bớt mang tính bắt buộc, cưỡng ép, thì việc quan trọng trước tiên cần làm đó là khơi gợi sự hứng thú và say mê học tập trong họ - biểu hiện ở không nhiều sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội.

Từ những đánh giá và phân tích trên, các tác giả bài viết nhận thấy việc tìm hiểu các yếu tố khách quan, chủ quan có tác động đến hứng thú học ngoại ngữ của người học là rất cần thiết, để từ đó có thể đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi nhằm tạo hứng thú học ngoại ngữ cho sinh viên, góp phần cải thiện chất lượng và nâng cao trình độ ngoại ngữ của họ.

II. Mục đích, phạm vi và phương pháp nghiên cứu

2.1. Mục đích nghiên cứu

Tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến hứng thú học ngoại ngữ của sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội, từ đó đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hứng thú học tập môn học này cho sinh viên của Trường.

2.2. Phạm vi nghiên cứu

200 sinh viên không chuyên ngữ các thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung đang học năm thứ 2 và đã hoàn thành 2 học phần (7 tín chỉ) ngoại ngữ trong trường, trong đó số lượng sinh viên học tiếng Anh TOEIC, tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Trung được khảo sát theo thứ tự tương ứng là 100, 40, 30 và 30 sinh viên.

Các tác giả lựa chọn đối tượng sinh viên này để khảo sát vì môn ngoại ngữ được xếp giảng vào kỳ II năm thứ nhất và kỳ I năm thứ 2, do vậy họ đã được trải nghiệm tất cả các học phần ngoại ngữ trong chương trình đào tạo. Trên cơ sở đó, người học có thể đưa ra những đánh giá đầy đủ hơn, toàn diện hơn về các vấn đề được hỏi, và như vậy, kết quả nghiên cứu sẽ có độ tin cậy cao hơn so với sinh viên năm nhất.

2.3. Phương pháp nghiên cứu

            Hai phương pháp chính mà người viết sử dụng để tiến hành nghiên cứu là phương pháp định lượng và phương pháp phân tích tổng hợp. Một bảng hỏi được xây dựng dựa trên cơ sở lý luận của đề tài và sau đó phát cho 200 sinh viên như đã nêu ở phần trên để thu thập thông tin. Số liệu thu thập được sẽ được xử lý trên bảng tính excel, sau đó sẽ được phân tích, tổng hợp và mô tả.

III. Cơ sở lý luận

3.1. Hứng thú

3.1.1. Khái niệm hứng thú:

Hứng thú là một trong những hiện tượng tâm lý phức tạp. Thuật ngữ “hứng thú” được sử dụng khá rộng rãi trong đời sống hàng ngày. Trong nghiên cứu và thực tế, có khá nhiều định nghĩa khác nhau về hứng thú. Tuy nhiên, nghiên cứu này sử dụng định nghĩa “Hứng thú” của tác giả Nguyễn Quang Uẩn “Hứng thú là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với đối tượng nào đó, vừa có ý nghĩa đối với cuộc sống, vửa có khả năng mang lại khoái cảm cho cá nhân trong quá trình hoạt động” (tr.173, 1997). Có thể thấy, khái niệm này vừa nêu được bản chất của hứng thú, vừa gắn với hoạt động của cá nhân.

3.1.2. Khái niệm hứng thú học tập

Học hay còn gọi là học tập, học hành, học hỏi quá trình tiếp thu cái mới hoặc bổ sung, trau dồi các kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm, giá trị, nhận thức hoặc sở thích và có thể liên quan đến việc tổng hợp các loại thông tin khác nhau  (Nguyễn Thị Bích Thuỷ, 2004). Như vậy, từ định nghĩa về hứng thú và học tập ở trên, hứng thú học tập có thể hiểu là thái độ của chủ thể đối với đối tượng của hoạt động học tập, vì sự lôi cuốn về tình cảm, ý nghĩa thiết thực trong quá trình nhận thức.

Hứng thú học tập bao gồm 02 yếu tố sau:

- Yếu tố nhận thức: là thái độ nhận thức của cá nhân đối với nội dung môn học ở một mức độ nào đó. Cá nhân ý thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của kiến thức học tập, trong cuộc sống và đối với bản thân cá nhân, muốn hiểu biết về nó kĩ hơn, sâu sắc hơn.

- Yếu tố cảm xúc: là thái độ cảm xúc tích cực, bền vững của cá nhân đối với nội dung, trí thức môn học.

Như vậy, hứng thú học tập là sự kết hợp giữa nhận thức và cảm xúc tích cực và hành động nhằm chiếm lĩnh nội dung môn học.

3.1.3. Sự cần thiết của hứng thú với quá trình học tập

Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra được tầm quan trọng của hứng thú trong quá trình học tập. Theo P.A. Rudich, trong hoạt động học tập và nghiên cứu, sự xuất hiện hứng thú là đặc biệt quan trọng. Trong trường hợp đó, hứng thú được xác định như một xu hướng của cá nhân có kèm theo những cảm xúc tốt trong quá trình thoả mãn nhu cầu đối với một thông tin mới, trước hết và chủ yếu là nhờ các cảm giác trí tuệ như ngạc nhiên, ước đoán, tính rõ ràng, lòng tin tưởng (tr.335). Hidi, (1990) cho rằng hứng thú là một yếu tố thúc đẩy quá trình học tập, do đó người học đạt được kết quả học tập tốt hơn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ hứng thú cá nhân giúp người học tăng cường sự tập trung, gợi nhớ lại kiến thức, tính kiên nhẫn đối với bài tập được giao và sự nỗ lực để đạt được mục đích (Ainley, Hidi & Berndorff, 2002; Hidi, 1990; Hidi & Renninger, 2006).

Phân tích của Schiefele, Krapp & Winteler (1992) trên 150 nghiên cứu về mối quan hệ giữa hứng thú và quá trình học tập cho thấy hứng thú của người học có mối quan hệ tương hỗ với kết quả học tập. Người học có hứng thú càng nhiều, kết quả học tập càng cao.

Như vậy có thể thấy hứng thú đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập nói chung và quá trong học ngoại ngữ nói riêng.

3.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến hứng thú học ngoại ngữ

3.2.1. Yếu tố chủ quan: Người học

Bản thân người học là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình đắc thụ ngôn ngữ. Yếu tổ chủ quan được thể hiện qua trình độ ngoại ngữ, nhận thức và thái độ của người học đối với tầm quan trọng của học ngoại ngữ

Nghiên cứu của Chris S.Hullerman (2009) cho thấy người học có trình độ ngoại ngữ khác nhau, khả năng tiếp nhận ngôn ngữ khác nhau, từ đó có hứng thú với ngoại ngữ khác nhau. Tương tự như vậy, cùng một nội dung, có người học cảm thấy hứng thú, có người ít hoặc thậm chí không có hứng thú.

Bên cạnh đó, thái độ và nhận thức của người học đối với việc học ngoại ngữ là vô cùng quan trọng bởi yếu tố đó thúc đẩy hứng thú, động cơ để người học học ngoại ngữ. Dorneyi & Csizer  (1998) chỉ ra rằng thái độ của người học ảnh hưởng lớn đến mức độ và sự thành công của quá trình đắc thụ ngôn ngữ thứ hai. Người học có nhận thức chưa đủ về tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ sẽ không có hứng thú học, do đó việc đắc thụ ngôn ngữ sẽ không hiệu quả. Woolfolk (2004) cho rằng trẻ em có hứng thú học ngôn ngữ sẽ hoàn thành bài tập hiệu quả hơn bởi bản thân chúng nhận thức được ý nghĩa của môn học.

3.2.2. Các yếu tố khách quan

3.2.2.1. Người dạy

Người dạy là người truyền thụ hệ thống tri thức đến người học. Phương pháp giảng dạy và hình thức tổ chức dạy học ảnh hưởng đến hiệu quả việc tiếp thu tri thức. Người dạy biết tổ chức, khai thác các hoạt động phong phú như sử dụng trò chơi, bài hát, xem video, ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ học vv…sẽ lôi cuốn người học.

Hơn nữa, Erasme cũng từng nhận xét “Hứng thú học tập phải được xây dựng trên cơ sở học sinh yêu mến giáo viên”. Như vậy, cách giao tiếp, thái độ của người dạy cũng ảnh hưởng đến hứng thú của người học với môn học. Có nhiều ví dụ thực tế cho thấy người học do quý mến người dạy vì sự nhiệt tình, tận tuỵ, quan tâm tới người học mà từ đó cố gắng học tập, say mê học tập để đạt kết quả tốt.

3.2.2.2. Đặc điểm môn học

Đặc điểm môn học cũng là một yếu tố tạo nên hứng thú học tập. Môn học hấp dẫn với thời lượng phù hợp và tài liệu phong phú là điểm khởi đầu để hình thành hứng thú cho người học

3.2.2.3. Môi trường học tập

Hứng thú học tập được hình thành do những người xung quanh như bạn học. Trong quá trình học tập, người học có thể trao đổi, bàn bạc với bạn học để đạt được kết quả học tập tốt.

Cơ sở vật chất bao gồm phòng học, trang thiết bị, phương tiện dạy học. Tuy không phải là yếu tố quyết định nhưng là yếu tố cần thiết tác động đến kết quả học tập của người học. Nếu được học tập trong điều kiện vật chất đầy đủ, người học thấy thoải mái, dễ chịu, giúp họ học tập tốt hơn.

Không khí lớp học, mối quan hệ với thầy cô bạn bè tốt trong tập thể có nề nếp, có phong trào thi đua học tập cũng là yếu tố nào nên hứng thú giúp từng cá nhân vươn lên trong học tập vì nó đem lại sự thoả mãn của bản thân.

IV. Kết quả nghiên cứu

Trong quá trình điều tra, 200 phiếu điều tra được phát ra, trong đó 178 phiếu thu về. Kết quả cụ thể như sau:

Câu hỏi 1: Bạn đánh giá như thế nào về sự ảnh hưởng của các yếu tố dưới đây đến hứng thú học tập môn ngoại ngữ bạn đang theo học? Sắp xếp theo thứ tự từ 1- 4, trong đó: 1= không ảnh hưởng; 2= ảnh hưởng ít; 3= ảnh hưởng bình thường; 4 = ảnh hưởng nhiều nhất

Trong 178 người học trả lời câu trả lời này thì có đến 78% người học chọn phương án người dạy là yếu tổ ảnh hưởng đến hứng thú học tập môn ngoại ngữ nhất; xếp vị trí thứ 2 có nhiều ảnh hưởng là đặc điểm môn ngoại ngữ như nội dung, chương trình môn học với 54%. Tiếp theo, 37% người học chọn yếu tố bản thân, và cuối cùng 24 % người học được điều tra chọn yếu tố ảnh hưởng là môi trường học tập.

Câu hỏi 2: Mức độ ảnh hưởng của các nhóm yếu tố đối với hứng thú học ngoại ngữ của người học.

            Nhóm 1: Người học

Trong nhóm các yếu tố về người học; 54% người học lựa chọn phương án “trình độ ngoại ngữ của bản thân người học” và “nhận thức được tầm quan trọng của môn học” ảnh hưởng nhiều đến hứng thú học ngoại ngữ. 37% người học chọn “Yếu tố điểm cao” ảnh hưởng bình thường đến hứng thú học ngoại ngữ. Gần như tuyệt đối (92%) người học được khảo sát chọn mức độ ảnh hưởng ít của tầm quan trọng của ngoại ngữ trong chương trình đào tạo và phương pháp học ngoại ngữ với hứng thú của bản thân

            Nhóm 2: Người dạy

Câu hỏi khảo sát trong nhóm này gồm 07 câu khảo sát về mức độ ảnh hưởng của người dạy, bao gồm các tiêu chí như trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy, và thái độ, phong cách của người dạy trên lớp. Kết quả cho thấy,

92% và 87% người học được khảo sát lựa chọn phương pháp giảng dạy lôi cuốn; dễ hiểu và đa dạng hoá các hoạt động dạy học; trình độ chuyên môn của người dạy ảnh hưởng rất nhiều đến hứng thú học tập của người học ngoại ngữ. Tiếp theo là 74% người học chọn yếu tố khác như giảng viên cung cấp cho người học nhiều kĩ năng, kiến thức ngôn ngữ hay vui vẻ, cởi mở ảnh hưởng nhiều đến niềm đam mê đến môn học.

Như vậy, trong nhóm tiêu chí để đánh giá về mức độ ảnh hưởng của người dạy đến hứng thú học ngoại ngữ của người học, phần lớn người học lựa chọn mức độ ảnh hưởng nhiều và rất nhiều.

            Nhóm 3: Đặc điểm môn học

Nhóm 3 khảo sát các yếu tố liên quan đến nội dung, thời lượng và tài liệu học tập của môn ngoại ngữ đối với sự say mê môn học; trong đó 83% người học lựa chọn mức độ ảnh hưởng nhiều của nội dung môn học, thời lượng và tài liệu học tập tới hứng thú học.

Nhóm 4: Môi trường học tập

Môi trường học tập bao gồm các yếu tố như bạn học; không khí trong lớp học; diện tích và cách bố trí phòng học và các trang thiết bị trong phòng học ngoại ngữ. Có đến 65% người học chọn mức độ ảnh hưởng nhiều của phòng học đầy đủ trang thiết bị học tập với việc yêu thích giờ học ngoại ngữ. Tuy nhiên, khi được khảo sát về sự ảnh hưởng của bạn học trong lớp hay không khí học tập trong lớp thì đa số người học (85%) chọn phương án bình thường và ít ảnh hưởng tới hứng thú học tập của bản thân.

Như vậy, theo số liệu thống kê từ kết quả điều tra, yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hứng thú học ngoại ngữ của người học là người dạy, trong đó trình độ chuyên môn và phương pháp giảng dạy được người học đánh giá là làm tăng hứng thú nhất cho người học với tỉ lệ người chọn tương ứng là 87% và 92 %. Tiếp sau đó là yếu tố đặc điểm môn học như chương trình, nội dung, thời lượng môn học phù hợp sẽ kích thích niềm đam mê học ngoại ngữ với 83% người được khảo sát lựa chọn. Trình độ và nhận thức của cá nhân người học và yếu tố môi trường là cũng ảnh hưởng đến người học, tuy nhiên không nhiều như 02 yếu tố trên.

Câu hỏi 3: Bạn đánh giá như thế nào về các biện pháp nâng cao hứng thú học tập cho người học ngoại ngữ? Lựa chọn những câu phù hợp với ý kiến của riêng mình và đánh dấu (x) vào lựa chọn đó.

Những biện pháp

Tỷ lệ %

1. Người dạy biết ứng dụng CNTT trong giảng dạy

52%

2. Người dạy tổ chức các hoạt động theo nhóm, cặp tạo điều kiện cho sinh viên trình bày quan điểm riêng

72%

3. Người dạy nâng cao chuyên môn và được đào tạo chuyên môn sâu

72%

4. Người dạy sử dụng hình ảnh 

66%

5. Người dạy sử dụng trò chơi

52%

6. Người dạy sử dụng video

73%

7. Người dạy sử dụng bài hát

62%

8. Người dạy sử dụng truyện ngắn trong giảng dạy các kỹ năng

63%

9. Người dạy nhiệt tình, vui vẻ trong giờ dạy

71 %

10. Người dạy đưa ra những câu hỏi/ dạng bài tập với mức độ khó khác nhau để người học tốt, yếu đều có thể trả lời

61%

11. Người dạy nâng cao dần những yêu cầu đối với người học

42%

12. Người dạy giúp người học cách học, cách sưu tầm, và tìm tài liệu

47%

13. Người dạy chú ý hỗ trợ những người học có trình độ ngoại ngữ kém hơn

48%

14. Người dạy có những ghi nhận thành tích học tập của sinh viên một cách kịp thời

53%

15. Đánh giá khách quan, công bằng, công khai minh bạch kết quả học tập của người học

62%

16. Nâng cao nhận thức của người học về tầm quan trọng của môn ngoại ngữ trong chương trình học

46%

17. Nâng cao nhận thức của người học về tầm quan trọng của môn ngoại ngữ cho đời sống

53%

18. Trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ cho việc dạy và học môn ngoại ngữ

67%

19.Sách giáo khoa, tài liệu tham khảo phong phú

48%

20. Xây dựng tình cảm thầy- trò, tạo không khí vui vẻ trong giờ học

57%

 

Nhìn vào bảng ta thấy, có 15/20 câu có tỉ lệ trên 50% chứng tỏ sinh viên đồng ý cao đối với những biện pháp mà người nghiên cứu đề ra.

Những câu có tỉ lệ cao hơn các câu khác trong thang đo lường (từ 70% trở lên) là:

  • Người dạy nâng cao chuyên môn và được đào tạo chuyên môn sâu
  • Người dạy tổ chức các hoạt động theo nhóm, cặp tạo điều kiện cho sinh viên trình bày quan điểm riêng
  • Người dạy sử dụng video
  • Người dạy nhiệt tình, vui vẻ trong giờ dạy

Những lựa chọn có tỉ lệ cao trên 60% cũng thuộc những biện pháp liên quan đến phương pháp giảng dạy của người dạy như:

  • Người dạy sử dụng hình ảnh 
  • Người dạy sử dụng bài hát
  • Người dạy sử dụng truyện ngắn trong giảng dạy các kỹ năng
  • Người dạy đưa ra những câu hỏi/ dạng bài tập với mức độ khó khác nhau để người học tốt, yếu đều có thể trả lời
  • Đánh giá khách quan, công bằng, công khai minh bạch kết quả học tập của người học

Qua đó chúng ta thấy người học đánh giá cao phương pháp giảng dạy và thái độ của người dạy trong quá trình dạy học, và đó chính là yếu tố đóng vai trò trọng tâm thúc đẩy hứng thú người học trong quá trình học và thụ đắc ngoại ngữ.

V. Kết luận và kiến nghị

Có thể nói, hứng thú học tập là một hiện tượng tâm lý khá phức tạp, chịu sự tác động của nhiều yếu tố, thường mang tính chất đồng thời. Vì vậy, cần thực hiện đồng bộ các nhóm biện pháp để mang lại hiệu quả cao nhất.

5.1. Nhóm biện pháp về người dạy

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy, và thái độ của người dạy có tác động lớn đến hứng thú của người học theo chiều thuận.

- Nâng cao trình độ chuyên môn: Việc nâng cao trình độ chuyên môn cần thực hiện thường xuyên, liên tục, bằng cách tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng hoặc tự đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng được yêu cầu của môn học cũng như của người học về năng lực chuyên môn của người dạy.

- Đổi mới phương pháp giảng dạy:

Đối với người dạy, phương pháp giảng dạy có thể được coi là phần quan trọng nhất để tạo nên hứng thú cũng như hiệu quả học tập cho người học. Một phương pháp giảng dạy dễ hiểu, lôi cuốn, sáng tạo sẽ luôn là những yếu tố tích cực tác động đến thái độ học tập của người học. Thực tế cho thấy, một môn học được coi là hay, hữu ích, thiết thực với người học, nhưng người dạy lại không có phương pháp giảng dạy tốt thì cũng không kích thích được người học tích cực tham gia vào quá trình học tập; và ngược lại, một môn học có thể bị coi là ‘không hay’, nhưng nhờ phương pháp giảng dạy của người thầy có thể làm nó trở nên hấp dẫn. Trong bối cảnh của thời kỳ mới và trong giai đoạn mới của sự phát triển giáo dục đại học, người ta nêu ra 3 tiêu chí quan trọng để đổi mới phương pháp dạy và học như sau: 

- Tiêu chí bao quát hàng đầu của việc dạy và học là dạy cách học;

- Phẩm chất cần phát huy mạnh mẽ là tính chủ động của người học;

- Công cụ cần khai thác triệt để là công nghệ thông tin.

Để tạo hứng thú và phát huy mạnh mẽ tính chủ động của người học, việc đổi mới phương pháp giảng dạy ngoại ngữ cần tập trung vào các hướng sau:

- Tổ chức tốt bài giảng và cách giảng bài.  Bất kể nội dung bài học như thế nào thì một bài giảng tốt đều phải được bố cục tốt và giảng giải một cách rõ ràng. Kỹ năng trình bày là rất quan trọng và giảng viên phải luôn nhớ hướng sự chú ý của học viên vào nội dung bài chứ không phải vào người giảng. Trong quá trình giảng bài, người dạy cần tăng cường đặt câu hỏi và khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi để tạo sự tập trung, chú ý và khơi gợi hứng thú muốn tìm hiểu, muốn làm rõ nội dung kiến thức.

-  Dùng những phương tiện để hỗ trợ trực quan: Dùng những hình minh hoạ trực quan để làm cho bài giảng bớt trừu tượng như: biểu đồ, đồ thị, bảng, máy chiếu, băng video để hỗ trợ giảng dạy. Mục đích việc dùng các phương tiện nghe nhìn là làm cho bài giảng sinh động hơn, tiết kiệm thời gian viết bảng để giành thời gian cho giảng viên giải thích, cho sinh viên đặt câu hỏi và thảo luận.

- Khuyến khích học tập theo nhóm và tăng cường thảo luận: Học tập, cũng như làm việc, nếu có tính tương hỗ và xã hội sẽ tốt hơn là cạnh tranh và biệt lập. Làm việc cùng với những người khác sẽ hứng thú hơn và tăng thêm cơ hội học tập được lẫn nhau. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, giảng viên có thể đưa ra nhiều tình huống ngôn ngữ hoặc câu hỏi thảo luận, yêu cầu người học làm việc theo nhóm để giải quyết các tình huống hoặc trả lời các câu hỏi được đưa ra. Đây là hoạt động rất hữu ích, bởi sinh viên vừa có thể giúp đỡ nhau trong vấn đề sử dụng ngôn ngữ, vừa có thể học hỏi kiến thức lẫn nhau thông qua việc trao đổi, thảo luận.

- Trau dồi tác phong sư phạm: Giảng viên nên đi lại quanh lớp học khi nói hay đặt câu hỏi cho sinh viên. Việc này tạo ra sự gần gũi về không gian đối với người học. Tránh đứng sau bục giảng hay ngồi sau bàn suốt cả tiết dạy. Bên cạnh đó, giảng viên cũng nên có thái độ cởi mở, thân thiện với người học, để khoảng cách giữa người dạy và người học được rút ngắn lại, sẽ góp phần làm tăng hứng thú học tập cho người học.

5.2. Nhóm biện pháp về môn học

Dạy ngoại ngữ cần hướng đến phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho sinh viên thay vì chỉ tập trung vào học ngữ pháp và từ vựng một cách rời rạc. Chỉ khi nào người học có thể sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp thì dạy ngoại ngữ mới thực sự hiệu quả và tạo hứng thú cho người học.

Ngoại ngữ là một môn học có tính linh hoạt tương đối cao về nội dung giảng dạy. Cùng là truyền đạt một đơn vị kiến thức ngôn ngữ, người dạy có thể lựa chọn các nguồn tài liệu đầu vào (input) khác nhau. Do vậy, cùng với sử dụng giáo trình, giảng viên có thể khai thác các nguồn học liệu authentic qua báo, đài, internet, để làm mới nội dung giảng dạy và khơi dậy được lòng ham hiểu biết, tạo sự thích thú từ phía sinh viên.

5.3. Nhóm biện pháp về người học

Người học là chủ thể của quá trình học tập, do vậy trước khi dạy tri thức, rèn luyện kỹ năng, giảng viên phải dạy cho người học biết rằng: Học tập là mục tiêu tự thân (Đỗ Quốc Bảo, 2008). Chỉ khi nào sinh viên tự xác định được và/hay nhà trường giúp sinh viên xác định được những mục tiêu học tập đúng đắn cho chính họ làm động cơ tự thân thì họ mới tích cực nổ lực học tập. Song song với đó, giảng viên cần dạy cho sinh viên phương pháp tự học ngoại ngữ một cách hiệu quả. Có như vậy, người học mới cảm thấy hứng thú và tự chủ trong quá trình học tập của bản thân.

5.4. Nhóm biện pháp về môi trường

Cần tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên học ngoại ngữ, bởi theo N.G.Marôzôva, "Nếu ngay lập tức đi thẳng vào hình thành hứng thú, không có sự chuẩn bị cho mảnh đất nuôi dưỡng nó, thì có nghĩa là đưa công việc tới chỗ thất bại, cũng tựa như gieo hạt vào mảnh đất chưa được cày xới".

Trước hết, nhà trường cần thiết kế các phòng học riêng dành cho môn ngoại ngữ, trong đó đảm bảo được trang bị đầy đủ các phương tiện dạy học, hệ thống loa đài, máy tính, màn chiếu...thuận tiện để giảng viên áp dụng phương pháp dạy học tích cực. Bên cạnh đó, Trường cũng cần đầu tư 1 đến 2 phòng đa phương tiện cho sinh viên tự học mà ở đó, sinh viên có thể khai thác các học liệu băng, đĩa hình, học liệu trực tuyến…Nguồn học liệu phục vụ giảng dạy và học tập cho giảng viên và sinh viên cần được trang bị thêm để đáp ứng được các nhu cầu học tập khác nhau, chú trọng phát triển nguồn học liệu mở để người học và người dạy có thể khai thác một cách thuận tiện.

Thứ hai, cần xây dựng phong trào học ngoại ngữ trong sinh viên, để sinh viên có hứng thú và động lực học tập, thông qua việc đẩy mạnh hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ tiếng Anh, tổ chức các cuộc thi có sử dụng tiếng Anh thường xuyên như Moot Court, hùng biện bằng tiếng Anh, Rung chuông vàng bằng tiếng Anh…

 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Bích Thuỷ (2004), Hứng thú học tập của sinh viên năm thứ nhất trường Đại họcVăn Hiến, Luận văn thạc sĩ Tâm lý học, Trường ĐHSP TP.HCM.

2. R. J. Sternberg and W. M. Williams, Educational Psychology, Boston: Pearson Education Company, 2002. 


3. F. Karahan, “Language attitudes of Turkish students towards the English language and its use in Turkish context,” Journal of Arts and Sciences, Cankaya University, Faculty of Arts and Humanities, vol. 7, pp. 73-87, 2007. 


4. P. Reich, Language Development, Englewood Cliffs: Prentice-Hall, 1986. 


5. J. W. Santrock, Adolescence, NY: McGraw-Hill, 2003. 


6. D. Baumrind, “The influence of parenting style on adolescent 
competence and substance use,” Journal of Early Adolescence, vol. 11, 
no. 1, pp. 56-95, 1991. 


7. R.B. Burns, Self-concept Development and Education, Holt: Rinehart 
and Winston, 1982. 


8. F. Paitoonpong, Motivational Variables in Foreign Language Achievement: A Case in Thailand, Singapore: National University Singapore, 1980. 


9. Wigfield, A. (1994). Expectancy-value theory of achievement motivation: A developmental perspective. Educational

10. Psychology Review, 6, 49–78.
Wigfield, A., & Eccles, J. (1992). The development of achievement task values: A theoretical analysis. Developmental  Review, 12, 265–310.


11. Wigfield, A., & Eccles, J. (2002). The development of competence beliefs, expectancies for success, and achievement values from childhood through adolescence. In A. Wigfield & J. Eccles (Eds.), Development of Achievement Motivation (pp. 91–120). San Diego, CA: Academic Press.


12. Gardner, R. C. (1985). Social psychology and second language learning: The role of attitudes and motivation. London: Edward Arnold Publishers.
Forcheri, P., & Molfine, M. T. (2000). ICT as a tool for learning to learn. In D. M. Watson, & T. A. Downes (Eds.), Communication and Networking in Education (pp. 175-184). Boston: Kluwer Academic.
Krashen, S. D. (1987). Principles and practice in second language acquisition. New York: Prentice-Hall.
Littlewood, W. (1995). Foreign and second language learning. Cambridge: Cambridge University Press.
Ngeow, K. Y. H. (1998). Motivation and transfer in language learning. (ERIC Document Reproduction Service No. ED 427 318).


 

 

 

 

NHỮNG BIỆN PHÁP NHẰM

KHUYẾN KHÍCH SINH VIÊN HỌC NGOẠI NGỮ

                                             TS. Nguyễn Thị Thu Đạt[2]

 

“Nói chuyện với một người bằng ngôn ngữ của họ là bạn đã chạm đến trái tim họ.” - Nelson Mandela.

Đúng vậy, mỗi con người trong thế giới hiện đại cần phải biết ít nhất một ngoại ngữ. Biết ngoại ngữ không những là yêu cầu tất yếu của lao động có kỹ thuật cao nhằm đáp ứng các quy trình công nghệ thường xuyên được đổi mới, mà biết và thông thạo ngoại ngữ còn là một kỹ năng không thể thiếu trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và bối cảnh nền kinh tế hội nhập, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng như hiện nay ở Việt Nam.

Những năm gần đây, cùng với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang tăng cường giao lưu, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới về mọi mặt. Việc giao lưu hợp tác quốc tế đòi hỏi cần có sự giao tiếp, trao đổi thông tin giữa các quốc gia, mà rào cản ngôn ngữ là một trong những khó khăn hàng đầu, đặt ra vấn đề quan trọng cần thiết phải thông thạo ngoại ngữ, đối với mỗi người dân Việt Nam. Trong Quyết định 1400/QĐ-Ttg ngày 30/09/2008 Thủ tướng chính phủ đã nhấn mạnh mục tiêu «đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp Trung cấp, Cao đẳng và Đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập đa ngôn ngữ, đa văn hóa…».

Đối với các bạn sinh viên, việc học ngoại ngữ thực sự không chỉ cho phép có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn mà còn giúp các em bổ sung thêm vốn kiến thức văn hóa nhân loại, đóng góp quan trọng vào nhu cầu hội nhập, hợp tác giữa nước ta với thế giới. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị về 9 nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016 - 2017, trong đó có nhiệm vụ «Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các cấp học và trình độ đào tạo».

Việt Nam mở cửa, hòa nhập, kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng đòi hỏi một nguồn nhân lực rất lớn có trình độ ngoại ngữ. Hơn nữa, nhu cầu giải trí, đi du lịch cao cũng tạo nên một xã hội, một cộng đồng đầu tư thường xuyên vào việc học ngoại ngữ. Tuy nhiên,

Học ngoại ngữ hiện tại đối với các đối tượng khác nhau có những phương thức khác nhau tủy theo điều kiện từng đối tượng, học chính khóa và học không chính khóa, học giáp mặt hay học từ xa, học offline, học online. Ngoài học Ngoại ngữ chính khóa, còn có các hoạt động trong lớp học, các hoạt động ngoài lớp học, các hoạt động ngoại khóa sử dụng Ngoại ngữ ngày càng phổ biến và đạt hiệu quả rất cao, khuyến khích sinh viên học Ngoại ngữ.

Để sinh viên «thích học Ngoại ngữ » trước hết cần xây dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ việc dạy và học Ngoại ngữ, tạo động cơ, hứng thú học tập ngoại ngữ cho sinh viên. Cụ thể là :

Xác định mục tiêu học ngoại ngữ đúng với từng đối tượng. Đối với sinh viên các trường ĐH, CĐ chuyên ngữ, ngoại ngữ đóng vai trò chủ đạo. Nhưng đối với sinh viên các trường ĐH, CĐ không chuyên ngữ, ngoại ngữ chỉ đóng vai trò bổ trợ, sử dụng ngoại ngữ trong công việc tương lai, hoặc cho mục đích cá nhân (đi du lịch, giao tiếp thông thường với người nước ngoài…). Ví dụ, một chuyên viên lập trình web sẽ chỉ cần ngoại ngữ khi cần trao đổi với khách hàng nước ngoài; một nhân viên làm xuất nhập khẩu sẽ chỉ cần ngoại ngữ để làm giấy tờ xuất nhập khẩu… Và cũng trên nguyên tắc này, giáo viên xác định cách dạy cho sinh viên để đạt được mục đích, người học sẽ có hứng thú, việc học thu được kết quả cao.

Tạo cộng đồng học tập ngoại ngữ - sự liên kết của một nhóm người học, có cùng một nhu cầu, một mong muốn, một sở thích học tập, với các hình thức, cách thức, phương pháp học tập chủ động lựa chọn, cùng nhau xây dựng một «sân chơi » tự nguyện. Các thành viên tham gia cộng đồng học tập có nhu cầu và cảm thấy gắn bó với môi trường cộng đồng này, để cùng học hỏi, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, xây dưng, duy trì và phát triển cộng đồng. Môi trường học tập là môi trường tự tổ chức học tập với các đặc tính đa dạng, tương tác và linh hoạt rất cao.

Kết nối hệ thống cộng đồng. Trong các hoạt động của mình, ngoài việc kết nối thành công các cá nhân sinh viên, giảng viên với nhau, các nhóm hoạt động với nhau trong khuôn khổ một trường, cần lưu tâm có những hoạt động để kết nối giữa các trường với nhau, hoặc giữa các nhóm nhỏ hơn hoạt động [3]cùng mục đích, cùng phương thức, để tạo nên một mạng kết nối rộng hơn, vừa học tập chia sẻ kinh nghiệm được với nhau, vừa phát triển thành mạng lưới kết nối cộng đồng rộng lớn giữa các trường trong và ngoài khu vực. Việc kết nối này đang được Phân viện Puskin thực hiện tích cực.

Đổi mới cách dạy và học ngoại ngữ. Nghị quyết 29/NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa 11 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ: «Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo thực hiện, đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học. Đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học».

Xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ, tăng hứng thú cho người học. Sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân ngoài xã hội, sẽ bù đắp vào lượng kinh phí ngân sách ít ỏi dành cho các hoạt động này. Việc huy động được nguồn lực từ bên ngoài (nhân lực và vật lực) vào trong các hoạt động hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ sẽ làm cho các hoạt động thêm phong phú, phát triển thêm quy mô. Ví dụ, đối với việc tổ chức các cuộc thi ngoại ngữ, các Festival, giao lưu có quy mô lớn (từ 100 đến 500 học sinh, sinh viên), cần có sự tài trợ của các đơn vị, cá nhân hoặc đóng góp một phần của người tham dự.

Có rất nhiều biện pháp cụ thể để người học thêm yêu bộ môn ngoài ngữ, khuyến khích sinh viên tích cực học Ngoại ngữ.

1. Đổi mới cách dạy ngoại ngữ và hình thức kiểm tra, đánh giá.

 Đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng chú trọng đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh. Chú trọng đánh giá quá trình: đánh giá trên lớp; đánh giá bằng nhận xét; tăng cường hình thức đánh giá thông qua bài tập thực hiện nhóm; bài thuyết trình; kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình học và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học. Các hình thức kiểm tra, đánh giá đều hướng tới phát triển năng lực của sinh viên; động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của các em; động viên người học vận dụng những gì đã học.

Chủ động kết hợp một cách hợp lý, phù hợp giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra ngoại ngữ; triển khai phần kiểm tra tự luận trong các bài kiểm tra viết môn ngoại ngữ; giao các bài tập đòi hỏi có sự tương tác nhóm nhiều hơn cũng như giúp học sinh chủ động sáng tạo, rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn.

2. Chú trọng dạy nghe nói, phát triển kỹ năng nghe - nói, giao tiếp bằng ngoại ngữ.

Khuyến khích sinh viên nói, giao tiếp, tạo ra cơ hội cho học sinh giao tiếp đơn giản trong các giờ học ngoại ngữ. Greg và Angela Thomson đã nói : “Cách duy nhất để bạn nói được một ngôn ngữ mới là bắt đầu nói ngôn ngữ đó, dù kém đến đâu!”. Quan điểm dạy và học Ngoại ngữ được đánh giá cao và được chia sẻ nhất hiện nay là quan điểm Hành động, đòi hỏi. Người học không chỉ đơn thuần là người tiếp thu kiến thức một cách thụ động mà phải chủ động, người học thực sự trở thành người sử dụng ngôn ngữ để tương tác với người khác. Giáo viên có thể khuyến khích các em nói, bắt đầu giờ học bằng cách dùng những câu hỏi đơn giản, hỏi sinh viên tuần trước/cuối tuần hay tối hôm trước các em làm gì để các em nói về mình một cách tự nhiên; hỏi sinh viên về những thông tin mà các em biết rõ, hay hỏi các em về những địa danh nên đi thăm; để sinh viên cùng tham gia vào những hoạt động trong giờ học, trên bảng (như yêu cầu đánh vần to một từ giáo viên đang viết, hoặc hoàn thành một câu, viết câu hỏi hoặc sửa một lỗi trên bảng… Việc sử dụng những trò chơi, ô chữ đơn giản với các gợi ý cũng là một cách làm hay.

3. Cần tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ, nâng cao hiệu quả học tập của sinh viên thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của CNTT. Việc giáo viên ứng dụng CNTT vào quá trình giảng dạy (thiết kế hoặc sử dụng các trang web, các chương trình dạy ngoại ngữ online hay phần mềm giảng dạy) nhằm nâng cao tính tự chủ và động cơ học tập của sinh viên; và đặc biệt mở rộng khả năng tương tác với nội dung môn học, với giảng viên, với bạn học của người học, kích thích sự hứng thú của người học, cũng như trách nhiệm của họ đối với quá trình học ngôn ngữ.

Có thể khuyến khích sinh viên tham gia các khóa học trực tuyến, vì người học có thể dễ dàng tiếp cận được với khóa học thông qua mạng Internet và những hình thức công nghệ kĩ thuật số khác.

Có thể sử dụng các trang mạng, các tài liệu dạy ngoại ngữ online vào việc tổ chức các loại hình hoạt động hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ.

4. Áp dụng mô hình học online tương tác trực tiếp.  Đây là mô hình học mới, lần đầu tiên sẽ được Phân viện Puskin áp dụng tại Việt Nam trong việc dạy và học tiếng Nga. Mô hình học này có sự kế thừa toàn bộ những ưu điểm của cả 2 mô hình học Online và Offline. Mô hình này được triển khai ở từng lớp học với các chủ đề tương ứng với từng trình độ của người học. Người học sẽ được học trực tiếp ngay tại chỗ cùng các chuyên gia người bản ngữ, chương trình học phù hợp với trình độ, được hỗ trợ tốt nhất về học tập, giải đáp thắc mắc khó khăn ngay lập tức, được tổ chức học tập quy củ và khoa học, mang lại hiệu quả học tập tốt nhất cho người học. Mô hình học này chắc chắn mang lại nhiều hứng thú cho sinh viên, bởi sự tương tác trực tiếp, bởi tính thực hành và tiện lợi.

5. Tạo điều kiện thuận lợi, đa dạng nhất về kho học liệu, giúp cho sinh viên có môi trường học tập tốt nhất, tra cứu dễ dàng, thuận lợi và đẩy đủ nhất học liệu trong quá trình học tập, có nền tảng công nghệ cho phép liên tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm học tập để việc học hiệu quả, thành công. Giáo viên cần chú trọng việc cung cấp nguồn học liệu bắt buộc và đọc thêm để cho sinh viên tham khảo. Thư viện hay phòng tư liệu của trường cũng phải là nơi cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết và không gian học tập, để sinh viên có thể khai thác tài nguyên đó một cách tối ưu.

Kênh thông tin khác là nguồn tài liệu trực tuyến được truy cập qua mạng Internet. Sinh viên có thể khai thác thông tin ở bất cứ nơi nào miễn là họ kết nối với Internet, có nhiều điều kiện thuận lợi để truy cập các nguồn tài nguyên số đa dạng và đặc biệt là tính cập nhật rất cao.

6. Tổ chức các loại hình hoạt động hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ.

Tổ chức các hoạt động ngoài giờ học cho sinh viên, các câu lạc bộ tiếng, các chương trình văn hóa có sử dụng ngoại ngữ, các cuộc thi bằng ngoại ngữ. Hiện nay nhiều ý tưởng mới, cách làm mới của các đơn vị, các trường ĐH-CĐ đang được triển khai, thu hút sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của đông đảo sinh viên và giáo viên, tạo nên hiệu ứng rất tích cực cho mục tiêu học tập ngoại ngữ với chất lượng và hiệu quả. Đó là các mô hình và chương trình :

- Câu lạc bộ Ngoại ngữ. Ví dụ, CLB «Những người yêu thích tiếng Nga» của Phân viện Puskin; CLB ngoại ngữ của Học viện PK-KQ, Đại học Hà Nội…

- Karaoke bằng tiếng ngoại ngữ

- Olympic tiếng Nga, tiếng Anh. Ví dụ, Olympic tiếng Nga do Phân viện Puskin, TT KH&VH Nga tại Hà Nội và các đơn vị phía Nga tổ chức

- Thi viết luận, thuyết trình, đọc thơ bằng ngoại ngữ

- Thi sáng tác, biểu diễn các loại hình nghệ thuật bằng tiếng ngoại ngữ

- Festival văn hóa

- Diễn đàn ngoại ngữ, Gala, dạ hội (sử dụng ngoại ngữ) của các trường CĐ-ĐH như ĐHSP Hồ Chí Minh, ĐH Ngoại thương, ĐHNN ĐHQG…

- Trại hè, giao lưu văn hóa tiếng Anh, tiếng Nga

- Tham quan, dã ngoại với chủ đề “ Chúng ta cùng nói tiếng Anh, tiếng Nga”

- Lớp học ngoại ngữ ngoài trời, trong quán café.

7. Sử dụng lực lượng tình nguyện viên và người bản ngữ. 

Đây là một lực lượng cần tận dụng để tham gia giảng dạy ngoại ngữ và các hoạt động giao lưu, ngoại khóa cùng với sinh viên. Ngượi học luôn hứng thú khi được tiếp xúc, giao lưu, giao tiếp và học cùng với người bản ngữ. Bởi việc học ngoại ngữ không chỉ là học ngôn ngữ đơn thuần, mà còn là tìm hiểu văn hóa, phong tục, cách sống của những người sử dụng ngôn ngữ đó.

Nên khuyến khích việc kết bạn, học ngoại ngữ với người bản ngữ trực tiếp hoặc trực tuyến. Dạy và học ngoại ngữ không chỉ sử dụng phương thức giáp mặt - offline, mà cần song song phát triển thêm các hoạt động online, ví dụ như mô hình e-club, e-game, nhóm facebook.

Trong một thế giới năng động và ngày càng toàn cầu hóa, mỗi người phải định vị được bản thân, và một trong những cách đó là phải học ngoại ngữ- ngôn ngữ chung của thế giới. Để khuyến khích sinh viên yêu và học ngoại ngữ, trước hết cần tạo hứng thú học tập ngoại ngữ cho người học. Tóm lại, giáo viên cần hướng dẫn sinh viên làm thế nào để có thể sử dụng, thực hành hiệu quả những gì đã học; áp dụng các hình thức khen thưởng để khuyến khích, động viên, khích lệ người học yêu thích môn ngoại ngữ hơn.

Chúng tôi thiết nghĩ, sẽ còn rất nhiều các ý tưởng mới của các đồng nghiệp. Hy vọng sẽ được nghe và tiếp cận.

 

Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020.

2. Nguyễn Văn Long. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngoại ngữ: Từ kinh nghiệm quốc tế đến thực tại Việt Nam. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu Giáo dục, Tập 32, Số 2 (2016) 36-47

 

GIẢI PHÁP TẠO HỨNG THÚ HỌC NGOẠI NGỮ

DƯỚI GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI HỌC

TS. Trần Kim Liễu – Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp

 

  1. Tạo hứng thú – một yếu tố quan trọng để học ngoại ngữ hiệu quả

Tìm kiếm phương pháp hiệu quả cho dạy học nói chung, dạy ngoại ngữ nói riêng là nội dung được chú trọng ở Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Mặc dù nhiều giáo viên dạy ngoại ngữ có khuynh hướng áp dụng các phương pháp mới trong giảng dạy ngoại ngữ, nhưng làm thế nào để dạy chohiệu quả vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi và cần phải được quan tâm hơn nữa.

Đối với các cơ sở đào tạo, có rất nhiều biện pháp tạo sức hấp dẫn và hứng khởi cho người học như: đầu tư cho cơ sở vật chất (nơi học khang trang, thiết bị máy móc hiện đại, hệ thống phương tiện như: máy chiếu, phòng lap, hệ thống wifi…rất đầy đủ), đầu tư chuyên môn (giáo trình tốt, hệ thống tài liệu tham khảo, thư viện…), tạo môi trường học tập thân thiện (giáo viên người Việt, giáo viên người nước ngoài, hệ thống phụ vụ ân cần, chu đáo…), nâng cao năng lực chuyên môn cho người dạy…vv. Trong các biện pháp đó, thì tăng cường phương pháp giảng dạy là một điều kiện tiên quyết. 

Các cơ sở giáo dục và bản thân các giáo viên, tuỳ môn học mà đưa ra và áp dụng những phương pháp phù hợp. Ví dụ để dạy ngữ pháp, người ta có thể áp dụng các phương pháp như: Dạy qua các cấu trúc, quy luật và ví dụ theo tình huống; sử dụng hình ảnh minh họa sinh động để giới thiệu vấn đề ngữ pháp; sử dụng phương pháp tư duy; Luyện tập; Tạo không khí thoải mái trong giảng dạy…Để tạo hứng thú, hiện nay nhiều nơi áp dụng phương phápESA là phương pháp giảng dạy Anh ngữ tiên tiến do nhà giáo dục học Jemery Harmer (tác giả của nhiều bộ giáo trình giảng dạy tiếng Anh nổi tiếng trên thế giới) nghiên cứu và phát triển. Phương pháp này được ứng dụng theo 3 bước: E, S, A. Trong đó, bước đầu tiên E (Engage – Dẫn nhập) – là dẫn nhập bài học về ngôn ngữ thông qua ngữ cảnh cụ thể nhằm khơi gợi sự tò mò, kích thích mong muốn được khám phám, từ đó giúp người học nhớ rõ được cấu trúc ngôn ngữ một cách tự nhiên và lâu dài. Bước thứ 2, S (Study – Học) – học viên sẽ được giáo viên hướng dẫn một cách có hệ thống và chính xác những điểm nhấn trong các kỹ năng cụ thể như ngữ pháp, từ vựng và phát âm. Bước cuối cùng A (Activate – Vận dụng), là giai đoạn học viên được áp dụng điểm ngôn ngữ này một cách sáng tạo và đa dạng thông qua những tình huống thực tiễn trong cuộc sống. Ưu điểm tổng quát của phương pháp này chính là khơi gợi niềm yêu thích, sự hứng thú và say mê trong học tập, giúp người học nhanh chóng làm chủ khả năng sử dụng Anh ngữ của mình[4].

Như vậy, trong rất nhiều biện pháp để học hiệu quả, thì tạo hứng thú là một yếu cố vô cùng quan trọng. Trong bài viết “5 điều bạn nên biết trước khi học tiếng Anh”[5], ngoài rất nhiều “chiêu” để giúp mọi người học tiếng Anh tốt, tác giả có khuyên rằng“Hãy chịu khó đợi cảm hứng học tiếng Anh đến với bạn”. Theo người viết, có nhiều học viên vội vàng đăng ký một khoá học tiếng Anh bất kỳ mà chưa thực sự thấy hào hứng để bắt đầu học ngoại ngữ này. Điều đó là không tốt.

Trong một bài viết khác “Học tiếng Anh giống chạy bộ, không cần năng khiếu” của tác giả Ce Phan[6], có viết “Tôi cho rằng có 3 yếu tố quyết định khả năng thành công trong việc học ngoại ngữ của bạn, đó là thời gian, động lực và phương pháp học hiệu quả. Cần phải có một quỹ thời gian (dù nhỏ) dành cho việc học tiếng Anh và duy trì đều đặn. Cần phải xác định được mục tiêu trong việc sử dụng tiếng Anh cho công việc và các hoạt động khác, đồng thời nếu tìm thấy một phương pháp học phù hợp và được chứng minh hiệu quả thì chắc chắn bạn sẽ giao tiếp tiếng Anh lưu loát”.

Hoặc như bài viết “Cách tạo động lực và duy trì đam mê học tiếng anh”[7] có ngụ ý như sau: Những người học tiếng Anh đều muốn nói được tiếng Anh một cách trôi chảy và sẽ cảm thấy rất sung sướng khi nghĩ rằng mình có thể làm được điều đó.  Nhưng người học thường không quan tâm đến chính bản thân quá trình học tiếng Anh. Đối với phần lớn người học thì việc học tiếng Anh là một điều gì đó họ bị bắt buộc phảilàm chứ họ không hề muốn - Học tiếng Anh là một nghĩa vụvà chính điều đó khiến cho họ cảm thấy không thoải mái khi học tiếng Anh, nhất là học online.Nói ngắn gọn, phần lớn mọi người đều muốn nói được tiếng Anh trôi chảy nhưng lại không thích học. Đây chính là thử thách đầu tiên và cũng là lớn nhất mà một người học tiếng Anh phải đối mặt, bởi vì khi một người không thích học tiếng Anh thì họ sẽ không thể học nó tốt được. Bài viết có khuyên người học cần ghi nhớ câu sau đây: “If you don’t love English, English won’t love you back”.

Có thể thấy, dù có nhiều phương pháp dạy học để tăng hiệu quả nhưng không có một phương pháp dạy học toàn năng phù hợp với mọi mục tiêu và nội dung. Mỗi phương pháp và hình thức dạy học có những ưu, nhược điểm và giới hạn sử dụng riêng. Vì vậy việc phối hợp đa dạng phương pháp và hình thức trong toàn bộ quá trình dạy học là phương hướng quan trọng để phát huy tính tích cực và nâng cao chất lượng dạy học. Nhưng phương pháp nào cũng nhắm đến việc tạo hứng thú cho người học đến với lớp học và học một cách hiệu quả.

Cũng phải khẳng định ngay từ đầu rằng, kết quả cuối cùng của việc học ngoại ngữ và tiến bộ là do chính bản thân người học, chứ không phụ thuộc vào một cơ sở đào tạo danh tiếng hay số tiền mình bỏ ra. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng nỗ lực ngay từ đầu, mặc dù có thể luôn ý thức về điều đó. Nghĩa là dù trong ý thức người ta quyết tâm để nỗ lực, nhưng như một lực hút của trái đất, “sức ỳ” vốn có luôn khiến người học uể oải, chậm chạp trong việc bắt nhịp với giờ học và biếng nhác trong việc tự học nếu chỉ có một mình. Chính vì thế, kết quả học tập thường không như mong đợi. Cho nên, dù là bỏ ra nhiều tiền, dù học ở một cơ sở danh tiếng nhưng không ai có thể đảm bảo rằng những chủ nhân của sự học đó có thể bẩy hòn đá biếng nhác đó ra khỏi tâm thức của mỗi người, hệ quả là khả năng tiếp thu, khả năng “tự vận động” sẽ vẫn bị hạn chế.

Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để sinh viên muốn học? Thích học? và học ngoại ngữ hiệu quả?

Trong rất nhiều biện pháp để thu hút người học như kể trên, bài viết này tiếp cận vấn đề tạo hứng thú cho người học ngoại ngữ dưới góc nhìn của người học.Nói cách khác, người dạy phải hiểu được người học quan tâm đến điều gì và muốn gì để có thể thu hút họ, tạo cảm hứng cho họ khi học ngoại ngữ và học hiệu quả.

Việc đặt vấn đề từ góc nhìn của người học xuất phát từ thực tế rằng, đã có nhiều phương pháp hoặc nói  một cách giản dị là nhiều biện pháp đã được các giáo viên áp dụng, nhưng phần nhiều xuất phát từ nhận thức của người dạy cho rằng “cần phải như thế” thì sẽ tốt cho người học. Đôi khi, giải pháp được áp dụng lại phản tác dụng vì không biết người học muốn gì. Có một vài đơn cử được phân tích ở phần ngay sau đây.

  1. Các yếu tố vô tình có tác dụng ngược với việc“hấp dẫn” người học

      Trên thực tế, có nhiều “cách” mà các giáo viên dạy ngoại ngữ hay áp dụng, và đó chính là nỗi niềm trăn trở của họ nhằm thu hút người học đến lớp và nhằm giúp người học cảm thấy hấp dẫn với lớp học và học tập trung hơn, hiệu quả hơn. Nhưng qua thực tế trải nghiệm, những cách vô tình làm “chết” khả năng sáng tạo của người học, thường gặp là:

  1. Giáo viên nói nhiều hơn so với học viên.Tôi đã tham gia khoá học tại đại học ngoại ngữ, có rất nhiều giảng viên giảng dạy cho tôi trong 2,5 năm và qua kiểm chứng từ bản thân và bạn bè, chúng tôi thấy rằng, hầu hết giáo viên đã nói nhiều hơn so với học viên. Một nghịch lý là, chúng tôi đến lớp để học NÓI chứ không phải ĐẾN NGHE giáo viên “thuyết trình”. Lẽ ra, nên cần để học viên nói nhiều hơn và nhiệm vụ của giáo viên là góp ý. Các bạn có thể phản biện rằng: “Nhưng học viên họ lười, không chịu nói”. Đó lại hoàn toàn là một vấn đề khác, điều đó thuộc về kỹ năng “kích thích” của người dạy. Nhưng rõ ràng là, ở lớp học ngoại ngữ, nhất là bậc đại học trở lên, học viên phải là người nói. Cũng không phủ nhận rằng có một số học viên thích cách dạy này vì có những giảng viên nói rất thu hút. Nhưng bên cạnh đó thì nhiều học viên phản ứng rằng họ đang đi học tiếng, chứ không phải là xem thuyết trình (nhất là lại bằng tiếng Việt hoặc lồng ghép Việt – Anh). Học viên càng có cơ hội giao tiếp bằng ngôn ngữ mình đang học sẽ càng tiến bộ. Giáo viên chỉ là để hướng dẫn các học viên.

2.2. Thực hiện những hoạt động “lãng phí” thời gian… như việc giáo viên photocopy bài tập và đưa cho học viên làm trên lớp. Chúng tôi gọi đây là một cách lãng phí thời gian của người học, còn giáo viên bị nhìn nhận như là người lười biếng. Vì không có gì nhàn hơn cho người dạy là đưa cho người học 1 tập tài liệu (có thể ở đâu đó hoặc thường là đã có đáp án sẵn), thả cho người học cặm cụi như Tấm ngồi nhặt thóc. Sau đó, công việc của người dạy là đọc đáp án (có người thậm chí còn không lý giải vì sao có đáp án như vậy). Thực ra, kiểu làm bài này cũng cần thiết, nhưng chủ yếu là với dạng bài tập luyện nhanh sau mỗi phần lý thuyết vừa học, để giúp người học vận dụng các vấn đề lý thuyết đã được học. Về bản chất, cái mà người học cần ở đây là kỹ năng trau dồi ngôn ngữ giao tiếp ngay trên lớp học. Các bài tập kiểu đó chủ yếu là cho về nhà để làm mà không nên trở thành việc chính.

2.3.Mở các bài hát cho học viên nghe và điền vào chỗ trống. Đã có và đang có nhiều  giáo viên đến lớp và bật một bài hát cho học viên nghe, đây từng được coi là cách hấp dẫn trong những thập niên 90, khi mà internet chưa phát triển, việc được nghe một bài hát bằng tiếng nước ngoài còn là điều xa xỉ. Theo cách này, người học có trách nhiệm lắng nghe và điền vào chỗ trống trên một tờ giấy. Hiện nay, với phương pháp này, chúng tôi cũng từng bình luận rằng đây chính là một cách khác lãng phí thời gian. Bởi lẽ, việc nghe bài hát không giống nghe lời nói bình thường. Ngôn ngữ trong bài hát không giống văn phạm thông thường (nếu học theo, đôi khi người học bị rối và bị lẫn khi sử dụng, nhất là những học viên chưa có trình độ văn phạm cao). Hơn nữa, đối với chương trình đại học, thì giải pháp này chỉ nên dùng để thư giãn giữa các giờ học căng thẳng, như là một cách giải trí chứ không nên xem là một phương pháp giảng dạy mang tính học thuật, bởi lẽ thời lượng học trên lớp so với lượng thông tin cần chuyển tải đã vốn không tương xứng. Ngoài ra, việc học từ vựng kiểu này nên dùng khuyến khích người học thực hiện tại nhà, sử dụng máy nghe nhạc của riêng mình. Bởi lẽ, chúng ta đang ở kỷ nguyên công nghệ số, tất cả các bài hát tiếng nước ngoài đều có thể được nghe trên các phương tiện kỹ thuật một cách tiện lợi nhất, ở bất cứ đâu và trong bất cứ thời gian nào phù hợp với người học, mà không cần phải ngồi tập trung trong một lớp học và người học không cần trả tiền cho việc đó. Người học có thể được gợi ý tự nghe bài hát, tự “gỡ băng” và nếu “kẹt” họ đã có phần lời của bài hát trên google để giúp họ tra cứu khi không tự mình nghe hết được các từ trong câu hát.

2.4.Sử dụng quá nhiều, quá thường xuyên trò chơi trong lớp học.Lại một lần nữa phải khẳng định, sinh viên đại học không đến lớp ngoại ngữ để chơi trò chơi vì họ có thể chơi game ở nhà và với nhiều trò còn hay hơn của giáo viên. Điều phản tác dụng là, trò chơi thường khiến sinh viên phân tâm, mất tập trung khỏi các kỹ năng thực tế. Hoạt động thư giãn qua trò chơithường khiến học viên cảm thấy thích thú với trò chơi đó và dư âm của nó sẽ kéo dài khiến họ không muốn tham gia vào các hoạt động chuyên môn đòi hỏi sự tập trung trí tuệ cao độ.

2.5.“Du di” về giờ giấc lớp học.Giảng viên thường “tôn trọng” người học quá mức, đôi khi muốn tạo tâm lý thoải mái cho người học nên việc sinh đến muộn thường được châm trước. Kinh nghiệm cho thấy, việc giáo viên dễ dãi về giờ giấc khiến học viên có cảm giác nuông chiều bản thân, không đến đúng giờ vì nhiều lí do không chính đáng, thậm chí không cần lý do. Điều này thực ra khiến cho các giáo viên cảm thấy thiếu tôn trọng và đặc biệt là ảnh hưởng không khí của lớp học. Việc thoải mái của giáo viên không phải là cách làm tốt đối với người học, không tạo sức ép cho họ hoặc có thể nói là đồng loã với học trong việc bớt xén thời gian đã thoả thuận. 

  1. Người dạy tốt – Yếu tố quan trọng hàng đầu hấp dẫn người học

Đối với cáccác trung tâm ngoại ngữ nói riêng, với cơ sở đào tạo cũng như vậy, đội ngũ giáo viên có vai trò quyết định đến chất lượng dạy và học. Đây cũng là điều quan tâm nhất của học viên khi lựa chọn một trung tâm ngoại ngữ uy tín để theo học. Trong trường đại học và trong một môn học cũng vậy, sinh viên thường lựa chọn lớp học hoặc buổi học có giảng viên tốt để học. Chính vì thế, theo quan điểm của cá nhân tôi, trong các yếu tố “hấp dẫn” người học, thì giảng viên là yếu tố quyết định. Giảng viên tốt chính là điều mà học viên muốn.

Có thể so sánh từ thực tế, các trung tâm ngoại ngữ có sự tham gia giảng dạy của giáo viên bản ngữ thường thu hút học viên hơn. Tuy nhiên, nói một cách công bằng, chất lượng giảng dạy không phụ thuộc hoàn toàn vào tỷ lệ giáo viên bản ngữ. Điều cơ bản là chất lượng của giáo viên giảng dạy như thế nào không tuỳ thuộc vào việc họ là bản ngữ hay là người Việt. Từ kinh nghiệm của người học, chúng tôi thấy rằng, có giáo viên là người nước ngoài, nhưng không có phương pháp giảng dạy thì người học sẽ nhanh chán hơn khi học với giáo viên người Việt nhưng có phương pháp và phát âm tốt. Chưa kể, có giáo viên là người nước ngoài nhưng phát âm không chuẩn bằng giáo viên người Việt (do giọng nói mang đặc thù địa phương không phải giọng chuẩn), thì kết quả còn tệ hơn rất nhiều.

Vậy người dạy tốt dưới lăng kính của người học sẽ cần có những phẩm chất gì?

Thứ nhất, đó phải là người có chuyên môn tốt:Tức là, người dạy phải có kiến thức chuyên môn sâu về nội dung mình giảng dạy.

Khi giảng bất cứ môn gì trong chương trình đào tạo của mình giảng viên cũng phải đảm bảo rằng mình hiểu sâu sắc về nội dung đó. Chẳng hạn, nếu bạn là người dạy môn ngữ pháp tiếng Anh, bạn cần phải là người đã được đào tạo về giảng dạy ngữ pháp hoặc phải là người đã được đánh giá bằng một chuẩn mực quốc tế nhất định về ngữ pháp. Điều đó sẽ giúp cho người học ở các trình độ khác nhau có thể thấy tin tưởng vào năng lực của người dạy và sự ngưỡng mộ tri thức của người dạy sẽ là động lực cho người học đến lớp. Có nhiều giảng viên dạy tiếng Anh, song không có thực sự nhiều người có “thương hiệu” đến mức học viênsẵn sàng trả tiền và xếp hàng để được học giáo viên đó.

Học ngoại ngữ là học một ngôn ngữ của một quốc gia, một dân tộc chứ không đơn thuần là học các từ vựng rời rạc. Học ngôn ngữ là để giao tiếp, giao tiếp với trước hết là những người đến từ nước nói thứ tiếng đó nên phải hiểu văn hoá của dân tộc nói thứ tiếng đó. Nếu dạy ngôn ngữ thông thường (Francais general/General Enghlish), người dạy phải có những hiểu biết nhất định về văn hoá của dân tộc đó, ví dụ: bạn dạy tiếng Anh của người Mỹ, nên hiểu về văn hoá Mỹ; nếu dạy tiếng Anh của người Anh nên hiểu về văn hoá của người Anh. Khi lý giải về ngữ nghĩa của các từ, đôi khi, người Anh và người Mỹ dùng từ khác nhau để chỉ cùng một sự vật, hiện tượng… đều có căn nguyên nhất định từ văn hoá và lịch sử. Nếu bạn có thể lý giải được dưới góc độ văn hoá, sinh viên sẽ thấy hấp dẫn hơn nhiều và họ có thể nhớ được từ vựng đó từ câu chuyện văn hoá.

Dạy ngôn ngữ chuyên ngành là điều khó khăn hơn, đòi hỏi người dạy phải có chuyên môn sâu về lĩnh vực đó, để đảm bảo rằng khi giảng dạy ngôn ngữ chuyên ngành, người giảng có thể lý giải đến tận cùng vấn đề, khiến người học được thuyết phục. Học ngôn ngữ không chỉ là học những từ ngữ rời rạc mà là học một vấn đề bằng thứ ngôn ngữ đó. Để có thể sử dụng những từ vựng trong lĩnh vưc chuyên môn, người dạy phải giúp người học hiểu được nội dung của thuật ngữ và đặt trong bối cảnh của chuyên môn. Ví dụ: khi bạn dạy tiếng Anh hoặc tiếng Pháp pháp lý (legal English/francais juridique), bạn phải hiểu nội dung pháp lý của từ vựng đó (ví dụ: Tort/Trust trong tiếng Anh hay Discriminaire trong tiếng Pháp), mà ngay cả khi hiểu luật pháp Việt Nam cũng không lý giải được mà phải hiểu hệ thống pháp lý của nước đó. Đôi khi, học viên là người có hiểu biết rất sâu sắc về chuyên môn đó, nếu người dạy lý giải thuật ngữ không phù hợp với vấn đề nội dung, sẽ khiến học viên thấy không tin tưởng giáo viên, điều đó làm giảm sự thu hút người học. Khi đó, người học sẽ “tạm thời chấp nhận” cố theo nốt bài học đó, giáo viên đó, nhưng sẽ không ghi nhớ nội dung được dạy. Chúng tôi đã từng học môn kinh tế học, theo đó, các thuật ngữ kinh tế được giảng viên giải thích gắn với cách hiểu của luật Mỹ (đôi chỗ không tương thích với pháp luật Việt Nam), trong lớp có một số chuyên gia kinh tế và luật, nên đã có những tranh luận tốn rất nhiều thời gian. Hoặc khi giảng viên giảng 1 chương về tôn giáo nhưng không hiểu được các vấn đề nội dung của tôn giáo, chẳng hạn về đạo Phật, Hindu, Hồi… khiến cho việc dịch các thuật ngữ trở nên vô cùng vất vả. (ví dụ: Drama/Sangara).

Nếu trong trường hợp không được đào tạo chuyên môn sâu, người dạy phải có khả năng hướng dẫn người học tìm hiểu về chuyên môn. Ví dụ, về lĩnh vực thương mại, giảng viên có thể giới thiệu cho sinh viên rằng có 5 website giúp bạn tự học tiếng Anh thương mạitrong đó, sinh viên sẽ tìm thấy nhiều nội dung về phỏng vấn, lỗi thường gặp khi giao tiếp tiếng Anh trong công việc, cách giao tiếp tiếng Anh bằng văn bản, như:Breaking News English: Trang web này chứa hàng nghìn bài tập tiếng Anh đa dạng về thể loại, nội dung, hình thức và cấp độ người học. Việc bạn cần làm là tìm kiếm một bài báo liên quan tới kinh doanh hoặc các tin tức thế giới để hoàn thiện bài tập.Your Business English (Trang web cung cấp miễn phí các bài học và bài tập tiếng Anh thương mại với nội dung cập nhật hàng ngày).BBC Learning English(có nhiều bài học ngắn về London, các bản tin thời sự hàng ngày dài 6 phút, có bài tập trắc nghiệm, học tiếng lóng hoặc học bí kíp phát âm theo chuẩn Anh – Anh).Business English Site (Các bài tập ngữ pháp và từ vựng không chỉ liên quan tới tiếng Anh kinh doanh mà còn về chuyên ngành công nghệ thông tin, y dược…).Business English Pod (Website chứa các tệp âm thanh dài về đa dạng nội dung trong hoạt động kinh tế, kinh doanh như đàm phán, họp, thuyết trình, quản lý, giao tiếp[8]…). Qua đó, người học có thể tự trau dồi năng lực của mình mà thời gian trên lớp không đủ và ngay cả giáo viên cũng không thể giúp họ làm được. Khi có sự chỉ dẫn đó, sinh viên tin tưởng rằng, ít nhất giáo viên dạy mình có đủ điều kiện để hướng dẫn cho mình học được nội dung đó.

Thứ hai, người dạy tốt phải là người có phong cách giảng dạy hấp dẫn.

Phong cách thuộc về hình thức, nhưng là yếu tố khiến người học thấy hứng thú khi đến lớp và hứng thú với việc thể hiện bản thân. Thể hiện bản thân là điều cần thiết trong các lớp học ngoại ngữ. Chính vì vậy, phong cách người dạy là điều tạo hứng thú cho người học. Phong cách thể hiện trên hai khía cạnh chính:

  • Hình thức: là vẻ đẹp bên ngoài. Không cần phải là một giảng viên thật trẻ, không cần phải là một giảng viên thật đẹp, nhưng hoàn toàn có thể là giảng viên hấp dẫn nếu khi lên lớp nếu giảng viên quan tâm đến trang phục và vẻ bề ngoài ở một mức độ cần thiết. Tôi đã có một người thầy rất trẻ, tuy không có chiều cao lý tưởng nhưng luôn luôn có những trang phục rất đẹp, khiến người học thấy ở thầy sự tôn trọng đối với người học và sự chú tâm của thầy vào việc đến lớp. Điều đó tạo nên một sự tôn trọng từ hai phía và người học có hứng thú từ những điều nhỏ như vậy. 
  • Tác phong khi giảng dạy: Có nhiều kiểu tác phong khác nhau có thể hấp dẫn người học, nhưng chắc chắn không phải việc giảng viên ngồi một chỗ với một vẻ mặt trang nghiêm để giảng bài hoặc bấm slide. Phong cách có thể là sôi nổi, cũng có thể thâm trầm một cách sâu sắc tuỳ thuộc cá tính mỗi người, nhưng cần phải có phong cách phù hợp với môn học và để người học thấy ấn tượng một cách tích cực. Sinh viên hoàn toàn có thể nhớ bài học thông qua biểu hiện, qua phát âm, hoặc qua thái độ của giảng viên khi giảng bài.

Thứ ba, người dạy tốt phải là người có khả năng kích thích người học bằng việc tạo áp lực và giúp người học giải toả áp lực.

 Kinh nghiệm học ngoại ngữ cho thấy, một lớp học ngoại ngữ tốt là khi cả giáo viên và sinh viên làm việc cùng nhau. Đây không còn là thời mà giáo viên chỉ đâm đầu vào thuyết giảng, còn học viên lặng lẽ lắng nghe. Sinh viên cần chăm chỉ làm việc. Đã có giảng viên muốn sinh viên bước vào lớp học với một bài thuyết trình đã chuẩn bị sẵn, và sau đó tất cả mọi người chỉ nói tiếng Anh liên tục trong toàn bộ thời gian ở lớp. Mỗi nhóm học viên được giao một bài tập nhất định và phải hoàn thành trước khi đến lớp. Với cách này, sinh viên phải có  trách nhiệm với việc học tập của mình, khuyến khích họ đến lớp đúng giờ. Lớp học bắt đầu với mười lăm phút khởi động phát âm. Sau đó, hầu hết công việc trong lớp là dành cho sinh viên. Giảng viên lúc đó chỉ đóng vai trò khuyến khích, hỗ trợ và ghi lại quá trình tiếp thu của các học viên học đối với các phần học trên lớp. Lớp được thiết kế hướng đến những mục tiêu sau:

Khuyến khích phát triển các hoạt động tập trung vào các khía cạnh khác nhau của lời nói. Theo đó, sinh viêncó thể sẽ phải chuẩn bị bài phát biểu dưới dạng văn bản (viết).Thứ hai, sinh viên làm bài phát biểu ngẫu hứng.Thứ ba, phản ứng nhanh với câu hỏi được chuẩn bị sẵn/ câu hỏi bất ngờ trong nhiều tình huống khác nhau.Thứ tư, trình bày trước lớp.

Phát triển kỹ năng lãnh đạo. Theo đó, sinh viên phải tự dẫn dắt nhóm của mình.  Giảng viên sẽ cung cấp kỹ năng giúp học viên thực hiện các hoạt động mà các học viên tự thiết kế. Đôi khi sinh viên được chỉ định để lựa chọn từ vựng, cụm động từ, và các thành ngữ để dạy cho cả lớp học.

Phát triển kỹ năng tranh luận. Sinh viên học cách làm thế nào để đồng ý và không đồng ý, tìm kiếm giải pháp, và phản ứng nhanh.

Phát huy trách nhiệm với tập thể. Sinh viên đã buộc phải xử lý vấn đề trách nhiệm với việc học của mình, nhóm mình và tầm quan trọng của việc đến đúng giờ (1 người trong nhóm không có mặt, bài của nhóm không được trình bày). Giáo viên phải lắng nghe, kiểm tra lỗi ngữ pháp và phát âm trong bài phát biểu của các học viên của mình để cung cấp cho họ thông tin phản hồi vào cuối giờ  học.

Đây là một phương pháp với nhiều công đoạn. Lúc đầu sinh viên cóvẻ hứng thú với phương pháp học đó. Và rồi đến tuần thứ 2, chúng tôi thấy đó như là một công việc khó khăn, khiến tất cả chán nản, mệt mỏi thậm chí xung đột với nhau, khiếu nại đã xảy ra. Nhưng sau khoá học, mọi người đều nhận ra rằng số từ vựng họ học được từ môn học đó chiếm tỷ lệ tương đối cao trong tổng số từ vựng mà họ “nạp” được. Nếu giáo viên không ép, hẳn là sinh viên đã rất lười và không học thêm được là bao. Đặc biệt là sau môn học, mọi người biết quan tâm đến nhau hơn vì trong suốt thời gian học, sinh viên phải đốc thúc thành viên trong nhóm đi học để được tính điểm.

Từ đó thấy rằng, việc giảng viên tạo áp lực cho sinh viên cũng là cách tạo hứng thú. Điều đó phụ thuộc vào sự kiên trì và kinh nghiệm của người dạy. Giảng viên phải thật sự tâm huyết và rất kiên trì với nguyên tắc của mình: nguyên tắc về giờ giấc, nguyên tắc về bài tập, nguyên tắc về cách thưởng, phạt. Ban đầu có thể rất khó, nhưng thực sự đó là cách làm hiệu quả duy trì hứng thú cho người học, vì họ cảm thấy có ích.

  1. Giải pháp để tăng khả năng thu hút người học từ phía người dạy trong điều kiện của Trường Đại học Luật Hà Nội

Đầu tư về trang thiết bị và điều kiện học tập là công việc nhà trường đã và đang tiếp tục thực hiện. Dưới góc tiế cận của chúng tôi ở bài viết này, đầu tư cho người dạy – các giảng viên ngoại ngữ là giải pháp cần tập trung.

  1. Giảng viên cần được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn: Với các giảng viên giảng dạy ngôn ngữ nói chung, cần được đào tạo đủ năng lực theo các chuẩn quốc tế (IELTS, TOFEL, TOEIC…). Nếu giảng chuyên môn chuyên về ngôn ngữ (theo chuyên ngành ngôn ngữ Anh, cần được đào tạo các văn bằng chính thức để tăng độ dày chuyên môn.
  • Với các giảng viên dạy ngôn ngữ chuyên ngành (luật), cần được đào tạo luật và được bồi dưỡng thường xuyên các chuyên đề pháp lý liên quan đến nội dung giảng dạy. Giảng viên ngoại ngữ cần được khuyến khích tham dự các hội thảo quốc tế tại Việt Nam, tại trường để “cọ sát” kinh nghiệm sử dụng ngôn ngữ chuyên ngành, để những thuật ngữ giảng dạy không phải là những “từ chết”.
  • Cần huy động giảng viên ngoại ngữtham gia vào các hoạt động chuyên môn khác: như chuyển tải các nội dung trên Cổng thông tin sang tiếng Anh; tham gia dịch và viết astract cho các bài nghiên cứu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp trên tạp chí hoặc trong list danh mục điện tử của thư viện. Những hoạt động này có thể được tính thành giờ nghiên cứu khoa học hoặc được tính thù lao tuỳ theo hoạt động và phù hợp với quy chế chi tiêu nội bộ (trong trường hợp cần thiết, có thể bổ sung trong quy chế chi tiêu nội bộ).

Với giải pháp này, ngoài sự quan tâm và đầu tư của Nhà trường thì quan trọng là nhu cầu tự thân và sự tự nguyện của giảng viên. Chỉ có giảng viên mới là người hiểu rõ về nhu cầu nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân phù hợp với môn học mà mình đảm nhiệm. Giảng viên cần chủ động tìm kiếm và đề xuất những khoà học phù hợp với mình để được trau dồi năng lực chuyên môn thường xuyên. Năng lực của giảng viên chính là tài nguyên của Nhà trường. Vì thế, đầu tư cho giảng viên với những cam kết đầy đủ là sự đầu tư tiềm năng.

  1. Bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giảng viên ngoại ngữ

Phương pháp giảng dạy cũng như phong cách của mỗi giảng viên đôi khi là vấn đề năng khiếu của mỗi người. Tuy nhiên, nếu được tập huấn phương pháp giảng dạy, kỹ năng tổ chức lớp học… thì giảng viên sẽ dần trở nên thành thạo về phương pháp. Mọi sự thành thạo đều góp phần tạo nên phong cách, trong đó, tự tin cũng là một loại phong cách.

- Nhà trường cần ưu tiên các khoá bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giảng viên ngoại ngữ (có những đặt thù nhất định trong giảng ngoại ngữ). Bộ môn ngoại ngữ cần chủ động tìm kiếm các lớp phương pháp giảng dạy đặc thù (thường là do các dự án nước ngoài thiết kế hoặc các chương trình tập huấn của các trường đào tạo ngoại ngữ tổ chức) để đề xuất với Trung tâm ĐBCLĐT và Phòng TCCB của Trường để mở lớp hoặc gửi giảng viên Bộ môn tham gia các chương trình.

- Cần có các đề án để huy động nguồn giảng viên bộ môn ngoại ngữ tham gia trong đó có sự phối hợp với các chuyên gia nước ngoài để phát triển kỹ năng làm việc nhóm cho giảng viên ngoại ngữ kết hợp với phát triển ngôn ngữ. Kinh nghiệm làm việc nhóm thuần thục sẽ giúp giảng viên có kỹ năng để hướng dẫn sinh viên khi tổ chức lớp học một cách thuần thục và tinh tế.

- Giảng viên ngoại ngữ cần được học phát triển kỹ năng mềm: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nắm bắt tâm lý người học… dạy học nói chung và dạy ngôn ngữ nói riêng muốn hiệu quả, cần có sự hiểu biết về tâm lý. Giao lưu ngôn ngữ sẽ chỉ hiệu quả khi hai bên có nhu cầu nói chuyện với nhau. Nếu không, sẽ là trở ngại rất lớn trong việc dùng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ để giải quyết các vấn đề chuyên môn. Nắm bắt tâm lý để chuyển tải thông điệp bằng ngon ngữ khác sẽ là kỹ năng giảng viên ngoại ngữ cần được trau dồi. Trong tiếng Anh có câu: “Bạn có thể dẫn một con ngựa đến nguồn nước nhưng bạn không thể bắt nó uống”. Người dạy phải có khả năng khuyến khích người học muốn học và tự học.

Kết luận

Phải mất nhiều năm để có thể thành thạo một ngôn ngữ và chỉ có một cách là liên tục nghiên cứu và có thói quen học tập tốt. Điều quan trọng nhất về học ngôn ngữ là phải có một phương pháp hiệu quả để học ngôn ngữ đó.Với tất cả mọi thứ trong cuộc sống, mọi người cần phải chịu trách nhiệm và làm việc chăm chỉ nếu muốn nhìn thấy sự hoàn thiện của bản thân. Nhưng trước khi đạt được điều đó hoặc là song song cùng với việc tự hoàn thiện mình, người học cần có được “sức hút” từ bên ngoài, mà trước hết chính là từ phía người dạy.

Các ý kiến trao đổi và kiến nghị trên đây của chúng tôi là ý kiến cá nhân, xuất phát từ kinh nghiệm thực tế qua quá trình đi học ngọi ngữ, đây đó có thể không phù hợp với quan điểm của các tác giả trong bài viết khác, rất mong nhận được trao đổi và phản hồi để tìm kiếm những giải pháp hiệu quả cho việc dạy ngoại ngữ cho sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội.

 

 

 

 

NGHIÊN CỨU KHẢO SÁT HỨNG THÚ HỌC TẬP MÔN TIẾNG ANH PHÁP LÝ CỦA SINH VIÊNNĂM 2 NGÀNH LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NHẰM TẠO HỨNG THÚ CỦA NGƯỜI HỌC ĐỐI VỚI MÔN HỌC

 

Th.S. Lã Nguyễn Bình Minh

 

1. Đặt vấn đề

Tiếng Anh pháp lý là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo các mã ngành Ngôn ngữ Anh(NNA), Luật Thương mại Quốc tế (TMQT), Luật Chất lượng cao (CLC) tại trường Đại học Luật Hà Nội. Môn học được thiết kế nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động về nguồn lao động có năng lực tiếng Anh nói chung và năng lực tiếng Anh chuyên ngành nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hoá quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến lĩnh vực thương mại quốc tế. Thực tế trên đòi hỏi những người làm trong lĩnh vực pháp luật không chỉ cần có kiến thức về hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới mà phải có khả năng sử dụng tiếng Anh trong lĩnh vực pháp luật để có thể tìm hiểu pháp luật của các quốc gia khác, làm việc với khách hàng quốc tế, trợ giúp khách hàng trong nước hoặc quốc tế giải quyết các vụ việc, các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Học tập các môn học nói chung và môn TAPL trong trường có vai trò quan trọng trong việc trang bị những kiến thức và hình thành các kỹ năng cần thiết cho người học. Để quá trình học tập đạt hiệu quả tốt, người học cần có hứng thú học tập đối với môn học. Hứng thú học tập là thái độ nhận thức đặc biệt của chủ thể đối với hoạt động học tập. Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng biểu hiện cao nhất của sự hứng thú học tập đó là chủ thể tích cực, chủ động để tiếp cận, khai thác và chiếm lĩnh tri thức. Lúc này, đối tượng học tập sẽ thúc đẩy sinh viên tiến hành thực hiện hệ thống hành vi học tập tích cực nhằm chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo.

Tuy nhiên, từ quan sát của người nghiên cứu là người trực tiếp tham gia giảng dạy môn TAPL cho sinh viên các ngành NNA, Luật TMQT, Luật CLC, tác giả nhận thấy nhiều sinh viên chưa thể hiện sự hứng thú đối với môn học, thể hiện ở chỗ sinh viên học tập một cách thụ động, chưa tích cực, chưa có thái độ đúng đắn đối với môn học. Chính vì vậy, mục đích của nghiên cứu này là tìm ra nhữngyếu tố tác động đến hứng thú học tập môn TAPL của sinh viên các ngành trên, phân tích các nguyên nhân, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy hứng thú của sinh viên khi học tập môn học này.

2. Đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Hứng thú học tập môn TAPL của sinh viên ngành Luật TMQT tại trường Đại học Luật Hà Nội.

Khách thể và phạm vi nghiên cứu: 90 sinh viên năm 2 ngành Luật TMQT tại trường Đại học Luật Hà Nội.

Tác giả lựa chọn sinh viên năm 2 ngành Luật TMQT làm khách thể nghiên cứu vì 2 lý do chính. Một là, đối tượng sinh viên học TAPL tương đối nhiều, gồm NNA, Luật TMQT, Luật CLC; họ lại có những đặc điểm khác nhau về trình độ, điều kiện học tập, chương trình, giáo trình…; do vậy, tác giả chưa thể tiến hành nghiên cứu trên tất cả khách thể này. Hai là, sinh viên ngành Luật TMQT đã hoàn thành 03 học phần tiếng Anh pháp lý, vì thế, những đánh giá, phản hồi của người học sẽ đầy đủ và đáng tin cậy hơn.

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu sử dụng kết hợp các phương pháp là định tính và định lượng để thu thập số liệu cho đề tài nghiên cứu.Tác giả sử dụng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi và phỏng vấn sâu. Trước tiên, tác giả phỏng vấn sâu nhiều sinh viên về những yếu tố ảnh hưởng đến hứng thú học tập môn TAPL của họ. Sau đó, dựa trên câu trả lời của những người được hỏi, người làm nghiên cứu tiến hành liệt kê những yếu tố được sinh viên liệt kê nhiều nhất để xây dựng một bảng hỏi. Bảng hỏi được thiết kế theo thang 5 mức độ của Likert và được phát cho 90 sinh viên năm 2 ngành Luật TMQTđể khảo sát mức độ hài lòng của họ về các yếu tố trên. Sinh viên trả lời bằng cách khoanh tròn vào ô tương ứng với câu hỏi từ 1 – 5 (từ không hài lòng đến rất hài lòng). Các kết quả thu được sẽ được phân tích, tổng hợp và mô tả.

3. Cơ sở lý luận và thực tiễn

3.1. Một số khái niệm

Tiếng Anh chuyên ngành

Thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành (ESP) được sử dụng để phân biệt với một thuật ngữ khác là tiếng Anh cơ sở (GE). Có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm tiếng Anh chuyên ngành, trong đó phải kể đến định nghĩa của một số tác giả như Munby (1978), Robinson (1991), Dudley-Evans (1998).

Theo Munby (1978), ESP là các khoá học tiếng Anh trong đó nhu cầu giao tiếp của người học chi phối toàn bộ chương trình và tài liệu giảng dạy.

Robinson (1991) cho rằng ESP là các khoá học tiếng Anh thường hướng tới mục tiêu cuối cùng và dựa trên cơ sở khảo sát, phân tích nhu cầu nhằm xác định cụ thể học viên phải làm gì và làm được gì thông qua phương tiện tiếng Anh.

Dudley-Evans (1998) đề cập tới một số đặc điểm sau: ESP được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu cụ thể của người học; nó sử dụng các phương pháp và hoạt động [ngôn ngữ] của chuyên ngành mà nó phục vụ; nó tập trung vào kiểu loại ngôn ngữ phù hợp với các hoạt động này về ngữ pháp, từ vựng, ngữ vực, kĩ năng học tập, diễn ngôn và phong cách.

Tiếng Anh pháp lý

Tiếng Anh Pháp Lý (TAPL) đã trở thành một bộ phận của ngành ngôn ngữ học hiện đại, hay được gọi là một “Tiểu Ngôn Ngữ” bởi TAPL phân biệt nó rất rõ với Tiếng Anh phổ thông về cấu trúc, từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp và các đặc trưng ngôn ngữ khác. Cách dùng chuyên biệt của một số thuật ngữ và các kiểu cấu trúc ngôn ngữ điều chỉnh cách dạy TAPL.

Hứng thú

Theo từ điển bách khoa tiếng Việt: “Hứng thú là hình thức biểu hiện tình cảm và nhu cầu nhận thức của con người nhằm ý thức một cách hào hứng về mục đích hoạt động, nhằm tìm hiểu sâu hơn, phản ánh đầy đủ hơn đối tượng trong đời sống hiện thực”; “Hứng thú tạo nên ở chủ thể khát vọng được tiếp cận và đi sâu vào đối tượng, làm nảy sinh cảm xúc tích cực (hài lòng, phấn khởi, yêu thích), nâng cao mức tập trung, chú ý và khả năng làm việc. Khi được làm việc phù hợp với hứng thú, dù phải vượt qua khó khăn, con người vẫn cảm thấy thoải mái và đạt kết quả cao”.

Hứng thú học tập tiếng Anh nói chung và TAPL nói riêng là xu hướng tâm lý của người học có nhu cầu đúng đắn về học tập môn học này. Biểu hiện của hứng thú học tập là trên lớp, sinh viênthường chú ý cao độ vào bài giảng, tích cực tham gia vào các hoạt động học tập mà giáo viên yêu cầu, ham tìm hiểu những cái mới, cái chưa biết, không ngại khó khăn và không có các biểu hiện tiêu cực như chán nản, thụ động, buồn ngủ hay nói chuyện riêng trong lớp.

3.2. Thực trạng dạy và học môn TAPL tại Trường Đại học Luật Hà Nội

Như trên đã nêu, môn TAPL là môn học bắt buộc được giảng dạy cho sinh viên ngành Luật TMQT. Mục đích của môn học là trang bị cho người học vốn từ vựng và kiến thức chuyên ngành nhất định liên quan đến các lĩnh vực pháp luật khác nhau như luật hình sự, dân sự, thương mại, sở hữu trí tuệ, hợp đồng…

- Thời lượng:Môn TAPL cho sinh viênngành Luật TMQT có thời lượng 5 học phần (15 TC trong đó có 3 học phần TAPL cơ sở và 2 học phần TAPL nâng cao, mỗi học phần 3 TC).Chương trình đào tạo mã ngành Luật TMQT không có thời lượng dành cho tiếng Anh cơ bản.

- Chương trình:Chương trình TAPL được xây dựng dựa trên 2 cơ sở chính, một là, yêu cầu chuẩn đầu ra về năng lực và trình độ ngoại ngữ của người học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo; hai là, thời lượng được phân bổ cho mỗi học phần và tổng thời lượng môn học trong tổng thể chương trình đào tạo của từng mã ngành. Trên cơ sở những đánh giá, phân tích những cơ sở trên, bộ môn tiến hành lựa chọn giáo trình, tài liệu tham khảo phù hợp và xây dựng đề cương môn học.

Giáo trình được lựa chọn giảng dạy cho môn học này là các của các nhà xuất bản nước ngoài, bao gồm các giáo trình chính như Professional English in Use – Law by Gillian D.Brown, Sally Rice của NXB Cambridge, và giáo trình bổ trợ Introduction to International Legal English by Amy Krois-Lindner, Matt Firth and TransLegal của NXB Cambridge. Nội dung của hai cuốn giáo trình này cung cấp cho người học vốn từ vựng về nhiều ngành luật khác nhau như đã nêu ở phần trên. Tuy nhiên, do giáo trình được xuất bản ở Anh mà hệ thống pháp luật ở quốc gia này là Common Law (thông luật), do vậy những kiến thức mà sinh viên được cung cấp thông qua các kỹ năng nghe hiểu và đọc hiểu hầu hết đều về hệ thống pháp luật Common.

- Phương pháp giảng dạy: TAPL là một bộ phận của tiếng Anh cơ sở, do đó phương pháp giảng dạy TAPL cũng giống như dạy tiếng Anh cơ sở (Robinson (1991), thể hiện ở chỗ mỗi bài học sẽ cung cấp cho người học vốn kiến thức về ngữ pháp, từ vựng, cấu trúc… và tăng cường các kỹ năng ngôn ngữ nghe, nói, đọc, viết cho sinh viên thông qua các hoạt động trên lớp học. Tuy nhiên, không giống như tiếng Anh cơ sở - thường chạy theo các trào lưu như phương pháp giao tiếp (CLT) hay phương pháp giao nhiệm vụ (TBLT), TAPL chú trọng hơn vào việc cung cấp các thuật ngữ chuyên ngành, phương pháp giảng dạy được áp dụng chủ yếu là phương pháp ngữ pháp-dịch (grammar-translation). Hơn nữa, bản thân sinh viên cũng thiếu kiến thức nền về các ngành luật hẹp, do môn TAPL thường được xếp giảng vào học kỳ 2 trở đi, và sinh viên chưa được học nhiều các chuyên ngành luật hẹp bằng tiếng Việt. Do vậy rất ít các hoạt động giao tiếp được thực hiện trên lớp, hoặc nếu có được thực hiện thì chưa thực sự hiệu quả.

- Giảng viên: Theo quy chế chuyên môn đang được áp dụng tại Bộ môn Ngoại Ngữ, để tham gia giảng dạy môn TAPL, giảng viên tiếng Anh phải có bằng cử nhân luật hoặc đang theo học cử nhân luật vì 2 lý do. Một là, ngôn ngữ pháp lý đòi hỏi sự chuẩn xác cao độ, do vậy, giảng viên cần hiểu và truyền đạt một cách chính xác các thuật ngữ, khái niệm pháp lý từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích cho người học. Hai là, giảng viên cần có kiến thức cơ bản về hệ thống pháp luật Việt Nam, trên cơ sở đó có thể hiểu và đối chiếu, so sánh với hệ thống pháp luật Common.

4. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

Bảng câu hỏi được thiết kế nhằm thu thập các thông tin về 1) mẫu (ngành học, học phần TAPL đã/ đang học và trình độ tiếng Anh trước khi học tiếng Anh pháp lý); 2) mức độ hứng thú học tập đối với môn TAPL của mẫu và 3) mức độ hài lòng của người học về các nhóm tiêu chí: yếu tố khách quan (cơ sở vật chất, học liệu, giáo trình, người dạy) và yếu tố chủ quan (bản thân người học).

4.1. Phân tích mô tả mẫu

Tất cả 90 sinh viên ngành TMQT được khảo sát đều đã hoàn thành 3 học phần TAPL tại trường. Về trình độ tiếng Anh trước khi học TAPL, 13.4% (12/90 SV) tự đánh giá có trình độ A2, 11.1% có trình độ B2 và đại đa số sinh viên (75.5%) tự đánh giá có trình độ tiếng Anh trình độ B1.

Về mức độ hứng thú của sinh viên đối với môn TAPL, 78% (70/90) sinh viên trả lời bình thường, 20% (18/90) trả lời thích và rất thích và cá biệt 2% sinh viên trả lời không thích học TAPL.

4.2. Phân tích yếu tố

Sau khi phỏng vấn sâu 33 sinh viên (01 lớp) ngành Luật TMQT về các yếu tố ảnh hưởng đến hứng thú học tập của SV đối với môn TAPL, tác giả tổng hợp lại được 17 tiêu chí nhỏ. Các tiêu chí này có thể được sắp xếp, phân loại thành 2 nhóm lớn: Nhóm các yếu tố khách quan (Nhóm 1) và nhóm các yếu tố chủ quan (Nhóm 2). Nhóm 1 bao gồm các yếu tố về chương trình (nội dung, giáo trình, tài liệu), môi trường (cơ sở vật chất, không khí lớp học), và người dạy (trình độ, phương pháp); Nhóm 2 bao gồm các yếu tố liên quan đến người học (phương pháp, năng lực tiếng Anh, nhận thức về tầm quan trọng môn học, kiến thức nền và ý thức tự giác, tích cực học tập).

Mức độ hài lòng của người học về các tiêu chí trên được thể hiện trong bảng sau:

Yếu tố

Mức độ hài lòng

1

2

3

4

5

1. Nội dung môn học phù hợp với trình độ và nhu cầu của bạn

3/90

3,3%

24/90

26,7%

41/90

45,6%

15/90

16,6%

7/90

7,8%

2. Giáo trình, tài liệu học tập phong phú

0/90

0%

12/90

13%

51/90

57%

20/90

22%

7/90

8%

3. Không khí lớp học sôi nổi

0/90

0%

10/90

11,1%

65/90

72,2%

23/90

25,6%

2/90

2,3%

4. Phòng học và trang thiết bị phòng học phục vụ dạy học tốt

0/90

0%

0/90

0%

13/90

14,5%

54/90

60%

23/90

25,5%

5. Giảng viên có năng lực tiếng Anh tốt

0/90

0%

0/90

0%

15/90

16,6%

54/90

60%

21/90

23,4%

6. Giảng viên có hiểu biết sâu về kiến thức chuyên ngành luật

0/90

0%

5/90

5,6%

42/90

46,7%

29/90

32,2%

14/90

15,5%

7. Giảng viên biết ứng dụng CNTT trong giảng dạy

0/90

0%

0/90

0%

23/90

25,5%

29/90

32,2%

38/90

42,3

8. Giảng viên có phương pháp truyền đạt dễ hiểu

0/90

0%

14/90

15,6%

36/90

40%

21/90

23,3%

19/90

21,1%

9. Giảng viên giảng dạy nhiệt tình, vui vẻ

0/90

0%

6/90

6,6%

22/90

24,4%

32/90

35,6%

40/90

44,4%

10. Giảng viên sử dụng nhiều hoạt động đa dạng trên lớp

12/90

13,3%

33/90

36,7%

10/90

11,1%

30//90

33,3%

5/90

5,6%

11. Giảng viên biết hướng dẫn sinh viên tự học

15/90

16,7%

38/90

42,2%

11/90

12,2%

15/90

16,7%

11/90

12,2%

12. Giảng viên có liên hệ nhiều đến pháp luật Việt Nam

3/90

3,3%

26/90

28,9%

35/90

38,9%

26/90

28,9%

0/90

0%

13. Bản thân có phương pháp học TAPL tốt

17/90

18,9%

15/90

16,7%

40/90

44,4%

12/90

13,3%

6/90

6,7%

14. Bản thân có trình độ tiếng Anh cơ sở tốt

8/90

8,9%

5/90

5,6%

62/90

68,8%

17/90

18,9%

8/90

8,8%

15. Bản thân nhận thức được tầm quan trọng của môn học

0/90

0%

9/90

10%

4/90

4,5%

58/90

64,4%

19/90

21,1%

16. Bản thân có hiểu biết về hệ thống pháp luật Common và Civil law

0/90

0%

12/90

13,3%

54/90

60%

10/90

11,2%

14/90

15,5%

17. Bản thân tự giác, tích cực học tập để nâng cao trình độ

6/90

6,7%

17/90

18,9%

42/90

46,7%

14/90

15,5%

11/90

12,2%

Bảng 1: Tổng hợp kết quả điều tra về mức độ hài lòng của người học về các yếu tố

(Ghi chú: 1 = Hoàn toàn không hài lòng; 2 = Không hài lòng; 3 = Bình thường; 4 = Hài lòng; 5 = Hoàn toàn hài lòng).

            Từ Bảng tổng hợp kết quả điều tra, có thể dễ dàng nhận thấy những yếu tố mà người học cảm thấy hài lòng (được đánh giá từ mức độ hài lòng trở lên) và những yếu tố chưa đáp ứng được mong muốn của người học (được đánh giá từ mức độ bình thường trở xuống). Cụ thể

            4.1. Nhóm yếu tố khách quan (Câu hỏi 1 – 12)

            - Về chương trình, học liệu:

Chỉ 1/4 số sinh viên được hỏi cảm thấy hài lòng với nội dung môn học, gần một nửa trả lời bình thường và gần 1/3 chưa cảm thấy hài lòng. Một số lý do mà sinh viên đưa ra là những nội dung hay như luật sở hữu trí tuệ hay luật hợp đồng được học quá ít; hay học về hệ thống common law không hữu ích vì sinh viên học luật Việt Nam, và khi ra trường phần lớn làm về lĩnh vực pháp luật Việt Nam. Về mức độ hài lòng đối với giáo trình, học liệu phục vụ môn học cũng được đánh giá ở tỉ lệ tương tự.

- Về môi trường học tập:

Phòng học và trang thiết bị phòng học là yếu tố có tỉ lệ sinh viên cảm thấy hài lòng cao nhất (85,5%), số còn lại được đánh giá ở mức độ bình thường. Tuy nhiên, không khí học tập trong lớp còn chưa đáp ứng được mong muốn của sinh viên, thể hiện ở chỗ chỉ 28% sinh cảm thấy hài lòng và rất hài lòng; 73% sinh viên cảm thấy bình thường và khoảng 11% chưa hài lòng.

- Về người dạy:

Về kiến thức của người dạy: Năng lực tiếng Anh của GV được sinh viên đánh giá với tỉ lệ hài lòng cao 83,4%; chỉ 16,6% sinh viên đánh giá hài lòng ở mức trung bình. Tuy nhiên, hiểu biết của GV về kiến thức chuyên ngành luật chưa thực sự khiến SV thấy hài lòng. Cụ thể, 47,7% sinh viên đánh giá ở mức hài lòng và rất hài lòng, 46,7% ở mức trung bình và 5,6% không hài lòng.

Về phương pháp giảng dạy của người dạy: Khả năng ứng dụng CNTT trong giảng dạy và giảng viên giảng dạy nhiệt tình, vui vẻ là 2 yếu tố liên quan đến người dạy được sinh viên đánh giá hài lòng ở mức độ cao, với tỉ lệ hài lòng theo thứ tự tương ứng là 75% và 80%. Không có sinh viên nào đánh giá không hài lòng về khả năng ứng dụng CNTT của giảng viên, và chỉ một số ít sinh viên (6,6%) cảm thấy chưa hài lòng về sự nhiệt tình, vui vẻ của giảng viên khi giảng dạy. Trong khi đó, các yếu tố GV có phương pháp truyền đạt dễ hiểu, GV sử dụng đa dạng các hoạt động trên lớp,GV biết hướng dẫn sinh viên tự học và GV liên hệ nhiều đến pháp luật Việt Nam chưa nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người học. Tỉ lệ sinh viên đánh giá ở mức hài lòng và rất hài lòng theo thứ tự tương ứng là 41,5%, 38,9%, 28,8% và 28,9%. Hơn 1/3 sinh viên đánh giá phương pháp truyền đạt dễ hiểu ở mức bình thường và một số ít sinh viên không hài lòng (khoảng 15%). Khoảng một nửa số sinh viên được hỏi không hài lòng về sự đa dạng các hoạt động trên lớp và hướng dẫn sinh viên tự học của GV.

4.2. Nhóm yếu tố chủ quan (Câu hỏi 13 – 17)

Nhóm yếu tố chủ quan có tác động đến hứng thú học tập của người học chính là bản thân người học. Từ kết quả khảo sát, dễ dàng nhận thấy tuy hầu hết (gần 86%) sinh viên nhận thức được tầm quan trọng của môn học và một nửa sinh viên cho rằng bản thân có trình độ tiếng Anh cơ sở tốt, nhưng nhiều sinh viên tự đánh giá phương pháp học TAPL của mình ở mức bình thường (44,4%) hoặc không hài lòng (hơn 35%). Ý thức tự giác, tích cực học tập của của bản thân cũng chưa được đánh giá cao, thể hiện ở chỗ chỉ gần 28% SV thấy hài lòng và rất hài lòng, gần 47% sinh viên đánh giá ở mức bình thường và hơn 25% không hài lòng và hoàn toàn không hài lòng. Hiểu biết của người học về hệ thống pháp luật Common và Civil law cũng không được đánh giá ở mức tích cực nhiều, cụ thể hơn 26% cảm thấy hài lòng về hiểu biết của mình, 60% cảm thấy bình thường và 13,3% không hài lòng.

5. Kết luận và kiến nghị

            Từ kết quả nghiên cứu trên, có thể thấy vẫn còn nhiều yếu tố khách quan và chủ quan là nguyên nhân khiến cho SV ngành Luật TMQT chưa thực sự hứng thú học tập môn TAPL tại trường. Các nguyên nhân phải kể đến đó là nội dung môn học còn chưa phù hợp với trình độ và nhu cầu của người học, giáo trình, tài liệu học tập chưa phong phú, không khí lớp học chưa thực sự sôi nổi, hiểu biết về ngành luật của giảng viên còn chưa sâu, phương pháp truyền đạt chưa dễ hiểu, các hoạt động trên lớp còn chưa được đa dạng, GV chưa thực sự hướng dẫn SV tự học và chưa liên hệ nhiều đến pháp luật Việt Nam. Bản thân SV cũng chưa có phương pháp học TAPL tốt, trình độ tiếng Anh cơ sở chưa thực sự tốt, hiểu biết về hệ thống pháp luật Common và Civil còn hạn chế, lại chưa tự giác, tích cực học tập để nâng cao trình độ.

            Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số nhóm giải pháp chính để có thể nâng cao hứng thú học tập môn TAPL cho SV ngành Luật TMQT.

            5.1. Nhóm giải pháp về cơ sở vật chất và học liệu

            - Cơ sở vật chất:

            Mặc dù phần lớn sinh viên hài lòng về cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, tuy nhiên để tối ưu hoá hiệu quả bài giảng, nhiều sinh viên và cả tác giả bài viết kiến nghị nên xếp học môn TAPL ở các phòng học nhỏ, thay vì học ở các hội trường lớn. Bàn học có thể sắp xếp hình chữ U để tăng tính tương tác giữa thầy và trò, và giữa người học với nhau.

            - Nội dung môn học, giáo trình, học liệu:

            Cần có khảo sát, đánh giá nhu cầu và trình độ của người học để xây dựng nội dung môn học phù hợp. Nội dung môn học cần xây dựng theo hướng tiếp cận hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc tăng cường các nội dung so sánh, đối chiếu với pháp luật Việt Nam để sinh viên cảm thấy gần gũi và thiết thực, sẽ tạo động lực và hứng thú học tập cho SV.

            Song song với việc xây dựng nội dung môn học sát với nhu cầu của người học, thì việc đa dạng hoá các nguồn học liệu tham khảo cũng là yêu cầu cần thiết. Khi nguồn học liệu phong phú, SV sẽ có điều kiện và động lực để tự học, tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ của mình. Từ tình hình thực tế hiện nay là ngoài giáo trình chính và các giáo trình, học liệu tham khảo, SV chưa có sách bài tập chuyên khảo để củng cố và nâng cao kiến thức đã học trong chương trình; vì vậy, tác giả đề xuất Bộ môn tiếng Anh triển khai xây dựng sách bài tập chuyên khảo cho từng học phần với các chủ đề tương ứng với chủ đề bài học vàthiết kế các dạng bài tập đa dạng.

            5.2. Nhóm giải pháp về người người dạy

Người dạy đóng một vai trò quan trọng trong quá trình dạy và học, không chỉ là người quyết định chất lượng dạy và học mà còn là người tạo hứng thú học tập cho người học. Do vậy, GV cần đáp ứng được những yêu cầu nhất định trong dạy tiếng Anh chuyên ngành nói chung và TAPL nói riêng.Theo Keith Harding (2012), người dạy ESP cần có những hiểu biết về chuyên ngành mình dạy. Robinson (1991) cho rằng, người dạy ESP phải hội đủ các kiến thức về ngôn ngữ, về giáo học pháp và về lĩnh vực chuyên môn của người học. Vì vậy, để tạo hứng thú học tập môn TAPL cho người học, GV cần:

            - Nâng cao kiến thức chuyên ngành:

            Để khắc phục tình trạng thiếu kiến thức liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của chuyên ngành luật, các giảng viên có thể bổ sung thông qua việc tự trau dồi thông qua tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, hoặc có thể tham vấn giảng viên chuyên ngành (Dudly-Evans & St.John (1998) về một số nội dung liên quan đến bài giảng, đặc biệt là các thuật ngữ chuyên môn trong tiếng Việt. Trên cơ sở có kiến thức chuyên ngành, GV mới có thể đối chiếu, so sánh và liên hệ đến pháp luật Việt Nam, làm cho nội dung môn học trở nên gần gũi và thiết thực đối với SV, từ đó mới có thể khuyến khích sinh viên lắng nghe và tham gia tích cực vào các hoạt động trên lớp.

- Nâng cao phương pháp giảng dạy:

TAPL là một môn học khó, do vậy, GV cần có phương pháp giảng dạy phù hợp, để vừa truyền tải được kiến thức môn học vừa tạo động lực và động cơ học tập cho người học.

Một mặt, GV phải có phương pháp truyền đạt dễ hiểu, có như vậy, SV mới dễ dàng tiếp thu kiến thức mà GV muốn truyền tải. Trong quá trình giảng dạy, các GV cũng nên liên hệ đến pháp luật Việt Nam nhiều hơn. Việc liên hệ này có thể thực hiện dưới nhiều hình thức như giảng viên lấy các ví dụ thực tiễn liên quan đến pháp luật Việt Nam, cho sinh viên thảo luận về nội dung tương tự theo quy định của pháp luật Việt Nam, cung cấp cho sinh viên bài đọc về chủ đề được học trong pháp luật Việt Nam hoặc yêu cầu sinh viên viết một bài luận đối chiếu, so sánh với pháp luật Việt Nam.

Đồng thời, GV phải tạo ra được các cơ hội học tập, thông qua các hoạt động đa dạng, kích thích sinh viên khám phá, áp dụng, phân tích hơn là truyền đạt thông tin một chiều. Các hoạt động trên lớp hiện nay đang được áp dụng còn chưa được đa dạng, đa phần là các bài tập sau mỗi bài học và thuyết trình nhóm về một trong những chủ đề bài học nhằm mục đích để đánh giá. Do vậy, GV có thể thiết kế thêm các hoạt động như thảo luận nhóm và thuyết trình ngắn, các bài tập tình huống, đóng vai, case study…phù hợp với nhận thức và trình độ của SV sẽ kích thích SV suy nghĩ và chủ động, hào hứng tham gia trao đổi trong quá trình học tập. Việc đa dạng hoá các hoạt động cũng là một trong những biện pháp nhằm tạo không khí học tập sôi nổi trong lớp học.

Hướng dẫn SV kỹ năng tự học cũng là một yêu cầu bắt buộc đối với GV khi giảng dạy TAPL. Với thời lượng hạn chế, người học cần tự học thì mới có thể nắm bắt được khối kiến thức rộng lớn của tiếng Anh và TAPL. Đối với môn tiếng Anh chuyên ngành, GV cần hướng dẫn sinh viên biết cáchxây dựng vốn từ vựng chuyên ngành của mình, ví dụ như nắm được các quy tắc cấu tạo từ, sự biến đổi nghĩa của từ từ nghĩa thông thường sang nghĩa chuyên biệt…

            5.3. Nhóm giải pháp về người học

Sinh viên là yếu tố chủ quan, có tác động trực tiếp đến hứng thú học tập đối với môn TAPL. Họ với vai trò là chủ thể của quá trình học chính là người quyết định tạo nên hứng thú học tập cho bản thân. Để tạo hứng thú học tập môn TAPL, trước hết, người học cần nhận thức đúng đắn về vai trò của môn học đối với bản thân và nghề nghiệp. Chỉ khi họ nhận thức được điều đó một cách đúng đắn, họ mới có thể chuẩn bị cho mình tâm lý, thái độ cũng như các chiến lược để học tập môn học hiệu quả. Hai là, sinh viên cần chủ động, tích cực trong học tập, thể hiện ở chỗ họ cần xây dựng cho mình phương pháp tự học, học nhóm để học tập lẫn nhau, và chủ động tiếp cận giảng viên để được tư vấn, giải đáp những khó khăn, thắc mắc liên quan đến môn học.

Hai là, người học cần bồi dưỡng năng lực tiếng Anh của bản thân trước khi bắt đầu học TAPL. Theo Dudley-Evans (1998), ESP thường chỉ dành cho học viên trưởng thành (adult learners) ở bậc đại học, trung học chuyên nghiệp hay đã đi làm ở một cơ quan chuyên nghiệp nào đó. Những học viên này thường bắt đầu từ trình độ trung cấp (intermediate) hoặc cao cấp (advanced), nghĩa là học viên đã phải có những hiểu biết, tri thức cơ bản của tiếng Anh. Nói cách khác, học viên phải học qua chương trình cơ sở, cái vẫn được gọi là General English (tiếng Anh cơ sở) trước khi bắt đầu chương trình ESP. Robinson (1992:2) cũng cho rằng, các khoá học ESP không dành cho những người mới bắt đầu học tiếng Anh. Do vậy, việc nâng cao trình độ tiếng Anh cơ sở là việc làm cần thiết. Sinh viên ngành Luật TMQT không được học tiếng Anh cơ sở cần có kế hoạch học tập để chuẩn bị cho mình kiến thức và kỹ năng tiếng Anh tốt nhất trước khi bắt đầu học TAPL. Có như vậy, người học sẽ cảm thấy không bị choáng ngợp và khó khăn khi học môn học này.

Nâng cao kiến thức chuyên ngành luật cũng là một trong những yêu cầu cần thiết đối với người học TAPL. Kiến thức nền rất quan trọng đối với người học tiếng Anh chuyên ngành. Có kiến thức nền, SV có thể hiểu và nắm bắt các nội dung và thông tin trong bài học một cách dễ dàng hơnvà có thể trả lời các câu hỏi thảo luận hoặc tham gia các hoạt động mà GV thiết kế một cách hiệu quả hơn.

 

 

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dudley-Evans, T. (1998), Research perspectives on English for academic purposes. Cambridge: Cambridge University Press.

2. Dudly-Evans, T and M.J.St.John, Development in English for Specific Purposes: A multi-disciplinary approach. Cambridge University Press.

3. Hutchinson, T and Waters, A. (1987) English for specific purposes, A learning- centred approach. Cambridge: Cambridge University Press.

4. Kennedy, C & Bolitho, R (1984), English for specific purposes.London: Macmillan.

5. Munby, J. (1978) Communicative syllabus design. Cambridge: Cambridge University Press.

6. Robinson, PC (1991) ESP today: A practitioner’s guide.Prentice Hall

 

 

BÀN VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP TẠO HỨNG THÚ HỌC TIẾNG NGA

CHO SINH VIÊN TRƯƠNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

 

TS Nguyễn Khánh Vân, Ths Đỗ Thị Tiến Mai1

Từ nhiều năm nay, việc học ngoại ngữ ngày càng được phổ biến rộng rãi và môn học này đang trở thành môn học bắt buộc trong các trường học. Bởi vậy yêu cầu đặt ra là làm thế nào để giờ dạy đạt chất lượng và hiệu quả cao, tạo hứng thú cho người học. Yêu cầu này đòi hỏi người giáo viên phải luôn hoàn thiện mình không chỉ về trình độ chuyên môn mà cả về phương pháp dạy học và thủ thuật dạy học, việc trau dồi phương pháp, đổi mới phương pháp giảng dạy là việc làm hết sức cần thiết cho mọi giáo viên trong thời kỳ đổi mới. Người giáo viên làm thế nào để trong quá trình truyền đạt cho sinh viên, giúp các em hiểu được vấn đề để cho bài giảng trở nên phong phú, hấp dẫn càng lôi cuốn sự chú ý của sinh viên trong từng tiết dạy, giúp các em chủ động tự tin đưa ra những ý kiến đề xuất về nội dung bài học để tiết học thêm sôi nổi. Ngoài những đòi hỏi ở người dạy thì tính tích cực trong học tập của người học là cách thúc đẩy sinh viên tham gia vào quá trình hoạt động trí tuệ.

Ngoại ngữ nói chung, tiếng Nga nói riêng là một môn học khó đối với sinh viên. Có rất nhiều lý do giải thích vấn đề trên nhưng theo chúng tôi, lý do quan trọng hàng đầu là sinh viên thiếu tính chủ động tích cực trong việc học ngoại ngữ nói chung, và trong khi học tiếng Nga nói riêng. Các sinh viên đăng ký học tiếng Nga tại trường với động cơ hứng thú học tập khác nhau, rất nhiều trong số họ không đầu tư nhiều thời gian cho việc học nên chưa đạt được hiệu quả cao. Kết quả học tập chưa cao chưa tiến bộ dễ dẫn tới sự mất hứng thú, mất tự tin trong môn học. Nguyên nhân là do số sinh viên này không biết học như thế nào cho hiệu quả và môn ngoại ngữ không được họ coi trọng vì đây chỉ là môn bổ trợ trong chương trình đào tạo tại trường. Đây  thực sự là vấn đề quan tâm của không những sinh viên mà còn là mối quan tâm hàng đầu của giáo viên giảng dạy các môn ngoại ngữ tại trường Đại học Luật Hà Nội. Việc học tiếng Nga của đa số sinh viên tiếng Nga hầu như chỉ bó hẹp trong nhà trường, mặc dù có khá nhiều hoạt động dành cho sinh viên học tiếng Nga ở các trường Đại học do Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, Phân viện Puskin tại Hà Nội tổ chức, nhưng số lượng sinh viên tích cực tham gia chưa nhiều. Khảo sát sinh viên cho thấy, chỉ có những sinh viên nào tích cực nâng cao kiến thức, có ý thức học tập thì rất hào hứng tham gia những hoạt động ngoại khóa để học hỏi thêm, bồi dưỡng kiến thức tiếng Nga cho bản thân.

Mấy năm gần đây Bộ môn Ngoại ngữ đã có nhiều bài viết, hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy đại học với mục đích duy nhất là nâng cao chất lượng dạy và học, mà cụ thể là nâng cao kết quả học tập của sinh viên. Học ngoại ngữ là hình thành được khả năng sử dụng các kỹ năng của ngôn ngữ đó là 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Với nhiều năm công tác tại trường, giảng dạy nhiều khóa sinh viên, qua hội thảo chúng tôi xin đề xuất 1 số biện pháp tạo sự hứng thú cho sinh viên trường Đại học Luật học ngoại ngữ nói chung và tiếng Nga nói riêng.

Các biện pháp nhằm tạo hứng thú trong việc học ngoại ngữ nói chung, tiếng Nga nói riêng ở Trường Đại học Luật Hà Nội: Trong quá trình học ngoại ngữ, các hoạt động của giáo viên và của sinh viên không thể tách rời nhau được. Đó là một thể thống nhất biện chứng. Khác với các môn học khác, học ngoại ngữ là phải có thầy. Nếu như học các quy tắc ngữ pháp và làm bài tập, đọc để hiểu và trả lời câu hỏi,... sinh viên có thể tự học được, thì khi học và rèn luyện kỹ năng nghe và nói thì không thể không có vai trò của người giáo viên. Cho nên chúng tôi muốn bàn đến một số biện pháp đối với sinh viên và đối với cả giáo viên.

Đối với sinh viên

1.Tạo động cơ đúng đắn hứng thú học tập cao trong tập thể sinh viên cũng như đối với mỗi cá nhân: Nhiều sinh viên chỉ coi ngoại ngữ là một môn học bổ trợ, học cho qua môn. Bên cạnh đó, khi lựa chọn ngoại ngữ để học, có nhiều sinh viên ban đầu lựa chọn tiếng Anh nhưng không thi đạt để được học tiếng Anh nên phải chọn học tiếng khác để thay thế, và chọn tiếng Nga. Như vậy, rất nhiều sinh viên chưa có ý thức đúng đắn về động cơ học tập tiếng Nga dẫn tới kết quả học tập kém. 

Thực tế cho thấy, những sinh viên có động cơ học tập đúng đắn, luôn phát huy tính tích cực chủ động trong học tập thì luôn có kết quả học tập rất cao. Trong số đó có nhiều sinh viên quyết tâm học tiếng Nga và đạt được nhiều thành tích cao trong học tập, được tuyển chọn đi du học ở Liên bang Nga qua các kỳ thi Olympic tiếng Nga. 

2. Sinh viên nhận ra đặc thù của môn học và có ý thức về cách học một cách hiệu quả, hiểu biết những đặc thù của ngôn ngữ Nga là một việc cần thiết trong giai đoạn đầu, đó là ngôn ngữ biến hình, chắp dính, danh từ có nhiều giống, số, cách; động từ chia ở tất cả các ngôi nhân xưng ở cả ba thì hiện tại, quá khứ và tương lai, ... Có thể giúp họ hiểu những đặc thù ngôn ngữ Nga làm cho sinh viên ít bỡ ngỡ khi nói những câu đầu tiên chào anh/chị (số nhiều + số ít).

3. Sinh viên có cái nhìn tích cực đối với các lỗi gặp phải trong quá trình học tiếng, không ngại sai, nhất là trong việc rèn luyện các kỹ năng mới như kỹ năng nói. Trong quá trình học cần biết tự rút kinh nghiệm và biết cách tiến bộ qua cách khắc phục lỗi.

4. Sinh viên nâng cao ý thức đoàn kết giúp đỡ nhau học tập, trao đổi trau dồi kiến thức.

5. Cố gắng vận dụng tiếng Nga trong giao tiếp, bao gồm cả trong lớp và ngoài giờ học bằng nhiều cách khác nhau. Mặc dù là sinh viên trường không chuyên nhưng vốn kiến thức và từ vựng của các em đã có thể vận dụng được trong giao tiếp đơn giản.

Đối với giáo viên

1. Tạo hứng thú học tập cho sinh viên bằng cách:

* Phương pháp giảng dạy sinh động, sử dụng nhiều kiểu hoạt động trong lớp. Ví dụ: Khi dạy về các động từ thời hiện tại theo nhóm 1 trong tiếng Nga, ngoài việc đưa ra nguyên tắc, các bước cụ thể chia động từ để sinh viên nắm được nền tảng, cần có các dạng bài tập ứng dụng: Thứ nhất, chia sinh viên thành từng đôi, đưa ra tình huống mẫu có sử dụng các động từ vừa học và hướng dẫn sinh viên xây dựng đoạn hội thoại của mình. Thứ hai, đưa ra một bài khóa với đề tài “Một ngày làm việc của tôi” trong đó có sử dụng các động từ cần học. Khi học, sinh viên sẽ liên tưởng lại nội dung của bài khóa, từ đó dễ dàng ghi nhớ các động từ hơn. Tiếp theo có thể yêu cầu sinh viên dựa vào bài khóa đó để kể lại câu chuyện của bản thân và kể lại trước lớp.

Một phương pháp khác là tạo hứng thú học tiếng Nga qua những bài hát. Trước mỗi tiết học, giáo viên có thể đến sớm và bật những bài hát tiếng Nga trong thời gian chờ vào tiết. Viết tên bài hát lên bảng và cho sinh viên ghi lại tên các bài hát vào bìa của vở hoặc sổ, hoặc một tờ giấy riêng. Tổ chức một tiết học dạy hát cho sinh viên. Đồng thời khuyến khích sinh viên tự tìm hiểu thêm các bài hát mà họ yêu thích.

* Cố gắng tạo không khí thoải mái nhưng nghiêm túc trong lớp.

Đầu năm học giáo viên cần phổ biến rõ những quy định và yêu cầu của môn học nói chung, những nguyên tắc của giáo viên nói riêng để sinh viên xác định ý thức học tập nghiêm túc ngay từ đầu. Trong giờ học luôn quan sát toàn bộ lớp, tạo không khí sôi nổi, hứng thú để sinh viên tập trung vào bài học. Xen kẽ việc dạy kiến thức ngôn ngữ với liên hệ những kiến thức văn hóa, xã hội thực tiễn.

* Tăng cường đặt câu hỏi và khuyến khích người học đưa ra câu hỏi. Đặc trưng của tiếng Nga là sự kết nối rất khăng khít giữa các hiện tượng ngôn ngữ. Trong giờ học, giáo viên cần đi rõ và chắc từng phần, tạo không khí thoải mái để sinh viên tương tác, đưa ra câu hỏi, nếu cảm thấy sinh viên vướng mắc ở vấn đề nào, cần làm rõ lại ngay, tránh trường hợp kiến thức không hiểu rõ dồn lại dẫn đến ngày càng sai. Giáo viên  có thể tạo sự tham gia tích cực của sinh viên bằng cách đưa ra nhiều câu hỏi và khuyến khích họ đặt câu hỏi. Câu hỏi là phần cốt lõi của một quá trình học. Giáo viên yêu cầu các sinh viên đặt câu hỏi, chú ý lắng nghe và đưa chúng vào những lần dạy sau để khuyến khích các sinh viên đặt câu hỏi.

Đồng thời, giáo viên cũng phải thường xuyên đặt câu hỏi để buộc mỗi sinh viên phải tích cực suy nghĩ tìm ý trả lời. Nếu giáo viên biết lắng nghe các ý kiến trả lời của sinh viên, có đánh giá kết quả học tập thông qua hỏi và trả lời câu hỏi trên lớp thì người học sẽ có thêm “động cơ” để học tập tích cực hơn trong quá trình học trên lớp.

            Trong khi giảng bài giáo viên nên áp dụng phương pháp “động não” để kích thích sinh viên suy nghĩ bằng cách đưa ra một chủ đề hoặc một vấn đề để các học viên đưa ra đề nghị hoặc gợi ý. Sinh viên có thể hỏi giáo viên hoặc ngược lại để tóm tắt kiến thức, làm rõ vấn đề hoặc minh hoạ việc áp dụng kiến thức. Việc hỏi này có thể diễn ra trước, trong hoặc sau bài giảng tùy thuộc vào việc học viên có quen thuộc chủ đề hay không.

       Ví dụ khi học về Thức mệnh lệnh trong tiếng Nga, có thể đưa ra  các ví dụ thức mệnh lệnh với cặp động từ hoàn thành thể và động từ chưa hoàn thành thể và cho sinh viên đoán về sự khác nhau về sắc thái ý nghĩa giữa 2 ví dụ đó.

* Làm cho sinh viên quan tâm nội dung bài học trước khi bắt đầu, khiến sinh viên cảm thấy bài học đó là thú vị, hoặc sẽ hữu ích.

Ví dụ: Khi dạy đại từ nhân xưng trong tiếng Nga (я, ты, он, она, мы, вы, они), giải thích cho các em cách giao tiếp của người Nga. Đưa ra các tình huống với các nhân vật khác nhau để sinh viên đoán xem trong từng tình huống các nhân vật này phải xưng hô với nhau thế nào, hoặc tạo ra trò chơi cho sinh viên nắm rõ hơn cách ứng xử của người Nga cũng như văn hóa giao tiếp của họ. Thực tế cho thấy qua cách tạo tình huống ngoài kiến thức ngôn ngữ, các em sinh viên hào hứng hơn, thích thú để đoán mỗi tình huống giáo viên đưa ra sẽ sử dụng đại từ nhân xưng nào.

* Nói rõ mục đích của bài tập: Sinh viên cần phải hiểu họ phải làm gì và vì sao họ phải làm bài tập đó, mục đích của mỗi bài tập hay hoạt động trên lớp phải bám sát trọng tâm của buổi học.

Ví dụ: Cách nói số điện thoại (Teлефон), sinh viên cần được nhấn mạnh  ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đọc và nghe các con số tự nhiên bằng tiếng Nga. Khi đã thuộc được các con số tự nhiên bằng tiếng Nga, giáo viên tạo ra trò chơi: lớp sẽ chia làm 2 đội, mỗi đội lần lượt đưa ra số điện thoại của người đội mình, đội kia trong vòng thời gian cho phép phải nói được số điện thoại của đội kia. Đội nào thắng sẽ được điểm cộng cho bài kiểm tra. Với cách như vậy, tạo cho các em hứng thú cạnh tranh lành mạnh, mong muốn chiến thắng để có điểm tốt hơn cho bài kiểm tra.

*  Không  nên  vô  tình  cho  sinh  viên  nản  lòng  bằng  những  câu  nhận  xét  nhấn mạnh những cái khó của tiếng Nga (ví dụ như giống, số, cách hoặc cách chia động từ tiếng Nga) hoặc vô tình tạo cho sinh viên có cảm giác kiến thức là bao la bát ngát, khiến sinh viên có cảm giác là khó đạt được, ví dụ như: Tiếng Nga khó lắm; Động từ tiếng Nga toàn là những ngoại lệ; Cách của danh từ tiếng Nga cực kỳ là phức tạp, sử dụng trừu tượng…. 

*   Dùng phương tiện để hỗ trợ trực quan

            Dùng những hình minh hoạ trực quan để làm cho bài giảng bớt trừu tượng, khô khan và sau thời gian nói liên tục phải có giờ giải lao. Khi học một kiến thức mới, nhiều người đòi hỏi phải được nhìn tận mắt ngay cả khi vừa được nghe về nó. Do vậy, giáo viên nên sử dụng các phương tiện như: biểu đồ, đồ thị, bảng, máy chiếu, băng video để hỗ trợ giảng dạy. Ví dụ như có hình ảnh minh họa khi học từ vựng mới, hoặc hệ thống nguyên tắc biến đổi của danh từ theo các cách số ít, số nhiều thành một bảng để tiện theo dõi.

            Tuy nhiên, nếu dùng các phương tiện nghe nhìn chỉ để thay phấn viết bảng thôi thì thực chất vẫn là phương pháp thuyết trình một chiều. Mục đích việc dùng các phương tiện nghe nhìn còn là làm cho bài giảng sinh động hơn, tiết kiệm thời gian viết bảng để giành thời gian cho giáo viên giải thích, cho sinh viên đặt câu hỏi và thảo luận.

*  Chuẩn bị các tài liệu bổ sung

        Trước khi giảng bài, nhất là khi giáo viên sử dụng bài giảng PowerPoint, nên phát đề cương bài giảng/handout cho sinh viên. Các tài liệu này giúp người học dễ theo dõi những ý chính, tóm tắt nội dung, phát triển các ý và áp dụng chúng. Ngoài ra giảng viên có thể phát tài liệu đọc thêm liên quan để sinh viên có thể nghiên cứu sâu hơn về vấn đề đã được giảng trên lớp.

2. Giáo dục ý thức tự bồi dưỡng ở sinh viên

Sau mỗi bài học, giáo viên cần chú ý giới thiệu sách tham khảo, hoặc cung cấp những kiến thức bổ ích để sinh viên cảm thấy họ cần tham khảo, luyện tập thêm, hoặc  những vấn đề quan tâm …

Ví dụ trong tiết học về tính từ, đưa ra bài khóa giới thiệu về các thành phố của Nga, trong đó có sử dụng các tính từ để miêu tả thành phố đó. Sau đó gợi ý để sinh viên về nhà tìm hiểu thêm một số thành phố khác nổi tiếng của Nga.

 Khi học về họ tên đầy đủ của người Nga, lấy ví dụ về các nhân vật nổi tiếng như các tổng thống Nga: Vladimir Vladimirovich Putin, Dmitry Anatolyevich Medvedev, Boris Nikolayevich Yeltsin; hoặc thi hào người Nga Aleksandr Sergeyevich Pushkin. Giải thích cách đặt tên của người Nga, giáo viên sẽ đưa ra 1 số tên người Nga cho sinh viên đoán từ nào là họ, tên và đệm của họ. Bằng cahcs này sinh viên rất hứng thú đoán, tạo không khí sôi nổi trong giờ học, tiếp đó đưa ra một số tác phẩm văn học nổi tiếng, gợi ý cho sinh viên về nhà tìm hiểu thêm về tên họ đầy đủ của các tác giả, tìm hiểu thêm về các tác phẩm kinh điển đó.

3. Động viên sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa  do Trung tâm khoa học và văn hóa Nga, Phân viện Puskin tại Hà Nội và các trường có giảng dạy tiếng Nga tổ chức. Sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội thường xuyên được các giảng viên giới thiệu và hướng dẫn tham gia vào các sự kiện do Trung tâm khoa học và văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức, đây là những các sự kiện gắn với các ngày kỷ niệm và lễ hội truyền thống của Nga. Đồng thời sinh viên trường ta cũng nhiều lần tham gia vào các cuộc thi về kiến thức, các chương trình văn nghệ tại trung tâm. Tại Phân viện Puskin thường kỳ mỗi tháng tổ chức Câu lạc bộ tiếng Nga (клуб русского языка), rất nhiều sinh viên các trường đại học ở Hà Nội có giảng dạy tiếng Nga tham gia vào Câu lạc bộ này. Sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội 3 năm gần đây có 1 số em tham gia và có những phản hồi tích cực. Ngoài việc được học về ngôn ngữ tiếng Nga, các em được làm quen với phong tục tập quán, văn hóa của đất nước Nga.

4. Tạo ra các sân chơi ngoại khóa cho việc học ngoại ngữ để sinh viên có cái nhìn nghiêm túc với môn học, đồng thời cũng là nguồn tạo ra cảm hứng học ngoại ngữ nói chung và tiếng Nga nói riêng. Qua trò chuyện với nhiều khóa sinh viên, các em rất mong muốn có 1 ngày hội những “ngôn ngữ” được giảng dạy tại trường Đại học Luật Hà Nội, ở buổi lễ hội này sẽ giới thiệu đến sinh viên 1 số nét đặc trưng của đất nước mà các em học ngôn ngữ đó. Đây cũng là ý tưởng của Bộ môn Ngoại ngữ sẽ tổ chức sự kiện này vào năm 2018. Rất mong Nhà trường ủng hộ, tạo điều kiện cho Bộ môn NN thực hiện ý tưởng này, công việc này sẽ là nhiệm vụ công tác của Bộ môn và được tính là nhiệm vụ khoa học cho các giảng viên của Bộ môn Ngoại ngữ năm 2018 (tính giờ khoa học như 1 buổi hội thảo cấp khoa).

Cuối cùng cho lời kết, chúng tôi càng tâm đắc với ý kiến của một nhà giáo học pháp ngoại ngữ: Không có sinh viên học kém tiếng Nga, chỉ có sinh viên không thích học hoặc không biết cách học. 

 

 

 

SỬ DỤNG HÌNH ẢNH ĐỂ TẠO HỨNG THÚ CHO NGƯỜI HỌC TRONG GIỜ HỌC KĨ NĂNG NÓI TIẾNG ANH

Th.s Nhạc Thanh Hương

 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Vấn đề làm sao để người học có kĩ năng nói tiếng Anh tốt là một trong những trọng tâm trong việc học và dạy tiếng Anh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng nói tiếng Anh của người học. Người dạy luôn nỗ lực để tìm kiếm những phương pháp, tài liệu và công cụ để giúp người học rèn luyện và nâng cao khả năng nói.  Nghiên cứu của Bowen (1982) đã chỉ rõ quá trình đắc thụ ngôn ngữ là một quá trình phức tạp, trong đó giáo cụ trực quan có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc học ngoại ngữ. Nói cách khác, giáo cụ trực quan được coi là một công cụ hữu ích để tạo hứng thú cho người học. Sử dụng giáo cụ trực quan nói chung và hình ảnh nói riêng trong dạy kĩ năng nói tiếng Anh từ trước đến nay đã thu hút sự quan tâm không chỉ của những nhà giáo dục mà còn của người học và nhiều người quan tâm. Vì vậy, tác giả bài viết nghiên cứu vai trò của hình ảnh trong giờ học nói tiếng Anh và sự ảnh hưởng đối với hứng thú của người học qua các nghiên cứu trước, đồng thời tìm ra những hoạt động có sử dụng hình ảnh để áp dụng trong giờ giảng dạy kĩ năng Nói; từ đó, tạo hứng thú cho người học và tăng cường hiệu quả trong giờ học Nói tiếng Anh.

 

2. CƠ SỞ LÝ LUẬN

2.1. Định nghĩa về “Hứng thú”

Có nhiều định nghĩa khác nhau về hứng thú. Tuy nhiên, nghiên cứu này sử dụng định nghĩa “hứng thú” là thái độ đặc biệt của cá nhân với những đối tượng nào đó vừa có ý nghĩa trong đời sống vừa mang lại sự khoái cảm cho cá nhân trong hoạt động” của tác giả Huỳnh Văn Sơn [tr.196]. Học hay còn gọi là học tập, học hành, học hỏi quá trình tiếp thu cái mới hoặc bổ sung, trau dồi các kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm, giá trị nhận thức hoặc sở thích và có thể liên quan đến việc tổng hợp các loại thông tin khác nhau.  Từ định nghĩa về hứng thú và học tập ở trên, hứng thú học tập chính là thái độ của chủ thể đối với đối tượng của hoạt động học tập, là sự kết hợp của các yếu tố ảnh hưởng bên trong và bên ngoài như sự nỗ lực, sự mong muốn của người học trong quá trình học tập; có ý nghĩa thiết thực trong quá trình nhận thức,

2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến hứng thú học tập môn ngoại ngữ nói riêng và môn học tiếng Anh nói riêng

Từ cách hiểu về hứng thú học tập ở trên, hứng thú đóng vai trò quan trọng quyết định việc thành công hay thất bại trong quá trình đắc thụ ngôn ngữ thứ hai. Người học có động cơ, hứng thú học tập sẽ đắc thụ ngôn ngữ tốt hơn người học không có động cơ hay hứng thú học tập. Cụ thể, trong tình huống học tập cụ thể, người học có ít hứng thú học tập sẽ dễ dàng mất tập trung hơn người học có hứng thú học tập nhiều hơn.

Có nhiều yếu tổ ảnh hưởng đến hứng thú học tập môn noại ngữ. Yếu tố ảnh hưởng được chia thành 02 nhóm chính: yếu tố chủ quan xuất phát từ chính mỗi cá nhân người học và yếu tố khách quan bên ngoài chi phối.

Yếu tố chủ quan: là người học. Đây là yếu tố quan trọng giúp sinh viên nhận thấy tầm quan trọng của việc học môn học này có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống và nghề nghiệp sau này của mình. Thái độ đúng đắn đối với nội dung môn học: Khi người học có ý thức học tập, họ sẽ thể hiện thái độ học tập tích cực, chủ động, sáng tạo để chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng, kỹ xảo khi học môn này.

Yếu tố khách quan: Đặc điểm môn học:  là cơ cấu, nội dung, tính chất, sự sắp xếp chương trình môn học theo ngành học. Người dạy thể hiện qua trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, thái độ trong việc tổ chức quá trình dạy- học. Đây được xem là yếu tố quan trọng tạo nên hứng thú ở người học. Điều kiện cơ sở vật chất: tài liệu, sách vở, phương tiện dạy học.  Tuy không phải là yếu tố quyết định nhưng là yếu tố cần thiết tác động đến kết quả học tập của người học. Nếu được học tập trong điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, người học sẽ cảm thấy dễ chịu, học tập tốt hơn. Môi trường học tập: là không khí lớp học, mối quan hệ với bạn bè, thầy cô... Ví dụ, trong tập thể có nề nếp, có sự thi đua học tập cũng là yếu tố giúp từng cá nhân vươn lên trong học tập.

3. SỬ DỤNG HÌNH ẢNH ĐỂ TẠO HỨNG THÚ CHO NGƯỜI HỌC TRONG GIỜ HỌC NÓI TIẾNG ANH

Như đã đề cập ở trên, người dạy và phương pháp dạy là yếu tố quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến hứng thú học tập của người học, do đó có tác động đến quá trình đắc thụ ngôn ngữ. Việc người dạy áp dụng các phương pháp, hoạt động phong phú để tạo hứng thú cho người học là một yêu cầu thiết yếu.

Trong dạy học kĩ năng Nói tiếng Anh, người dạy sử dụng hình ảnh là một trong những phương pháp để tạo hứng thú cho người học. Cobuild (1987) định nghĩa “hình ảnh” là “ hình ảnh trực quan hay hình ảnh được vẽ, chụp hoặc bất cứ hình nào được tạo ra trên bề mặt phẳng”. Như vậy, một đặc tính nổi bật nhất của hình ảnh là người học có thể nhìn thấy và người dạy có thể sử dụng những hình ảnh đó vì mục đích giáo dục. Có một số loại hình hình ảnh như tranh ảnh trong sách, hình ảnh từ tạp chí hay báo chí, hình ảnh trình chiếu trên powerpoint.

3.1. Các loại tranh ảnh

Tranh ảnh có thể được phân loại theo kích cỡ và thiết kế. Mỗi loại tranh ảnh có đặc điểm riêng mà từ đó người dạy có thể sử dụng cho phù hợp đối với từng đối tượng người học hay lớp học.

Tranh treo tường (Wall pictures): Theo Bowen (1982) định nghĩa tranh treo tường là minh hoạ khá lớn về cảnh hoặc sự kiện.

Tranh theo chuỗi (Sequence pictures): Theo Bowen (1982), loại tranh ảnh này thể hiện một chủ đề cụ thể, đó có thể là một câu chuyện, chủ đề.

Thẻ hình ảnh (Flash cards): Thẻ hình ảnh là những hình ảnh được vẽ trên thẻ, được người dạy sử dụng (Theo Bowen, 1982).

3.2. Sử dụng hình ảnh để tạo hứng thú cho sinh viên trong giờ Nói Tiếng Anh.

Sử dụng tranh ảnh có nhiều tác dụng trong việc dạy tiếng Anh. Trước hết, tranh ảnh có thể thúc đẩy việc yêu thích học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Thứ hai, theo Byrne (1990) tranh ảnh có thể tạo hứng thú để người học tích cực tham gia thảo luận. Thứ ba, tính sáng tạo của người học cũng được tăng cường dựa trên các hình ảnh và giáo cụ trực quan. Moore (1982) cho rằng: “Giáo cụ trực quan, đặc biệt là tranh ảnh và những áp phích (posters) màu sắc có thể làm cho không khí lớp học thêm thoải mái”. Hơn nữa, Wright (1989) cũng chỉ ra rằng tranh ảnh có thể thúc đẩy sinh viên tham gia vào các hoạt động nói.

 

4. PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG TRANH ẢNH TRONG GIỜ HỌC NÓI TIẾNG ANH

Việc sử dụng tranh ảnh như thế nào và khi nào phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, sự linh hoạt và mục đích của người dạy. Trong nghiên cứu này, tác giả áp dụng 02 hình thức sử dụng tranh ảnh để thực hành kĩ năng Nói theo nghiên cứu của Andrew Wright (1989), đó là: sử dụng tranh ảnh để “thực hành kĩ thuật” (Mechanical Practice) và “thực hành giao tiếp” (Communicative Practice), Theo nghiên cứu của Andrew Wright (1989) về “Tranh ảnh sử dụng trong học ngoại ngữ”, ông đã phân biệt 02 cách thức sử dụng hình ảnh thực hành sau đây;

4.1. Thực hành kĩ thuật (Mechanical Practice)

Sử dụng hình ảnh trong thực hành kĩ thuật có nghĩa là người dạy hướng người học đến việc tập trung chủ yếu trong bắt chước âm mà ít chú trọng đến nghĩa của câu. Nói cách khác, trong thực hành kĩ thuật, người học chủ yếu tập trung đến sự chính xác về ngữ pháp, từ vựng và âm vị. Do đó tranh ảnh có thể được sử dụng để kích thích người học và để nhắc người học nói gì. Trong mọi trường hợp, người dạy thường biết một cách chính xác người học nên nói gì.

4.1.1. Nhắc lại (Repetition)

Trong hoạt động này, người dạy chỉ bức tranh và yêu cầu người học nhắc lại những gì họ nói.

Ví dụ: người dạy chỉ vào bức tranh 2 cậu bé đang đánh nhau và nói “ They have been fighting”. Người học, sau đó nhắc lại câu nói của giảng viên.

Như vậy, trong ví dụ này người học có thể làm quen với thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn và cách nói thì đó.

4.1.2. Kết hợp lại (Recombination)

Kết hợp lại bao gồm: Câu hỏi và câu trả lời, thay thế và chuyển đổi. Hình ảnh là một dạng thức thúc đẩy phi ngôn từ giúp người đọc tăng cường khả năng nói. Người dạy thường cung cấp mẫu câu để hướng dẫn người học

Ví dụ: Yesterday they bought a cat/ hat/ T.V  

Người dạy có thể sử dụng một hình ảnh để hỏi nhiều câu hỏi về bức tranh đó. Thông thường, người dạy sẽ tập trung vào một trọng tâm.

Ví dụ: Người dạy muốn dạy về thì tương lai gần, người dạy sẽ chỉ vào cô gái đang tìm một cái túi trong bức tranh và hỏi:

T: “What is the girl going to do?”

St: The girl is going to find a handbag

4.1.3 Phát âm (Pronunciation)

Hình ảnh có thể để sử dụng để minh hoạ một số âm nhất định. Người dạy có thể gắn hình ảnh và âm ở dưới để người học nắm được và bắt chước.

4.2. Thực hành giao tiếp (Communicative Practice)

Trong hoạt động thực hành giao tiếp, người học sử dụng tranh ảnh và người dạy đã chọn.

4.2.1. Miêu tả (Describing). Trong các hoạt động này, người học được yêu câu miêu tả một việc/ vật gì đó để người học khác có thể xác định việc/ vật đó là gì bằng cách chỉ, vẽ hay bình luận

Miêu tả tranh (Saying anything you know to describe a picture): Người dạy đưa cho mỗi người học một bức tranh. Người học dựa vào bức tranh và nói bất cứ điều gì để miêu tả bức tranh. Đây là cơ hội để người học có thể luyện tập được từ vựng, cách miêu tả, giải thích và kết nối mọi thứ trong tranh.

Miêu tả và vẽ (Describe and draw):  Ở hoạt động này, người học được yêu cầu làm việc theo cặp. Một sinh viên chuẩn bị một bức tranh hoặc kế hoạch nhưng không để sinh viên kia biết về bức tranh/ kế hoạch đấy. Sau đó, sinh viên (có bức tranh/ kế hoạch) sẽ dùng từ/ câu để miêu tả về bức tranh/ kế hoạch nhằm để sinh viên kia có thể vẽ lại và truyền tải bức tranh/ kế hoạch một cách chính xác nhất.

  4.2.2. Xác định (Identifying)

Trong hoạt động này, người học được yêu cầu xác định và gọi tên bức tranh thông qua một phần hình ảnh trong bức tranh

Ví dụ: Người dạy chỉ đưa ra hình ảnh một phần/ một chi tiết của vật và yêu cầu người học xác định đó là vật gì

T: What’s this? What’re these?   

St: It’s a table

4.2.3. Nối (Matching)

Trong hoạt động nối này, người dạy sẽ đưa cho người học 2 bức tranh một cách ngẫu nhiên và yêu cầu người học tìm ra mối liên hệ giữa 2 bức tranh đó.

Ví dụ: 

St A: They are both made of metal.

St B: The man was playing the trumpet while they were driving.

Hoặc, người học phải chỉ ra được điểm khác nhau giữa 2 bức tranh

4.2.4. Xếp theo nhóm (Grouping)

Hoạt động này người học sẽ được cung cấp nhiều bức tranh và được yêu cầu nhóm chúng thành từng nhóm hoặc tìm một bức tranh không thuộc nhóm và giải thích lý do tại sao

Ví dụ:  

St: The bicycle is odd one out.

T: Can you tell me the reason?

            St: Because bicycle riding uses physical movement while other vehicles use fuel.

4.2.5 Sắp xếp theo thứ tự (Ordering)

Ở hoạt động sắp xếp này, người học được yêu cầu sắp xếp bức tranh theo thứ tự về chất lượng một cách chủ quan hoặc khách quan và giải thích vì sao

Ví dụ: Người dạy sẽ cung cấp cho người học một số bức tranh về các loại hoa qủa khác nhau và yêu cầu người học sắp xếp bức tranh dựa trên mục đích khác nhau

T: Which fruit should be the best to take on a school trip? And Why?

St: Grapes and banana because we don’t have to use the knife

4.2.7 Ghi nhớ (Memorizing)

Ghi nhớ là một trong những kĩ năng quan trọng trong việc học ngoại ngữ nói chung và việc học kĩ năng nói nói riêng.  Trong hoạt động này, người học được nhìn hình ảnh/ tranh một cách cẩn thận. Sau đó đứng quay lưng lại bức tranh, người học cố gắng nhớ để tả lại bức tranh đó. Các sinh viên còn lại có thể được nhìn bức tranh và đặt câu hỏi cho người học đang tả bức tranh.

5.  KẾT THÚC VẤN ĐỀ

          Như vậy, có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng hình ảnh/ tranh ảnh có hiệu quả trong việc thúc đẩy việc học ngoại ngữ nói chung và việc học kĩ năng Nói nói riêng. Nghiên cứu đã liệt kê một số những hoạt động mà người dạy có thể sử dụng tranh ảnh để tạo hứng thú cho người học. Phải nói rằng, người dạy đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình dạy học. Việc áp dụng các hoạt động đó có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, tính linh hoạt của người dạy. Trước khi lựa chọn một hoạt động nào, người dạy luôn tự đặt câu hỏi là tại sao lại lựa chon hoạt động đó, khi nào có thể sử dụng được hoạt động đó và sinh viên sẽ thực sự hứng thú tham gia vào hoạt động để thực hành kĩ năng nói hay không. Một vấn đề nữa là nguồn tranh ảnh sẽ lấy ở đâu?  Thực tế, có nhiều sách có thể là nguồn tranh ảnh để người dạy khai thác như:      

  • Longman. (1976). Wall Pictures for Language Practice.
  • McGarath, I., & Arnord, E. J. (1981). Picture Pack, Stories for Oral Work.
  • Plumb, J., Farris, D., & Heinemann, H. (1970). Contact English Wall Pictures.
  • Wright, A. (1993). 1000 Pictures for Teacher to Copy: Nelson.

           Bên cạnh đó, báo, tạp chí và đặc biệt Internet là những nguồn học liệu, tranh ảnh vô cùng quý giá để người dạy có thể khai thác phù hợp với mục tiêu bài học. Tác giả hy vọng rằng, qua nghiên cứu này, người dạy có thể trang bị cho mình thêm nhiều hoạt động có sử dụng hình ảnh để có thể tạo hứng thú cho việc học kĩ năng Nói của người học, từ đó có tác dụng tích cực đến quá trình đắc thụ ngôn ngữ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Byrne,D.(1980).English teaching perspectives. London: Longman.
  2. Bowen,B.,M.(1982).Look here!Visual aids in language teaching. London: Macmillan.
  3. Cobuild(1987).Collins COBUILD Dictionaries of English. Heinle ELT Publishers.
  4. Dornyei,Z.(2001).Motivational Strategies in the Language Classroom :Cambridge: CUP.
  5. Ellis,R.(1997).Second Language Acquisition: Honking: OUP.
  6. Gardner,R.C.(1982).Social psychology and second language learning: The role of attitudes and motivation. London: Edward Arnold Publishers.
  7. Gardner,R.C.,&Lambert,W.E.(1972).Attitudes and Motivation in Second Language Learning:New York: Newbury House.
  8. Harmer,J.(1991).The Practice of English Language Teaching, London: Longman Group UK Limited.
  9. Krashen,S.(1985),Language Acquisition and Language Education, AlemanyPress
  10. Moore, K. D. (1992). Classroom Teaching skill: New York: MeGraw - Hill, Inc.
  11. Parsons, R. D., Hinson, S. and Sardo-Brown, D. (2001) Educational psychology: a practitioner researcher model of teaching. Canada: Wadsworth.
  12. Pintrich, P. R., & Schunk, D. H. (2002). Motivation in education: Theory, research, and applications, 2nd edition. Upper Saddle River, NJ: Merrill Prentice-Hall
  13. Sakar, S. (1999). The Use of Pictures in Teaching English as a Second Language: London: Longman.
  14. Wright, A. (1984). 1000 Pictures for Teachers to copy: Nelson.
  15. Wright, A. (1989). Pictures for Language Learning: Cambridge University Press.
  16. Wright, A., & Haleem, S. (1991). Visual for the Language Classroom: London: Longman Group UK Limited .

 

 

 

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT TẠO HỨNG THÚ ĐỌC THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG EXTENSIVE READING: TỪ LÝ THUYẾT ĐẾN THỰC HÀNH

 

Vũ Thị Thanh Vân1

                                                                   

Với sứ mạng: “Trường Đại học Luật Hà Nội là trường đại học có định hướng nghiên cứu; có sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho đất nước, cung cấp các sản phẩm khoa học và dịch vụ pháp lý chất lượng cao cho Nhà nước, xã hội và người dân, tham gia tích cực trong công tác xây dựng pháp luật và chính sách, phản biện xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.” “Trường Đại học Luật Hà Nội xác định tầm nhìn trở thành trường đại học trọng điểm đào tạo pháp luật và cán bộ về pháp luật ở Việt Nam, phấn đấu trở thành cơ sở đào tạo luật có uy tín, trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý và trung tâm truyền bá khoa học pháp lý hàng đầu của Việt Nam và có thương hiệu trong khu vực Đông Nam Á.” Từ đó nhà trường “xác định mục tiêu phát triển theo định hướng” “không ngừng nâng cao và tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo, tiếp cận chất lượng đào tạo của khu vực Đông Nam Á và của các nước phát triển trên thế giới” đồng thời “triển khai phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường khả năng tự chủ động học tập của người học.” (Sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu - Trường Đại học Luật Hà Nội giai đoạn 2016-2020)

Để nâng cao “khả năng tự chủ động học tập của người học” việc đầu tiên là phá bỏ cách thức thụ động trong học tập, thụ động tiếp nhận kiến thức đã hình thành và phát triển thành thói quen của người học trong những năm học tập ở các cấp phổ thông; kích thích người học niềm đam mê học hỏi, khám phá những thông tin và những kiến thức mới, hình thành thói quen tự học, tự tìm tòi nghiên cứu, tận dụng thời gian học tập: học tập ở mọi lúc mọi nơi không chỉ phụ thuộc vào giờ học ở trên lớp.

Để góp phần hoàn thành sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu của Trường Đại học Luật Hà Nội và triển khai phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường khả năng tự chủ động học tập của người học, bài viết tập trung nghiên cứu khái niệm về ‘Hứng thú’; ‘hứng thú của người học ngôn ngữ Anh’; ‘Thế nào là Extensive reading? và tầm quan trọng của Extensive reading đối với việc kích thích hứng thú học tập, tự học, tự nghiên cứu’; từ đó bài viết nêu một số đề xuất về ‘cách thức sử dụng Extensive reading trong giảng dạy kỹ năng đọc’ cho sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội nói chung và sinh viên ngành ngôn ngữ Anh trường Đại học Luật Hà Nội nói riêng.

Khái niệm hứng thú

“Hứng thú là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với đối tượng nào đó vừa có ý nghĩa đối với cuộc sống vừa có khả năng đem lại khoái cảm cho cá nhân trong quá trình hoạt động” (Trần Thị Minh Đức).

“Khi ta hứng thú về một cái gì đó bao giờ cũng được ta ý thức, ta hiểu ý nghĩa của nó đối với cuộc sống của ta. Hơn nữa ở ta xuất hiện một tình cảm đặc biệt đối với nó, do đó hứng thú lôi cuốn hấp dẫn chúng ta về phía đối tượng của nó tạo ra tâm lý khát khao tiếp cận đi sâu vào nó” (Phạm Minh Hạc – Lê Khanh – Trần trọng Thủy).

Thông thường nhu cầu tạo ra hứng thú, hứng thú giúp con người hành động năng động và sáng tạo hơn. Hứng thú được hình thành trong quá trình nhận thức và hoạt động thực tiễn, nhận thức càng sâu sắc và đầy đủ càng đặt nền móng vững chắc cho sự hình thành và phát triển của hứng thú, hứng thú tạo nên trong cá nhân những khát vọng tiếp cận biểu hiện ở hành vi tập trung chú ý cao độ vào đối tượng gây hứng thú, hành vi tích cực hoạt động, ý thức điều chỉnh hành vi để hoàn thành tốt nhất công việc đang được triển khai.

Hứng thú đối với người học tiếng Anh

Theo Merian-webster hứng thú đối với người học tiếng Anh là một trạng thái mong muốn được học thêm kiến thức hoặc là mong mỏi được tham vào các hoạt động luyện kỹ năng. Thực chất  là nó cuốn hút sự quan tâm của bạn và làm cho bạn thích học thêm hoặc bị cuốn hút vào hoạt động nào đó.

Sự cần thiết của sự hứng thú trong học tập không chỉ dừng ở ý nghĩa là một ai đó có hứng thú học mà còn thể hiện tầm quan trọng là khi người học có hứng thú về một lĩnh vực nào đó nó sẽ trở nên dễ dàng thậm chí còn mang lại hứng khởi thích thú khi người này học môn học này.

 Kết quả của nhiều nghiên cứu đã cho thấy: người học có khả năng học nhiếu kiến thức đến mức kinh ngạc về những gì cuốn hút họ; não bộ của chúng ta có khả năng tiếp thu đặc biệt là khi có hứng học lĩnh vực nào đó; đây cũng là lý do tại sao người học (sinh viên) cần phải có hứng thú trong học tập. Chúng ta đều biết rằng bản chất tự nhiên của con người tiếp thu đủ loại thông tin khi họ hứng thú học môn học cụ thể nào đó, sinh viên kể cả những người lớn tuổi đều học tốt hơn nếu họ quan tâm đến những nội dung kiến thức mà họ đang học, vì vậy các giáo viên đã tận dụng sự hứng thú của sinh viên để thúc đẩy sinh viên học tập. Tạo hứng thú học tập cho sinh viên và làm thế nào để giúp sinh viên phát triển niềm đam mê học tập khi họ thiếu vắng sự hứng thú và động cơ học tập là mục tiêu mà nhiều giảng viên mong mỏi đạt tời. Extensive reading là một trong trong số những giải pháp tạo hứng thú đọc cho sinh viên phát triển kỹ năng đọc, nâng cao hiệu quả môn đọc.

Extensive reading

Đọc là một hoạt động có mục đích. Mục tiêu mà sinh viên học để đọc một ngôn ngữ thông qua việc nghiên cứu từ vựng, ngữ pháp và cấu trúc câu của ngôn ngữ đó. Đọc là một quá trình tương tác giữa người đọc và văn bản đọc để đạt được mục tiêu cuối cùng là hiểu được văn bản. Người đọc sử dụng vốn kiến thức, kỹ năng, và các chiến lược của mình bao gồm năng lực về ngôn ngữ (linguistic competence), năng lực về diễn ngôn (discourse competence), năng lực về ngôn ngữ học xã hội (sociolinguistic competence) và năng lực về chiến lược (strategic competence) nhằm xác định được văn bản đó đang muốn truyền đạt nội dung gì. (Quora)

Extensive Reading hay còn gọi là học để đọc “learn to read” (Day & Bamford, 1998 and Fenandya, 2007 cited in Feng Teng, 2015.p67; Extensive Reading Foudation, 2011). Extensive Reading được định nghĩa là hình thức đọc độc lập một khối lượng lớn các tài liệu để lấy thông tin hoặc để thư giãn. Mục tiêu ban đầu của chương trình Extensive Reading là thúc đẩy sinh viên đọc các bài đọc bằng ngôn ngữ thứ hai và kết nối nó.

Ông Richard Day (2002) đã cung cấp danh sách về các đặc điểm cơ bản của Extensive Reading, danh sách các yếu tố hoặc các nguyên tắc để có được Extensive Reading thành công này sau đó được Philip Prowse (2002) và Maley (2008) bổ sung hoàn thiện như sau:

  1. Các sinh viên đọc nhiều và đọc thường xuyên.
  2. Có nhiều loại hình văn bản và nhiều chủ đề nhiều lĩnh vực để lựa chọn
  3. Các bài đọc không chỉ thú vị: chúng còn lôi cuồn, hấp dẫn
  4. Sinh viên có thể lựa chọn bài để đọc
  5. Mục tiêu đọc chủ yếu là: giải trí, thu nhận thông tin, và tăng hiểu biết phổ cập cơ bản
  6. Đọc là phần thưởng
  7. Đọc không kiểm tra, không cần từ điển
  8. Tài liệu đọc nằm trong năng lực ngôn ngữ của sinh viên
  9. Đọc được thực hiện bởi từng cá nhân, và hình thức đọc thầm
  10. Tốc độ đọc nhanh hơn, không cân nhắc và không đọc chậm
  11. Giáo viên giải thích các mục tiêu và các trình tự một cách rõ ràng, rối đóng vai trò là người hướng dẫn và chỉ dẫn cho sinh viên
  12. Giáo viên đóng vai trò người mẫu…người đọc, tham gia toàn bộ quá trình với sinh viên.

Khuôn mẫu được Atwell (2006) đề xuất giống như mẫu cho đọc L1; loại hình này còn mô tả dưới nhiều tên khác nhau như là Đọc Tự Do Tự Nguyện (Free Voluntary Reading –FEVER); Đọc Không Thành Tiếng Không Can Thiệp (Uninterrupted Silent Reading – USR); Duy Trì Đọc Thầm (SSR); Bỏ Mọi Thứ Lại và Đọc (Drop Everything and Read – DEAR); hoặc là Thành Quả Khả Quan Trong Khi Thưởng Thức Đọc (Positive Outcomes While Enjoying Reading – POWER).

Tầm quan trọng của Extensive Reading

1. Extensive Reading phát triển tính tự chủ của người học: Extensive Reading được biết đến như là Phương thức ít tốn kém, và hiệu quả nhất để phát triển tính tự chủ của người học. Bản chất của đọc là một hoạt động mang tính riêng tư và cá nhân. Người đọc có thể đọc bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào trong ngày. Người đọc có thể bắt đầu hoặc dừng đọc theo mong muốn, và họ có thể đọc với tốc độ nhanh chậm như thế nào mà họ cảm thấy thoải mái nhất. Người đọc có thể hình dung mường tượng và giải thich những gì họ đọc theo cách riêng của mình. Người đọc có thể đặt câu hỏi cho chính mình ngấm ngầm trong đầu hoặc thể hiện ra, ghi chép các hiện tượng ngôn ngữ, hoặc đơn giản cứ thế đọc.

2. Extensive Reading tạo mở lĩnh hội nguồn đầu vào: Đọc là phương thức sẵn có nhất cho nguồn đầu vào của nhận thức, đặc biệt đây là nguồn cung cấp tại chỗ ở những nơi khó tiếp cận với ngôn ngữ được học, nếu được chọn lựa bài đọc cẩn thận phù hợp với trình độ của người học, người đọc sẽ bắt gặp lặp đi lặp lại những mảng ngôn ngữ mà họ đã gặp trước đó, điều này giúp họ củng cố những gì họ đã biết đồng thời mở rông thêm những kiến thức thông tin mới mà họ chưa biết.  Nếu không có cách nào, giải pháp nào mà bất cứ người học nào cũng gặp phải do không có đủ thời gian để học một ngôn ngữ mới trong chỉ với một số giờ giới hạn nhất định ở trên lớp. Cách duy nhất đáng tin cậy để học một ngôn ngữ là thông qua vô số các thể hiện lặp đi lặp lại theo ngữ cảnh: đó cũng chính là những những gì Extensive Reading cung cấp.

3. Extensive Reading nâng cao năng lực ngôn ngữ phổ cập: Lợi ích của Extensive Reading có được phát triển hay không phụ thuộc vào việc đọc.Tuy nhiên có sự lan rộng hiệu quả từ năng lực đọc sang các kỹ năng ngôn ngữ khác như viết, nói và điều chỉnh về cú pháp (Elley 1991 cited in Alan Maley 2014);  Day and Bamford (1998) cũng đưa ra quan điểm tương tự, thậm chí họ còn đưa ra bằng chứng về sự tiến bộ trong ngôn ngữ nói. Vì vậy đọc nhiều và phong phú dường như mang lại hiệu quả cho tất cả các kỹ năng ngôn ngữ chứ không chỉ kỹ năng đọc.

4. Extensive Reading giúp phát triển kiến thức phổ thông và thế giới: Nhiều sinh viên có kinh nghiệm và kiến thức khá là hạn chế cả về nhận thức lẫn sự tác đông của thế giới nơi họ sống. Extensive Reading giúp mở rông cánh cửa ra thế giới qua tầm nhìn của những ‘con mắt’ khác nhau. Extensive Reading còn giúp giáo viên và sinh viên duy trì việc sử dụng tiếng Anh ‘tươi mới (fresh)’ và bắt nhịp với sự đổi mới trong mọi lĩnh vực trong đó có năng lực về ngôn ngữ. Chức năng giáo dục này của Extensive Reading dường như chưa được chú trọng một cách đầy đủ lắm.

5. Extensive Reading mở rộng, củng cố và duy trì sự tăng trưởng vốn từ vựng: Từ vựng không thể được học tách biệt, Extensive Reading cho phép người đọc đụng độ với các từ, ngữ trong từng tình huống ngữ cảnh cụ thể và ngày càng bổ sung, làm phong phú ngữ nghĩa thêm vào vốn từ vựng hiện có. Nhờ sự hiên diên của vốn từ vựng ở các tình huống ngữ cảnh cụ thể nó cũng giúp ngươi đọc suy đoán ngữ nghĩa của những từ chưa biết một cách dễ dàng hơn. Nhiều nghiên cứu (Day et all 1991, Nation and Wang 1999, Pigada and Schmitt 2006) đã minh chứng vốn từ vựng đã thu nhận được nhở Extensive Reading.

6. Extensive Reading giúp hoàn thiện kỹ năng viết: Có một mối quan hệ được thiết lậptừ rất lâu giữa kỹ năng đọc và kỹ năng viết. Về cơ bản, chúng ta đọc càng nhiều, chúng ta càng viết tốt hơn. Chính xác quá trình này diễn ra như thế nào thì vẫn chưa được biết đến (Kroll 2003) nhưng sự thật trên thực tế đã xảy ra là các bài viết của những người đọc nhiều thật sự rất tốt, Hafiz and Tudor (1989) cùng phán đoán cho thấy khi chúng ta tiếp cận ngôn ngữ nhiều hơn, thường xuyên hơn thông qua hoạt đông đọc, cơ cấu ngôn ngữ mà chúng ta tiếp cận được in ấn chính là sản phẩm của hình thức viết hoặc là bài phát biểu khi cần thiết.

7. Extensive Reading tạo dựng và duy trì động lực đọc nhiều hơn nữa: Vòng tuần hoàn hiệu quả - thành công sẽ dẫn tới thành công – khẳng định rằng khi chúng ta đọc một cách có hiệu quả một ngôn ngữ nước khác chúng ta sẽ cảm thấy được khích lệ để đọc nhiều hơn. Tác động của việc đánh giá bản thân và động lực thúc đẩy hoạt động đọc bằng tiếng nước ngoài là không thể phủ nhận. Nó giống như nhiên liệu càng cho vào ngọn lửa càng bùng cháy, càng đọc, càng thúc bách kích thích trí tò mò mong muốn khám phá và hoạt động đọc dần dần trở thành một thói quen, một món ăn tinh thần không dễ gì từ bỏ.

Từ những lợi ích hết sức thiết thực của Extensive Reading, chúng ta có thể thấy việc ứng dụng Extensive Reading cho giảng dạy – học tập môn đọc là hoàn toàn thuyết phục và mang tính khả thi, nó không những mang lại hiệu quả cho sinh viên mà còn tạo hứng thú, tính tự chủ, tính độc lập cho các sinh viên trong hiện tại và trong tương lai.

Các cách để tạo hứng thú, nuôi dưỡng thói quen đọc

 Các thủ thư – cán bộ thư viện của Việt nam, những người hàng ngày phục vụ nhu cầu thông tin đưa ra lời khuyên ‘gợi ý 10 cách để tạo thói quen và hứng thú đọc sách’ trên trang web: http://vietnamlib.net/headlines/10-cach-de--tao-hung-thu-doc-sach.

Tương tự như vậy, Leo Babauta – một nhà văn chuyên nghiệp nêu ra 14 cách để nuôi dưỡng thói quen đọc sách suốt cuộc đời “14 Ways to Cultivate a Lifetime Reading Habit” (at www.lifehack.org/articles/featured/14-ways-to-cultivate-a-lifetime-reading-habit.html).

Cách thức mà các chuyên gia đề cập đến như sau:

- Đọc là sự thưởng thức: bạn hãy làm cho mình thật sự thoải mái và thư giãn khi đọc; ngồi ở một chiếc ghế thoải mái có gối tựa có chăn; có thể vừa đọc vừa thưởng thức một cốc chè hoặc một cốc cà phê; đọc lúc mặt trời mọc hoặc lúc mặt trời lặn hoặc tại bãi biển. v.v. Làm cho hoạt động đọc là một phần tất yếu của cuộc sống. là một thói quen sinh hoạt hằng ngày.

- Sắp đặt thời gian đọc: Thiết lập thời điểm đọc trong ngày cho mình, ít nhất ít nhất là 10-15 phút để đọc. Ví dụ, bạn có thể đọc trong bữa sáng hoặc trong bữa trưa, lúc đi ngủ, hoặc trong lúc giải lao: vậy là bạn có khoảng bốn lần cho 40-60 phút mỗi ngày. Đó là một sự khởi đầu tuyệt vời và đó là thói quen đọc hằng ngày tuyệt vời.

- Lập danh mục sách, các tài liệu thích hợp: hãy tạo một danh sách các sách, tài liệu bạn muốn đọc và luôn bổ sung thêm vào danh sách khi bạn nghe thông tin về sách hay tài liệu mới. xóa hoặc đánh dấu bên cạch danh sách ‘done – kết thúc’ khi bạn đọc xong tài liệu đó

- Luôn mang theo tài liệu đọc:Hãy mang theo tài liệu đọc bất cứ nơi nào bạn đi, khi bạn có thời gian trống, thời gian phải chờ đợi lấy tài liệu ra đọc. Đây là cách tuyệt vời để thời gian trôi nhanh.

- Chọn nơi yên tĩnh để đọc: Chọn nơi thoải mái, không có vô tuyến, không có máy tính bên cạch để tránh hoặc hạn chế tối đa bị can thiệp, bị sao nhãng bởi tiếng động, âm nhạc của các thành viên trong gia đình hoặc bạn thuê cùng phòng.

- Giảm xem vô tuyến và internet: Nếu thật sự bạn muốn đọc, cắt giảm sử dụng vô tuyến và internet, ưu tiêu thời gian đó cho đọc.

- Duy trì bảng ghi chép theo dõi hoạt động đọc: tương tự như lập danh mục sách và tài liệu đọc, bạn lập bảng ghi chép danh mục sách và tài liệu mà bạn đọc bao gồm ; tiêu đề, tác giả tài liệu bạn đọc, ngày bắt đầu đọc và ngày đọc xong, nếu có thể ghi chú những ý kiến của bạn về cuốn sách, tài liệu đó. Nếu có nhìn lại danh mục tài liệu bạn đã đọc bạn sẽ thấy thật thỏa mãn về số lượng tài liệu mà bạn đã đọc.

- Đến các hiệu sách cũ: để tìm những cuốn sách bạn cần với giá rẻ nhằm giảm chi phí.

- Đến thư viện: Thư viện là nơi cung cấp nhiều tài liệu bổ ích nhất. Hãy sử dụng thư viện như một thói quen hàng ngày và yêu cầu những cuốn sách mà bạn cần.

- Xác định mục tiêu đọc: Bạn tự xác định mục tiêu đọc rõ ràng cho riêng mình và cố gắng thực hiện mục tiêu này: ví dụ: đọc bao nhiêu cuốn trong một tuần, một tháng, một học kỳ? Đây được coi là chiến lược của mỗi người.

- Sách, tài liệu: Chọn lựa sách, tài liệu thu hút, hữu ích bạn muốn đọc, sau đó năng trình độ đọc những sách, tài liệu khó hơn.

- Giành một giờ đọc hoặc một ngày đọc: giành một giờ đọc ví dụ sau bữa tối, hoặc một ngày đọc khi bạn và có thể tất cả các thành viên trong gia đình cùng đọc.

- Đọc cùng con trẻ, bạn bè và người thân: Nếu bạn muốn họ cùng tham gia đọc với bạn.

- Câu lạc bộ và chia sẻ: Hãy viết lại những ghi nhớ và cảm xúc của bạn sau mỗi cuốn sách, tài liệu bạn đọc. Chia sẻ trên trang cá nhân hoặc các bạn trong lớp. Có thể tham gia nhóm đọc, câu lạc bộ đọc sách, hoặc những diễn đàn lớn để có thể chia sẻ và nhận được những thông tin bổ ích về các vấn đề văn hóa xã hội, tri thức mà bạn cần.

Một số đề xuất

Qua kết quả nghiên cứu bài viết xin nêu một số đề xuất khi ứng dụng Extensive Reading vào chương trình đào tạo như sau: 

  1. Nên ứng dụng Extensive Reading kết hợp vào chương trình đọc.
  2. Giáo viên hướng dẫn sinh viên làm theo lời khuyên về các cách để tạo thói quen và hứng thú đọc sách đã đề cập ở phần trên.
  3. Giáo viên hướng sinh viên đọc những tài liệu thiết thực hữu ích phục vụ cho mục đích học tập và nghiên cứu để tránh lãng phí thời gian.
  4. Gợi mở những bài Extensive Reading, những chủ đề kết nối với các môn học trong chương trình đào tạo của nhà trường và các bài kiểm tra.
  5. Thiết kế các nhiệm vụ, các hoạt động để linh hoạt đánh giá hoat động Extensive Reading (ví dụ: thiết lập nhóm đọc cùng sở thích, chia sẻ bài đọc hữu ích hoặc thú vị với các bạn trong lớp).

 

Tài liệu tham khảo

1. Atwell, Nancie. (2006)  The Reading Zone: how to help kids become skilled, passionate, habitual, critical readers.    New York: Scholastic

2. Atwell, Nancie. (2006).  The Reading Zone: how to help kids become skilled, passionate, habitual, critical readers. New York: Scholastic

3. Alan Maley. (2014). Extensive reading why it is good for students …and for us. Retrieved from https://www.teachingenglish.org.uk/article/extensive-reading-why-it-good-our-students%E2%80%A6-us

4. Annie Murphy Paul. (2013). How the Power of Interest Drives Learning. Retrieved from https://www.scholiseasy.com

5. Barnett, M.A. (1988). Reading through context: How real and perceived strategy use affects L2 comprehension. The Modern language Journal, 72, 150-162.

6. Bamford, J. and Day, R. R. (Eds.) (in press). Extensive reading activities for teaching language. Cambridge: Cambridge University Press.

7. Day, R. R. and Bamford, J. (1998). Extensive reading in the second language classroom. Pp. 32-39. Cambridge: Cambridge University Press.

8. Day R. R. and Bamford J. (2002). Top Ten Principles for Teaching Extensive Reading. Reading in a Foreign Language, 14(2). Longman Asia ELT.  Cambridge University Press.

9. Eskey, D. E. (1995). Colloquium on research in reading in a second language. Paper presented at TESOL 1995 Conference, Long Beach, California.

10. Feng Teng. (2015). The Effectiveness of Extensive Reading on EFL Learners’ Vocabulary Learning: Incidental versus Intentional Learning. Brazilian English Language Teaching Journal. 6(1). Pp. 66-80. BELT. Porto Alegre.

11. Fry, E. (1991). Ten best ideas for reading teachers. In E. Fry (Ed.), Ten best ideas for reading teachers (pp. 6-16). Menlo Park, Calif.: Addison-Wesley.

12. Hafiz, F.M and Tudor, I. (1989)   ‘Extensive reading and the development of language skills.’   ELT Journal 43 (1)  4-13

13. Henry, J. (1995). If not now: Developmental readers in the college classroom. Portsmouth, NH: Boynton/Cook, Heinemann.

14. Hill, D. R. (1998). A bibliography of language learner literature in English. In R. R. Day & J. Bamford, Extensive reading in the second language classroom (pp. 169-218).

15. Hill, D. R. (2001). Graded readers. ELT Journal, 55(3), 300-324.

16. Hu, M. & Nation, P. (2000). Unknown vocabulary density and reading comprehension. Reading in a Foreign Language, 13(1), 403-430.

17. John McCarthy. (2014). Learner Interest Matters: Strategies for Empowering Student Choice.

18. K. Ann Renninger, Suzanne Hidi, Andreas Krapp. (2014). The Role of Interest in Learning and Development. Psychology Press, New York London

19. Maley, A. (1999). Surviving the 20th century. English Teaching Professional, 10, 3-7

20. Maley, Alan (2008)  ‘Extensive Reading: Maid in Waiting’ in B. Tomlinson (ed)  English Language Learning Materials: a critical review.  London/New York: Continuum  pp133-156.

21. Nuttall, C. (1996). Teaching reading skills in a foreign language (2nd ed.). Oxford: Heinemann.

22. Phạm Minh Hạc – Lê Khanh – Trần trọng Thủy - Retrieved from www.cmard2.edu.vn

23. Prowse, P.  (2002). ‘Top ten principles for teaching extensive reading: a response.’ Reading in a Foreign Language.  14 (2)

24. Samuels, S. J. (1991). Ten best ideas for reading teachers. In E. Fry (Ed.), Ten best ideas for reading teachers (pp. 17-20). Menlo Park, Calif.: Addison-Wesley.

25. Susser B & TN Robb (1990) 'EFL Extensive Reading Instruction: Research and Procedure' JALT Journal Vol No.2 Retrieved from  http://www.kyoto-su.ac.jp/~trobb/sussrobb.html

Teaching reading – Quora.

26. The importance of interest in learning retrieved from https://www.schooliseasy.com/2014/03/importance-interest-in-learning/

27. Trần Thị Minh Đức - Retrieved from www.cmard2.edu.vn

28. Williams, R. (1986). "Top ten" principles for teaching reading. ELT Journal, 40(1), 42-45. www.lifehack.org/articles/featured/14-ways-to-cultivate-a-lifetime-reading-habit.html

 

 

SỬ DỤNG ĐOẠN PHIM VIDEO Đ KÍCH THÍCH HỨNG THÚ

CỦA SINH VIÊN TRONG GIỜ HỌC NÓI

ThS. Đào Thị Tâm1

 

Tóm tắt: Kỹ năng nói trong học ngoại ngữ là một kỹ năng khó, song lại đóng vai trò rất quan trọng quyết định sự thành bại trong giao tiếp xã hội cũng như phỏng vấn xin việc của sinh viên khi ra trường. Kỹ năng nói còn được xem là nghệ thuật giao tiếp giúp người học giao tiếp hiệu quả hơn, thuyết phục hơn. Tuy nhiên, việc giảng dạy kỹ năng nói trong chương trình ngoại ngữ của các trường đại học không chuyên nói chung và tại trường đại học Luật Hà Nội nói chung vẫn còn chưa được chú trọng, dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu về giao tiếp ngoại ngữ trong công việc. Để phần nào khắc phục được vấn đề này, bài tham luận sẽ đề cập đến thực trạng học kỹ năng nói ngoại ngữ tại trường Đại học Luật Hà Nội và đề xuất giải pháp nâng cao hứng thú cho sinh viên phát triển kỹ năng nói khi học ngoại ngữ.

I. Đặt vấn đề

 Ngày nay, việc học và thành thạo ít nhất một ngoại ngữ là điều kiện tất yếu đối với bất cứ ai muốn học tập, nghiên cứu hoặc công tác hiệu quả ở các ngành nghề khác nhau trong xã hội. Thực tế này xuất phát từ nhu cầu đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội trong xu thế đất nước đang trong quá trình phát triển, hội nhập kinh tế thế giới và xu hướng toàn cầu hóa của các nước trên thế giới. Do vậy, việc giảng dạy và học tập ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và trong các trường đại học nói riêng luôn được chú trọng, đòi hỏi việc giảng dạy ngoại ngữ cần phải được đầu tư, nghiên cứu để giảng dạy ngoại ngữ một cách linh hoạt, tích cực và hiệu quả.

Để thành thạo một ngoại ngữ người học cần học tốt cả bốn kỹ năng nghe –nói – đọc – viết. Các kỹ năng này đều có sự tương tác và hỗ trợ cho nhau nhằm giúp người học đạt được mục đích giao tiếp. Tuy nhiên, kỹ năng nói vẫn là hoạt động ngôn ngữ trực tiếp, hiệu quả trong quá trình giao tiếp diễn ra hàng ngày. Để có thể nói tốt một ngoại ngữ, người học không những phải có lượng từ đa dạng, kiến thức ngôn ngữ, văn hóa sâu rộng, khả năng nghe tốt, kỹ năng trình bày thuyết phục mà còn phải có niềm đam mê, hứng thú với ngoại ngữ mình đang học. Chính vì vậy, việc tạo ra một giờ học nói sôi nổi gây hứng thú cho sinh viên mạnh dạn trình bày quan điểm luôn là mục tiêu cần đạt được cho các giảng viên dạy ngoại ngữ. Do đó, dựa vào kinh nghiệm giảng dạy ngoại ngữ của bản thân cũng như thực trạng giảng dạy ngoại ngữ tại trường đại học Luật Hà Nội, tác giả bài viết xin đề xuất biện pháp “Sử dụng đoạn phim video để kích thích hứng thú của sinh viên trong giờ học nói” nhằm giúp sinh viên học tập kỹ năng nói một cách hiệu quả, tự tin đáp ứng được yêu cầu làm việc sau khi ra trường.

II. Thực trạng dạy và học kỹ năng nói ngoại ngữ tại trường đại học Luật Hà Nội

Sinh viên trường đại học Luật Hà Nội có thể lựa chọn các ngoại ngữ Anh- Nga- Pháp -Trung để đăng ký học theo nguyện vọng. Thời lượng học ngoại ngữ cho niên khóa 4 năm học là 150 tiết, được tính thành 7 tín chỉ. Trên thực tế thời lượng học ngoại ngữ trên theo quy định của Bộ giáo dục đào tạo áp dụng cho các trường đại học là quá ít, không đủ để sinh viên có thể học và sử dụng ngôn ngữ một cách thông thạo.

Bên cạnh đó, còn một số yếu tố khác cũng trở thành rào cản dẫn đến việc dạy và học nói của sinh viên tại trường bị hạn chế. Thứ nhất, sĩ số lớp học ngoại ngữ quá đông. Trung bình một lớp học ngoại ngữ khoảng 25-30 sinh viên. Với quy mô lớp học này thì việc truyền đạt kiến thức cho sinh viên về mặt ngữ pháp, từ vựng hoặc luyện kỹ năng đọc, nghe và viết cho sinh viên còn có thể tương đối đáp ứng đủ thời gian. Tuy nhiên, để phát triển kỹ năng nói cho sinh viên và giúp sinh viên tự tin trình bày quan điểm thì giảng viên không thể tập trung theo sát từng sinh viên trên lớp. Thứ hai, giáo trình ngoại ngữ áp dụng giảng dạy cho các sinh viên vẫn tập trung nhiều vào giảng dạy ngữ pháp, từ vựng, luyện kỹ năng đọc hiểu. Một số ngoại ngữ như tiếng Anh thì trong giáo trình cũng lồng ghép giảng dạy các kỹ năng nói thông qua các tình huống nói, chủ đề nói. Thông thường, giờ học nói diễn ra theo cách thức giảng viên đưa ra câu hỏi, tình huống nói, chủ đề nói; Giảng viên có thể yêu cầu sinh viên làm việc độc lập hoặc theo cặp, theo nhóm, khuyến khích sinh viên tư duy phát triển chủ đề bằng ngoại ngữ đang học. Song thực tế cho thấy phần lớn sinh viên khi thảo luận các chủ đề nói vẫn ở mức đưa ra ý tưởng bằng tiếng Việt, rồi chuyển tải ra ngoại ngữ đang học. Quá trình này mất nhiều thời gian chuẩn bị, thêm vào đó số lượng sinh viên trong lớp đông, trình độ sinh viên không đồng đều cũng như độ tích cực, hứng thú của sinh viên đối với môn học không cao làm cho việc giảng dạy và học tập kỹ năng nói cũng chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn.

Thêm vào đó, một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến việc giảng dạy ngoại ngữ nói chung và giảng dạy kỹ năng nói nói riêng như là sinh viên học ngoại ngữ vẫn sử dụng chung phòng học đại trà, trong khi đó học ngoại ngữ cần những phòng chuyên biệt; Các thiết bị hỗ trợ giảng dạy mà các giáo viên sử dụng giảng dạy mới dừng lại ở việc dùng đài casset, giáo trình, bảng phấn. Một số giảng viên có sử dụng máy chiếu để giảng dạy cho sinh viên nhưng mới tập trung vào việc truyền đạt thông tin qua hình ảnh hoặc đơn thuần là các trình chiếu chữ viết. Hầu như việc sử dụng các đoạn phim video để giảng dạy nâng cao kỹ năng nói cho sinh viên còn chưa được áp dụng nhiều.

III. Đề xuất giải pháp nâng cao hứng thú học kỹ năng nói cho sinh viên thông qua các đoạn phim video

1. Khái niệm về hứng thú học tập của sinh viên

Có thể nói rằng, hứng thú học tập của sinh viên đối với việc học tập nói chung và đối với học kỹ năng nói nói riêng đóng một vai trò vô cùng quan trọng, quyết định đến chất lượng tiếp nhận thông tin và chuyển hóa thông tin thành các kỹ năng và kinh nghiệm vận dụng trong cuộc sống một cách thành thạo và hiệu quả. Hứng thú học tập chính là thái độ nhận thức đặc biệt của chủ thể đối với hoạt động học tập, vì sự cuốn hút về mặt tình cảm và ý nghĩa thiết thực của nó trong đời sống của cá nhân. Nhờ hứng thú sinh viên có thể giảm mệt mỏi, căng thẳng, tăng sự chú ý, thúc đẩy tính tích cực tìm tòi, sáng tạo trong quá trình học tập và dễ dàng thành công trong học tập.

Có rất nhiều nghiên cứu về bản chất của hứng thú, Nhà tâm lý học I.PH. Shecbac đã nhận định “Hứng thú là thuộc tính bẩm sinh vốn có của con người, nó được biểu hiện thông qua thái độ, tình cảm của con người vào một đối tượng nào đó trong thế giới khách quan”. Tâm lý học Macxit xem xét hứng thú là kết quả của sự hình thành và phát triển nhân cách cá nhân, nó phản ánh một cách khách quan thái độ đang tồn tại ở con người.

 

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều nhận định rằng hứng thú là một yếu tố vô cùng quan trọng, thúc đẩy con người có niềm khao khát được tiếp cận với khách thể, từ đó thúc đẩy hành động tích cực, hiệu quả. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng trong quá trình học nói chung nếu sinh viên có hứng thú với môn học thì tự trong ý thức của các em sẽ hình thành động cơ học tập đúng đắn và khát khao thực hiện được mục tiêu học tập đã đề ra.

Xét về động cơ học tập ngôn ngữ nói chung của người học, Cole và Chan (1994) đề cập đến hai động cơ chính: động cơ bên ngoài và động cơ bên trong. Động cơ bên ngoài liên quan đến những yếu tố bên ngoài lớp học, chính là sự lôi cuốn, hấp dẫn của nền văn hóa của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ đó. Người học mong muốn tìm hiểu nền văn hóa đó và hội nhập vào nền văn hóa đó. Những yếu tố bên ngoài lớp học còn là nhu cầu sử dụng ngoại ngữ như ngôn ngữ thứ hai nhằm đạt được mục tiêu của cá nhân như để giao tiếp hiệu quả, chuyển tải thông tin giữa các ngôn ngữ linh hoạt, chính xác, thuận lợi trong quá trình xin việc hoặc được đề bạt ở vị trí cao hơn trong công việc, ….

Động cơ bên trong liên quan đến yếu tố bên trong lớp học. Động cơ này đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định thái độ học tập của sinh viên. Một sinh viên không có động cơ học tập bên ngoài vẫn có thể có thái độ học tập tích cực và đạt kết quả tốt trong học tập. Động cơ bên trong bị ảnh hưởng bởi bốn yếu tố chính: Một là, điều kiện vật chất của lớp học, trang thiết bị dạy và học, môi trường xung quanh và quy mô lớp học; hai là phương pháp giảng dạy – một yếu tố quyết định đối với sự yêu thích môn học của sinh viên; ba là tính cách, kiến thức và sự nhiệt tình của giáo viên; bốn là sự thành bại của sinh viên trong học tập.

Rõ ràng, hứng thú và động cơ học tập học ngoại ngữ của sinh viên tại trường đại học luật bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố nêu trên dẫn đến phong trào học ngoại ngữ của sinh viên trong một vài năm gần đây tuy có khởi sắc song cũng chưa thể sánh bước cùng các trường đại học khác và càng chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc về trình độ ngoại ngữ trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

2. Tổng quan về đoạn phim video

Theo định nghĩa trên Wikipedia thì đoạn phim video là một đoạn phim video ngắn, thường là một phần của một đoạn hoặc của một video dài hơn. Theo Mayer (2002), đoạn phim video được hiểu như là công cụ đa phương tiện bao gồm các cách trình bày thông tin bằng lời nói hoặc phi lời nói kết hợp đồng thời với hình ảnh, diễn giải và lời thoại trên màn hình. Việc kết hợp nhiều yếu tố âm thanh, hình ảnh, biểu tượng trạng thái, quan niệm, lời thoại,… góp phần giúp người học tham gia vào bài giảng và cải thiện chất lượng dạy và học.

Thực tế cho thấy sự phát triển không ngừng của các đoạn phim video trên mạng giúp ích nhiều cho các nhà giáo dục trong việc tìm kiếm các tư liệu giảng dạy nhằm bổ sung, đổi mới và nâng cao chất lượng bài giảng. Vì các chủ đề về các đoạn phim video ngắn rất đa dạng và sẵn có trên các mạng như Google, YouTube, Yahoo! Video,… . Thêm vào đó, việc tải các video này vào máy tính phục vụ cho bài giảng lại rất dễ dàng và nhanh chóng.

Tóm lại, các đoạn phim video là công cụ, tài liệu giảng dạy vô cùng hữu ích: Một mặt, giúp giảng viên đa dạng hóa phương pháp dạy học. Mặt khác, sinh viên trở nên tập trung và hứng thú hơn với các chủ đề nói, tích cực tham gia vào bài giảng của thầy cô.

Bàn về kỹ năng nói trong việc học ngoại ngữ, chúng ta phải thừa nhận rằng để nói tốt đòi hỏi rất nhiều yếu tố về ngôn ngữ cũng như kỹ năng giao tiếp và kiến thức văn hóa của người học. Các yếu tố ngôn ngữ bao gồm: độ trôi chảy, độ chính xác, phát âm, ngữ pháp và từ vựng kết hợp với kỹ năng giao tiếp như sử dụng ngôn ngữ cử chỉ, kinh nghiệm xử lý linh hoạt trong tình huống giao tiếp. Ngoài ra, việc sử dụng các đoạn phim video trong quá trình dạy kỹ năng nói còn giúp sinh viên học ngoại ngữ được hòa mình và trải nghiệm môi trường văn hóa chân thực của các nước bản xứ. Đồng thời, sinh viên có thể phát triển cả kỹ năng nghe thông qua việc tiếp xúc với các giọng điệu khác nhau của người bản xứ. Từ đó, giúp người học tự quan sát, bắt chước giọng điệu, ngữ điệu, sửa phát âm và có kỹ năng giao tiếp phù hợp trong từng tình huống cụ thể.

Như vậy, kỹ năng nói của sinh viên khi học ngoại ngữ có thể cải thiện đáng kể vì các đoạn phim video có những ưu thế về âm thanh, hình ảnh và quan trọng hơn là sinh viên được học ngoại ngữ trong môi trường, ngữ cảnh chân thực và sống động của chính ngôn ngữ mà các em đang học. Chẳng hạn như khi học nói về chủ đề các ngày lễ chính ở các nước phương Tây, giáo viên có thể trình chiếu đoạn phim mô tả về ngày lễ Giáng Sinh ở Anh. Sinh viên có thể vừa nghe và xem các hình ảnh để nắm bắt được trong ngày lễ này người dân Anh ăn gì, mặc gì và có các hoạt động gì đặc biệt; họ nói những câu gì để chúc mừng nhau,... Điều này kích thích sự tò mò, hứng thú tìm hiểu của sinh viên, giúp các em có sự so sánh đối chiếu với kiến thức ngoại ngữ mà các em đang có với ngữ cảnh giao tiếp thực tế để tự nhận thức được những quy chuẩn trong kỹ năng nói. Từ những hứng thú học tập, sinh viên sẽ tự hình thành động lực và xây dựng cho bản thân lộ trình học tập rèn luyện kỹ năng nói nói riêng và học ngoại ngữ nói chung một cách hiệu quả.

3. Các loại đoạn phim video phục vụ cho giảng dạy kỹ năng nói

Như đã nói ở trên các nguồn đoạn phim video trên mạng rất đa dạng và dễ dàng tải về máy tính để làm tư liệu cho giảng dạy kỹ năng nói. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ thông tin các giảng viên và sinh viên cũng có thể dễ dàng tự mình xây dựng các đoạn phim video để phục vụ mục đích giảng dạy và học tập bằng điện thoại thông minh. Tuy nhiên cả hai nguồn tài liệu này đều có những ưu điểm và mặt hạn chế. Cụ thể như sau:

3.1. Đoạn phim video trên mạng: Ưu điểm của loại nguồn này là các đoạn phim video sẵn có trên các mạng khác nhau với nội dung phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, mỗi bài giảng lại có nội dung và mục tiêu khác nhau nên nếu giảng viên muốn tận dụng nguồn tài liệu

này thì phải mất thời gian tìm kiếm trên mạng để có thể tìm được các đoạn phim tương thích về nội dung, chất lượng âm thanh tốt, hình ảnh rõ ràng và có độ dài phù hợp với các hoạt động giảng dạy trên lớp. Thêm vào đó, với các bài giảng sử dụng đoạn video các lớp học cần phải được trang bị máy chiếu. Nếu phòng học có kết nối mạng không dây wifi thì giảng viên có thể trích xuất trực tiếp các đoạn phim video từ đường dẫn trên mạng để giảng dạy cho sinh viên. Nếu không có mạng, thì giảng viên phải tải đoạn phim vào máy và lồng ghép vào trong giáo án điện tử.

3.2. Các đoạn phim video tự thiết kế: Ưu điểm của loại phim video này là giảng viên có thể kiểm soát được nội dung, độ dài của đoạn phim cho phù hợp với thiết kế bài giảng. Tuy nhiên, để có một video đơn giản nhất cũng đòi hỏi giảng viên phải thiết kế nội dung đoạn phim, thực hành nội dung đoạn phim, thậm chí còn phải có người trợ giúp tham gia vào các hoạt động đóng vai trong đoạn phim. Bên cạnh đó, giảng viên cũng phải đầu tư máy quay hoặc điện thoại thông minh tương đối tốt để có thể có được một đoạn phim ngắn có âm thanh to, rõ ràng và hình ảnh sắc nét. Một hạn chế lớn nhất của loại đoạn phim video kiểu này là nội dung của đoạn phim không được thiết kế với chất liệu chính xác của người bản ngữ cả về sắc màu văn hóa và chất liệu ngôn ngữ.

Nhìn chung, cả hai loại nguồn tài liệu kể trên đều có những hạn chế riêng và cần phải thực hiện ở những cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ thiết bị đèn điện, âm thanh. Bên cạnh đó, giảng viên còn phải căn cứ vào nội dung và thời lượng của hoạt động giảng dạy kỹ năng nói theo chương trình giảng dạy để lựa chọn các hoạt động hỗ trợ giảng dạy phù hợp.  Trên thực tế, không phải bài dạy nói nào cũng có thể dùng các đoạn phim video để hỗ trợ do sự không tương thích với mục đích giảng dạy hoặc do hạn chế về thời gian. Tuy nhiên, nếu khắc phục được các hạn chế này thì giảng viên và sinh viên chắc hẳn có những giây phút học tập kỹ năng nói sôi động và hiệu quả.

4. Áp dụng các đoạn phim video vào giảng dạy kỹ năng nói

4.1. Một số lưu ý khi sử sụng đoạn phim để thiết kế giảng dạy kỹ năng nói

- Về nội dung: Các đoạn phim video phải có nội dung phù hợp với nội dung và mục tiêu của hoạt động nói theo chương trình môn học. Thêm vào đó, giảng viên cũng nên nghiên cứu mục đích của việc sử dụng các đoạn video căn cứ vào nội dung bài giảng: nhằm để giới thiệu chủ đề, khuấy động không khí học tập của sinh viên, hay để thiết kế các hoạt động nói nhằm phát triển kỹ năng miêu tả, sửa phát âm, thực hành các chủ đề nói, thuyết trình về vấn đề văn hóa, xã hội,…

-Về thời gian: Giảng viên phải căn cứ vào thời lượng môn học để xem có nên lựa chọn các đoạn phim video vào hỗ trợ cho từng giảng dạy kỹ năng nói hay không. Thực tế, các đoạn phim video có thời lượng cũng không quá dài, chỉ khoảng 1-2 phút. Tuy nhiên, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng kỹ thuật này có thể phát sinh gây mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến trình giảng dạy như vấn đề về kỹ thuật máy móc, vấn đề về nguồn điện, âm thanh,…

-Về trình độ ngoại ngữ của sinh viên: Giảng viên phải căn cứ vào quy mô lớp học cũng như trình độ ngoại ngữ của sinh viên để lựa chọn hoặc thiết kế các đoạn phim video phù hợp với nội dung và mục tiêu của bài giảng cũng như trình độ ngoại ngữ của sinh viên giúp cho các em dễ dàng nắm bắt được nội dung đoạn phim và hứng thú tham gia vào hoạt động giảng dạy của giảng viên.

4.2. Các bước áp dụng đoạn phim video vào giảng dạy kỹ năng nói

Lợi ích của việc sử dụng các đoạn phim video vào giảng dạy ngoại ngữ nói chung và giảng dạy kỹ năng nói nói riêng là không nhỏ và không cần phải bàn luận. Tuy nhiên, để có được các hoạt động nói hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào cách thức áp dụng các đoạn phim video vào các hoạt động giảng dạy cụ thể trên lớp. Có ba giai đoạn chính nhằm tích hợp đoạn phim video vào hoạt động nói của sinh viên trên lớp một cách hiệu quả như sau:

- Các hoạt động trước khi xem đoạn phim: Theo hướng dẫn, yêu cầu của giảng viên,  sinh viên độc lập làm việc hoặc thảo luận với bạn để tìm hiểu chủ đề của đoạn phim liên hệ với nội dung bài học. Giai đoạn này có thể gồm các hoạt động như:

+ Dự đoán và thảo luận chủ đề đoạn phim

+ Giới thiệu từ mới và các hiện tượng ngữ pháp xuất hiện trong đoạn phim video

+ Luyện phát âm các từ nhằm giúp sinh viên dễ dàng xem và hiểu nội dung đoạn phim.

- Các hoạt động trong khi sinh viên quan sát đoạn phim: Vẫn theo sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên có thể thực hiện các hoạt động như:

+ Xem thư giãn, không cần ghi tóm tắt nội dung đoạn phim

+ Xem để nêu được chủ đề chính của đoạn phim

+ Xem lần thứ hai và ghi chép các thông tin chi tiết liên quan đến đoạn phim

+ Ghi chép được các chi tiết liên quan đến chủ đề chính trong đoạn phim.

+ Xem và trao đổi thông tin, chi tiết của đoạn phim theo cặp (Pair work)

+ Thực hành trao đổi theo cặp theo yêu cầu của giảng viên. Ví dụ như:  Sinh viên A không xem phim, sinh viên B xem phim và mô tả các chi tiết đang xảy ra trong đoạn phim cho A hoặc sinh viên A không xem phim mà chỉ đoán các tình tiết trong đoạn phim dựa vào âm nhạc, tiếng la hét hoặc tiếng bước chân,…Sinh viên B sẽ quan sát và xác nhận thông tin cho sinh viên A.

+ Xem và gợi nhớ, miêu tả các chi tiết xảy ra trong đoạn phim theo trình tự.

-Các hoạt động sau khi xem đoạn phim: Sau khi xem phim sinh viên có thể thực hiện các hoạt động sau để thực hành các kỹ năng ngôn ngữ cụ thể như:

+ Tóm tắt lại nội dung đoạn phim và trả lời các câu hỏi để nắm bắt được mức độ hiểu nội dung đoạn phim thông qua kỹ năng nghe – nhìn.

+ Miêu tả các chi tiết liên quan đến đoạn phim về người, cảnh vật, đồ vật,…

+ Thảo luận về nội dung đoạn phim, dự đoán phần kết của đoạn phim hoặc rút ra các bài học, ý nghĩa của đoạn phim,…

+ Luyện và thực hành lại các lời thoại, hội thoại trong đoạn phim

+ Thực hành luyện trọng âm và, ngữ điệu, cách phát âm theo lời thoại trong đoạn phim.

+ Tự dựng các đoạn phim ngắn bàn luận về nội dung chủ đề vừa xem hoặc về các chủ đề khác có liên quan. (Phần yêu cầu này có thể giao cho sinh viên làm trên lớp nếu có nhiều thời gian hoặc giao thành bài tập về nhà).

Như vậy, tùy thuộc vào nội dung, mục đích, thời lượng của bài giảng theo chương trình học để giảng viên lựa chọn đoạn phim video và các hoạt động giảng dạy theo kèm phù hợp với trình độ của sinh viên. Trong suốt giờ học, giảng viên phải là người kiểm soát các hoạt động trên lớp, đưa ra các yêu cầu cụ thể cho sinh viên thực hành, quan sát sinh viên làm việc, khích lệ và hỗ trợ sinh viên trong các hoạt động giao tiếp, sửa lỗi và đánh giá mức độ làm việc của sinh viên. Có như vậy, giờ học nói mới trở nên cuốn hút, tạo hứng thú cho sinh viên tích cực luyện nói, tham gia ý kiến xây dựng bài theo yêu cầu của giảng viên.

IV. Kết luận và kiến nghị

Sử dụng các đoạn phim video trong các giờ dạy nói mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên cả về ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp và vốn hiểu biết xã hội về các nước khác nhau trên thế giới. Đây là một lợi thế giúp các giảng viên sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, thiết kế những giờ giảng thú vị và hiệu quả, đồng thời giúp cho sinh viên có hứng thú, động lực tự trau dồi kiến thức ngoại ngữ như từ vựng, ngữ pháp, phát âm, ngữ điệu,… tự tin trong giao tiếp, và hiểu biết sâu rộng về văn hóa xã hội của các nước bản ngữ thông qua việc học ngoại ngữ.

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng toàn cầu hóa, kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ giúp sinh viên sau khi ra trường có nhiều cơ hội giao lưu quốc tế, mở ra nhiều cơ hội việc làm và tích lũy kiến thức kinh nghiệm. Tuy nhiên, việc học nói trong các giờ ngoại ngữ ở các trường đại học nói chung và ở trường đại học Luật Hà Nội nói riêng vẫn chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Thông qua bài tham luận này, tác giả muốn các cơ sở giáo dục, các giảng viên cũng như các em sinh viên cần nhìn nhận lại vai trò của việc học ngoại ngữ nói chung và nâng cao kỹ năng nói nói riêng trong xu thế các nước trên thế giới đang tăng cường hợp tác phát triển. Qua đó, có thể điều chỉnh chương trình giảng dạy, rà soát bổ sung, đổi mới giáo trình, tăng thời lượng học ngoại ngữ,…để sinh viên có điều kiện được luyện tập, trau dồi các kỹ năng cơ bản khi học ngoại ngữ, và đặc biệt chú trọng phát triển kỹ năng nói ngoại ngữ cho sinh viên. Có như vậy, sinh viên khi ra trường mới đủ tự tin vận dụng các kiến thức chuyên môn cùng với khả năng giao tiếp ngoại ngữ trôi chảy cạnh tranh với bè bạn quốc tế, đáp ứng yêu cầu nguồn lao động chất lượng cao của xã hội và quốc tế./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1] Cole, P.G. & Chan L, 1994. Teaching Principles and Practice. Australia: Prentice Hall of Australia Pty Ltd.p

[2] Cruse, E. Using educational video in the classroom: Theory, Research and Practice

http://www.media-and-learning.eu/.../using -educatioanl-video-in-the-classroom

 [3] Hồ Minh Thu. Làm thế nào để cải thiện kỹ năng nói tiếng Anh cho sinh viên?  

        www.kh-sdh.udn.vn/zipfiles/So15-16/31_thu_hominh.doc 

[4]  Hứng thú- Khái niệm hứng thú trong tâm lý học. http://butnghien.com/hung-thu-khai-niem-hung-thu-trong-tam-ly-hoc.t4401/

[5] Porter, L 2002.  Educating Young Children with Special Needs. PCP  

         http://www.paulchapmanpublishing.co.uk/book.aspx?pid=103944

 [6] tamlihoc.net. Hứng thú- Khái niệm hứng thú trong tâm lý học

 

 

 

 

 

 

GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY ĐỘNG LỰC HỌC TIẾNG ANH CHO SINH VIÊN KHÔNG CHUYÊN TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG NHÓM

Ths. Đồng Hoàng Minh1

                                                                                                           

I. Đặt vấn đề

            Trong tiếng Anh có một câu phương ngữ như sau: “Education must be fun.” (Việc học cần có sự hứng thú). Giáo viên cần phải vận dụng những phương pháp tích cực để biến việc học nặng nề thành một niềm vui để sinh viên thêm niềm say mê trong học tập. Sự hứng thú có thể nói là mấu chốt để có thể học tốt một ngôn ngữ, cho nên kích thích niềm hứng thú, sự say mê của sinh viên, nâng cao chất lượng dạy và học trong việc học ngoại ngữ là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Đặc biệt đối với môn Tiếng Anh, là một môn Ngoại ngữ , trong suy nghĩ của nhiều em sinh viên đây là một môn học phụ, nên việc tạo thêm động lực học tập cho các em càng có vai trò quan trọng hơn. Chính vì vậy, việc dạy học ngoại ngữ thông qua trò chơi theo hình thức hoạt động nhóm ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong học đường, thông qua các trò chơi, dưới sự chỉ đạo của giáo viên, vận dụng thêm một số đạo cụ dạy học, sinh viên có thể nhẹ nhàng và vui vẻ tiếp thu được bài học của mình, giáo viên có thể đạt được mục tiêu dạy học đã đặt ra.

            Trên thực tế, các trò chơi trong giờ học có thể giúp xua tan mệt mỏi, sự tẻ nhạt và mang đến một bầu không khí học tập đầy hứng thú. Bên cạnh đó, các trò chơi còn có thể mang ngoại ngữ vào cuộc sống. Theo George P.MC Callum (101 wordgame: 1980), có nhiều lý do xác đáng để sử dụng các trò chơi trong giờ học ngoại ngữ. Trong không khí vui chơi thoải mái, học sinh ít ý thức về bản thân hơn vì thế có nhiều khả năng thể nghiệm hơn và tự do tham gia vào việc sử dụng ngôn ngữ. Thêm vào đó các trò chơi kích thích hứng thú của sinh viên một cách tự động.

II. Cách thức tiến hành

1. Thế nào là dạy học thông qua hoạt động nhóm

            Trong tâm lý học đại cương và giáo dục học đưa ra khái niệm dạy học thông qua trò chơi  như sau:

“Trò chơi có luật và những nội dung cho trước, là trò chơi của sự nhận thức, hướng đến sự mở rộng, chính xác hoá, hệ thống hóa các biểu tượng đã có nhằm phát triển các năng lực trí tuệ, giáo dục lòng ham hiểu biết của trẻ - trong đó nội dung học tập kết hợp với hình thức chơi”

            Bản chất của phương pháp dạy học thông qua trò chơi theo hình thức hoạt động nhóm chính là thông qua việc tổ chức hoạt động cho sinh viên, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, sinh viên được hoạt động bằng cách tự chơi trò chơi, trong đó mục đích của trò chơi chuyển tải mục tiêu của bài học. Luật chơi (cách chơi) thể hiện nội dung và phương pháp học, đặc biệt là khi áp dụng phương pháp dạy học có sự hợp tác và tự đánh giá.

            Trong thực tế dạy học, giáo viên thường tổ chức trò chơi học tập để khởi động, củng cố kiến thức. Tuy nhiên cũng có thể tổ chức cho sinh viên chơi các trò chơi theo hình thức hoạt động nhóm để hình thành kiến thức, kỹ năng mới, tạo hứng thú học tập cho sinh viên ngay từ khi bắt đầu bài học mới. Đối với bản thân tôi, tôi đã chủ động nghiên cứu và tìm nhiều tài liệu trên mạng cũng như trong sách vở; sáng tạo và áp dụng vào giờ giảng kỹ năng Tiếng Anh của bản thân và nhận thấy các em sinh viên rất có hứng thú cũng như tham gia tích cực và yêu thích các giờ học Tiếng Anh của mình hơn.

2. Thực trạng dạy và học ngoại ngữ tại trường Đại Học Luật Hà Nội

            Môn Tiếng Anh TOEIC là một môn ngoại ngữ tự chọn cho sinh viên ngành Luật học và Luật kinh tế trường Đại Học Luật Hà Nội và được giảng dạy thành hai học phần với thời lượng 150 tiết. Kết thúc hai học phần theo hình thức tín chỉ, sinh viên phải thi hết môn và đồng thời trước khi xét tốt nghiệp cần phải nộp chứng chỉ TOEIC đạt tối thiểu 450 điểm (tương đương với trình độ B1 theo chuẩn năng lực ngoại ngữ do Bộ giáo dục và đào tạo quy định). Thực tế cho thấy với thời lượng học ít và hạn chế ở trường, nếu sinh viên không có hứng thú và dành nhiều thời gian để tự học và luyện tập ở nhà thì các em sẽ rất khó đạt được chuẩn đầu ra, đặc biệt đối với những em yếu kém và mất gốc từ trước. Theo tìm hiểu của cá nhân, tôi được biết từ trước đến nay trong các lớp học tiếng anh TOEIC tại trường sinh viên được giảng dạy hai kỹ năng đọc và nghe là chính và nội dung học chủ yếu xoay quanh việc làm và chữa bài tập, học và bổ sung từ mới và ngữ pháp. Thực tế cho thấy nếu học theo hình thức này trong thời gian dài và không có hoạt động khác mới lạ và mang tính giải trí, các em sẽ rất dễ chán và không thể chú tâm hoàn toàn vào nội dung bài học. Đặc biệt là đối với các em học sinh trung bình và yếu, với nền tảng tiếng anh ít ỏi khi phải tiếp thu và làm quen với các dạng bài mới các em rất dễ nản chí và không theo kịp.

            Từ những lý do trên, tôi đã quyết định thử nghiệm và áp dụng các trò chơi mà mình sưu tầm được hay nghĩ ra trong các lớp học TOEIC mà mình phụ trách. Kết quả cho thấy các em rất có hứng thú với các trò chơi trong lớp và tỏ ra vui vẻ, thoải mái và có nhiều năng lượng hơn để học tập sau khi các trò chơi kết thúc.

3. Tại sao cần áp dụng trò chơi  theo hình thức hoạt động nhóm trong việc giảng dạy môn Tiếng Anh TOEIC

            Tạo hứng thú học tập cho sinh viên là một điều vô cùng cần thiết trong hoạt động dạy học, phù hợp với mọi đối tượng. Ngoài ra, đối với đối tượng là sinh viên ngành Luật học và Luật kinh tế, việc vận dụng trò chơi trong hoạt động dạy học còn có một tầm quan trọng khác bởi những lý do sau đây:

  • Môn Tiếng Anh đối với sinh viên ngành Luật học và Luật kinh tế là môn tự chọn, việc tạo hứng thú cho các em để các em lựa chọn học Tiếng Anh là một yêu cầu cần thiết.
  • Nhiều sinh viên vẫn xem Tiếng Anh là một môn học phụ, học để đủ tín chỉ tích lũy ra trường, nên không có sự nhiệt huyết trong học tập.
  • Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến với người Việt Nam, sinh viên cần học và đảm bảo chuẩn đầu ra B1 (tương đương với TOEIC 450), đầu vào của các em không cao nên các em cần có hứng thú học tập và học tập tích cực để đạt chuẩn đầu ra và đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng hiện nay.

            Từ những lý do trên, tôi quyết định sáng tạo và vận dụng một số trò chơi trong quá trình giảng dạy môn Tiếng Anh TOEIC cho sinh viên ngành Luật học và Luật kinh tế để đánh thức niềm đam mê và hứng thú học tập của các em, giúp các em có thêm động lực và học tập tích cực môn học hơn.

4. Các nguyên tắc sử dụng trò chơi theo hình thức hoạt động nhóm

a. Nội dung trò chơi theo hình thức hoạt động nhóm

            Các trò chơi với nội dung gây hứng thú nên khá nhẹ nhàng, các ngữ liệu rất đơn giản để đảm bảo tất cả sinh viên cùng tham gia.

b. Tổ chức trò chơi theo hình thức hoạt động nhóm

            Vì đây là trò chơi nên khâu tổ chức lớp cực kỳ quan trọng. Các trò chơi có thể tiến hành ở mức độ cá nhân hoặc theo đội.  Để tránh mất thời gian, ngay trước khi tiến hành trò chơi, giáo viên nên chia lớp thành 2-3 đội và trong mỗi đội lại chia thành 2-3 nhóm cụ thể, đặt tên đội hoặc nhóm theo tên ưa thích của các em. Giáo viên chú ý phân đội, nhóm một cách hợp lý, đảm bảo đội, nhóm nào cũng có sinh viên khá, giỏi, trung bình. Trong quá trình chơi ở một số trò chơi, quy định mỗi người trong đội chỉ được trả lời một lần để nhiều người có thể tham gia.

c. Cho điểm và cạnh tranh lành mạnh

            Là một trò chơi mang tính cạnh tranh nên không thể thiếu phần cho điểm. Tuy nhiên có thể thay đổi phương pháp cho điểm để trò chơi trở nên hấp dẫn, ví dụ điểm cho hai đội có thể được thể hiện như là hai cái thang và hai người đang leo lên hai cái thang đó. Giáo viên có thể download các file trình chiếu powerpoint có các cách cho điểm sáng tạo như quay vòng bánh xe may mắn, xe ô tô trên đường đua… rất nhiều và phổ biến trên mạng Internet.

d. Hướng dẫn trò chơi

            Học sinh cần phải biết rõ trò chơi chơi như thế nào nếu không các em có thể bị mất phương hướng ngay từ đầu.

            Có thể viết hướng dẫn lên bảng hoặc làm mẫu với một sinh viên khá để mọi người đều biết mình cần làm gì. Lời hướng dẫn cần được chuẩn bị chu đáo, ngắn gọn rõ ràng dễ hiểu. Học sinh cũng cần được biết trò chơi được thực hiện nhằm mục đích gì. Nếu không hiểu lý do, nhiều sinh viên sẽ nghĩ hoạt động đó không quan trọng và từ bỏ hoặc không tham gia nhiệt tình.

e. Sự tham  gia của người học

            Không phải tất cả học sinh đều dễ dàng tham gia ngay vào trò chơi. Trong lớp có thể có một vài sinh viên rụt rè hoặc kém hơn các bạn khác, vì thế giáo viên nên cho các em một khoảng thời gian vài phút im lặng để chuẩn bị hoặc có thể đưa ra một số gợi ý trước trên bảng hoặc yêu cầu một học sinh khá hỗ trợ quản lý trò chơi.

f. Thời gian chơi

            Vì thời lượng của một tiết học  chỉ có 45 phút nên trò chơi khởi động nên được thực hiện trong một khoảng thời gian giới hạn

5. Một số trò chơi theo hình thức hoạt động nhóm được sử dụng trong các lớp tiếng anh TOEIC cho sinh viên ngành Luật học và Luật kinh tế

Phần 1: Trò chơi tăng cường vốn từ

(1) Trò chơi tìm từ

            Mục đích của trò chơi giúp cho sinh viên ôn tập, nhớ lại cũng như biết thêm các từ vựng thuộc nhiều chủ đề khác nhau trong tiếng anh. Giáo viên sẽ chia lớp ra làm 3-4 nhóm nhỏ khác nhau tùy thuộc vào sỹ số lớp. Giáo viên lần lượt đưa ra các chủ đề từ vựng khác nhau (chú ý chọn chủ đề gần gũi, quen thuộc mà sinh viên đã biết như nghề nghiệp, các loại động vật, thực vật, đồ dùng nhà trường, địa điểm công cộng…), các nhóm có từ 3-4 phút để thảo luận và liệt kê càng nhiều từ càng tốt thuộc chủ đề mà giáo viên đưa ra. Sau thời gian nói trên, lần lượt các đội sẽ cho từ thuộc chủ đề và giáo viên đồng thời là người quản trò sẽ quyết định xem từ đó có hợp lệ và được chấp nhận không. Giáo viên cần chú ý ghi lên bảng một số từ mới, từ lạ mà sinh viên chưa biết và yêu cầu sinh viên đọc hoặc kiểm tra lại nghĩa sau khi trò chơi kết thúc. Đội chơi nào không thể đưa ra từ thuộc chủ đề sẽ bi loại khỏi trò chơi, kết thúc mỗi lượt chơi đội nào trả lời đúng nhiều từ nhất sẽ là đội chiến thắng.

(2) Trò chơi ghép tranh và từ

            Mục đích của trò chơi giúp sinh viên rèn luyện khả năng nhanh nhạy nhìn tranh và ghép với từ đúng đồng thời cũng là một cách rất hay để dạy từ mới thuộc chủ đề có kèm hình ảnh minh họa. Giáo viên chuẩn bị một bộ flashcards từ vựng tiếng anh thuộc một chủ đề bất kỳ, có các tranh mô tả từ và từ vựng đi kèm với tranh đó. Giáo viên chia lớp thành 2-3 nhóm với số lượng thành viên cân bằng với nhau. Giáo viên giải thích luật chơi, để các tranh và các mảnh ghép với từ vựng tiếng anh không theo một trật tự cố định trên bàn. Các đội sẽ lần lượt cử từng người chơi chạy lên bàn, nhanh chóng tìm ra các tranh và các mảnh ghép từ vựng tương ứng với nhau và dán lên bảng bằng các miếng nam châm chuẩn bị sẵn. Kết thúc trò chơi, đội nào tìm được nhiều cặp tranh và từ chính xác nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất sẽ dành chiến thắng. Kết thúc trò chơi, giáo viên tổng kết bằng cách yêu cầu cả lớp đọc lại các từ trên bảng và kiểm tra nghĩa để chắc chắn rằng sinh viên đều ghi nhớ được các từ xuất hiện trong trò chơi.

(3) Trò chơi người treo cổ (Hangman)

            Mục đích của trò chơi giúp cho sinh viên ôn tập và nhớ cách đánh vần các từ thuộc chủ đề nhất định. Giáo viên có thể download trò chơi trên mạng hoặc đơn giản vẽ minh họa trên bảng. Bắt đầu trò chơi, giáo viên cho một ô chữ bất kỳ gồm một số chữ cái. Các đội lần lượt được chọn bất kỳ một chữ cái trong bảng chữ cái tiêng anh, nếu chữ cái mà các đội lựa chọn trùng với một chữ cái nào đó trong ô chữ thì chữ cái đó sẽ được lật mở. Nếu chữ cái mà các đội lựa chọn không có trong ô chữ thì giáo viên sẽ vẽ một nét hình người lên trên bảng (tay, chân, thân, đầu…). Nếu các đội đoán và hoàn thành chính xác ô chữ trước khi hoàn thành các nét vẽ của người treo cổ thì các đội sẽ ghi được điểm, ngược lại nếu các đội không đoán được ô chữ và để giáo viên vẽ đủ nét của người treo cổ thì các đội thua cuộc và không ghi được điểm nào cả. Kết thúc trò chơi, đội nào đoán đúng được nhiều chữ cái hay từ nhất sẽ là đội chiến thắng.

Phần 2: Trò chơi khởi động tăng cường khả năng nghe-nói

(1) Trò chơi nghe và điền từ

            Giáo viên chuẩn bị sẵn các đoạn băng hội thoại, bài nói bằng tiếng anh hay các bài hát được nhiều người yêu thích và các phiếu in lời bài hát có một số từ bị bỏ trống và được đánh số. Giáo viên có thể cho học sinh nghe và xem qua đoạn video clip để hiểu sơ qua về nội dung hội thoại hay câu chuyện trong đoạn ghi âm/ bài hát, sau đó sinh viên được nghe và nhìn vào tờ lời bài hát. Các em sẽ vừa nghe và điền các từ còn thiếu mà mình nghe được và cùng giáo viên kiểm tra xem mình nghe các từ có đúng không ở lần nghe cuối cùng. Giáo viên chú ý giới thiệu, giải thích các từ mới cũng như những cấu trúc lạ xuất hiện trong phần transcript hay phần lời của đoạn hội thoại hay bài hát. Sinh viên nào nghe được nhiều từ đúng sẽ được khen thưởng (được cả lớp vỗ tay chúc mừng, được một phần quà nhỏ…). Hoạt động này rất có tác dụng trong việc giúp sinh viên thư giãn khi học tập căng thẳng, vừa học vừa kết hợp chơi và có thể làm cho các em say mê học từ và phát âm để có thể hiểu cũng như hát theo các bài hát mà các em thích.

(2) Trò chơi liệt kê từ nghe được theo chủ đề

            Giáo viên chuẩn bị và sưu tầm các đoạn video clip có nội dung liên quan đến chủ đề bài học và gần gũi với cuộc sống (đồ ăn, các môn thể thao, sở thích, các hoạt động). Nội dung trò chơi này là các đội chơi trong lớp sẽ xem video clip, nghe các từ thuộc chủ đề được cho trước. Giáo viên chia lớp ra làm nhiều đội và đảm bảo trong mỗi đội có các học sinh giỏi, khá, trung bình đều nhau. Sau khi xem xong video clip, các đội chơi có 2 phút thảo luận để thống nhất câu trả lời; sau đó giáo viên sẽ yêu cầu các đội liệt kê các đáp án ra một tờ giấy ghi rõ tên đội mình. Sau khi thu lại tờ giấy đáp án của mỗi đội, giáo viên sẽ tổng kết và xem đội nào liệt kê được nhiều từ đúng thuộc chủ đề nhất. Cuối trò chơi, giáo viên sẽ tổng kết tất cả các từ đúng mà các đội đã nghe và liệt kê được và chú thích một số từ khó mà nhiều sinh viên chưa biết. Trò chơi này vừa giúp học sinh luyện được khả năng nghe và nhận biết từ, lại học được từ mới và cách phát âm của các từ này chính xác.

(3) Trò chơi “Talk for a minute” (Nói trong vòng một phút)

            Mục đích của trò chơi này là rèn và luyện cho sinh viên khả năng nói trôi chảy, dễ hiểu về một số chủ đề đơn giản. Nội dung của trò chơi như sau: giáo viên sưu tầm slide trình chiếu có các biểu tượng được đánh số từ 1 đến hết, mỗi số sẽ tương ứng với một chủ đề nói bắt đầu bằng yêu cầu “Talk for a minute about…. (ví dụ: about your daily activities, your dream job, your favourie food). Mỗi đội chơi sẽ cử một người bất kỳ lên tham gia trò chơi, chọn một con số bất kỳ và nói về chủ đề trong vòng 1 phút. Đội chơi sẽ ghi được điểm trong trường hợp người chơi nói trôi chảy, lưu loát và rõ ràng trong vòng 1 phút đúng theo chủ đề đã chọn được. Kết thúc trò chơi, đội nào ghi được nhiều điểm nhất sẽ là đội chơi chiến thắng.

(4) Trò chơi “Simon says”

            Giáo viên đứng trước lớp và đóng vai Simon. Giáo viên nói “Simon says” cùng với tên của bất kỳ một hành động nào đó và diễn tả bằng cử chỉ cho dù chỉ của giáo viên có thể không đúng với tên hành động vừa nêu. Học sinh có nhiệm vụ lắng nghe và diễn tả lại hành động được nêu tên, không nên bắt chước hành động của giáo viên hoàn toàn. Em nào diễn tả sai sẽ là người thua cuộc.

(5) Trò chơi “Hot seat” (Chiếc ghế nóng)

            Giáo viên chia học sinh của mình thành 3 hoặc 4 đội và chọn mỗi nhóm 1 thành viên ngồi lên Ghế Nóng và quay mặt về phía lớp. Giáo viên viết một từ lên bảng, và một thành viên trong đội của học sinh đang ngồi trên Ghế Nóng phải diễn tả giúp đồng đội của mình đoán được ra từ vựng trên mà không được nói, đánh vần hay viết tên từ đó ra. Trò chơi sẽ tiếp diễn cho đến khi thành viên trong các đội đều đã diễn tả từ vựng cho đồng đội ngồi trên ghế nóng của mình. Trò chơi này cũng có thể áp dụng để dạy kĩ năng nói.

(6) Trò chơi “Word of mouth” (Truyền miệng)

            Giáo viên chia lớp thành 2 nhóm đứng thành hàng và nói thầm với học sinh đứng đầu tiên tên một từ vựng nhất định, học sinh đó sẽ phải nói thầm từ trên cho bạn kế tiếp và tiếp tục cho đến khi em học sinh cuối cùng trong hàng đọc to từ vừa được truyền. Nếu em học sinh trên có thể phát âm từ được thì thầm chính xác, cả đội sẽ giành được 1 điểm. Một biến thể khác của trò chơi này thay vì thì thầm thì các thành viên trong đội sẽ viết ra giấy và giơ cho bạn kế tiếp xem.

Phần 3: Một số hoạt động nhóm để tiếp thu và hiểu bài

(1) Hoạt động trao đổi thông tin và thu thập dữ liệu theo chủ đề

            Mục đích của hoạt động này là tăng khả năng và phản xạ nói ngoại ngữ cho sinh viên, thúc đẩy việc trao đổi và thu thập dữ liệu trong giờ học tiếng anh và thường áp dụng nhiều trong các giờ học nói. Giáo viên chuẩn bị các phiếu điều tra có một số câu hỏi liên quan đến chủ đề bài học (ví dụ đối với chủ đề thức ăn sẽ có các câu hỏi như: What food do you like? When do you often have it? How often do you have meals with family…) và thiết kế bảng hỏi để sinh viên điền câu trả lời. Trong giờ học, sinh viên sẽ phải di chuyển quanh lớp và hỏi một số bạn bất kỳ trong lớp để hoàn thành bảng hỏi. Sau khoảng thời gian nhất định (từ 5-7 phút), giáo viên mời một số bạn lên nói và trình bày ngắn gọn về các thông tin mà mình thu thập được. Trong quá trình lắng nghe, giáo viên chú ý theo dõi và ghi chép các lỗi sai về phát âm và ngữ pháp và yêu cầu cả lớp nhận xét và chỉnh sửa.

(2) Hoạt động chữa bài viết theo nhóm

            Trong giờ học viết, giáo viên có thể ứng dụng hoạt động này để phát huy khả năng team work và khắc sâu kiến thức. Giáo viên ra bài tập viết về nhà về một chủ đề nhất định và yêu cầu sinh viên viết bài theo nhóm, in và photo bài để buổi học sau phát cho các nhóm khác. Ngoài ra, giáo viên cũng có thể yêu cầu sinh viên làm bài cá nhân và nộp bài, chọn ra một số bài viết tiêu biểu để các nhóm cùng chữa trên lớp. Trong buổi học, các nhóm sẽ thảo luận và nhận xét các bài viết theo nhiều tiêu chí đánh giá: từ vựng, ngữ pháp, trình bày, ý và vốn từ. Cuối cùng, giáo viên và các nhóm khác sẽ bổ sung và đánh giá tổng quan về các bài viết.

(3) Hoạt động làm bài tập chuyên đề, thuyết trình theo chủ đề

            Hoạt động này có thể áp dụng trong tất cả các giờ học ngôn ngữ nói chung và với nhiều kỹ năng cũng như trình độ. Để chuẩn bị và đảm bảo hiệu quả cho việc tiếp thu bài của sinh viên trong buổi học tiếp theo, giáo viên có thể chia nhóm tự do và yêu cầu sinh viên chuẩn bị bài ở nhà (chuẩn bị bài thuyết trình ngắn về nội dung kiến thức sẽ học trong buổi học tiếp, làm các bài tập chuyên đề nhỏ về phần kiến thức mới). Các nhóm sẽ phải chủ động phân công công việc và lên mạng tìm đọc các tài liệu liên quan đến nội dung bài học trong buổi kế tiếp, qua đó các em sẽ tiếp thu bài học tốt hơn. Giáo viên có thể đưa ra một số quy định về việc cho điểm khuyến khích, ưu tiên để sinh viên có thêm động lực trong việc chuẩn bị bài.

III. Kết luận

            Trên đây tôi đã đề xuất và đưa ra một số gợi ý trong việc áp dụng các trò chơi theo hình thức hoạt động nhóm vào giờ học tiếng anh giảng dạy TOEIC nói riêng và giờ học ngoại ngữ nói chung. Mỗi giáo viên có thể áp dụng các trò chơi tùy theo đặc điểm của lớp học, lứa tuổi và trình độ của sinh viên để đạt được hiệu quả cao nhất. Với tính hấp dẫn của các trò chơi này, tôi tin rằng nếu như được áp dụng một cách thường xuyên và lâu dài trò chơi tiếng anh có tác dụng lớn trong việc khơi dậy đam mê học ngoại ngữ của các em và có thể giúp các em thư giãn, vừa chơi vừa học và có thêm năng lượng cho các hoạt động học thuật khác.

 

Tài liệu tham khảo

1. Brown, H. D. (1980). Principles of Language Learning and Teaching. Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall Regents.

2. Canh, Le Van (2004). Understanding Foreign Language Teaching Methodology. NXB Quốc gia Hà Nội.

3. Granger, C. and Plumb, J. (1980- 1981). Play games with English. Teacher’s Book 1, Book 2. Thomson Litho Ltd, East Kilbridge, Scotland.

 

 

 

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG, TRÒ CHƠI TRONG

GIẢNG DẠY NGOẠI NGỮ TẠI ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

 

Trần Thúy Loan1

 

Đặt vấn đề

Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa, công tác dạy học ngoại ngữ ngày càng được coi trọng. Để đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ ngày càng tăng trong thời kỳ hội nhập, Đại học Luật Hà nội không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy để rút ngắn thời gian, đồng thời nâng cao hiệu quả dạy học ngoại ngữ, thúc đẩy việc học ngoại ngữ của sinh viên và đem lại hiệu quả học tập cao. Vấn đề chất lượng đào tạo, phương pháp đào tạo hiệu quả, gây hứng thú trong học tập cho sinh viên luôn là mối quan tâm của nhà trường, bộ môn ngoại ngữ cũng như của các giảng viên ngoại ngữ.

Bên cạnh việc khai thác nội dung và hình thức của mỗi bài học trong giáo trình, người dạy còn có một không gian sáng tạo rất lớn, đó là tổ chức hoạt động, trò chơi, tạo ra không gian giao tiếp với sự tham gia, tương tác của người học.

Để đóng góp cho phương pháp đào tạo ngoại ngữ gây hứng thú cho sinh viên, tôi xin được trình bày vềtổ chức hoạt động, trò chơi trong đào tạo, hình thức tổ chức hoạt động, trò chơi, phương pháp tổ chức và một số vấn đề cần lưu ý khi tổ chức hoạt động, trò chơi trong giảng dạy.

1. Mục đích

Mục đích của bài trình bày này là để giúp các giảng viên ngoại ngữ:

  • Xác định được nhu cầu hứng thú học tập của học viên
  • Tự tin thiết kế và triển khai việc tổ chức các hoạt động, trò chơi trong giảng dạy
  • Nắm vững và vận dụng hiệu quả các kỹ năng cần thiết trongviệc tổ chức các hoạt động,trò chơi tronggiảng dạy

2. Nguyên tắc học

Để có thể thực hiện được phương pháp gây hứng thú cho sinh viên, giảng viên cần hiểu rõ những nguyên tắc học: người học chỉ tập trung được trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó cần thay đổi trạng thái để tránh căng thẳng  hoặc  buồn tẻ.

Ngữ cảnh là một trong những nhân tố tác động rất lớn đến quá trình giao tiếp ngôn ngữ. Ngữ cảnh có giá trị lớn trong lĩnh vực dạy học ngoại ngữ.

Do đó, giảng viên cần tổ chức các hoạt động, trò chơi  làm thế nào để buổi học vui, gây phấn khích, để học viêncó thể học và nhớ qua các trò chơi, trải nghiệm và các hoạt động sôi nổi.

2.1. Chúng ta học được từ đâu?

Chúng ta học được từ những gì chúng ta nghe.

Chúng ta học được nhiều hơn từ những gì chúng ta thấy

Chúng ta học được nhiều nhấttừ những gì chúng ta làm (thực hành, trải nghiệm, “chơi”, hoạt động…)

Chúng ta học bằng tất cả các giác quan.

Theo một nghiên cứu, hiệu quả ghi nhớ thông qua các giác quan như sau:

  • Thính giác:                                                      10%
  • Thị giác:                                                          40%
  • Thính giác và thị giác:                         80%
  • Thính giác, thị giác, vị giác, xúc giác: 90%
  • Được hướng dẫn và tự mình làm:       100%

Nghiên cứu này cho thấy sinh viên có thể học được nhiều nhất thông qua các hoạt động, trò chơi, thực hành...

Để có được môi trường giao tiếp, nhất là giao tiếp ngôn ngữ trong giờ học trên lớp, người dạy phải đóng vai trò là người tổ chức các hoạt động và người học là nhân vật trung tâm.

2.2. Các yếu tố tác động tích cực đến buổi học

Một buổi học vui, hứng thú cho học viên được tạo bởi các yếu tố chính sau đây:

  • Nội dung và phương pháp hấp dẫn
  • Học viên chủ động, sôi nổi, tích cực
  • Diễn đạt dễ hiểu
  • Tổ chức các hoạt động vui

Như vậy, nếu giảng viên tổ chức được các hoạt động, trò chơi thì sẽ đem lại tác động tích cực đến buổi học và sẽ dẫn đến hiệu quả học tập cao hơn.

2.3. Tại sao chúng ta cần tổ chức các hoạt động trong giảng dạy?

Các hoạt động, trò chơi trong giảng dạy sẽ hỗ trợ:

  • Thay đổi nhịp độ giảng dạy
  • Là một cách để thay đổi không khí học tập cho cả lớp
  • Khuyến khích sự tham gia của sinh viên
  • Cho phép giảng viên có thể đánh giá khả năng và kiến thức của các sinh viên
  • Tạo không khí vui vẻ, thoải mái
  • Các hoạt động sẽ làm cho sinh viên nhớ lâu hơn nội dung bài giảng.
  • Giảng viên tạo được ấn tượng và để lại dấu ấn riêng của mình

2.4. Nguyên tắc của lớp học

Với những phân tích trên đây về nguyên tắc học của người lớn cho thấy một lớp học vui, hứng thú cần đảm bảo các yếu tố chính sau đây:

  • Học tập tích cực
  • Thư giãn hợp lý
  • Vui mà học- Học mà vui

Sinh viên học tập tích cực, thông qua các trò chơi, sinh viên được học một cách vui vẻ, được thư giãn để não được nghỉ ngơi, không căng thẳng quá và khi não được phấn khích với các trò chơi, thi đấu, thì sinh viên hứng thú hơn, vui hơn, nhớ được bài nhiều hơn thông qua việc “chơi” và các trải nghiệm qua các hoạt động. Sinh viên sẽ thích thú hơn với các tiết học ngoại ngữ, yêu môn ngoại ngữ hơn và sẽ chủ động, tích cực học hơn để có thể tham gia vào các hoạt động trên lớp. Kết quả là sinh viên sẽ đạt được kết quả và hiệu quả cao hơn trong học tập ngoại ngữ.

3. Tổ chức hoạt động, trò chơi

3.1. Cáchình thức tổ chức

Thông qua quá trình nghiên cứu bài giảng, người dạy phải thực sự chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong việc thiết kế các hoạt động, tình huống giao tiếp khác nhau xoay quanh nội dung chủ đề của mỗi bài học. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, nội dung giảng dạy, các hoạt động, trò chơi có thể được tổ chức theo các hình thức khác nhau:

  1. Cá nhân
  2. Cặp (đôi)
  3. Nhóm
  4. Toàn thể lớp

Cần có những “màn kịch” tự nhiên, sát thực cho người học vận dụng các kiến thức ngôn ngữ vừa được tích lũy, thực hành giao tiếp một cách có hiệu quả.

3.2. Sử dụng hoạt động trò chơi trong trường hợp nào?

  • Các hoạt động cá nhân thường được sử dụng cho các câu hỏi ngắn hoặc được dùng khi muốn các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, thi đấu cá nhân...
  • Các hoạt động cặp đôi thường được sử dụng để thay thế cho hoạt động nhóm nếu diện tích lớp học không cho phép hoặc khi muốn nhóm làm việc nhanh , bài tập động não... Học viên có thể thành lập cặp/đôi với người bên trái, bên phải hoặc bàn trên, bàn dưới.
  • Các hoạt động nhóm dùng cho việc thảo luận chủ đề, thi đấu giữa các nhóm. Các học viên bàn trên quay xuống hình thành nhóm với các học viên bàn dưới.
  • Các hoạt động toàn thể lớp: cả lớp đứng thành vòng tròn/vuông, cùng luân phiên trả lời câu hỏi

3.3. Các dạng hoạt động, trò chơi

  • Hoạt động Nhóm (Group work)

Lớp được chia thành nhiều nhóm. Các nhóm cùng thảo luận và làm bài tập nhóm, trình bày theo nhóm.

  • Sắm vai (Role play)

Hai hoặc nhiều sinh viên sắm vai và thực hành nói theo nội dung bài học .

  • Nghiên cứu tình huống (Case study)

Sinh viên được phát bài tập tình huống để thực hành nói, trả lời, ứng xử theo các tình huống  (có thể thực hành theo nhóm hoặc cá nhân)

  • Thảo luận (Discussion)

Sinh viên có thể quay sang trái/phải hoặc quay xuống bàn dưới để thảo luận bài, làm bài tập, trả lời câu hỏi trong bài với các bạn

  • Thi có thưởng (Competition)

Các nhóm hoặc cả lớp thi đấu, trả lời câu hỏi hoặc nhiệm vụ do giảng viên đưa ra

  • Thuyết trình (Presentation)

Cá nhân hoặc nhóm lên thuyết trình nọi dung học trong bài

  • Hoạt động tập thể

Cả lớp cùng nhau hoàn thành bài tập lớn hoặc dự án

  • Trò chơi (Games)

Các trò chơi trí tuệ (tìm ô chữ…) hoặc thể lực (chạy lên bảng để dán câu trả lời/ từ lên bảng…)

  • Đố vui (Quiz)
  • ….

3.4.      Những điểm cần lưu ý khi tổ chức hoạt động, trò chơi

Do thời lượng chương trình có hạn, để đảm bảo đủ thời gian để giảng dạy các nội dung  theo yêu cầu, thời gian dành cho hoạt động, trò chơi chỉ giới hạn khoảng 5-10 phút.

Khi tổ chức hoạt động, trò chơi, giảng viên cần lưu ý những vấn đề sau để đảm bảo thời gian và hiệu quả:

  • Mục tiêu rõ ràng
  • Số lượng người cho mỗi nhóm phù hợp
  • Khuyến khích sự di chuyển và đảo cặp
  • Quan sát, hướng dẫn, giải thích, đưa ra phản hồi kịp thời, linh hoạt
  • Khuyến khích sự tham gia của các sinh viên bị động và dành cho họ sự khích lệ
  • Quản lý thời gian hiệu quả
  • Quản lý trật tự

3.5.      Khi nào tổ chứchoạt động/trò chơi

Các hoạt động, trò chơi có thể tổ chức đầu giờ, giữa giờ, sau giờ giải lao hoặc cuối giờ học (trước khi kết thúc buổi học) nhằm mục đích:

  1. Khởi động, phá băng  (Warm-up, ice-breaker)
  2. Thay đổi không khí
  3. Tổng kết kiến thức

3.6.     Một số ví dụ trò chơi:

Đoán chữ (Guessing – word)

Mục đích: Tăng cường vốn từ vựng. Trò chơi này về cơ bản giống gameshow : “Chiếc nón kỳ diệu”. Giảng viên chọn từ theo một chủ đề, sau đó vẽ số ô vuông tương ứng với số chữ cái của từ đó.  Từ gợi ý cho trước, người chơi sẽ đoán mỗi lần một chữ cái, nếu chữ cái đó có trong ô chữ, thì giảng viên sẽ viết chữ cái ấy vào đúng vị trí. Ai tìm ra từ thì người đó thắng. Ngược lại, sau 5 lần đoán sai (số lần do giảng viên quy định) mà chưa tìm ra từ, thì người chơi sẽ thua.

Catalogs

Mục đích: Kiểm tra và củng cố vốn từ vựng với nhiều chủ đề khác nhau. Chia lớp thành 4 hoặc 5 nhóm. Giảng viên viết lên bảng một chủ điểm trong khoảng 2 phút, các đội phải hoàn thành danh sách các từ về chủ điểm đó. Đội nào có danh sách dài nhất, chính xác nhất sẽ thắng cuộc. Sau đó lại tiếp tục với các đề tài khác để kiểm tra kiến thức tổng quát: (1) Tên các nghề nghiệp trong văn phòng, nhà hàng; (2) Tên các phòng ban trong một công ty, trường đại học; (3) Các môn thể thao và sự kiện thể thao; (4) Các đồ trang trí nội thất; (5) Các loại quần áo nam nữ. Nên chuẩn bị trước một danh sách mà sinh viên có thể trả lời, tránh chọn một chủ đề quá khó tìm từ.

Tranh luận (Debates)

Đây là những trò chơi có ích cho một lớp học tiếng Anh vì nó tạo điều kiện cho người học tự do diễn đạt ngôn ngữ. Mục đích: Cải thiện khả năng nói và nghe  hiểu đồng thời kích thích thảo luận về một vấn đề đòi hỏi tư duy.

Ví dụ: Sinh viên được chia thành 2 nhóm để tranh luận về 1 chủ đề: một nhóm đưa ra ý kiến, và nhóm kia đưa ra phản biện.

Mỗi đội có 5 phút để chuẩn bị và lên thuyết trình.Thời gian chơi do giảng viên quy định. Giảng viên nhận xét , đưa thêm ý kiến bổ sung và sửa lỗi, nếu có.

Đối mặt

Mục đích của trò chơi là để học viên nhớ lại từ, kiến thức đã học.

Sinh viên đứng thành vòng tròn. Giảng viên đưa ra câu hỏi, sau đó ném 1 quả bóng tennis, ai nhận được bóng phải trả lời câu hỏi, rồi ném bóng tiếp cho sinh viên khác trả lời tiếp.

Thời gian chơi do giảng viên quy định. Giảng viên nhận xét và sửa lỗi, nếu có.

Tài hùng biện

Mục đích của trò chơi là thực hành trả lời nhanh về một đề tài được đưa ra.

Giảng viên chuẩn bị sẵn đề tài. Sinh viên được chia thành 2 đội lên bắt thăm đề và thuyết trình (hùng biện) trong vòng 1 phút. 3 sinh viên được chọn làm Ban giám khảo sẽ quyết định xem đội nào có tài hùng biện hơn, dựa vào khả năng diễn đạt, sự sáng tạo và cách dùng từ, cách phát âm…

Shopping tour

Mục đích của trò chơi là ôn lại các mẫu tự, củng cố từ vựng.

Sinh viên ngồi thành vòng tròn. Người đầu tiên bắt đầu kể về chuyến đi mua sắm của mình và tên của một vật đã mua bắt đầu bằng chữ A (ví dụ: “ I went shopping and  bought  an  amchair”).  Người thứ 2 phải kể “I bought  an  amchair” và thêm một vật bắt đầu bằng chữ B: “I bought  an  amchair and some beer”. Trò chơi cứ thế tiếp tục với các mẫu tự.

3.7. Các bước triển khai hoạt động, trò chơi

Các bước tiến hành như sau:

Bước 1: Phổ biến :

  • Tên trò chơi
  • Luật chơi, nguyên tắc chơi
  • Thời gian chơi…

Bước 2: Chia nhóm (chia thành 2 hoặc 3 nhóm lớn hoặc có thể chia nhóm nhỏ hơn. Lưu ý

  • Phân chia nhóm hợp lý (mỗi nhóm có sinh viên giỏi, khá, trung bình).
  • Đảm bảo tất cả các sinh viên được tham gia.

Bước 3: Thực hiện trò chơi

Bước 4: Kết thúc hoạt động, trò chơi. Kết luận, rút ra bài học

4.    KẾT LUẬN

Để cải thiện chất lượng dạy học ngoại ngữ theo hướng giao tiếp, việc vận dụng kiến thức ngữ cảnh và ngữ cảnh học vào quá trình thiết kế tình huống giao tiếp, hoạt động, trò chơi, đưa người học vào môi trường thực hành giao tiếp ngôn ngữ là vô cùng quan trọng, khiến cho hoạt động dạy học ngoại ngữ trở nên sinh động, thiết thực, gắn lý thuyết với thực hành sử dụng ngôn ngữ.

Các hoạt động, trò chơi  vô cùng quan trọng trong việc góp phần làm cho tiết học ngoại ngữ vui vẻ, thân thiện, thoải mái. Sinh viên học mà chơi - chơi mà học. Từ việc hứng thú với các tiết học ngoại ngữ, sinh viên yêu thích môn ngoại ngữ và chủ động học tập tích cực. Từ đó sẽ đem lại hiệu quả và kết quả học tập cao.

 

Tài liệu tham khảo

1.Thạc sỹ Trịnh Thị Thúy Hoa, Tổ tiếng Pháp, Đại học Luật Hà Nội, Những thay đổi cơ bản trong tổ chức dạy và học ngoại ngữ tại Đại học Luật Hà nội – Hệ quả và giải pháp.

2.PGS.TS. Phạm Ngọc Hàm, Đại học ngoại ngữ, Đại học quốc gia Hà Nội, Ngữ cảnh và vai trò của ngữ cảnh trong dạy học ngoại ngữ.

3. George P.Mccallum, Oxford University Press 101 Word Games.

 

 

 

 

THÚC ĐẨY HỨNG THÚ HỌC TẬP MÔN VIẾT CỦA SINH VIÊN NGÀNH NGÔN NGỮ ANH BẰNG CÁCH THAY ĐỔI PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT CỦA GIẢNG VIÊN

ThS. Nguyen Thu Trang 1

Động lực học tập ngoại ngữ của sinh viên nói chung và động lực học tập kỹ năng thực hành viết của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh nói riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm các yếu tố chủ quan như sở thích cá nhân, định hướng nghề nghiệp của cá nhân và các yếu tố khách quan như môi trường học tập, giáo viên, bạn cùng lớp. Trong đó, giáo viên đóngmột vai trò rất quan trọng trong việc khơi gợi và tạo hứng thú học tập cho sinh viên.

Với gần 10 năm giảng dạy Tiếng Anh nói chung và 3 năm giảng dạy sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh tại trường Đại học Luật Hà Nội, qua quá trình tự nghiên cứu, phân tích và đúc kết kinh nghiệm qua các bài giảng của bản thân,kết hợp quan sát giờ giảng của đồng nghiệp trong/ngoài trường, quan sát sinh viên trong giờ học, và tham khảo các tài liệu về giảng dạy ngoại ngữ, tác giả nhận thấy phương pháp, cách thức đánh giá bài viết của giáo viên là một trong những yếu tố góp phần kích thích niềm đam mê học tập môn viết của sinh viên. Do vậy, trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích những phương pháp đánh giá bài viết khác nhau và vai trò, ảnh hưởng của những phương pháp đó đối với hứng thú học tập môn viết của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh. Qua những phân tích đó, tác giả mong muốn đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả giảng dạy môn viết đối với sinh viên Ngành Ngôn ngữ Anh tại trường Đại học Luật Hà Nội.

1. Phương pháp đánh giá bài viết truyền thống

Trong nền giáo dục Việt Nam truyền thống, giáo viên đóng vai trò là một bậc thầy trong lĩnh vực kiến thức, chuyên môn mà giáo viên đó giảng dạy.Theo đó, giáo viên phải là người có hiểu biết rộng, có kiến thức vững vàng để có thể truyền đạt lại cho học trò. Hơn nữa, do ảnh hưởng của các tư tưởng giáo dục truyền thống, giáo viên Việt Nam thường nghiêm khắc và yêu cầu cao đối với học trò với mục đích để học trò phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa trong học tập.

Những tư tưởng giáo dục truyền thống đó cũng có những ảnh hưởng nhất định tới việc giảng dạy môn tiếng Anh nói chung và môn Viết tiếng Anh nói riêng. Cụ thể, giáo viên dạy môn viết thường rất trách nhiệm trong việc chữa bài cho sinh viên, thể hiện ở việc giáo viên sẽ chữa tất cả hoặc hầu hết các lỗi trong bài viết của sinh viên.Cách làm này nhằm hai mục đích: (1) để thể hiện vai trò của giáo viên trong truyền đạt kiến thức, tức là qua việc chữa những lỗi sai trong bài viết, giáo viên đang gián tiếp dạy sinh viên cách viết và sử dụng ngôn ngữ đúng cách; (2) để thể hiện yêu cầu, mong muốn của giáo viên đối với sinh viên, nói cách khác, giáo viên mong sinh viên không mắc phải những lỗi sai đó nữa trong các bài viết sau này. 

Với phương pháp truyền thống này, một bài viết của sinh viên sau khi được giáo viên đánh giáthường có rất nhiều vết mực đỏ.Ưu điểm của một bài viết có nhiều vết mực đỏ so với một bài viết không có/rất ít dấu mực đỏ là không thể chối cãi, bởi cách đánh giá đó thể hiện sự trách nhiệm của giáo viên cũng như góp phần giúp sinh viên tiến bộ bởi mắc lỗi sai và sửa sai là một phần tất yếu trong học tập ngoại ngữ.Tuy nhiên, đôi khi những nỗ lực và thiện chí của giáo viên trong việc chữa lỗi bài viết của sinh viên lại thường làm chính giáo viên mệt mỏi, bởi việc chữa lỗi tốn nhiều thời gian, công sức, mà nhiều sinh viên vẫn tiếp tục mắc lỗi tương tự. Với sinh viên, sau khi nhận lại bài viết đầy vết mực đỏ, chính họ cũng cảm thấy mệt mỏi, thậm chí là cảm giác thất vọng, thất bại, kém tự tin bởi  hầu như bài viết nào cũng có nhiều lỗi sai, sinh viên không cảm nhận được sự tiến bộ và những nỗ lực của mình, dẫn tới chản nản trong giờ học Viết.

2. Đánh giá theo tiêu chuẩn (norm-referenced measurement)

Theo Bachman 1990, có hai cách đánh giá trong giảng dạy ngoại ngữ: đánh giá theo tiêu chuẩn (norm-referenced measurement) và đánh giá theo tiêu chí (criterion-reference measurement). 

Theo cách đánh giá dựa trên tiêu chuẩn, giáo viên sẽ đánh giá sinh viên bằng cách so sánh bài viết của sinh viên đó với các sinh viên khác trong lớp.Theo đó, bài viết của sinh viên sẽ được xếp hạng từ bài viết khá nhất cho tới bài viết kém nhất.Điểm của bài viết sẽ mang tính chất cạnh tranh, phân loại sinh viên.  Cách đánh giá này gần giống như một cuộc đua của các vận động viên thể thao, người giành được giải thưởng chỉ là số ít trên tổng số người tham dự.Phương pháp này thường được sử dụng trong chấm bài kiểm tra và bài thi cuối học phần của sinh viên.

Trong học tập môn viết, cách đánh giá này dẫn đến tình trạng sinh viên trong giờ học viết luôn luôn cạnh tranh với cùng một/một số đối thủ giống nhau bởi những sinh viên này học trong một lớp cố định.Sự cạnh tranh này tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực tới cả những sinh viên viết tốt và những sinh viên viết chưa tốt lắm.Những sinh viên có khả năng viết tốt luôn được giáo viên đánh giá cao so với các bạn trong lớp, do vậy họ có thể trở nên tự tin quá mức, thậm chí tự cao tự đại, hoặc có thể không còn động lực phấn đấu bởi họ đã vượt trên những sinh viên khác một khoảng cách nhất định. Những sinh viên viết kém hơn thường do họ có nền tảng kiến thức ngôn ngữ kém hơn, và không thể ngay trong một thời gian ngắn vươn lên ngang bằng những sinh viên viết tốt, do đó, họ thường cảm thấy tự ti, mất động lực và có thể không muốn cố gắng nỗ lực nữa. Do vậy, cách đánh giá bài viết của sinh viên dựa trên tiêu chuẩn sẽ không có nhiều tác dụng kích thích động lực học của cả nhóm sinh viên khá và sinh viên kém.

3. Đánh giá theo tiêu chí (criterion-reference measurement)

Với cách đánh giá dựa trên tiêu chí, giáo viên đánh giá bài viết của sinh viên dựa trên một danh sách các tiêu chí về kỹ năng và kiến thức do giáo viên đề ra (Bachman 1990:74-76). Theo đó, giáo viên sẽ đánh giá sinh viên theo các tiêu chí cụ thể củatừng  môn học, từng bài học hay bài tập, chứ không phải là so sánh sinh viên với nhau (Henning 1987:195). Cách dùng tiêu chí để đánh giá bài viết có ưu điểm là tạo cho sinh viên cơ hội thành công nếu họ đạt được mục tiêu mà giáo viên đề ra. Khi áp dụng phương pháp này trong thời gian lâu dài, sinh viên sẽ dần phát triển sự tự tin, tính tích cực, và có khả năng tự đánh giá kiến thức và kỹ năng của mình.

            Theo quan điểm và kinh nghiệm của tác giá, cách đánh giá dựa trên tiêu chí này rất hiệu quả khi dạy sinh viên viết bài luận (essay).Thay vì chỉ nhận xét chung chung xem bài luận của sinh viên là tốt/khá tốt/đạt yêu cầu/chưa tốt so với các bài luận khác, giáo viên phải đánh giá chi tiết, cụ thể xem sinh viên đã đáp ứng các tiêu chí cụ thể đưa ra như thế nào trong từng bài luận. Ví dụ: (1) Mục tiêu của bài luận nguyên nhân – kết quả (cause-effect essays) là sinh viên biết cách phát triển một chủ đề (topic)(ví dụ: causes of urban population) bằng cách cung cấp các chi tiết (supporting ideas) để làm rõ, minh chứng, bổ trợ cho chủ đề đó. (2) Mục tiêu của bài luận miêu tả một lễ hội (descriptive essays) là sử dụng đa dạng các tính từ, cụm danh từ, cụm giới từ để miêu tả một cách chi tiết, sinh động, cụ thể lễ hội đó. (3) Mục tiêu của bài luận nêu quan điểm (argumentative essays) là sinh viên biết cách trích dẫn số liệu, dữ kiện, sự việc thực tế, khách quan để tăng hiệu quả thuyết phục cho quan điểm cá nhân. Với các tiêu chí cụ thể đó, bài luận của sinh viên sẽ chỉ được giáo viên đánh giá đạt/chưa đạt theo những tiêu chí này mà thôi.Các tiêu chí khác của bài viết (như chính tả, ngữ pháp, cách sử dụng cấu trúc câu) sẽ được đánh giá trong cách bài luận khác hoặc là tiêu chí tự đánh giá của sinh viên hoặc do bạn cùng lớp đánh giá.

            Khi áp dụng cách đánh giá dựa trên tiêu chí, giáo viên cần lồng ghép các tiêu chí cụ thể cho từng loại bài viết để tạo sự thống nhất trong quá trình soạn bài, giảng dạy trên lớp và chữa bài cho sinh viên. Khi đó, hiệu quả của giảng dạy môn viết sẽ được tính theo mức độ sinh viên có thể hoàn thành các tiêu chí đã được đề ra, điều này cũng góp phần kích thích động lực dạy viết của chính giáo viên bởi hiệu quả giảng dạy viết được thể hiện cụ thể và hữu hình. Tuy nhiên, khi áp dụng cách đánh giá này, giáo viên không nên đề ra các tiêu chí/đòi hỏi không khả thi/quá khó đối với trình độ chung của sinh viên. Mục tiêu đề ra cần cụ thể, khả thi; các hoạt động trên lớp cần hiệu quả, rõ ràng để hầu hết sinh viên sẽ có thể đáp ứng được yêu cầu đề ra, sinh viên cảm nhận được sự tiến bộ trong học tập dù khả năng của mỗi sinh viên là rất khác nhau. Cách đánh giá này sẽ khuyến khích tất cả sinh viên cùng cố gắng để đạt được tiêu chí, chứ không phải cố gắng để đứng đầu lớp.

4.Đánh giá bài viết theo hướng phân tích cả ưu điểm và hạn chế của sinh viên

Khi đánh giá bài viết của sinh viên, thông thường giáo viên sẽ nhìn bài viết dưới cái nhìn phê phán và tập trung nhiều hơn vào những khuyết điểm của bài viết như lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, cách diễn đạt chưa tốt. Tuy nhiên, theo cách đánh giá bài viết theo hướng phân tích, giáo viên nên xem xét toàn diện cả mặt tốt mà sinh viên đã làm được và những thiết sót cần khắc phục, hoàn thiện. Khi đó, vai trò của giáo viên sẽ thay đổi, từ người truyền đạt tri thức, trở thành người hướng dẫn, định hướng và trợ giúp sinh viên. Ví dụ: Trong hoạt động thảo luận và tìm ý cho bài viết, có những sinh viên đưa ra ý kiến rất ngô nghê, không logic, không thực tế. Khi đó, nếu giáo viên đưa ra ngay những nhận xét tiêu cực, sinh viên sẽ cảm thấy xấu hổ, và từ đó sẽ im lặng để không bị xấu hổ trước lớp và với bạn cùng lớp.Mục tiêu của hoạt động tìm ý sẽ không đạt được nữa, bởi ý tưởng, quan điểm thì thường không có đúng sai, mỗi quan điểm có thể phù hợp với cá nhân này mà không phù hợp với cá nhân khác.Mỗi bài viết của sinh viên đều có một ý tưởng nhất định dù khả năng sử dụng ngữ pháp, từ vựng tốt hay chưa tốt tùy thuộc trình độ của sinh viên.Trong trường hợp này, giáo viên chỉ nên ngợi khen và khuyến khích, khích lệ sinh viên, bởi trong học tập ngoại ngữ, mục tiêu giao tiếp quan trọng hơn việc tìm được câu trả lời đúng hay sai.

Theo Mu Fengying (2003), trong giảng dạy kỹ năng viết, hoạt động đánh giá bài viết của sinh viên rất quan trọng bởi đó là một biện pháp giúp sinh viên thành công trong học tập. Khi giáo viên đưa ra những nhận xét thấu đáo, tỉ mỉ, bản thân giáo viên và sinh viên đều thấy được sinh viên đã học được những gì và những gì cần phải luyện tập, củng cố thêm.Do vậy, giáo viên cần có cái nhìn toàn diện, xem xét, nhìn nhận những tiến bộ, ưu điểm của sinh viên để khích lệ sinh viên tiếp tục phát huy; đồng thời chỉ ra những thiếu sót, khiếm khuyết cụ thể để sinh viên biết cách sửa sai. Thay vì đưa ra những nhận xét chung chung như Triển khai ý chưa tốt hay Sử dụng từ ngữ chưa đúng mang tính chung chung, làm sinh viên lúng túng, mơ hồ, giáo viên cần chỉ rõ câu nào, từ nào chưa đúng, chưa tốt, hay lý do vì sao cách dùng đó chưa tốt để sinh viên có thể sửa chữa và tiến bộ.

Theo kinh nghiệm của tác giả, giáo viên nên khen ngợi sinh viên kể cả những thành công nhỏ nhất của sinh viên như chữ viết rõ ràng, cách sử dụng từ ngữ học thuật, hay nêu được một ví dụ hay. Tuy nhiên, với những khuyết điểm của sinh viên, giáo viên chỉ nên chỉ ra những lỗi sai quan trọng như cách triển khai một dạng bài luận cụ thể, cách phát triển ý, bố cục của một bài luận. Còn các lỗi sai khác về kỹ thuật như ngữ pháp, chính tả, dấu câu, giáo viên nên để sinh viên tự soát lại hoặc cho sinh viên chữa bài cho nhau, bởi đó là những lỗi sai tự bản thân sinh viên có thể phát hiện và hoàn thiện được.

5.Chấp nhận những khác biệt cá nhân của sinh viên

Mỗi sinh viên là một cá nhân khác biệt và độc đáo bởi họ có nền tảng gia đình, quá trình học tập, phương pháp và thái độ học tập khác nhau.Để giúp sinh viên thành công trong học tập, giáo viên cần nhận thức rõ những khác biệt này.Việc đánh giá bài viết của sinh viên cũng cần dựa trên chính nền tảng của cá nhân sinh viên đó.Thông thường, trong một lớp học sẽ có những sinh viên đến từ các trường chuyên, lớp chọn về ngoại ngữ, đã được học tiếng Anh từ nhỏ và thậm chí đã có những chứng chỉ ngoại ngữ uy tín trong nước và quốc tế. Ngược lại, cũng có những sinh viên mới chỉ tiếp cận với ngoại ngữ trong một thời gian ngắn, không có môi trường học và không có nhiều điều kiện hỗ trợ để học tập ngoại ngữ.Khi nắm bắt được những khác biệt này, giáo viên sẽ có những cách đánh giá,nhận xét xác đáng để giúp sinh viên tiến bộ dựa trên chính những đặc điểm cá nhân của sinh viên.

6. Đề xuất cách thức áp dụng các phương pháp đánh giá bài viết khác nhau nhằm thúc đẩy hứng thú học tập môn viết của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh

            Để góp phần thúc đẩy hứng thú học tập môn viết của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh cũng như giảm áp lực trong hoạt động chữa bài viết của giáo viên, dựa trên những phân tích trên, tác giả đề xuất cách thức áp dụng các phương pháp đánh giá bài viết như sau:

  1. Tổ chức hoạt động chữa bài chéo cho nhau theo nhóm trong lớp và tự chữa bài

Để giảm áp lực của giáo viên khi phải đọc và đánh giá một lượng lớn bài viết của sinh viên trong lớp, giáo viên cần tổ chức các hoạt động chữa bài cho nhau giữa sinh viên trong lớp (peer checkers) như chữa bài theo cặp, theo nhóm. Các cặp, nhóm nên được sắp xếp ngẫu nhiên và thay đổi trong suốt khóa học để tối đa hóa cơ hội cho sinh viên được đọc và chữa bài của nhiều bạn trong lớp, qua đó sinh viên học hỏi lẫn nhau và không khí học tập trở nên mới lạ, vui vẻ, năng động hơn.

Tuy nhiên, do trình độ sinh viên không đồng đều, số lượng sinh viên học tốt chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong lớp so với các sinh viên khác, nên nội dung chữa bài cần cụ thể, khả thi để sinh viên có thể hoàn thành tốt. Ví dụ: Đối với môn Viết 1, nội dung chữa bài tập trung nhiều hơn vào lỗi chính tả, cách chia động từ, hay cách dùng mạo từ/giới từ trong câu. Khi sinh viên đã quen với hoạt động này và học ở trình độ cao hơn, nội dung chữa bài sẽ khó hơn, như: biết cách lựa chọn từ vựng học thuật trong bài viết, biết cách sử dụng đa dạng các kiểu câu đơn-ghép-phức, biết cách diễn đạt tự nhiên, rõ ràng, dễ hiểu. 

Đồng thời, sinh viên cũng cần tự chữa bài của chính mình, bởi viết mà một quá trình gồm nhiều bước từ phát triển ý, lập dàn ý, viết nháp lần 1, sửa, viết nháp lần 2, sửa lại cho tới khi cho ra bài viết cuối cùng. Sau khi đã được các bạn chữa bài, sinh viên cần tham khảo phần chữa lỗi của các bạn và tự chỉnh sửa bài viết của mình.

  1. Giảng viên đề ra tiêu chí chữa bài theo từng tuần

Mỗi dạng bài viết đều có những đặc điểm nhất định về cấu trúc và nội dung.Theo đó, giáo viên có thể đưa ra tiêu chí cụ thể trong quá trình soạn bài, giảng bài và chữa bài cho sinh viên.Khi đó, bên cạnh sự trợ giúp của sinh viên khi chữa bài cho nhau, áp lực công việc của giáo viên cũng sẽ giảm đáng kể bởi giáo viên chỉ tập trung vào một hoặc một số tiêu chí cụ thể của bài viết. Ví dụ: Trong môn viết 3, dạng viết văn nghị luận (argumentative essay), phần nêu quan điểm trái ngược và bác bỏ quan điểm đó (counter-argument and refutation) là nội dung khó nhất. Khi chữa bài viết này, giáo viên có thể cho sinh viên chữa cho nhau lỗi kỹ thuật và nội dung của 2 đoạn văn đầu phần thân bài.Giáo viên sẽ phụ trách chữa đoạn 3 phần thân bài.Công việc chữa bài chắc chắn sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều việc giáo viên phải đọc và chữa cả bài viết 5 đoạn.

  1. Giảng viên cần tăng khích lệ, giảm chỉ trích khi chữa bài viết 

Trong học tập ngôn ngữ nói chung và học môn viết nói riêng, mỗi sinh viên đều có những điểm mạnh và hạn chế nhất định. Giáo viên cần nắm rõ những ưu điểm đó để khen ngợi, động viên, biểu dương để sinh viên cảm thấy hứng thú học tập và tiếp tục cố gắng.Với các hạn chế của sinh viên, giáo viên chỉ nên tập trung vào những lỗi sai quan trọng, và cần chỉ rõ những lỗi sai đó là gì, và giải pháp khắc phục ra sao. Ví dụ: Một số sinh viên diễn đạt chưa tốt do họ có thói quen suy nghĩ bằng tiếng Việt và dịch sang tiếng Anh để viết bài. Khi đó, giáo viên cần hướng dẫn sinh viên cách khắc phục thói quen đó thế nào để sử dụng ngôn ngữ hiệu quả hơn.

Đồng thời, giáo viên cũng cần kiên nhẫn và chấp nhận khả năng tiến bộ khác nhau của sinh viên, bởi sinh viên cần sự tích lũy lâu dài để có thể hoàn thiện kiến thức cũng như kỹ năng ngôn ngữ.Việc đòi hỏi cao đối với sinh viên sẽ làm chính giáo viên mệt mỏi khi những nỗ lực của giáo viên có ít/chưa có kết quả; đồng thời chính sinh viên cũng mệt mỏi, bởi khả năng của họ không thể đáp ứng được mục tiêu mà giáo viên đề ra.

Kết luận

            Học ngoại ngữ là một hành trình dài và nhiều thử thách.Người học cần sự khích lệ thường xuyên, mà một trong những cách khích lệ tốt nhất chính là cảm giác chiến thắng, thành công, và đạt được mục tiêu đề ra trong học tập.Để kích thích hứng thú học tập môn viết của sinh viên, trong hoạt động đánh giá bài viết, giáo viên cần đưa ra những tiêu chí đánh giá cụ thể,khả thi; đánh giá một cách toàn diện những ưu điểm, hạn chế của sinh viên và chú ý những khác biệt cá nhân của sinh viên. Nói cách khác, giáo viên dạy viết không phải là người chỉ cung cấp kiến thức và chấm điểm bài viết của sinh viên; mà còn là người hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên phát huy các điểm mạnh sẵn có, khắc phục những mặt còn tồn tại, biết cách tự đánh giá bản thân để có thể hoàn thiện kỹ năng viết Tiếng Anh. Sự thay đổi trong cách đánh giá bài viết của giáo viên chắc chắn sẽ tạo nên nhiều sự thay đổi thú vi, tích cực trong việc học viết của sinh viên.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bachman, L.F. (1990). Fundamental considerations in language testing. Oxford: Oxford University Press.
  2. Mu Fengying. Motivating students by motivating evaluation methodsForum January 2003 Vol. 41 No.1
  3. Hyslop, Nancy B. Evaluating Student Writing: Methods and Measurement. ERIC Digest. http://ericae.net/db/edo/ED315785.htm
  4. Henning, G. 1987. A guide to language testing: Development, evaluation and research. Beijing: Foreign Language Teaching and Research Press/Heinle and Heinle Publishers/Thompson Learning Asia.
  5. Laura Reynolds Giving Student Feedback: 20 Tips To Do It Righthttp://www.opencolleges.edu.au/informed/features/giving-student-feedback/
  6. Dorothy Spiller Assessment: Feedback to promote student learningUniversity of Waikado http://www.waikato.ac.nz/tdu/pdf/booklets/6_AssessmentFeedback.pdf

 

 

CÁCH LỰA CHỌN CÁC BÀI HÁT TIẾNG ANH VÀ THIẾT KẾ CÁC HOẠT ĐỘNG THÔNG QUA BÀI HÁT NHẰM TẠO HỨNG THÚ HỌC KỸ NĂNG NGHE, NÓI CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

ThS. Nguyễn Thị Hương Lan

Tóm tắt

Một trong những vấn đề lớn mà hầu hết những người giảng dạy ngoại ngữ đang phải đối mặt khi dạy Tiếng Anh cho trẻ em cũng như người lớn đó chính là việc duy trì hứng thú cho người học trong suốt các bài giảng. Điều đó lí giải tại sao người dạy thường phải rất sáng tạo trong việc vận dụng các phương pháp đang được sử dụng. Lý do khiến âm nhạc trở thành một công cụ giảng dạy hiệu quả, phù hợp trong mọi lớp học ngoại ngữ bất kể tuổi tác, trình độ văn hóa của người học đó chính là tính toàn cầu và tính kết nối giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ của âm nhạc.

Những bài hát Tiếng Anh được coi như là một công cụ giảng dạy ngoại ngữ hữu hiệu. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc tăng cường sử dụng bài hát trong các chương trình giảng dạy tiếng Anh sẽ tăng hứng thú và sự tham gia của người học vào các hoạt động trong giờ học. Việc học thông qua các bài hát Tiếng Anh sẽ hiệu quả hơn so với việc ghi nhớ từ vựng cũng như các kiến thức ngữ pháp một cách biệt lập.Hơn thế nữa, lời bài hát còn chứa một lượng kiến thức văn hóa và ngôn ngữ rất phong phú.Các bài hát Tiếng Anh có thể tạo ra một môi trường sinh động trong việc dạy ngôn ngữ giao tiếp.Trong bài viết này tác giả sẽ trình bày những yếu tố cần lưu ý khi lựa chọn bài hát và các hoạt động kích thích người học rèn luyện kĩ năng nghe-nói thông qua các bài hát.

Đặt vấn đề

            Trên thực tế phần lớn các bạn trẻ ngày nay đều lựa chọn cho mình một dòng nhạc riêng cả phương đông và phương tây bên ngoài trường học. Những trải nghiệm có được qua các bộ phim, chương trình truyền hình, thể loại âm nhạc và trò chơi máy tính đã và đang mang lại cho họ rất nhiều động lực. Tuy nhiên, họ thường không tìm thấy một loại hình văn hóa nào trong các chương trình giảng dạy chính thức, và người học ngoại ngữ ở Việt Nam thường bị hạn chế bởi các phương pháp giảng dạy ngoại ngữ truyền thống.

Những bài hát Tiếng Anh, dù là cổ điển hay hiện đại, du nhập vào Việt nam thu hút khán giả ở mọi lứa tuổi. Với hương vị mới lạ, chúng đóng một vai trò chính trong cả các chương trình quảng cáo và các bộ phim; là chủ đề của các chương trình truyền thanh và là những âm thanh quen thuộc chúng ta thường bắt gặp khi đi ngang qua các cửa hiệu trên mọi con phố. Vì thế, người học có thể mang tới trường những trải nghiệm âm nhạc rất phong phú, mà họ khó có thể nhận thấy trong các chương trình giảng dạy chính thức. Trong bối cảnh ngày nay, khi việc học Tiếng Anh ngày càng trở nên cần thiết đối với người học ở Việt nam, thì sự quan tâm của họ đối với nền văn hóa phương tây càng gia tăng. Nhiều sinh viên hâm mộ các ngôi sao ca nhạc và các dòng nhạc phương tây một cách cuồng nhiệt; như nhạc Pop, nhạc đồng quê, nhạc cổ điển, nhạc jazz, nhạc rap, nhạc rock’n’roll….

Vì phần lớn các bạn trẻ say mê các bài hát và ngôi sao nhạc Pop, mà ngày càng nhiều giáo viên giảng dạy ngoại ngữ quan tâm đến việc sử dụng bài hát trong việc dạy và học ngoại ngữ. Giá trị của việc sử dụng các bài hát Tiếng Anh trong việc gây hứng thú cho người học Tiếng Anh và tăng cường sự tham gia của người học đã được các giáo viên nhận thức một cách rộng rãi. Trong các giờ giảng của mình, nhiều giáo viên ngôn ngữ đã lựa chọn các bài hát tiếng Anh bởi sự phong phú về ngữ nghĩa cho cả giờ giảng của mình thay vì chỉ sử dụng chúng như là hoạt động dẫn nhập, lấp chỗ trống hay là trò chơi.

I. Ưu điểm của việc sử dụng các bài hát Tiếng Anh

1. Các bài hát Tiếng Anh là công cụ kích thích người học phát triển kĩ năng nghe - nói

Các bài hát tiếng Anh thuộc thể loại Pop đã chạm tới cuộc sống của người học, nuôi dưỡng những trải nghiệm và hứng thú tự nhiên của họ. Tất cả các bài hát thuộc thể loại này không ngừng phát triển với chủ đề khác nhau như Tình yêu, Tình Bạn, Hạnh phúc, Nỗi buồn, Mơ ước liên quan đến những cảm xúc chung của con người. Vì thế, tăng cường về thời lượng cho các bài hát thể loại Pop trong một chương trình giảng dạy Tiếng Anh sẽ làm gia tăng hứng thú cho sinh viên bởi vì các hoạt động trong lớp học sẽkích thích những hiểu biết âm nhạc và ngôn ngữ của họ.

Các bài hát Tiếng Anh sẽ tạo ra một sự thay đổi trong các hoạt động thường ngày trong lớp học ngoại ngữ nhằm cung cấp hứng thú và tạo ra một môi trường giao tiếp năng động.Việc học Tiếng Anh thông qua các bài hát cũng tạo ra một không khí bớt áp lực cho những người học thường xuyên cảm thấy căng thẳng khi phải nói tiếng Anh, giúp họ có động lực mạnh hơn để tham gia vào các hoạt động trong lớp.Thông qua chất liệu thật và đời thực trong các bài hát, người học hiểu rõ hơn về văn hóa của người bản ngữ nói Tiếng Anh. Như Domoney (1993) viết ‘Với nền tảng và ngữ cảnh được tạo ra cho các hoạt động giao tiếp thông qua các bài hát Tiếng Anh, người học được khuyến khích sử dụng sự hiểu biết của họ để diễn tả quan điểm riêng của mình’. Việc sử dụng các bài hát tiếng Anh giúp giáo viên có thể thêm các chất liệu vào giờ học và xây dựng mối liên hệ với người học của mình.

2. Các bài hát Tiếng Anh là công cụ truyền dạy ngôn ngữ

Bài hát Tiếng Anh không chỉ khích lệ học sinh mà còn ẩn chứa kiến thức ngôn ngữ phong phú, bao gồm phát âm, từ vựng, ngữ pháp, ý nghĩa tu từ và ngôn ngữ. Theo thuyết Giảng dạy ngôn ngữ theo đường hướng giao tiếp (The Communicative Language Language Teaching), ‘những thành tố cơ bản của ngôn ngữ không chỉ là các đặc điểm về ngữ pháp và cấu trúc, mà chức năng ngữ nghĩa và chức năng giao tiếp đã được minh chứng trong các diễn ngôn’ (Widdowson, 1978). Người học có thể học được rất nhiều thông qua các bài hát Tiếng Anh nếu họ học để hiểu rõ giá trị của chúng.Điều này chỉ có thể thực hiện được khi những bài hát Tiếng Anh được lựa chọn phù hợp với việc dạy người học ngôn ngữ, văn hóa cũng như là nghệ thuật.

Lời của các bài hát nhạc Pop có thể đóng vai trò là một câu chuyện giải trí cho người học Tiếng Anh, đồng thời giúp họ sử dụng thành thạo các khái niệm ngôn ngữ và hiểu được các yếu tố văn hóa cơ bản.

Như đã trình bày ở trên, các bài hát chứa kiến thức ngôn ngữ phong phú. Theo lý thuyết về hoạt động học, hoạt động học diễn ra theo nhiều cách và các hình thức học thì luôn tiếp diễn. Đôi khi, hoạt động học diễn ra có chủ ý, nghĩa là khi người học hiểu được những kiến thức được giảng dạy trên lớp hay khi người học tìm hiểu thông tin thông qua từ điển.Đôi khi, hoạt động học diễn ra một cách vô thức, nghĩa là khi người học nghe bài hát.Vì vậy, giáo viên dạy Tiếng Anh nên sử dụng các bài hát thể loại nhạc Pop bởi vì lời của chúng có thể giúp sinh viên nắm được các thành tố ngôn ngữ thông qua hoạt động học không có chủ đích.

3. Các bài hát Tiếng Anh là công cụ truyền dạy lịch sử và văn hóa

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các bài hát đại chúng là nguồn giải trí chính của giới trẻ. Thể loại nhạc pop thường mô tả đời sống của giới trẻ theo nhiều cách khác nhau và trong những bối cảnh khác nhau: từ bối cảnh trong phòng thu, phim và các chương trình quảng cáo trên truyền hình tới những vấn đề mà nhà lý luận âm nhạc người Nhật Hosokawa (1984) đề cập tới như là ‘mô hình tự động và uyển chuyển của hoạt động nghe được đơn giản hóa thông qua sự xuất hiện của các máy nghe nhạc cá nhân như Walkman, đầu băng và …’. Việc nghe nhạc giúp cho người học nhận thức được nhiều hơn về nền văn hóa của ngôn ngữ mà họ đang học.

Những bài hát thuộc thể loại nhạc Pop chứa đựng kiến thức lịch sử và xã hội.Các bài pop mười năm trước có thể nghe có vẻ lỗi thời đối với thế hệ trẻ trong khi đó những bài pop hiện nay cũng có thể sẽ trở nên xa lạ trong tương lai. Việc tìm hiểu lý do tại sao một số loại âm nhạc lại phổ biến tại một thời điểm nhất định và lại bị lãng quên tại một thời điểm khác có thể cung cấp nhiều kiến thức nền tảng cho cả người dạy và người học. Do đó, các bài hát thuộc thể loại pop cũng có thể được sử dụng để giới thiệu những thay đổi trong xã hội cũng như những đăc điểm văn hóa cho người học.

II. Những yêu cầu của việc lựa chọn bài hát cho một giờ học Tiếng Anh

Các bài hát Tiếng Anh có thể cung cấp nguồn tư liệu phong phú và đa dạng cho các giờ học Tiếng Anh, tuy nhiên, những bài giảng dựa vào bài hát không phải lúc nào cũng hiệu quả. Vì thế, để lựa chọn được nguyên liệu phù hợp dường như rất quan trọng đối với người dạy. Bài hát Tiếng Anh được xem là phù hợp nếu chúng đáp ứng được các tiêu chí sau:

  • Giai điệu đơn giản và đẹp để có thể trở thành công cụ khích lệ người học.
  • Phong cách âm nhạc phải phù hợp với khiếu thẩm mỹ âm nhạc của người học, xem xét cả yếu tố xã hội và chuẩn mực đạo đức trong xã hội Việt nam.
  • Lời bài hát phải dễ hiểu và bài hát phải phục vụ được mục đích của bài học.

Quá trình lựa chọn bài hát là một trong những công đoạn khó nhất của quá trình sử dụng bài hát trong giờ học.Vì vậy, người dạy cần phải chú ý một số những yếu tố dưới đây để đảm bảo lựa chọn được một bài hát phù hợp.

1. Lựa chọn bài hát phù hợp với trọng tâm của giờ học

Người dạy cần xác đinh được trọng tâm của bài giảng sẽ tập trung vào vấn đề gì; từ vựng, ngữ pháp, phát âm, hay một chủ đề cụ thể?Dù tập trung vào bất vấn đề gì, người dạy cũng cần phải lưu ý rằng điều này không gây rào cản nào liên quan đến khả năng khai thác bài hát.Ví dụ, người dạy có thể mong muốn sử dụng bài hát để dạy về thời của một số động từ cụ thể, và từ đó xây dựng bài giảng.Tuy nhiên, người dạy hoàn toàn có thể đồng thời giới thiệu cho người học một số những thành ngữ trong lời của bài hát, hoặc sử dụng lời bài hát như là một chất liệu cho người học rèn luyện khả năng nghe-nói.

2. Đánh giá được khả năng ngôn ngữ của người học

Khả năng ngôn ngữ của người học sẽ không chỉ quyết định bài hát người dạy có thể sử dụng, mà còn liên quan đến các hoạt động sẽ được thiết kế - như trò chơi hay các bài tập nghe-nói đượctriển khai trong giời học. Người học ở trình độ thấp sẽ cảm thấy khó khăn hoặc chán nản nếu phải nghe những bài có tiết tấu quá nhanh, ngược lại, những bài hát có các đoạn điệp khúc đơn giản có thể sẽ không tạo được hứng thú cho người học với khả năng ngôn ngữ ở trình độ cao.

3. Xác định được độ tuổi của người học

Nếu đối tượng dạy Tiếng Anh là trẻ em, người dạy có thể sẽ lựa chon sử dụng các bài hát có lời được nhắc lại nhiều lần và dễ hiểu.Tuy nhiên, với người học ở độ tuổi thiếu niên, thì người dạy nên sử dụng các bài hát thuộc thể loại Pop hoăc Rock đương đại mới nhất.Còn đối với người học là người lớn, người dạy có thể có nhiều sự lựa chọn hơn cho giờ học.Sử dụng bài hát phù hợp sẽ tạo được nhiều hứng thú với mỗi nhóm lứa tuổi của người học.

­4. Đảm bảo bài hát được lựa chọn phù hợp với văn hóa của người học

Khi lựa chọn bài hát, người dạy cần lưu ý các yếu tố liên quan đến văn hóa của người học, cũng như thế giới nhân sinh quan của họ.Chỉ với những bài hát đảm bảo yếu tố này mới có thể làm tối đa hóa sự tham gia của người học.

5. Lựa chọn nguồn khai thác bài hát phù hợp

Trên thực tế, đây là thời đại của YOUTUBE vì thế người dạy có thể lựa chon bất cứ bài hát nào trên trang web này.Tuy nhiên, người dạy cũng có thể sử dụng đĩa nhạc MP3 không cần phải kết nối Internet, hoặc một đĩa nghe nhạc cũ.

III. Các hoạt động khai thác bài hát Tiếng Anh trong một giờ học

1. Hoạt động 1: Nghe bài hát

Hãy bắt đầu đơn giản bằng việc nghe giai điệu và lời bài hát. Người dạy nhất thiết phải ghi nhớ rằng việc sử dụng bài hát trong giờ giảng được xem như là một hoạt động nhằm gây hứng thú cho người học vì vậy đừng làm cho việc nghe bài hát trở lên quá căng thẳng hoặc tẻ nhạt.Để thay đổi không khí, người dạy có thể sử dụng một đoạn video ca nhạc.Việc sử dụng đoạn video sẽ đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của người học - việc học kết hợp giữa nghe và nhìn sẽ đem lại hiệu cao hơn.

2. Hoạt động 2: Tìm hiểu nội dung của bài hát thông qua tên bài hát

Người dạy bắt đầu cuộc hội thoại bằng việc đưa ra những câu hỏi liên quan đến tên của bài hát.Dưới đây là ví dụ về các cách đặt câu hỏi mà người dạy có thể sử dụng

  • Đối với bài hát ‘Jealous Guy’ của John Lennon (Xem phụ lục 1)
  1. What’s a ‘jealous guy’?
  2. What are three things a jealous guy might do?
  3. What kinds of jealousy are there?
  • Đối với bài hát ‘We are the champion’ của Queen (Xem phụ lục 2)
  1. What’s a champion?
  2. What kinds of champions are there in the world?
  3. What activities have champions?

Những câu hỏi kiểu như thế này thường khá hiệu quả để bắt đầu một cuộc hội thoại.Yêu cầu sinh viên làm việc nhóm sau đó từng nhóm trình bày quan điểm của họ.Người học sẽ được kích thích nói ra những suy nghĩ của họ liên quan đến tiêu đề bài hát mà họ vừa được nghe một cách tự nhiên.Hoạt động này cũng khiến người học tạo lập được phản xạ nói tốt hơn.

3. Hoạt 3: Nghe lại bài hát cùng lời

Với hoạt động này, người dạy giúp người học có cơ hội để đọc lời bài hát đồng thời tiến hành các hoạt động sau đây:

  • Người học vừa đọc lời trong khi nghe vừa gạch chân những từ mới.
  • Người học vừa nghe vừa điền từ còn thiếu vào chỗ trống để hoàn thành lời bài hát.
  • Người học vừa nghe vừa sắp xếp các câu theo thứ tự xuất hiện trong bài hát
  • Người học vừa nghe vừa tìm nửa còn lại của những câu đã cho phù hợp với nội dung bài hát

4. Hoạtđộng 4: Tập trung vào một thời của động từ hoặc một hiện tượng ngữ pháp

Trên thực tế, hầu như mọi bài hát đều tập trung vào một thời động từ cụ thể.Đây cũng là một cơ hội tốt để dạy những vấn đề ngữ pháp mới. Người dạy có thể bắt đầu với những câu hỏi như sau; (Xem phần phụ lục 3)

  1. How many examples can you find of the verb tenses in the lyrics?
  2. Why did the writer of this song choose these verb tenses?

Việc đưa ra những câu hỏi như thế này có thể tạo ra một cuộc thảo luận sôi nổi về chức năng cũng như cấu trúc của thời, bởi vì người học có thể sẽ có những khám phá mới bên cạnh những kiến thức ngữ pháp mà họ đã được học.Hơn nữa, điều này giúp làm tăng nhận thức của người học về tính linh hoạt của ngữ pháp và tính vần điệu trong cấu trúc của bài hát.Ngoài ra, hoạt động này cũng giúp người dạy truyền tải được các kiến thức ngữ pháp một cách sinh động hơn, thay vì những bài giảng ngữ pháp mang tính chất lí thuyết khô khan.Đồng thời người học có thể ghi nhớ những vấn đề được học một cách dễ dàng hơn.

5. Hoạtđộng 5: Khai thác từ vựng, thành ngữ và các cách diễn đạt

Chúng ta nhận thấy rằng, nhiều bài hát đã phá vỡ các quy tắc ngữ pháp.Ngôn từ trong lời bài hát được sử dụng một cách sáng tạo và nghệ thuật.Hãy bắt đầu với những câu hỏi; (Xem phần phụ lục)

            - What does ‘I’ve paid my dues’ mean?

            - What does ‘my share of’ mean?

            - What does ‘I’ve taken my bows’ mean?

Giải thích nghĩa, dẫn chứng bằng những ví dụ khác nếu cần thiết.Những bài hát thường tạo ra những ngữ cảnh khá phù hợp cho việc sử dụng các cấu trúc câu.Tuy nhiên, cũng cần phải đảm bảo được rằng nghĩa của cấu trúc đó sẽ được hiểu một cách tường minh.

6. Hoạt động 6: Tổng kết bài học với những hoạt động sáng tạo

Sáng tạo là một phần quan trọng trong việc duy trì hứng thú học tập.Tuy nhiên, không nên giới hạn nó bởi phương pháp giảng dạy. Phụ thuộc vào các nhân tố đã được đề cập đến trong phần đầu như tuổi tác, trình độ ngôn ngữ, đặc trưng văn hóa …, người dạy có thể triển khai một số các hoạt động có tính sáng tạo dưới đây nhằm kích thích khả năng sáng tạo của người học.

  • Yêu cầu người học viết một đoạn lời khác, giữ nguyên cảm xúc và phong thái của nguyên bản. Hoạt động này có thể thực hiện cá nhân hoặc trong nhóm. Sau đó yêu cầu người học trình bày trước lớp. Có thể yêu cầu mỗi nhóm tạo ra một đoạn khác nhau để tạo thành những đoạn lời hoàn chỉnh cho một bài hát.
  • Yêu cầu người học lên kế hoạch xây dựng một video cho bài hát. Theo nhóm, người học sẽ lựa chọn địa điểm, nhân vật và bối cảnh của bài hát. Sau đó mỗi nhóm sẽ trình bày ý tưởng trước cả lớp và các thành viên khác trong lớp sẽ bình chọn ý tưởng hay nhất. Hoạt động này giúp cho người học không những rèn luyện được kĩ năng làm việc nhóm, trình bày ý tưởng cá nhân mà còn phát triển kĩ năng nói, kĩ năng trình bày trước đông người.
  • Yêu cầu người học viết nhật kí cho mỗi nhân vật trong bài hát. Với hoạt động này giúp người học kiểm chứng những suy nghĩ và cảm xúc của câu truyện được truyền tải qua ngôn từ của bài hát.

Kết luận

Thực tế đã minh chứng rằng các bài hát Tiếng Anh thuộc thể loại nhạc pop có thể được sử dụng trong các giờ học Tiếng Anh ở Việt nam. Các hoạt động được thiêt kế theo nhiệm vụ có thể đóng một vai trò quan trọng trong kiểu giờ học này. Các bài hát tiếng Anh có thể được xem như là một công cụ không chỉ làm tăng hứng thú, động lực và sự tự tin cho người học trong các lớp học ngoại ngữ, mà còn tối đa hóa sự tham gia của người học (sự tham gia vào các hoạt động trong giờ học), sự tương tác (giao tiếp với nhau), tái tạo (sử dụng ngôn ngữ của chính bản thân người học).

 

Phụ Lục

Phụ lục 1: (Lời bài hát: Jealous guy – by John Lennon)

I was dreaming of the past

and my heart was beating fast.

I began to lose control,

I began to lose control …

Chorus

I didn’t mean to hurt you

I’m sorry that I made you cry

Oh no, I didn’t want to hurt you,

I’m just a jealous guy.

I was feeling insecure

You might not loveme anymore

I was shivering inside,

I was shivering inside…

Chorus …

I was trying to catch your eyes,

Thought that you was trying to hide.

I was swallowing my pain,

I was swallowing my pain …

I didn’t mean to hurt you

I’m sorry that I made you cry.

Oh no, I didn’t want to hurt you,

I’m just a jealous guy, watch out …

(I’m just a jealous guy) x3

 

 

Phụ lục 2: (Lời bài hát: We are the champions – by Queen)

I’ve paid my dues time after time

I’ve done my sentence

But committed no crime and bad mistakes

I’ve made a few

I’ve had my share of sand kicked in my face

But I’ve come through

We are the champions – my friends

And we’ll keep on fighting – till the end

We are the champions – We are the champions

No time for losers

‘Cause we are the champions – of the world

I’ve taken my bows

And my curtain calls

You brought me fame and fortune

And everything that goes with it

I thank you all – But it’s been no bed of roses

No pleasure cruise

I consider it a challenge before the whole human race

And I ain’t gonna lose

We are the champions – my friends

And we’ll keep on fighting – till the end

We are the champions (2 times

No time for losers

‘Cause we are the champions of the world

 

Phụ lục 3: (Lời bài hát: Counting Stars – by Onerepublic)

Chorus

Lately, I’ve been, I’ve been losing sleep

Dreaming about the things that we could be

But baby, I’ve been, I’ve been playing hard,

Sitting, no more counting dollars

We’ll be counting stars, yeah we’ll be counting stars

I see thi life like a swinging vine

Swing my heart across the line

And my face is flashing signs

Seek it out and you shall find

Old, but I’m not that old

Young, but I’m not that bold

I don’t think the world is sold

I’m just doing what we’re told

I feel something so right

Doing the wrong thing

I feel something so wrong

Doing the right thing

I could lie, could lie, could lie

Everything that kills me makes me feel alive

Chorus: lately, …..

I feel the love and I feel it burn

Down this river, every turn

Hope is a four-letter word

Make that money, watch it burn

Old, but I’m not that old

Young, but I’m not that bold

I don’t think the world is sold

I’m just doing what we’re told

I feel something so wrong

Doing the right thing

I could lie, could lie, could lie

Everything that downs me makes me wanna fly

Chorus: Lately, ….

Take that money

Watch it burn

Sing in the river

The lessons are learnt (4x)

 

Everything that kills me makes feel alive

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Adam J. Simpson. (2015). How to use songs in the English language classroom.[J]. ELT Journal, 3/2015.

2. Domoney, L. (1993). Justified and ancient: pop music in EFL classroom[J]. ELT Journal, 47/3: 234-41.

3. Hock, M. W. (2001). Sing along with the Internet: Making use of the Internet in the language classroom[J]. Fremd Sprachen Unterricht, 6/2001, 411-15.

4. Hosokawa, S.(1984). The Walkman effect[J]. Popular Music, 4,165-80.

5. Murphey, P.T. (1992). Music and Song[M]. Oxford: Oxford University Press.

6. Weiner, B. (1990). History of motivational research in education[J]. Journal of Educational Psychology, 82, 616-22.

7. Widdowson, H. (1978). Teaching Language as Communication[J]. London: Longman.

8. https://www.youtube.com/watch?v=hT_nvWreIhg.

 

 

 

 

 

ƯU ĐIỂM CỦA VIỆC SỬ DỤNG TRUYỆN NGẮN TRONG VIỆC GIẢNG DẠY TÍCH HỢP CÁC KĨ NĂNG NGÔN NGỮ NHẰM TẠO HỨNG THÚ CHO NGƯỜI HỌC

ThS. Nguyễn Thị Hương Lan [9]

Tóm tắt

            Tính hiệu quả của việc sử dụng các câu truyện ngắn vào trong giờ học ngoại ngữ đã được rất nhiều nhà ngôn ngữ nghiên cứu và khẳng định như Colle, J. và S. Slater (1987).Trong bài viết này tác giả mong muốn đề cập sâu hơn việc sử dụng các câu truyện ngắn như là một công cụ hiệu quả trong hoạt động giảng dạy các kĩ năng ngôn ngữ cơ bản. Sử dụng truyện ngắn vào giờ học đã tạo ra một hướng tiếp cận tổng thể hơn cho hoạt động giảng dạy ngoại ngữ.Truyện ngắn là thể loại văn học đặc trưng với cấu trúc cô đọng, xúc tích có thể sử dụng vào việc dạy ngoại ngữ rất hiệu quả bởi vì chúng phù hợp với khoảng thời gian giới hạn của giờ học. Truyện ngắn thường cung cấp ngữ cảnh xác thực của người bản ngữ giúp cho người học ngoại ngữ có cơ hội tương tác với tác phẩm một cách đầy cảm xúc và tự cảm thụ tác phẩm theo cách rất riêng của mình. Ngoài ra, yếu tố về tầm quan trọng của con người trong các câu truyện ngắn kích thích người học phản ứng lại với những chủ đề về vạn vật cũng như những trải nghiệm khác của con người theo những cách riêng của họ. Hơn nữa, truyện ngắn phù hợp với mọi lứa tuổi, ở trình độ ngôn ngữ khác nhau.Vì vậy, nhiệm vụ của người dạy Tiếng Anh là phải lựa chọn các câu truyện ngắn một cách cẩn thận, phù hợp với khả năng và trình độ ngôn ngữ của người học.

Đặt vấn đề

Trong hai thập kỉ trở lại đây, vai trò của văn học như là một thành tố cơ bản và là nguồn dữ liệu xác thực trong các lớp học Tiếng Anh đã nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm. Collie và Slater (1987) đã ủng hộ quan điểm sử dụng văn học trong các lớp học Tiếng Anh bởi vì nó cung cấp nguồn tư liệu đọc xác thực có giá trị, khuyến khích người học phát triển các cảm xúc cá nhân và giúp họ hiểu được văn hóa nước ngoài cũng như là sự tinh tế của ngôn ngữ. Trong vài năm trở lại đây, vai trò của văn học nói chung và truyện ngắn nói riêng như là một công cụ cho hoạt động giảng dạy trong các lớp học ngoại ngữ đã trở thành chủ đề được bàn thảo sôi nổi. Nhiều nhà ngôn ngữ đã đưa ra những lập luận thuyết phục nhằm giới thiệu các câu truyện ngắn vào chương trình giảng dạy ngoại ngữ.

Cùng chia sẻ quan điểm này, Littlewood (2000:179) khẳng định tầm quan trọng của việc sử dụng truyện ngắn trong các lớp học ngoại ngữ bằng việc nhấn mạnh rằng một vấn đề lớn của hoạt động dạy ngoại ngữ là tạo ra được một tình huống ngôn ngữ của người bản ngữ.Tất cả các lớp học ngoại ngữđặc biệt là những lớp học thiếu hoặc không có sự tham gia của người bản ngữ, thường bị tách biệt với bối cảnh của các sự kiện và tình huống tạo ra ngôn ngữ tự nhiên.Văn học có thể khắc phục được vấn đề này bởi vì trong các tác phẩm văn học, ngôn ngữ được tạo ra trong một ngữ cảnh cụ thể. Do đó, tình huống thực của người đọc trở nên không quan trọng khi họ bị cuốn vào những tình huống, ngữ cảnh được tạo ra bởi ngôn ngữ trong những câu truyện ngắn.  Qua đó có thể thấy được các tác phẩm văn học giúp người học hiểu ngôn ngữ tốt hơn thông qua những trải nghiệm thực về thế giới, mối quan hệ giữa xã hội với con người nơi mà ngôn ngữ đích được sử dụng, ngay cả khi những tình huống này là hư cấu.

I. Lý do lựa chọn truyện ngắn làm công cụ giảng dạy

Các câu truyện ngắn cũng cổ xưa như chính bản thân loài người. Trên thực tế conngười đọc nhiều thể loại truyện ngắn với rất nhiều mục đích khác nhau. ‘Truyện cổ tích, truyện dân gian, truyện truyền thuyết và truyện ngắn đã luôn luôn được sử dụng như là phương tiện để phát triển sự hiểu biết và khiếu hài hước của con người qua nhiều thế kỉ, để giải trí và để giảng dạy cho con người dựa trên loại hình và yếu tố tường thuật, với định nghĩa này Edgar Allan Poe đã giải đáp câu hỏi tại sao truyện ngắn lại là thể loại văn học phù hợp nhất để sử dụng trong các lớp học ngoại ngữ. Theo Abrams (1970),‘ truyện ngắn là một loại hình truyện kể có thể đọc trong khoảng thời gian từ 30 phút đến 2 tiếng, bị giới hạn trong một loại cụ thể hoặc một tác động đơn nhất, với những thông tin chi tiêt phụ thuộc lẫn nhau’. Truyện ngắn thường có một cốt truyện đơn nhất với những tình tiết miêu tả bối cảnh và mục đích là đưa ra tác động đơn nhất. Người học ngoại ngữ có thể dễ dàng theo dõi mạch văn trong các truyện ngắn. Khi người học bắt đầu đọc, họ bắt đầu sống trong nội dung của câu truyện và phát triển trí tò mò để tìm kiếm những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Họ xác lập một mối liên hệ với các nhân vật và chia sẻ những cảm xúc nảy sinh.Câu truyện ngắn bắt đầu tạo ra một cuộc độc thoại bên trong người đọc.Họ tự kể về câu truyện họ đọc và phỏng đoán cái kết của mỗi sự kiện được kể.Bằng cách này, các truyện ngắn đã khơi dạy khả năng tư duy phê phán của người học. Ngoài ra, các truyện ngắn cũng theo mô hình tuần tự - tích lũy, chính yếu tố này khiến chúng chở thành một công cụ hữu hiệu cho hoạt động dạy ngoại ngữ.

II. Những yếu tố cấn lưu ý khi lựa chọn truyện ngắn

Việc sử dụng truyện ngắn trong hoạt động dạy tiếng Anh nên được nhằm mục đích khuyến khích người học sử dụng những gì mà họ vừa được học trước đấy.Thông qua việc làm này, quá trình học sẽ hướng vào người học.Tuy nhiên, người dạy đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.Họ phải lựa chọn được câu truyện phù hợp để sử dụng trong lớp học, giúp cho người học hiểu được câu truyện thông qua nhiều các hoạt động khác nhau.

1. Độ dài của câu truyện

Trong quá trình sử dụng các truyện ngắn để dạy Tiếng Anh, việc lựa chọn câu truyện là một trong những hoạt động quan trọng nhất của người dạy.Bởi vì độ dài của các câu truyện rất đa dạng, người dạy cần phải lựa chọn được một câu truyện với độ dài phù hợp với thời gian của buổi học.Độ dài của câu truyện đặc biệt quan trọng đối với người học bởi vì họ sẽ nhận thấy rằng học có thể đọc, hiểu và hoàn thành câu truyện được viết bằng Tiếng Anh, và điều này sẽ mang lại cho người học một cảm giác chiến thắng và tự tin. Bên cạnh độ dài của câu truyện, Hill (1994:15) cũng chỉ ra 3 tiêu chí cơ bản cho việc lựa chọn một câu chuyện: (1) Nhu cầu và khả năng của người học; (2) Cấp độ ngôn ngữ và văn phong của câu truyện; (3) Khối lượng kiến thức nền tảng cần phải có để hiểu rõ/ sâu về tác phẩm.

2. Ngôn ngữ và cấu trúc của câu truyện

Tầm quan trọng của việc xem xét những tiêu chí trên được thể hiện thông qua việc người dạy xác địnhđược từ vựng và cấu trúc câu của câu truyện sẽ được học phải phù hợp với trình độ của người học. Những câu truyện ngắn có từ cổ (archaic), từ lóng (slang), và từ mượn từ ngôn ngữ khác (foreign word), sử dụng cách nói ám chỉ/ bóng gió, có những câu văn trích dẫn lời nói của một dân tộc nào đó, hay của người nước ngoài thì nên tránh nếu câu truyện đó được sử dụng cho người học ở trình độ sơ cấp. Tương tự như vậy, những câu văn dài thường làm cho người học cảm thấy khó hiểu.Khi người học không hiểu những câu văn và những từ ngữ kiểu như thế, thì họ sẽ cảm thấy chán và không đọc nữa.Vì vậy, trước khi đưa cho người học một câu truyện ngắn, giáo viên cần phải xác định được tính phù hợp của câu truyện thông qua những tiêu chí vừa nêu trên.

3. Hứng thú của người dạy và người học

Bên cạnh những tiêu chí nêu trên, Spack (1985) chỉ ra rằng yếu tố hứng thú cũng cần được xem xét.Theo ông, người dạy nên lựa chọn những câu truyện mà chính bản thân họ thích đọc và dạy đồng thời tạo được hứng thú cho người học, hoặc những câu truyện đã được dựng thành phim giúp người học hiểu nhanh hơn thông qua hình ảnh. McKay (2001:322) và Rivers (1968:230) chỉ ra rằng người học sẽ đọc và hứng thú với câu truyện nếu chủ đề của câu truyện liên quan đến kinh nghiệm sống và sở thích của họ

III. Truyện ngắn và việc phát triển các kĩ năng ngôn ngữ

Dựa vào các truyện ngắn người dạy có thể tổ chức các hoạt động  ở cả 4 kĩ năng ngôn ngữ cho người học ở các trình độ khác nhau. Murdoch (2002:9) chỉ ra rằng ‘truyện ngắn nếu được lựa chọn và khai thác hợp lí sẽ cung cấp ngữ cảnh ngôn ngữ phù hợp, cải thiện rõ nét cho các hoạt động dạy –học ngoại ngữ ở trình độ trung cấp’.Theo ông, các truyện ngắn có thể là nguồn tư liệu mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động dạy – học ngoại ngữ thông qua các hoạt động học như thảo luận, viết và nhập vai hội thoại.

1. Dạy kĩ năng đọc hiểu

Những câu truyện ngắn rất hữu ích trong các bài học nhằm cải thiện vốn từ vựng và kĩ năng đọc hiểu cho người học. Với những hoạt động dưới đây có thểgiúp người học thu được nhiều từ vựng hơn. Những hoạt động này lần lượt liên quan đến từ loại, nghĩa và cách sử dụng từ. (Xem phụ lục)

* Dạng hoạt động 1: Hoàn thành bảng từ loại dưới đây. Từ đầu tiên đã được làm mẫu.Một số từ không có đầy đủ các dạng.

Verb

Adverb

Participle

Noun

Adjective

Speak

-

Speaking

Speaker

Speakable

think

 

……………

…………….

……………..

…………..

…………

……………

……………..

Bright

…………

bluntly

……………

…………….

……………….

understand

…………

……………….

………………

…………………

Có thể có nhiều từ mà người dạy cho là cần thiết.Tuy nhiên cũng không nên dùng tất cả các từ có trong câu truyên ngắn sẽ làm cho người học mất đi hứng thú của mình với hoạt động này.Hoạt động này vừa giúp cho người học làm giàu vốn từ vựng của mình, vừa giúp họ biết cách sử dụng từ điển.

* Dạng hoạt động 2: Viết chữ cái của một định nghĩa/ hoặc cụm đồng nghĩa ở cột B phù hợp vơi từ/ cụm từ ở cột A.

A

B

  1. Lonely
  1. a tiresome person
  1. get well
  1. provide an apology
  1. make an excuse
  1. recover, healed
  1. a tired person
  1. without friends or companions

            Với hoạt động này, các từ và cụm từ ở cột A được lấy ra từ câu truyện mà người học sẽ đọc. Các định nghĩa/ hay cụm từ đồng nghĩa ở cột B phải đồng nghĩa với từ/ hoặc cụm từ  ở cột A, và phải phù hợp với ngữ cảnh của câu truyện để giúp cho người học hiểu được nghĩa của từ khác biệt như thế nào khi sử được sử dụng trong cùng một ngữ cảnh.

* Dạng hoạt đông 3: Chọn từ/ hoặc cụm từ trong cột A ở phần trên để hoàn thành mỗi câu sau đây. Bạn cần điều chỉnh từ cho phù hợp với chủ ngữ và thời của câu (nếu cầu thiết).

  1. She (not) __________ for being late for the meeting yesterday.
  2. The doctor said that his great optimism helped him ___________soon.
  3. After his wife’s death he always feels __________.
  4. Almost nobody likes Ms. Brown because she is a __________.

Ở hoạt động 3, người học thực hành sử dụng từ mà họ đã hiểu nghĩa.Để kích thích người học tham gia các hoạt động như trên, giáo viên có thể giải thích nhóm các từ giúp người học tự mình duy trì việc đọc mà không phải dừng quá lâu để tra nghĩa của từ trong từ điển ’.

Người học ở trình độ trên trung cấp hoặc cao cấp cũng có thể học được nhiều thông qua các câu truyện văn học. Những gì người học được đọc mang lại cho họ cơ hội làm sâu sắc hiểu biết của chính mình và giúp họ nói ngôn ngữ theo một cách phong phú hơn. Người học trở nên sáng tạo hơn khi họ đối diện với chính quan điểm của mình, quan điểm của các nhân vật chính của câu truyện, cũng như quan điểm của bạn bè. Theo Oster (1989:85), quá trình này dẫn tới việc hình thành khả năng tư duy phê phán. Ông cũng khẳng định, ‘Việc tập trung vào các quan điểm trong các tác phẩm văn học sẽ mở rộng tầm nhìn và nuôi dưỡng khả năng tư duy phê phán bằng việc đa dạng hóa cách thể hiện một tình huống cụ thể’.Điều này có thể xảy ra bởi vì khi người học đọc, họ phải tương tác với tác phẩm.Thông qua việc tương tác với tác phẩm, họ có thể diễn giải được những gì họ đọc. Nhờ việc diễn giải những gì họ đọc, họ có thể cải thiện khả năng nói của mình một cách sáng tạo hơn.

2. Dạy kĩ năng viết

Các truyện ngắn có thể là một nguồn tư liệu quan trọng và phong phú cho kĩ năng viết trong hoạt động giảng dạy ngoại ngữ, ngay cả khi chúng đóng vai trò là các bài mẫu cũng như là chủ đề.Những câu truyện ngắn trở thành khuôn mẫu khi bài viết của người học trở nên khá giống với câu truyện hoặc là bắt chước nội dung, chủ đề, bố cục hoặc văn phong của câu truyện. Tuy nhiên, khi bài viết của sinh viên thể hiện những quan điểm ban đầu của tác giả thông qua một bài bình luận hoặc phân tích, hoặc nội dung được trình bày một cách sáng tạo, thì trường hợp này câu truyện ngắn đóng vai trò như là chủ đề chính. Ở khía cạnh này, Oster (1989:85) khẳng định rằng truyện ngắn giúp người học viết sáng tạo hơn.

Người dạy có thể tạo ra vô số các hoạt động viết để giúp người học phát triển kĩ năng viết.Họ có thể yêu cầu người học viết một đoạn hội thoại hoặc những hoạt động viết phức tạp hơn nếu người học có khả năng ngôn ngữ cao hơn.Ví dụ, nếu  người dạy sử dụng câu truyện ‘Bill’s little girl’ trong giờ học, họ có thể thiết kế các hoạt động viết như sau tùy thuộc vào trình độ ngôn ngữ của người học.

* Người học ở trình độ giữa trung cấp, người dạy có thể yêu cầu họ

  • Viết một đoạn hội thoại giữa Bill và Minna vào buổi tối mà ông ta nói rằng ông ta sẽ không hôn cô bé bắt đầu từ buổi tối hôm đó.
  • Diễn đạt lại đoạn 7 của câu truyện.

* Người học ở trình độ trên trung cấp, người dạy có thể giao nhiệm vụ

  • Viết một đoạn tóm lược câu chuyện từ 5 đến 7 câu, bao gồm nhân vật chính, bối cảnh truyện, mâu thuẫn trong truyện, cực điểm và sự giải quyết.
  • Viết một câu nói về chủ đề của truyện.

* Người học ở trình độ cao cấp, họ có thể hứng thú với các hoạt động như

  • Viết một đoạn văn giải thích lí do vì sao Bill đã chọn cặp vợ chồng đó thay vì quý bà giàu có.
  • Viết một đoạn bình luận về câu truyện.
  • Viết một bài văn nêu những yếu tố làm nên một người cha vĩ đại.

3. Dạy kĩ năng Nói và Nghe

Những truyện ngắn có thể trở thành một nguồn đắc lực trong giảng dạy cả kĩ năng nói và nghe.Đọc miệng, đóng kịch, ứng khẩu, sắm vai, thảo luận là một số hoạt động học hiệu quả nhờ việc sử dụng các câu truyện ngắn trong các giờ học ngoại ngữ để củng cố hai kĩ năng nói và nghe.Người dạy yêu cầu người học đọc to câu truyện có thể phát triển kĩ năng nói và kĩ năng nghe.Bên cạch đó, hoạt động này còn giúp cải thiện khả năng phát âm của người học.

Dưới đây là những hoạt động người dạy có thể thiết kế để phát triển kĩ năng nói thông qua truyện ngắn, dựa vào khả năng ngôn ngữ của người học;

* Ở lớp học trình độ sơ cấp

  • Yêu cầu người học lần lượt đọc to câu truyện. Người đầu tiên đọc câu đầu tiên. Người thứ hai đọc câu kế tiếp, và cứ thế cho đến hết câu truyện. Hoạt động này nhằm củng cố khả năng phát âm và nói lưu loát của người học theo một cách thú vị.

* Ở lớp học trình độ trên trung cấp

  • Yêu cầu người học kể lại câu truyện như là một hoạt động chuỗi trong một nhóm nhỏ. Mỗi người học sẽ có cơ hội được thực hành sử dụng từ nối tương ứng với phần mà mình trình bày trong một văn cảnh có nghĩa. Người dạy nên gợi ý cho người học những từ nối mà họ có thể sử dụng khi kể lại câu truyện.

* Ở lớp học trình độ cao cấp

  • Yêu cầu người học sẽ chia thành hai nhóm. Nhóm 1 sẽ chuẩn bị những tranh luận để ủng hộ quyết định của Bill khi tìm bố mẹ nuôi cho cô con gái Minna của mình là đúng. Nhóm thứ 2 sẽ chuẩn bị những lập luận để chứng minh rằng quyết định đó là không nên.

Ngoài những hoạt động trên đây dựa vào trình độ của người học, người dạy có thể thiết kế các hoạt động khác như sắm vai, hoạt động này không chỉ giúp người học hiểu rõ hơn nội dung câu truyện mà còn phát triển kĩ năng nói. Thông qua các tình huống sau:

  • Tưởng tượng rằng người học là bác sỹ chuẩn đoán bệnh cho Bill là chỉ còn sống được 6 tháng. Nói cho anh ta biết những gì anh ta sẽ phải trải qua trong vòng 6 tháng tới. Đảm bảo những thông tin được trình bày có tính thuyết phục
  • Giả sử bạn là biên tập của một tờ bào mà Bill đăng quảng cáo. Hãy trình bày cho Bill ý tưởng về nội dung quảng cáo mà bạn đang nghĩ.

Để phát triển kĩ năng nghe thông qua các truyện ngắn, người dạy có thể tiến hành các hoạt động sau;

  • Sử dụng một đoạn audio về nội dung câu truyện để người học có cơ hội được nghe giọng nói của người bản ngữ.

Ngoài ra người dạy có thể thiết kế cách hoạt động khác nhằm tăng hứng thú cho người học như tìm câu trả lời cho những câu hỏi cho sẵn đồng thời giải thích cho họ trước khi nghe. Để người học có thể hiểu được câu chuyện trong lần nghe đầu tiên, những câu hỏi phải dựa trên cấu trúc của câu truyện như;

  • Who is the main character of the story?

(Ai là nhân vật chính trong câu truyện?)

  • Where/ When does the story take place?

(Câu truyện diễn ra ở đâu/ khi nào?)

  • What is the conflict in the story?

(Mâu thuẫn của câu truyện là gì?)

  • How is the conflict resolved?

(Mâu thuẫn được giải quyết như thế nào?)

Kết luận

Mục tiêu của việc dạy ngoại ngữ là giúp cho người học giao tiếp một cách thành thạo ngôn ngữ đích, vì thế người dạy nên cung cấp mô hình sử dụng ngôn ngữ xác thực.Để làm được điều này, người dạy nên tập trung không chỉ vào ngôn ngữ mà còn cả các thành tố văn học và văn hóa.Các câu truyện ngắn chứa các yếu tố này, vì thế chúng đem lại nhiều lợi ích cho các chương trình giảng dạy ngoại ngữ/ hay ngôn ngữ thứ hai.Tuy nhiên, việc lựa chọn các câu truyện ngắn nên được thực hiện trong sự liên hệ với mục tiêu của giờ học, đặc trưng của người học và nội dung câu truyện để có thể vận dụng nó một cách hiệu quả nhất. Tình huống giảng dạy có tính đơn nhất, việc sử dụng một câu chuyện không hoàn toàn đồng nhất giữa các lớp, và nó hoàn toàn khác biệt giữa các giáo viên. Như những gì đã được đề cập trong bài viết này, các câu truyện ngắn có thể được sử dụng để tạo ra các hoạt động khác nhau trong các giờ học đọc, nghe, viết và nói.Các câu truyện ngắn tạo ra một ngữ cảnh có nghĩa để dạy các trọng tâm ngôn ngữ khác nhau, đồng thời nâng cao kĩ năng diễn giải cho người học.Tóm lại, cùng một câu truyện cũng có thể tích hợp các kĩ năng, các vấn đề ngôn ngữ khác nhau cũng như là phát triển vốn từ vựng.

 

PHỤ LỤC

Bill’s little girl – by Uyghur

Bill was thirty when his wife died, and little Minna was four. Bill’s carpenter shop was in the yard of his house, so he thought that he could keep his home for Minna and himself. All day while he worked at his bench, she played in the yard, and when he was obliged to be absent for a few hours, the woman next door looked after her. Bill could cook a little, coffee and bacon and fried potatoes and flapjacks, and he found bananas and sardines and crackers useful. When the woman next door saidt it was not the diet for four-year-olds, he asked her to teach him to cook oatmeal and vegetables, and though he was always burned the dishes in which he cooked these things, he cooked them everyday. He swept, but all corners and he dusted, dabbing at every object; and he complained that after he had cleaned the windows he could not see through them as well as he could before. He washed and patched Minna’s little garments and mended her doll. He found a kitten for her so that she wouldn’t be lonely. At night he heard her say her prayer, kneeling in the middle of the floor with her hands folded, and speaking like lightning. If she forgot the prayer, he either woke her up, or else he made her say it the first thing in the morning. He himself used to pray: ‘Lord, make me do right by her if you see me doing wrong.’ On Sundays, he took her to church and listening with his head on one side, trying to understand, and giving Minna peppermints when she rustled. He stopped work for a day and took har to the Sunday-school picnic. ‘Her mother would of,’ he explained. When Minna was old enough to go to kindergarten, Bill used to take her morning or afternoon, and he would call for her. Once he dressed himself in his best clothes and went to the school. ‘I think her mother would of,’ he told the teacher, diffidently. But he could make little of the colored paper and the designs and the games, and he did not go again. ‘There’s something I can’t be any help to her with,’ he thought.

Minna was six when Bill fell ill. On a May afternoon, he went to a doctor. When he came home, he sat in his shop for a long time and did nothing. The sun was beaming through the window in bright squares. He was not going to get well. It might be that he had six months … He could hear Minna singing to her doll. When she came to kiss him that night, he made an excuse, for he must never kiss her now. He held her arm’s length, looked in her eyes, said: ‘Minna’s a big girl now. She doesn’t want Papa to kiss her.’ But her lip curled and she turned away sorrowful, so the next day Bill went to another doctor to make sure. The other doctor made hime sure.

He tried to think what to do. He had a sister in Nebraska, but she was a tired woman. His wife had a brother in the city, but he was a man of many words. And little Minna … there were things known to her which he himself did not know – matters of fairies and the words of songs. He wished that he could hear of somebody who woud understand her. And he had only six month …

Then the woman next door told him bluntly that he ought not to have the child there, and him coughing as he was; and he knew that his decision was already upon him.

One whole night he thought. Then he advertised in a city paper:

A man with a few months more to live would like nice people to adopt his little girl, six, blue eyes, curls. References required.

They came in limousine, as he had hoped that they would come. Their clothes were as he had hoped. They had with them a little girl who cried: ‘Is this my little sister?’ On which the wman in a smart frock said sharply: ‘Now then, you do as Mana tells you and keep out of this or we’ll leave you here and take this darling girl with us.’

So Bill looked at this woman and said steadily that he had now other plans for his little girl. He watched the great blue car roll away. ‘For the land sake!’ said the woman next door when she heard. ‘You done her out of fortune. You hadn’t the right – a man in your health.’ And then the other cars came, and he let them go, this woman told her husband that Bill ought to be reported to the authorities.

The man and woman who walked into Bill’s shop one morning were still mourning their own little girl. The woman was not sad – only sorrowful, and the man, who was tender of her, was a carpenter. In blooming of his hope and his dread, Bill said to them: ‘You’re the ones.’ When they asked: ‘How long before we can have her?’ Bill said: ‘One day more.’

That day he spent in the shop. It was summer and Minna was playing in the yard. He could hear the words of her songs. He cooked their supper and while she ate, he watched. When he had tucked her in her bed, he stood in the dark hearing her breathing. ‘I’m a little girl tonight – kiss me,’ she had said, but he shook his head. ‘A big girl, a big girl,’ he told her.

When they came for the next morning, he had her ready, washed and mended, and he had mended her doll. ‘Minna’s never been for a visit!’ he told her buoyantly. And when she ran toward him, ‘A big girl, a big girl,’ he reminded her.

He stood and watched the man and woman walking down the street with Minna between them. They had brought her a little blue parasol in case the parting should be hard. This parasol Minna held bobbing above her head, and she was so adsorbed in looking up at the blue silk that she did not remember to turn and wave her hand.

(1,052 words)

`

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Abrams, M.H. 1970. A Glossary of Literary Term. New York: Rinehar.

2. Collie, J., and Slater, S. 1991. Literature in the Language Classroom. (5th ed.). Glasgow: Cambridge University Press.

3. Hill, Jeniffer. 1994. Using Literature in Language Teaching. London:Macmillan.

4. Oster, J. (1989). Seeing with Different Eyes: Another View of Literature in the ESL Class. TESOL Quarterly, 23, 85-103

5. Littlewood, William (2000). “Literature in the School Foreign-Language Course”. (Eds. C.J. Brumfit, R.A. Carter) Literature and Language Teaching. Oxford: OUP.

6. Pardede, P. (2011). Short Stories Use in Language Skills Classes: Students’ Interest and Perception. [Online]. Available at:  http://www.researchgate.net/publication

7. Savvidou, C. (2004). “An Integrated Approach to the Teaching of Literature in the EFL Classroom.” The Internet TESL Journal, 10 (12) Retrieved July, 2010, from http://iteslj.org/Techniques/Savvidou_Literature.html

8.McKay, S.L. (1986). Literature in the ESL classroom, London: Oxford University Press.

9. Rivers, W. M. (1981). Teaching Foreign-Language Skills, 2nd ed. Chicago and London: The University of Chicago Press.

10. Spack, R. (1985). “Literature, Reading, Writing, and ESL: Bridging the Gaps.” TESOL Quarterly, 19, 703-725.

11. Ur, P. (1996). A Course in Language Teaching: Practice and Theory. Cambridge: Cambridge University Press.

 

 

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO HỨNG THÚ HỌC TẬP TIẾNG ANH CỦA SINH VIÊN NĂM THỨ NHẤT  HỌC VIỆN CÔNG NGHỆ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG

ThS. Vũ Thị Sâm [10]

 

  1. Đặt vấn đề

Cùng với xu thế hội nhập toàn cầu và giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới hiện nay, sự gia tăng về nhu cầu học ngoại ngữ đang tăng nhanh hơn bao giờ hết. được xem là ngôn ngữ chung trên thế giới, từ lâu tiếng Anh đã trở nên vô cùng phổ biến và là ngôn ngữ phương tiện của tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội thế giới nói chung và Việt nam nói riêng.

Qua quá trình giảng dạy, tôi hiểu rất rõ vai trò và ý nghĩa của vấn đề hứng thú học tập đối với quá trình học và kết quả học tập, đặc biệt là học tập ngoại ngữ. Và tôi cũng nhận thấy rằng bên cạnh các sinh viên yêu thích học tiếng Anh, còn một bộ phận không nhỏ các em không chú trọng vào học môn này và không có hứng thú đối với môn học, do không có mục tiêu học tập rõ ràng và không xác định được tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với việc học tập, nghiên cứu và công việc trong tương lai. Là một giảng viên luôn tâm huyết với sinh viên,  tôi luôn băn khoăn tìm các biện pháp đổi mới trong giảng dạy nhằm tăng thêm hứng thú học tập cho sinh viên, tạo cho các em có cái nhìn đúng đắn hơn về môn học và có sự nỗ lực cao hơn.

  1. Khái niệm và những yếu tố ảnh hưởng đến hứng thú học tập

Theo từ điển bách khoa tiếng Việt: “hứng thú là hình thức biểu hiện tình cảm và nhu cầu nhận thức của con người nhằm ý thức một cách hào hứng về mục đích hoạt động, nhằm tìm hiểu sâu hơn, hiểu biết đầy đủ hơn về vấn đề gây hứng thú”, và “nâng hứng thú nâng cao mức độ tập trung, chú ý và khả năng làm việc. Khi được làm việc phù hợp với hứng thú, dù phải vượt qua khó khăn, con người vẫn cảm thấy thoải mái và đạt kết quả cao”

Như vậy, sinh viên, sinh viên có hứng thú học tập đồng nghĩa với việc có mục tiêu học tập rõ ràng, và say mê làm việc, tìm hiểu về môn học đó để đạt kết quả cao

Hứng thú học tập đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình học tập và ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả học tập của học sinh, sinh viên, đặc biệt đối với quá trình học ngoại ngữ.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới hứng thú học ngoại ngữ của sinh viên. Theo Gardner, R.C and Lambert, W.E. (1972), những yếu tố chủ yếu là:

  •  Mục tiêu học tập
  • Mong muốn đạt mục tiêu đó, trong tầm ngắn hạn và dài hạn
  • Biểu hiện nỗ lực để đạt được mục tiêu
  • Thái độ đối với những yếu tố khách quan trong môi trường học tập, như những sinh viên khác trong lớp, giáo viên, giáo trình….
  • Ngoài ra, theo  học giả Lightbown, P.M & Spada, N. (1999), thì hứng thú trong học tập ngoại ngữ bao gồm một yếu tố quan trọng nữa, đó là nhu cầu giao tiếp bằng ngôn ngữ đó của người học.

Tất cả các yếu tố trên đều mang tính quyết định tới hứng thú học tập, và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của sinh viên.

  1. Về đặc điểm sinh viên năm thứ nhất tại học viện:

Theo số liệu của phòng Giáo vụ và CTSV của học viện, mỗi năm học viện đón nhập học khoảng 2.500 sinh viên mới, thuộc 7 ngành đào tạo, trong đó 70% sinh viên đến từ các vùng nông thôn, các tỉnh nhỏ, đặc biệt có khoảng 10% sinh là con em khu vực miền núi, vùng sâu, xa. Điều này phản ánh mức độ tiếp xúc với TA của sinh viên năm thứ nhất rất khác nhau và có sự chênh lệch rõ rệt. Ngoài ra, khoảng 90% sinh viên trong học viện theo các chuyên ngành khoa học tự nhiên, do vậy hầu như không tập trung học tiếng Anh ở trường phổ thông.

Sinh viên năm thứ nhất của học viện học tập trung theo lớp chuyên ngành, với sỹ số thường từ 45 – 60 sinh viên một lớp, cao hơn rất nhiều với sỹ số chuẩn một lớp học tiếng Anh (từ 25 – 30 sinh viên)

Theo quan sát, sinh viên học viện chủ yếu gặp phải các vấn đề sau:

  • Lịch sử học tiếng Anh ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chất lượng tiếng Anh chưa tốt, thậm chí rất yếu
  • Chưa được tham gia các hoạt động giao tiếp bằng tiếng Anh hoặc để học tiêng Anh, khiến sinh viên thiếu tự tin trong các giờ học tiếng Anh ở môi trường mới.
  • Bạn bè chưa quen cũng là một nguyên nhân cản trở đến sự thoải mái, tự tin trong các giờ học mang tính giao tiếp cao như giờ tiếng Anh
  • Giáo trình lạ đối với sinh viên năm thứ nhất (trước đây là New English File, TOIEC, và bây giờ là Pathway, Tactics…) và đòi hỏi nhiều kỹ năng cùng một lúc.
  • Phương pháp học tiếng Anh ở trường phổ thông là phương pháp cũ, chủ yếu tập trung học ngữ pháp, từ vựng mà không lưu tâm đến các kỹ năng giao tiếp khác như nói, nghe và viết
  • Kiến thức xã hội kém: đây cũng là một cản trở đối với việc học tiếng Anh, do các chủ đề trong các bài học tiêng Anh thường mang tính xã hội cao, thường sử dụng các sự kiện hoặc vấn đề hiện tại của xã hội để sinh viên thảo luận và thực hành.
  1. Đề xuất môt số biện pháp nhằm nâng cao hứng thú của sinh viên:

Từ những điều rút ra ở trên, có thể thấy do đặc thù của sinh viên học viện cũng như yêu cầu nâng cao trình độ tiếng Anh rất cao của học viện, việc cần làm đầu tiên là tập trung nâng cao hứng thú, niềm yêu thích của sinh viên đối với môn học, điều này chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng học tập. Muốn thực hiện điều này cần tập trung vào 3 yếu tố:

  1. Phương pháp giảng dạy của giảng viên
  2. Các hoạt động cụ thể trên lớp
  3. Định hướng lại thái độ, cách nhìn của sinh viên đối với môn học

(Brown H. Douglas)

A. Về phương pháp giảng dạy:

Đối với sinh viên năm thứ nhất vừa học ở phổ thông, chưa quen phương pháp dạy và học mới ở bậc đại học, thì phương pháp giảng dạy của giáo viên là điều ảnh hưởng trực tiếp nhất tới thái độ của sinh viên đối với môn học. Do hầu hết sinh viên đến từ các tỉnh hoặc vùng nông thôn, do vậy những tiết học tiếng Anh đầu tiên cần tổ chức thú vị nhưng không căng thẳng để thu hút sinh viên. Dươí đây là môt vài đề xuất đối với việc giảng dạy cho sinh viên năm thứ nhất:

- Tập trung vào các kỹ năng giao tiếp tổng hợp, đa dạng, thay vì chỉ dạy đọc, từ vựng, ngữ pháp, tạo cho sinh viên cảm nhận về một phương pháp học tập tiếng Anh mới, năng động hơn, sáng tạo hơn và theo đường hướng giao tiếp rõ rệt

- Tổ chức cho sinh viên tham gia các hoạt động giao tiếp thường xuyên bằng tiếng Anh, làm việc theo đội, theo nhóm,theo đôi…

- Tập trung vào các chủ đề hoặc các vân đề quen thuộc, dễ hiểu đối với sinh viên. Có thể điều chỉnh vấn đề trong giáo trình cho phù hợp với sinh viên, hoặc bổ sung kiến thực xã hội cần thiết. Ví dụ: khi sinh viên phải học đến phần Checking in at the airport, hầu như sẽ cảm thấy xa lạ, do vậy có thể trao đổi trước về quy trình khi làm thủ tục check in, bổ sung từ mới cho sinh viên, hoặc chuyển sang 1 chủ đề quen thuộc như đăng ký nhập học, đăng ký câu lạc bộ…

- Sau một thời gian, có thể bố trí lại vị trí chỗ ngồi, sinh viên có thể ngồi kèm nhau, một sinh viên khá và một sinh viên yếu…

- Tạo hứng thú học tập bằng việc xây dựng môi trường thân thiện giữa thầy và trò, Bên cạnh việc tác động vào nội dung và phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, việc thiết lập được mối quan hệ hợp tác tích cực tốt đẹp giữa thầy và trò, giữa các trò cũng sẽ tạo hứng thú cho sinh viên. Hình thức tổ chức dạy học hấp dẫn cùng với một bầu không khí thân ái dễ chịu trong giờ học sẽ tạo ra sự hứng thú cho cả thầy và trò. Đây là điều quan trọng làm cho sinh viên cảm thấy yêu thích môn học và tiết học. Các biện pháp cụ thể như nhớ tên, nhớ mặt sinh viên, hiểu mức độ tiếp thu của sinh viên, phân loại đối tượng sinh viên để có sự bố trí phù hợp… Ngoài ra, còn cần có khả năng biết tự kiềm chế, khả năng đồng cảm với sinh viên, khả năng làm việc kiên trì tỉ mỉ, khả năng biết tổ chức quá trình dạy học một cách nhẹ nhàng tự nhiên không gây căng thẳng cho sinh viên…

B. Về các hoạt động trên lớp

Về mặt cơ bản, các hoạt động trên lớp dù theo phương pháp và cách tiếp cân khác nhau cũng đều theo mục đích chung là tạo tư duy logic và phát triển các kỹ năng giao tiếp của người học. Mỗi tiết học có thể nhấn mạnh vào các phần khác nhau hoặc theo quy trình riêng tùy thuộc vào phương pháp giảng dạy của giáo viên. Ở đây tôi chỉ đề xuất một số hoạt động cụ thể nhằm nâng cao hứng thú học tập của sinh viên

Tổ chức trò chơi học tập

Trong thực tế dạy học, giờ học nào tổ chức trò chơi cũng đều gây được không khí học tập hào hứng, thoải mái, vui nhộn. Nghiên cứu cho thấy, trò chơi học tập có khả năng kích thích hứng thú và trí tưởng tượng của người học, kích thích quá trình thu nhậnn kiến thức mới.           

Việc sử dụng một số trò chơi mới trong tổ chức các hoạt động dạy học Tiếng Anh là cả một thành công giúp phát triển tính tích cực nhận thức của sinh viên trong việc học ngôn ngữ, giúp sinh viên tập trung hết trí lực để nắm đợc kiến thức, đồng thời giúp sinh viên sử dụng Tiếng Anh trong môi trường ngoại ngữ với những tình huống thật và sống động.Các trò chơi ngôn ngữ mới tạo được sự mới lạ, sự hứng thú học tập cho sinh viên, làm cho sinh viên có cảm giác thoải mái, giảm bớt sự căng thẳng, nhàm chán với bài học của mình đồng thời giúp các em dễ dàng tiếp nhận và khắc sâu kiến thức, tự giác chủ động tìm tòi, phát hiện, giải quyết nhiệm vụ và có ý thức vận dụng linh hoạt, sáng tạo các kiến thức đã thu nhận đợc một cách có hiệu quả vào thực tế.

            Theo kinh nghiệm, cũng như theo tìm hiểu, các trò chơi sau thường được tổ chức trên lớp nhằm nâng cao mức độ tham gia của sinh viên và tang hiệu quả giờ học:

Các trò chơi phát triển kỹ năng nghe: Listen and categorize, hearing mistakes, grids,listen and draw, slap the board,

Các trò chơi phát triển kỹ năng nói: chaining game, explanation,  noughts and crosses, role play, Spy…

Các trò chơi phát triển kỹ năng đọc: gossip, rub out and remember, search through

Các trò chơi phát triển kỹ năng viết: correcting the common mistakes, jumbled sentences ,jumbled words, living words….

Các trò chơi ghi nhớ từ vựng: thing snatch, word chain, cross puzzles…

Dưới đây là một số ví dụ:

+ Trò chơi Gossip:

- Chia lớp thành 4 nhóm.

- Giáo viên đọc một câu nào đó cho sinh viên ngồi bàn đầu mỗi nhóm sao cho những sinh viên khác không nghe thấy.

- Ví dụ: When its hot,Nam usually goes swimming.

- Sinh viên thứ nhất nói với sinh viên thứ hai,sinh viên thứ hai nói với sinh viên thứ ba,cứ như vậy cho đến sinh viên sau cùng của nhóm nghe được và đọc to câu nói mà giáo viên đã đọc.Nhóm nào đọc hoàn chỉnh nhất thì thắng.

+ Trò chơi Spy:

Giáo viên chia lớp thành các nhóm, tùy sỹ số lớp, một nhóm có thê từ 6 – 10 Sv. Mỗi nhóm cử một đại diện lên bảng. Giáo viên sẽ đưa cho nhóm một mảnh giấy trên đó ghi các từ bí mật. Nhiệm vụ của nhóm là giải thích bằng tiếng Anh để người trên bảng có thể tìm ra từ đó, mà không được nhắc đến từ đó, không được nói tiếng Việt… Nhóm nào giải thích được nhiều từ nhất, trong thời gian ngắn nhất thì thắng

Tổ chức hoạt động học theo nhóm, theo đôi để tăng cường tính giao tiếp     

Học theo nhóm là hình thức học tập có sự hợp tác của nhiều thành viên trong lớp nhằm giải quyết những nhiệm vụ học tập chung. Được tổ chức một cách khoa học, học theo nhóm sẽ  phát huy tính tích cực, sáng tạo, năng lực, sở trường, tinh thần và kĩ năng hợp tác của mỗi thành viên trong nhóm. Trong giờ học Tiếng Anh, biện pháp này đã tạo nên một môi trường giao tiếp tự nhiên, thuận lợi, đó là hoạt động giao tiếp nhằm trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của những người bạn.

Tích cực tận dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy

Khi giáo viên sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, sử dụng dụng cụ trực quan như tranh, ảnh, bản đồ, sách màu, hoặc các đoạn video clips, điều này làm cho sinh viên cảm thấy môi trường học tập tiên tiến, hiện đại và cũng có tác dụng rõ rệt trong việc thu hút sự hứng thú của sinh viên.

Ngoài ra, các hình thức khác như dạy từ  vựng qua bài hát, qua truyện ngắn cũng là những gợi ý thiết thực cho những giờ học tiếng Anh hấp dẫn mà hiệu quả.

  1. Về việc định hướng lại thái độ, cách nhìn của sinh viên đối với môn học: Tạo hứng thú học tập bằng cách làm cho sinh viên nhận thức được mục tiêu, lợi ích của môn học

Hứng thú học tập trước hết được tạo ra bằng cách làm cho sinh viên mới ý thức được lợi ích của việc học để tạo động cơ học tập. Mục tiêu này có thể được giáo viên trao đổi rõ ràng ngay ở những buổi đầu, hoặc trong suốt quá trình học. Cần làm cho học sinh thấy rõ tác dụng của tiếng Anh trong thời đại mới, và những lợi ích trực tiểp đối với sinh viên. Ví dụ, khi giỏi tiếng Anh sinh viên có thể xem phịm, nghe nhạc, đọc báo bằng tiếng anh, có thể tra cứu các tài liệu quốc tế… Đặc biệt trong tương lai, một vốn tiếng Anh tốt là điều kiện thuận lợi để các em dễ dàng tìm được một công việc tôt khi ra trường…

Trên thực tế, một bộ phận lớn các sinh viên hiện nay học tiếng Anh chỉ để vượt qua các kỳ thi do các em chưa hề ý thức được hoc tiếng Anh để làm gì. Giáo viên cần định hướng cho các em tốt hơn về tầm quan trọng của tiếng Anh đối với cuộc sống hàng ngày và công việc tương lai của các em, đồng thời dạy cho các em những điều thiết thực nhất, như các câu hỏi thăm, nói chuyện thông dụng, tự nhiên mà người bản ngữ hay sử dụng, hoặc thuât ngữ, thành ngữ hay dùng trên phim ảnh, sau đó đến các thuật ngữ chuyên môn, gắn liền với nhu cầu thực sự của sinh viên.

  1. Kết luận

Như trên đã nói, hứng thú học tập là yếu tố tối quan trọng quyết định chất lượng và kết quả học tập của sinh viên. Có hứng  thú học tập mới khiến sinh viên yêu thích môn học, nhiệt tình tham gia giờ học và không ngai khó tìm tòi và nâng cao hiệu quả học tập. ngược lại, khi không không có động cơ học tập rõ ràng và hứng thú học tập kém, sinh viên sẽ sinh ra thiếu tự tin, ngại khó và có nhìn nhận không đúng hướng về môn học. Do vậy, vai trò của giáo viên, giảng viên là ngoài truyền đạt kiến thức, cần tích cực tìm tòi đổi mới các biện pháp nhằm tang hứng thú học tập cho sinh viên, thu hút các em chủ động đến lớp, chủ động nghe giảng, tích cực tham gia các hoạt dộng trên lớp và tự học nhiều hơn. Ở trên đã đề cập một số đè xuất và các hoạt động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức cũng như hứng thú của sinh viên năm thứ nhất của học viện đối với môn tiếng Anh. Hy vọng những đề xuất trên có ý nghĩa tham khảo hữu ích đối với các đồng nghiệp trong bộ môn. Cuói cùng, điều quan trọng nhất là để làm được những điều trên, yếu tố thiết yếu là tâm huyết và trách nhiệm của giảng viên đối với hoạt động giảng dạy và đối với sinh viên.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Gardner, R.C., & Lambert, W. (1972) Attitudes and motivation in second language learning. Massachussetts. Newbury House Publishers.
  2. Gardner, R.C (197). Social Psychology and Language Learning: the role of attitudes and motivation. London: Edward Arnold
  3. Brown H. Douglas (1994) Principle of Language Learning and Teaching. Prentice Hall. Inc. Englewood Cliffs. New Jersey 07632
  4. Lightbown, P.M and Spada, N.1999. How Languages are Learned (Revised Ed). Oxford: Oxford University Press.
  5. Phòng giáo vụ và Công tác Sinh viên – Học viện công nghệ bưu chính viễn thông
  6. Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam – NXB Từ điển Bách khoa, 2011

 

 

 

SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG VIỆC TẠO HỨNG THÚ HỌC TIẾNG ANH CHO SINH VIÊN

CN. Nguyễn Hải Anh [11]

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) vào tiến trình giảng dạy và học tập nói chung và đào tạo ngoại ngữ nói riêng đã phát triển sâu rộng ở các nước trong khu vực và thế giới. Hiện nay, mối quan tâm của các nhà nghiên cứu và các nhà giáo dục không còn là có nên giới thiệu và ứng dụng CNTT vào quá trình đào tạo hay không, mà là làm thế nào để nâng cao hiệu quả học tập, tạo hứng thú cho sinh viên thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của CNTT.

Sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực công nghệ thông tin đã tạo ra những thay đổi lớn lao trong cách thức và phương pháp dạy và học ngoại ngữ, mang lại những hiệu quả tích cực. Theo các tác giả như Beauvois (1992), Peck & Domcott (1994), Murphy (1995), Kallick & Wilson (2001) và Warschauer & Shetzer (2003), việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực:

- Công nghệ cho phép giáo viên hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên và cho phép sinh viên tự học theo khả năng của riêng mình trong một môi trường thân thiện;
- Công nghệ giúp phát triển tư duy sinh viên và tạo điều kiện để các em tự tổ chức, phân tích, phát triển, đánh giá hoạt động học tập của mình;

- Công nghệ có thể mang tới cho sinh viên những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn, tạo hứng thú cho sinh viên trong quá trình học tiếng Anh nói riêng;

- Công nghệ còn tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên theo đuổi mục tiêu học tập suốt đời và chính quá trình hoạt động học tập suốt đời là chìa khóa dẫn tới sự thành công;

- Công nghệ giúp sinh viên tự tin và chủ động hơn trong học tập và mở ra trước mắt các em một nguồn tài nguyên khổng lồ đa phương tiện với các nội dung học tập dưới dạng văn bản, tệp âm thanh, hình ảnh, video;

- Công nghệ trao cho tay sinh viên ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng cơ hội tiếp cận môi trường học tiếng đa dạng, đầy đủ và thực tiễn với khả năng trau dồi tất cả các kỹ năng tiếng cơ bản nghe, nói, đọc, viết bên cạnh việc học từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm.

Chính vì những lý do trên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ đang được đánh giá là một hướng công nghệ đào tạo mới và việc nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi các công nghệ thông tin-truyền thông mới: công nghệ các chương trình phần mềm vi tính, công nghệ dạy từ xa, công nghệ dạy trực tuyến online đang trở thành một đề tài được đông đảo người quan tâm hơn bao giờ hết. Như đã đề cập bên trên, việc ứng dụng CNTT trong dạy và học Tiếng Anh giúp sinh viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng nghe, nói, khả năng diễn đạt Tiếng Anh, khắc phục những hạn chế về ngữ âm, trọng âm, ngữ điệu và là động lực tạo hứng thú cho sinh viên. Khi ứng dụng CNTT trong giảng dạy, bài giảng của giáo viên luôn uyển chuyển, linh  hoạt, thúc đẩy sự tương tác giữa người dạy và người học. Có thể kể tên một số thiết bị đã được đưa vào sử dụng tại các trường như:

  • Máy tính xách tay;
  • Máy chiếu hắt (OHP)
  • Đầu VCD và màn hình LCD
  • Máy chiếu đa năng, máy chiếu vật thể
  • Mạng Internet, intranet hoặc mạng LAN
  • Bảng thông minh (interative board)
  • Các thiết bị kỹ thuật số như máy ghi âm, chụp ảnh, quay phim, điện thoại di động, ổ đĩa lưu trữ, USB
  1. THỰC TRẠNG:

Đã có rất nhiều nghiên cứu cả trong nước và ngoài nước về hiệu quả của việc sử dụng  CNTT trong việc dạy ngôn ngữ, tuy nhiên thực tế giảng dạy tiếng Anh tại trường Đại học Luật Hà Nội cho thấy những ứng dụng CNTT chưa được khai thác nhiều. Trong chương trình giảng dạy Tiếng Anh học phần I và học phần II dùng cho sinh viên ngành Luật học và Luật Kinh tế, giáo trình dùng để củng cố từ vựng và ngữ pháp là New-headway pre-intermediate (John & Lee Soars) có phát triển đủ 4 kỹ năng thiết kế dưới các dạng bài tập, hoạt động để giáo viên có thể áp dụng CNTT để khai thác.  Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc dạy và học Tiếng anh và việc áp dụng CNTT hiệu quả vào giảng dạy tại trường ĐH Luật Hà nội còn chưa có chiều sâu về chất lượng và số lượng, chưa phong phú và chưa tạo ra sự tò mò và hứng thú cho sinh viên. Phần lớn, các giáo viên chỉ dừng lại ở việc sử dụng phần mềm Microsoft Power point hoặc phần mềm Violet để trình chiếu hoặc sử dụng để thay cho bảng viết hay phần mềm Microsoft Word dùng để soạn thảo đề kiểm tra, đề thi hoặc bài tập cho sinh viên. Việc sử dụng phần mềm đa phương tiện (Multimedia), các phần mềm học tập (giáo trình điện tử), hệ thống lưu trữ, truy cập bài giảng thông qua các Websites, forums, Blogs các nhân, các tài liệu bải giảng, CD-Rom giữa các giáo viên, sinh viên….còn chưa được phổ biến. Một số khó khăn mà giảng viên gặp phải khi quyết định áp dụng CNTT để giảng dạy đó là:

*       Giáo viên thiếu kiến thức về công nghệ thông tin nói chung và đa phương tiện nói riêng. Nhiều giáo viên chưa thấy được sự quan trọng cũng như mối liên hệ giữa máy tính và việc học ngoại ngữ mà chỉ coi máy vi tính là công cụ để soạn bài giảng thay cho việc ghi chép sổ sách, soạn giáo án.

*       Giáo viên không có thời gian để chuẩn bị bài giảng áp dụng CNTT. Nhiều giáo viên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn tài liệu đa phương tiện phù hợp

*       Cơ sở vật chất của nhà trường hiện chưa phát huy được tối đa các CNTT đã được lắp đặt ví dụ như việc sửa chữa các hệ thống kết nối giữa máy chiếu với hệ thống loa phục vụ cho kỹ năng nghe, hay phòng học Multimedia hiện đã được lắp đặt hệ thống máy vi tính hiện đại cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, tuy nhiên việc đưa vào sử dụng gặp không ít khó khăn và trên thực tế là không thể sử dụng vì thiếu sự hướng dẫn cộng thêm việc không thể truy cập mạng Internet cũng gây khó khăn cho việc áp dụng CNTT.

Ngoài những khó khăn kể trên, nhận thấy sự thuận lợi của việc áp dụng CNTT vào giảng dạy Tiếng anh nói chung sẽ tạo ra không khí sôi nổi cho lớp học, sinh viên có xu hướng tập trung hơn vào bài giảng ngoài các phương tiện hiện vẫn đang được sử dụng như: bảng, phấn màu để vẽ sơ đồ, bảng biểu, tranh ảnh tự sưu tầm, tài liệu phát thêm. Tuy nhiên, nhược điểm của các giáo cụ trực quan trên là cồng kềnh, dễ hỏng (ví dụ như các bức hình nhiều khi quá nhỏ cho lớp rộng, số lượng sinh viên nhiều v..v). Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có sự say mê thực sự và phát huy hết tính tích cực của sinh viên trong việc học tập là vấn đề trăn trở của giảng viên, nhà trường và gia đình.

  1. GIẢI PHÁP:
  1. Khai thác tư liệu phù hợp qua Internet và gợi ý một số công nghệ tiện ích phục trong việc dạy và học Tiếng anh:

Khai thác những tư liệu được lựa chọn sẽ làm cho bài giảng trở nên phong phú, sống động, hấp dẫn hơn, sinh viên sẽ tiếp thu bài giảng một cách tự nhiên. Internet là một thành tựu có tính đột phá của nhân loại, là một công cụ vô cùng hiệu quả cho việc khai thác tư liệu phục vụ cho các bài giảng trên lớp. Khi tìm kiếm, lựa chọn tư liệu cho bài học điều quan trọng nhất là tính phù hợp. Tư liệu phù hợp là tư liệu liên quan đến nội dung bài giảng; có nội dung, hình thức đa dạng và lượng thông tin bổ sung vừa đủ không ít quá, cũng không quá nhiều để không làm loãng nội dung. Vì vậy, để có thể khai thác Internet phục vụ hoạt động dạy và học ngoại ngữ có hiệu quả, một số giải pháp cụ thể được đưa vào sử dụng như sau:

1.  Đối với nguồn thông tin từ Internet

- Phải gắn với mục tiêu và nội dung cơ bản của bài học, phù hợp với trình độ của người học, góp phần bổ trợ trong việc nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng và đáp ứng yêu cầu của việc đổi mới phương pháp dạy học;

Phải liên quan đến nội dung bài giảng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm định hướng tư duy cho người học;

- Phải có hình thức đa dạng (thông tin, hình ảnh, âm thanh, video...) và có tính chọn lọc để đảm bảo tính tập trung.

2.  Đối với giáo viên

- Phải thông thạo cách thức truy cập Internet; biết sử dụng những công cụ tìm kiếm, tra cứu như Google, Yahoo, Altavista, hay kĩ năng chọn lọc từ khóa tìm kiếm phù hợp với mục đích tìm kiếm tư liệu;

- Biết tạo một thư viện điện tử để lưu trữ thông tin cần thiết.

3. Một số gợi ý về tiện ích trên Internet hỗ trợ hoạt động dạy và học Tiếng anh:
3.1 Để thực hiện việc quản lý nhóm học, lớp học, giáo viên có thể sử dụng phần mềm Edmodo, một phần mềm đang được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Đây là một phần mềm hoàn toàn miễn phí, các thầy cô có thể dễ dàng truy cập phần mềm Edmodo và đăng kí gia nhập với tư cách là giáo viên, sau đó tạo các nhóm lớp và trực tiếp giao bài và quản lí quá trình học bài, trả bài cũng như tham gia thảo luận của học viên. Phần mềm này có tính bảo mật rất cao và còn có tính năng nhắc nhở học viên học bài, nộp bài khi gần đến hạn, đồng thời có thể chấm các tập bài trắc nghiệm giúp giáo viên.

3.2 Phần mềm Voicethread cho phép người dùng, chủ yếu là giáo viên và sinh viên học ngoại ngữ trên thế giới có cơ hội tương tác, chia sẻ kiến thức về ngôn ngữ - đặc biệt hữu dụng đối với hoạt động dạy kĩ năng nói tiếng Anh. Với phần mềm này người học ngoại ngữ có thể chia sẻ bài nói của mình trên web bằng cách thu âm và đăng bài lên “thread” của nhóm hoặc lớp mình, nhờ vậy mà dần tự tin, linh hoạt trong các hoạt động giao tiếp.

3.3 Một số phần mềm đơn giản nhưng có tính ứng dụng cao là Crossword Forge giúp giáo viên dễ dàng tạo ra các trò chơi ô chữ cho sinh viên và phần mềm Audacity đặc biệt hữu ích cho giáo viên khi muốn chỉnh sửa âm thanh, điều chỉnh tốc độ âm thanh, cắt âm thanh thành nhiều đoạn nhỏ, hay tạo nền nhạc cho câu chuyện của mình thêm thú vị. Có thể kể thêm một số tiện ích khác như MySchool Network (MySN), một trang mạng xã hội trong giáo dục có thể giúp sinh viên cải thiện khả năng sử dụng tiếng Anh thông qua các dự án, sự kiện trực tuyến, Wikipaces tạo nguồn học liệu, hồ sơ sinh viên.

  1. Phương tiện, thiết bị hỗ trợ dạy học tiếng Anh:
  2. . Máy chiếu đa năng (multimedia projector):

Kết hợp máy chiếu đa năng với máy vi tính và hệ thống loa, máy chiếu đa năng sẽ trở thành một công cụ đa phương tiện hoàn hảo cho việc học ngoại ngữ. Nó cho phép giáo viên trình chiếu bài giảng với nhiều hình ảnh sống động, âm thanh trung thực. Máy chiếu thu hút sự chú ý cao độ của đông đảo sinh viên, thúc đẩy sự tương tác giữa giáo viên và sinh viên. Bài giảng sẽ đạt được sự linh hoạt, tính cập nhật cao, kích thích khả năng nhận thức của sinh viên, hạn chế thời gian đọc chép trên lớp, tăng thời gian luyện tập, tranh luận, giao tiếp bằng tiếng anh trên lớp cho sinh viên.

2. Máy tính:

 Máy tính đã trở thành người bạn của các giáo viên ngoại ngữ nói chung. Giáo án, bài giảng điện tử, bài kiểm tra nay đã được soạn trên máy vi tính. Đặc biệt khi máy tính được kết nối với mạng Internet, nó sẽ trở thành một kho dữ liệu khổng lồ phục vụ cho công việc giảng dạy. Trên mạng, có một số lượng rất lớn các tư liệu gốc (authentic material) có thể khai thác miễn phí cho giảng dạy và học tập ngoại ngữ.  Mạng internet và intranet cho phép giáo viên chia sẻ thông tin, giảm thiểu thời gian ghi chép. Một số giáo viên hiện nay đã xây dựng các trang Web, diễn đàn (forum) để xây dựng các nhóm học tập, trao đổi qua emails với sinh viên. Máy tính không chỉ giúp giáo viên tìm kiếm thông tin phục vụ  4 kỹ năng Nghe, nói đọc, viết mà còn xây dựng các tư liệu, thiết kế bài tập thông qua các phần mềm hữu ích như Ghi âm.

3. Các thiết bị công nghệ khác:

Bên cạnh các thiết bị dạy học hiện đại đã nêu trên, giáo viên và sinh viên học ngoại ngữ hiện còn có thể tận dụng các tính năng của các thiết bị kỹ thuật số hiện có. Ví dụ việc sử dụng máy ghi âm để thu các chương trình tiếng nước ngoài, tự ghi âm lại bài nói để khắc phục các lỗi sai khi phát âm.

Sử dụng điện thoại di động có kết nối 3G, internet cũng là một phương pháp truy cập được thông tin nhanh, mọi lúc mọi nơi đặc biệt cho giáo viên, sinh viên học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng.

  1. Các giải pháp khác:

Hiện nay, trường đã trang bị các phương tiện CNTT cho tất cả các phòng học phục vụ cho việc học nói chung và việc học ngoại ngữ nói riêng. Tuy nhiên, việc xây dựng được hệ thống lưu trữ thông tin, tư liệu giảng dạy, học tập tiếng anh…thông qua hệ thống nội bộ của trường hay qua các diễn đàn cũng có thể tạo ra hiệu quả trong giảng dạy và học tập ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng.

  1. . Tiến hành một số khóa tập huấn đặc biệt cho giáo viên sử dụng CNTT mới (ICT) trong việc giảng dạy ngoại ngữ trên quy mô lớn, có tính chuyên môn cao nhằm giúp giáo viên thấy được vai trò và tác dụng của ứng dụng CNTT trong việc dạy – học ngoại ngữ.
  2. . Xây dựng các bài giảng điện tử mẫu trên PPT hoặc Violet để giáo viên tham khảo và cách hướng dẫn, tiến trình soạn thảo, áp dụng các kỹ thuật, ứng dụng hay giúp bài giảng sinh động hơn, cuốn hút và tạo hứng thú cho sinh viên học ngoại ngữ.

Tập hợp các trang Web dành riêng cho giáo viên và sinh viên học ngoại ngữ nói chung và Tiếng anh nói riêng để dễ dàng cho việc cung cấp, chia sẻ tư liệu giảng dạy, học tập.

  1. Kết luận:       

Giáo viên và sinh viên học ngoại ngữ nên ưu tiên khai thác tính đa dụng, tính giao tiếp của mạng Internet như một công cụ học ngoại ngữ hiệu quả, tạo dựng một môi trường học tập lý tưởng. Sử dụng CNTT cho phép sinh viên tạo các cộng đồng riêng và khuyến khích sinh viên sử dụng tiếng Anh nói riêng để giao tiếp với mục đích thực tế, đáp ứng những cách học và sở thích khác nhau của từng người.

Việc ứng dụng CNTT tạo ra môi trường học tiếng tự nhiên, tạo điều kiện cho  sinh viên tiếp cận với lời nói chuẩn xác của người bản ngữ, hỗ trợ cho quá trình dạy học thêm hấp dẫn, đạt hiệu quả cao, giúp sinh viên có kiến thức kỹ năng giao tiếp với bạn bè, thầy cô, với người bản ngữ. Ứng dụng CNTT làm cho giờ học trở lên sống động hơn khi sinh viên được thấy hình ảnh, phim ảnh, âm thanh chất lượng. Ngôn ngữ cuộc sống được đưa vào lớp học và sinh viên có cơ hội nhìn và nghe các tình huống giao tiếp có sử dụng ngôn ngữ đích thực của người bản ngữ. Bằng việc ứng dụng CNTT sẽ kích thích khả năng nhận thức của sinh viên, tiết kiệm thời gian ghi chép trên lớp, tăng thời gian luyện tập, thảo luận xây dựng bài. Ứng dụng CNTT trong giờ học giúp sinh viên có cơ hội thực hành nghe nói nhiều hơn ,từ đó rèn luyện kỹ năng nghe, nói ,đọc, viết cho sinh viên,tạo phản ứng nhanh nhạy, giúp sinh viên tự tin hơn, và có hứng thú học tập hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1, Ứng dụng CNTT trong việc dạy học ngoại ngữ : một số điều cần lưu ý.

http://dean2020.edu.vn/vi/news/Ung-dung-CNTT/Ung-dung-ict-trong-day-va-hoc-ngoai-ngu-mot-so-dieu-ma-giao-vien-can-luu-y-phan-2-227.html

2, Walker, R., S. Hewer, and G. Davies. Introduction to the Internet (Module 1.5). Information and Computer Technology for Language Teaching (ICT4LT) 2008 June [cited 2008 June 15]; http://www.ict4lt.org/en/en_mod1-5.htm

3, Nguyễn Văn Long, Giảng dạy tiếng Anh trong thời đại truyền thông số từ góc nhìn của ngôn ngữ học xã hội. Tạp chí Ngôn ngữ & Ðời sống (Language & Life), 2015. 11(241): p. 30-34

4. Chương trình hành động, Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2011-2020, Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Ban hành kèm theo Quyết định số 1215/QÐ- BGDÐT ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo). 2013

 

 

                                                                                                                       

 

 

SỬ DỤNG VIDEO ĐỂ TẠO CẢM HỨNG HỌC KĨ NĂNG NGHE CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

Ths. Nguyễn Thị Hường [12]

                                                                                                    

1. Đặt vấn đề

Kĩ năng nghe được coi là một kĩ năng được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Theo như Allen, hơn 40% thời gian giao tiếp hàng ngày được sử dụng trong kĩ năng nghe, 35% vào kĩ năng nói, và 16% kĩ năng đọc và chỉ 9% cho kĩ năng viết. Mặc dù hiểu được giá trị của kĩ năng nghe trong việc học tiếng Anh, nhưng sinh viên Việt Nam thực tế vẫn còn yếu kém. Việc khó hiểu ngôn ngữ tiếng Anh khiến sinh viên Việt Nam cảm thấy chán nản trong giờ học nghe cũng như khi giao tiếp với người bản địa. Việc gây hứng thú cho sinh viên cho mỗi giờ học nghe thực sự là thiết yếu bởi Einstein có một lần nói rằng : Hứng thú là người thầy giáo tốt nhất”. Hứng thú là một loại động lực trực tiếp thúc đẩy việc học của sinh viên. Điều đó có nghĩa Hứng Thú đóng vai trò quan trọng trong việc học tiếng Anh. Với tư cách là một giáo viên, việc tạo cảm hứng học cho học viên là một điều giá trị. Khác với các môn học khác, tiếng Anh là ngôn ngữ cần được học thông qua giao tiếp trong môi trường bản địa có người nước ngoài, nhưng thực tế trên lớp các em chỉ được tiếp xúc với sách vở và bài ghi âm tẻ nhạt và nhàm chán. Kết quả là sinh viên sợ nghe tiếng anh, bởi vậy nhiệm vụ của giáo viên là tạo hứng thú cho sinh viên chủ động nghe tiếng Anh

Có rất nhiều cách gây hứng thú như gần gũi quan tâm sinh viên. Có một câu nói cổ của người Trung Quốc: “ Nếu sinh viên gần gũi với giáo viên, thì họ sẽ yêu môn học của người giáo viên đó”. Đưa ra lời khen hay tạo phần thưởng cho sinh viên là một cách tạo động lực học cho các em. Hay sử dụng trò chơi, bài hát để thay đổi không khí lớp học tẻ nhạt. Nhưng cách sử dụng video vào bài học Nghe không chỉ khơi nguồn cảm hứng nghe tiếng Anh cho sinh viên mà còn thực sự hiệu quả nâng cao trình độ nghe vì cung cấp nguồn tài liệu thực tế, những chủ đề nóng hổi được cập nhật gây sự tò mò muốn nghe của sinh viên.

Theo như Nunan(1989) những nguồn tài liệu thực tế như tạp chí, báo, phim, video, quảng cáo, tranh truyện có thể cải thiện được kĩ năng nghe của sinh viên. Allan(1985) có đề cập video tạo ra hình ảnh sống động, ngôn ngữ đa dạng hơn giáo trình tạo cảm hứng học cho học viên .

Do vậy, người nghiên cứu quyết định đi sâu nghiên cứu sử dụng video để tạo cảm hứng nghe cho sinh viên trong việc dạy tiếng Anh .

2. Thực trạng dạy và học tiếng Anh của trường Đại Học Luật Hà Nội

Trường Đại Học Luật Hà Nội có hai khối tiếng Anh không chuyên và chuyên. Khối tiếng Anh không chuyên học TOEIC và giao tiếp và phải đạt 450 đầu ra. Khối tiếng Anh chuyên tiếng Anh Pháp Lý học IELTS và bắt buộc đầu ra đạt IELTS 7.0. Tuy nhiên thực tế cho thấy kĩ năng nghe đều là kĩ năng sinh viên thấy sợ và chán nản nhất. Kết quả học kĩ năng này của các em cũng kém nhất. Tiếng Anh là để giao tiếp nhưng các bài học còn quá đi sâu và lý thuyết, ít được ứng dụng nhiều. Trong đó nếu nghe không tốt, thì kĩ năng nói cũng sẽ kém theo. Bởi vậy khả năng giao tiếp của các em rất hạn chế.Nguyên do các em phát âm còn kém, từ vựng yếu, các bài nghe quá khó, thời lượng nghe trên lớp ít, trong khi đó vơi sự chán nản nghe tiếng Anh, các em không hề dành thời gian để nghe thêm ở nhà. Theo như người nghiên cứu khảo sát, những em hay xem phim tiếng Anh, nghe nhạc Anh, xem video về thiên nhiên, khoa học bằng tiếng Anh đạt điểm cao trong bài nghe. Còn hầu hết các em còn lại điểm nghe rất kém và rất lo sợ kĩ năng này.  Mặc dù trang thiết bị cơ sở nhà trường cung cấp rất hiện đại, nhưng nếu chúng ta không tận dụng triệt để thì phí phạm chi phí trang thiết bị mà còn khiến cho bài học tẻ nhạt.

3. Những lợi ích trong việc sử dụng video để tạo hứng thú trong giảng dạy nghe

Nhiều học sinh với phương pháp giảng dạy truyền thống sử dụng cử chỉ và bảng có thể tiếp thu và hoàn thiện kĩ năng viết và nghe. Vì lý do đó, rất nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra lợi ích của việc sử dụng video như một công cụ giảng dạy trong lớp học EFL.

a. Tiếp xúc với tài liệu thực tế, ngôn ngữ bản địa tạo hứng thú học hơn các bài học đã cũ và không thực tế.

Katchen (2003) cũng nhấn mạnh tính xác thực của ngôn ngữ trong video Vì những bộ video thường được làm bằng âm thanh tự nhiên của người bản xứ, do đó chúng đại diện cho ngôn ngữ đích thực. Các bài video có thể cập nhật tin tức hiện nay, mang lại thông tin hữu ích cho sinh viên cũng như gây trí tò mò như đọc báo nghe tin tức tiếng mẹ đẻ.  Littlewood (2010) ủng hộ ý tưởng này, hơn nữa bằng cách giải thích rằng các tài liệu  thực góp phần vào sự tương tác xã hội và các hoạt động truyền thông chức năng, giúp sinh viên giao tiếp ngay bên ngoài lớp học. Stempleski và Arcario (1992) tuyên bố rằng: các đoạn phim giới thiệu các tình huống giao tiếp thực tế và đưa người bản ngữ vào lớp học. Thêm vào đó, các đoạn phim cho sinh viên  thấy đời sống văn hóa, vì vậy họ có thể học cách người nước ngoài sống, ăn gì, mặc gì. Sử dụng video mang lại một lợi thế lớn trong giao tiếp với người học ngôn ngữ. Video clip làm cho sinh viên sẵn sàng giao tiếp bằng ngôn ngữ có mục đích (Stempleski và Tomalin, 1990). Xem video cho phép sv nghe các loại tiếng Anh khác nhau về cách phát âm, ngữ điệu, từ vựng, thành ngữ và cách sử dụng cũng như quan sát cử chỉ không lời nói liên quan đến các tình huống và văn hoá đặc biệt. Hình ảnh hóa theo ngữ cảnh trong video hoặc tự tạo ra ngữ cảnh có thể giúp củng cố ngôn ngữ, cung cấp cho người học thông tin ngay từ khi nhận dạng từ vựng (Canning - Wilson, 2000.

     Video là công cụ tốt nhất trong môi trường ELT vì nó cho học sinh được trải nghiệm cảm giác thực được học với những tài liệu chính thống. Vì vậy khi họ hiểu nội dung của video và mục đích giáo viên sử dụng nó, họ sẽ quen với việc nghe với người bản địa. Điều đó phần nào gây hứng thú với học viên

     Video cho phép người học tiếp xúc với ngôn ngữ được sử dụng bởi người bản địa trong những tình huống giao tiếp hàng ngày. Việc này giúp học sinh học được những cuộc hội thoại bao gồm âm thanh, phát âm và những ý nghĩa được ẩn trong ngôn ngữ cơ thể. Dễ hiểu bài nghe hơn nên học viên sẽ dễ dàng tập trung vào học hơn

     Thông qua việc xem video, học sinh có thể hiểu được văn hóa được biểu hiện cùng với ngôn ngữ trong những bối cảnh phù hợp. Hiểu về văn hóa nước khác nhìn chung tạo ra sự tò mò của học viên

Video hỗ trợ học viên EFL giải mã được những ý nghĩa ám chỉ một cách dễ dàng. Thêm vào đó, khi học sinh chú ý đến cách phát âm và cách dùng từ của người bản địa sẽ giúp họ bớt cảm thấy ngại ngùng khi giao tiếp với người bản địa. Hơn nữa, những giợi ý trực quan giúp đơn giản hóa việc giải nghĩa vì người nói dùng cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ cơ thể.

 

b. Tạo cảm hứng học của học viên do yếu tố giải trí và dễ dàng hiểu nội dung bài nghe hơn

Việc sử dụng video trong giảng dạy ngôn ngữ ngày càng phổ biến trong những năm gần đây. Nó tạo hứng thú học cho sinh viên,  sự tiến bộ trong kỹ năng nghe và lợi ích rõ ràng của nó trong việc giảng dạy, học tập. Một số lợi ích khác của việc sử dụng video trong giảng dạy được nêu ra như sau: Học ngôn ngữ thông dụng và nhận biết nền văn hóa: video mang lại thế giới thực đến lớp học và giúp học sinh tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai một cách chân thực. Sinh viên có cơ hội được nghe cách phát âm, ngữ điệu của người bản xứ cũng như những tư tưởng, truyền thống cà văn hóa của họ. Nói một cách khác, nó là công cụ để dạy và học ngôn ngữ trong nền văn hóa của chính ngôn ngữ đó.Sức mạnh cả sự sáng tạo: video cho phéo sinh viên chuẩn bị những video-clip của riêng mình. Rõ ràng là video là công cụ để khích lệ sinh viên và tăng sự hứng thú học tập ngôn ngữ hơn. Khi họ nghe và nhìn, họ có thể dễ dàng hiểu những ý nghĩa và tâm trạng khác nhau thông qua biểu cảm gương mặt, cử chỉ và điệu bộ của người nói. Giúp tất cả mọi người đều tham gia vào bài giảng: học với video sẽ giúp tăng cảm giác sở hữu, cộng tác và thu hút sự tham gia của tất cả mọi người nhờ những hoạt động giao tiếp theo cặp hoặc theo nhóm. Sự thư giãn: video là một nguồn giải trí và thư giãn, ví dụ bằng cách nghe nhạc sau một khoảng thời gian dài học tập

Nói tóm lại, sử dụng video trong giảng dạy nghe có rất nhiều lợi ích, có thể tổng hợp lại như sau:Giúp thay đổi và làm mới bầu không khí trong lớp học ;Cung cấp cơ hội để thực hành rất nhiều hoạt động và làm việc nhóm; Tăng sự thảo luận, giao tiếp giữa giáo viên và học sinh;Thông qua việc thảo luận, video giúp lớp học từ trạng thái bị động trở nên năng động hơn; Nó kích thích ngay cả những học sinh kém tập trung nghe hơn; Giúp giáo viên và học sinh thư giãn.

4. Những điều cần chú ý khi sử dụng video trong giảng dạy nghe

a. Vai trò của giáo viên

Stoller (1988) chỉ ra rằng việc sử dụng video và băng ghi hình đòi hỏi sự chú ý và giáo viên phải đóng một vai trò quan trọng trong một bài học hiệu quả để video không chỉ là một thứ để lấp đầy thời gian. Cũng nên nhớ rằng, bộ phim không phải là một sự thay thế cho giáo viên cũng không phải để giảng dạy, mà là công cụ hỗ trợ trong lớp khi sử dụng đúng cách

b. Chọn chủ đề video

Các video nên được xem trước và lựa chọn cẩn thận. Điều quan trọng là học sinh hiểu các mục tiêu giảng dạy của một bài học về bộ phim, vì có thể không nhất thiết cho rằng phim là một công cụ giảng dạy, ít nhất là không giống như sách giáo khoa. Do đó, điều quan trọng là phải đưa ra những hướng dẫn dễ hiểu và đơn giản cho sinh viên, để làm cho các em hiểu rằng bộ phim không chỉ là một cách giải trí để vượt qua thời gian mà còn có một số mục tiêu sư phạm. Tuy nhiên, Allan (1985) nhấn mạnh rằng điều quan trọng là chọn các chủ đề có liên quan đến sinh viên. Các câu chuyện nên quan tâm và hấp dẫn để cho sinh viên

c. Trình độ học của sinh viên

 Thêm vào đó, một yếu tố quan trọng cần lưu ý khi chọn phim phù hợp là mức độ thành thạo của học sinh và tính dễ hiểu của bộ phim. Bộ phim phải phù hợp để học sinh có thể hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến ngôn ngữ và giáo viên không phải làm việc quá sức để giúp học sinh hiểu ngôn ngữ. Tính dễ hiểu của bộ phim không chỉ được xác định bởi mức độ khó mà còn bởi những yêu cầu cụ thể của sinh viên theo các bài tập. Hơn nữa, điều quan trọng là học sinh có được sự tự tin (Stoller 1988). Ngoài ra, Allan (1985) chỉ ra một số yếu tố cụ thể cần được xem xét khi lựa chọn một bộ phim cho mức độ nhất định nhất định. Thứ nhất, mật độ ngôn ngữ là rất quan trọng. Nên có đủ điểm dừng trong cuộc đối thoại để sinh viên có thể theo dõi. Thứ hai, bộ phim nên cung cấp cho sinh viên với đầy đủ các hỗ trợ trực quan. Điều này có nghĩa là các thông điệp bằng hình ảnh hỗ trợ thông điệp bằng lời và cũng có thể, ít nhất ở một mức độ nào đó, đoán xem điều gì đang xảy ra trong phim. Mặt khác, đối với những người học nâng cao hơn thì có lẽ sẽ ít hỗ trợ hình ảnh hơn, để họ có thể nhận được một thách thức lớn hơn trong việc hiểu. Thứ ba, cuộc nói chuyện cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc hiểu nội dung. Nếu các nhân vật nói quá nhanh hoặc có nhiều ngữ điệu khác nhau, sẽ rất khó cho học sinh hiểu ngôn ngữ. Tuy nhiên, các ngữ điệu khác nhau lại là một thách thức cho những người học tiên tiến hơn. Thứ tư, điều quan trọng là giáo viên chọn những điểm dừng tốt, những mẩu phim có thể tự đứng độc lập và vẫn có thể hiểu được

d. Liên kết với giáo trình

Allan (1985), chỉ ra rằng, điều quan trọng là phải nghĩ đến việc liên kết phim thành chương trình học đã có trong giai đoạn xem trước. Cần phải biết các mục tiêu để có thể lên kế hoạch bài tập một cách phù hợp và để có thể lý giải tại sao việc sử dụng phim lại hữu ích cho khóa học hoặc lớp học. Bằng cách làm điều này, bạn có thể tránh được tình huống mà bộ phim chỉ là một yếu tố lấp đầy thời gian mà không có mục tiêu sư phạm cụ thể. Hơn nữa, nếu bộ phim được để lại với một cái gì đó "ngoài lề" thì cũng dễ quên hơn. Ngoài ra, Allan (1985) chỉ ra rằng có một số cách khác nhau để nối phim với giáo trình. Nó có thể được liên kết thông qua các ngôn ngữ, ví dụ cấu trúc ngôn ngữ hoặc các chức năng. Bộ phim có thể được liên kết thành chương trình thông qua một chủ đề nhất định, hoặc bằng các hoạt động,

5. Các hoạt động giảng dạy khi sử dụng video

Theo như Stoller, bài học sử dụng video nên gồm ba hoạt động Trước, Trong và Sau khi nghe. Điều này để đảm bảo rằng sinh viên tập trung và có cảm hứng trong suốt bài học và mục tiêu của bài học rõ ràng với chúng. Bản chất và thời lượng các hoạt động nên phụ thuộc vào lựa chọn video, nhu cầu và trình độ của sinh viên

Stoller nhấn mạnh các hoạt động trước khi nghe chuẩn bị cho sinh viên kiến thức nền. Một vài ví dụ cho hoạt động này như phỏng vấn, bỏ phiếu, thảo luận giải quyết vấn đề, lên kế hoạch hoạt động, bài học trao đổi thông tin với nhau, bài tập từ mới hay dạy phát âm từ mới. Giai đoạn trước nghe rất quan trọng để sinh viên có thể hiểu video và hiểu nội dung.

Stolleer chỉ ra hoạt động trong khi xem video đó là giải quyết các vấn đề cụ thể, trả lời câu hỏi về phim, nghe trực tiếp rồi thu thập thông tin, cắt ngang bộ phim và chiếu lại. Cắt ngang video và đặt câu hỏi để kiểm tra xem sinh viên nghe hiểu hay không. Giúp sinh viên tập trung hơn trong suốt bài video

Cuối cùng Stoller nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động sau khi xem. Tạo cảm hứng cho sinh viên cần tận dụng kiến thức thông tin có được từ bài nghe để nâng cao kĩ năng nói và viết. Hoạt động sau khi nghe là tóm tắt video, trao đổi thông tin trong video xem đúng hay sai, đưa ra kết thúc khác, so sánh, đóng kịch hay tranh luận

Chi tiết của một bài học mà người nghiên cứu đã ứng dụng

Trước khi xem

Bước 1: giáo viên giới thiệu nội dung video

Bước 2: Giáo viên dạy từ mới, từ cần điền nếu với học viên yếu, dạy phát âm từ mới, cho xem tranh và đoán nội dung

Bước 3: Đưa ra hướng dẫn bài tập và cách nghe lấy ý chi tiết và đại ý

Trong khi xem

Bước 1: Cho sinh viên xem cả video mà không cần làm bài tập nếu với sinh viên kém

( bỏ qua bước này đối với sinh viên khá vì để tạo thách thức cũng như kích thích trí tưởng tượng và nghe hiểu của sinh viên )

Bước 2: Cho điền từ, chọn đáp án đúng, và nhiều bài tập đa dạng khác

Bước 3: Cho nghe lại và kiểm tra đáp án, cho xem phụ đề

Sau khi xem

Bước 1: Giáo viên nhấn mạnh lại các từ mới, phát âm

Bước 2: Cho thảo luận, đóng vai, bình luận về video, trả lời các câu hỏi liên quan bản thân liên quan đến video, hoặc tóm tắt video

Bước 3: bài tập về nhà nghe lại video và viết tóm tắt

6. Những ứng dụng cho giáo viên

Video thực sự cung cấp cho sinh viên sự thay đổi môi trường học, tình huống, hình ảnh sống động tạo hứng thú học cho sinh viên. Bởi vậy giáo viên có thể sử dụng video như một tài liệu tham khảo kết hợp với tài liệu chính thống nhằm mang lại môi trường học thực tế, cũng như mang lại các video tin tức nóng hổi, được cập nhật. Thêm vào đó vô số các hoạt động sau khi xem video như đóng kịch, bắt chiếc, thảo luận, tranh luận, trao đổi thông tin, sinh viên không còn cảm thấy chán trong mỗi giờ học nữa.

Tuy nhiên giáo viên cần lưu ý việc chọn lựa video về tốc độ, nội dung, giọng nói phù hợp với chương trình học và trình độ học của sinh viên. Các hoạt động đưa ra trước khi xem phải hỗ trợ được khả năng nghe hiểu video như dạy trước từ mới phát âm, dạy trước từ cần điền trong bài, thảo luận để nâng cao kiến thức nền cho sinh viên. Vai trò của giáo viên rất quan trọng, sử dụng video được cắt đoạn chứ không để video thay thế giáo viên giảng dạy trong hết cả bài học

 

Tài liệu tham khảo

Allan, M. (1985). Teaching English with video. London: Longman.

Anderson, A. & Lynch, T. (1988). Listening. Oxford University Press.

Nunan, D. (1989). Understanding language classrooms: A guide for  teacher –initiated action. New York : Prentice –Hall.

Stempleski, S., & Arcario, P (Eds. ). (1992). Video in second language teaching : Using, selecting and producing video for the classroom. Alexandria, VA : TESOL.

Stoller, F. (1988). Films and Videotapes in the ESL/ EFL Classroom. Paper presented at the annual meeting of the Teachers of English to speakers of other languages.

Underwood, M. (1989). Teaching listening. New York :Longman

 

 

 

SỬ DỤNG CÔNG CỤ ĐA PHƯƠNG TIỆN ĐỂ TẠO HỨNG THÚ CHO SINH VIÊN TRONG GIỜ HỌC TIẾNG ANH

CN. Vũ Thị Việt Anh[13]

TÓM TẮT

Hứng thú có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của quá trình dạy học. Đối với môn tiếng Anh, đôi khi người học gặp khó khăn trong quá trình lĩnh hội kiến thức, tạo ra những rào cản trong nhận thức khiến họ mất đi động lực học tập. Để giúp người học có thể học tiếng Anh hiệu quả hơn, giáo viên cần biết cách tạo và nuôi dưỡng sự hứng thú trong học tập, trong đó việc sử dụng các công cụ đa phương tiên đóng một vai trò quan trọng. Trong bài tham luận này, người viết sẽ tóm tắt thực trạng dạy và học tiếng Anh tại trường Đại học Luật Hà Nội cũng như tìm hiểu thái độ của sinh viên đối với việc học tiếng Anh, tìm hiểu khái niệm về đa phương tiện và thảo luận vai trò quan trọng của đa phương tiện trong việc tạo hứng thú học tập cho người học tiếng Anh.

1. Mở đầu:

Trên thế giới, vấn đề hứng thú đã được nhiều nhà tâm lý học nghiên cứu. Có rất nhiều quan điểm khác nhau về hứng thú, thậm chí trái ngược nhau. Tuy nhiên, một cách tổng quát, chúng ta có thể quan niệm rằng hứng thú là thái độ của cá nhân đối với một đối tượng hay quá trình nào đó đã đem lại những khoái cảm, thích thú và kích thích mạnh mẽ đến tính tích cực cá nhân đòi hỏi họ có thể huy động sinh lực một cách trọn vẹn để thực hiện. Gây hứng thú trong dạy học là quá trình người giáo viên sử dụng các biện pháp tác động vào nội dung, môi trường học tập, giúp người học thích thú, quan tâm đến chúng, từ đó ham thích tìm hiểu để tự bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ. Việc làm này là một điều rất quan trọng, nó góp phần giúp cho quá trình dạy và học đạt được hiệu quả cao. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các phương pháp giảng dạy dựa trên sản phẩm công nghệ kết hợp với học liệu trên máy tính ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, việc sử dụng các công cụ đa phương tiện trong dạy học đã được chứng minh và công nhận là có tầm quan trọng và tiềm năng to lớn trong việc thay đổi phương pháp học tập (Mayer, 1999, Sweller, 1999; Van Merrienboer, 1997), đặc biệt là học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Việc sử dụng các công cụ đa phương tiện trong dạy và học tiếng Anh đã tạo sự hứng thú, thu hút sự chú ý của người học.

2. Thực trạng dạy và học tiếng Anh tại trường Đại học Luật Hà Nội:

Hiện nay, tố Tiếng Anh có khoảng 11 giảng viên đang trực tiếp giảng dạy. Ngoài việc tham gia giảng dạy các học phần Tiếng Anh không chuyên, đa số các giảng viên đều giảng dạy tại các lớp Tiếng Anh chuyên ngữ, tiếng Anh chất lượng cao, chương trình Thương mại Quốc tế và tham gia các công tác chuyên môn khác. Chính vì vậy, trên thực tế một giảng viên tiếng Anh phải đảm nhận cùng một lúc nhiều chương trình học khác nhau, trong đó có rất nhiều môn học mới, hàm lượng kiến thức chuyên môn sâu đòi hỏi giáo viên phải tập trung nghiên cứu, làm quen, tìm cách giảng dạy phù hợp và đạt hiệu quả nhất. Điều này không phải dễ dàng vì áp lực thời gian, phương tiện dạy học chưa đầy đủ và sĩ số lớp quá đông là những yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả giảng dạy.

Theo các chuyên gia, để 1 giờ học ngoại ngữ đạt hiệu quả thì sĩ số lớp không nên vượt quá 20, thực tế ở trường Đại học Luật Hà Nội, sĩ số các lớp thường là trên 30, kể cả các lớp chuyên ngữ. Điều này gây trở ngại lớn trong việc tổ chức các hoạt động giao tiếp và gây khó khăn trong việc quản lý lớp của giáo viên. Thêm vào đó, ngoài khối chuyên ngữ, các lớp tiếng Anh thường được giảng dạy theo phương pháp truyền thống, tập trung vào ngữ pháp và các kĩ năng thụ động là đọc và nghe. Ý thức được thực trạng này, các giảng viên của tổ tiếng Anh đã cố gắng đưa thêm phần thực hành nói và viết đan xen vào các hoạt động trong bài học; tuy nhiên vẫn còn hạn chế do thời lượng học ít. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng sinh viên cảm thấy buồn chán trong các giờ học tiếng Anh.

Ngoài các yếu tố khách quan làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn có 1 thực tế đáng buồn là nhận thức và thái độ của sinh viên đối với môn học này. Các em không tìm thấy sự yêu thích trong học tiếng Anh, học chỉ với mục đích để lấy điểm hoặc đạt chuẩn đầu ra để đủ điều kiện tốt nghiệp. Chính vì nhận thức như vậy nên các em không có động cơ, hứng thú để có thể tiếp thu bài học. Thêm vào đó, tinh thần tự học của các em cũng chưa cao, rất ít em có tham gia thực hành các kỹ năng giao tiếp ngoài giờ học, thậm chí có một số ít em còn không hề thực hành các kỹ năng này cả trong và ngoài lớp học.

 

3. Khái niệm đa phương tiện:

Đa phương tiện có thể được mô tả là “sự kết hợp của nhiều loại phương tiện kỹ thuật số như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video thành một ứng dụng tương tác đa giác quan (integrated multisensory interactive application) để chuyển tải một thông điệp hoặc thông tin đến người xem”. Với các loại hình đa phương tiện này, người học có khả năng tiếp cận và tiếp nhận lượng thông tin lớn hơn, đa dạng hơn một cách chính xác và hiệu quả hơn (so với việc tiếp cận và tiếp nhận thông tin chỉ từ văn bản). Một số nghiên cứu gần đây cho thấy học sinh rất hào hứng tham gia các giờ học có sử dụng các công cụ đa phương tiện với lý do các giờ học trở nên thú vị hơn, dễ hiểu hơn.

Hình 1: Các công cụ đa phương tiên.

 

2.1. Văn bản (Text)

Văn bản là công cụ đa phương tiện phổ biến nhất nhằm  truyền tải một ý tưởng hoặc một khái niệm. Nó cũng được coi là chìa khóa kết nối các loại hình đa phương tiện khác với nhau. Văn bản được sử dụng để viết tiêu đề, đề mục, danh sách và các nội dung chính. Văn bản với tư cách là một loại hình đa phương tiện cần phải được viết ngắn gọn, súc tích và có hình thức nổi bật để thu hút sự chú ý của người xem.

2.2. Âm thanh (Audio)

Âm thanh là yếu tố hấp dẫn nhất, giúp tạo ra cảm xúc và xây dựng bầu không khí thu hút sự chú ý của khán giả. Âm thanh với tư cách là một loại hình đa phương tiện có thể là một bản nhạc, một bài hát, một bài diễn văn, hay một hiệu ứng âm thanh nào đó.

2.3. Video:

Video được định nghĩa là việc hiển thị các sự kiện được ghi lại trên màn hình tivi hoặc một loại màn hình tương tự. Nó được coi là một phương thức truyền tải thông tin nhanh chóng và mạnh mẽ nhất (Philips, 1997). Video có khả năng tạo hứng thú học tập to lớn cho sinh viên, giúp họ tiếp nhận thông tin, kiến thức trong bài học hiệu quả hơn rất nhiều so với việc nghe giáo viên giảng bài hoặc đọc tài liệu. Giáo viên có thể sử dụng video để kích thích hứng thú cho sinh viên và giúp sinh viên làm quen với một chủ đề mới hoặc lấy ví dụ làm rõ cho một luận điểm có trong phần văn bản.

2.4. Đồ họa (Graphics)

Đồ họa là một công cụ đa phương tiện được sử dụng khá thường xuyên, đặc biệt trong dạy và học tiếng Anh. Thông tin truyền tải trong các sản phẩm đồ họa  thường dễ hiểu và dễ nhớ. Giáo viên có thể sử dụng tranh, ảnh hoặc hình vẽ.

2.5. Phim hoạt hình (animation)

Theo một số nghiên cứu, các chuyển động trên màn hình chính là lý do khiến người xem tập trung. Chính vì vậy, phim hoạt hình đóng vai trò quan trọng trong việc sử dụng đa phương tiện trong dạy và học tiếng Anh. Giáo viên có thể sử dụng phim hoạt hình để minh chứng cho các luận điểm, cung cấp số liệu, giải thích cho các khái niệm phức tạp, trừu tượng hoặc thu hút sự quan tâm của sinh viên.

4. Vai trò của ứng dụng đa phương tiện trong việc tạo hứng thú cho người học:

4.1. Cung cấp thông tin cho sinh viên:

Việc sử dụng các công cụ đa phương tiện trong dạy học tiếng Anh cung cấp một nguồn thông tin đa dạng cho sinh viên, tạo ra các kịch bản học tập phong phú, tận dụng các công nghệ tiên tiến trong dạy và học; từ đó giúp người học ngoại ngữ có thêm nhiều nguồn học liệu hỗ trợ. Ngoài ra, thông qua công cụ đa phương tiện, sinh viên còn có thêm nhiều cơ hội để tương tác với nhau và học hỏi lẫn nhau.   

 

Hình 2: Vai trò của đa phương tiện trong dạy và học ngoại ngữ.

4.2. Kích thích sự tập trung và hứng thú của sinh viên:

Trong phương pháp giảng dạy truyền thống, vai trò của giáo viên là người cung cấp kiến thức; học sinh, một cách thụ động, có nghĩa vụ tiếp nhận những lời dạy của giáo viên, nghiên cứu từng câu chữ trong sách giáo khoa với trọng tâm là tập trung phân tích các thông tin và cấu trúc ngữ pháp chi tiết. Phương pháp này làm nhiều sinh viên cảm thấy chán nản và mất đi sự hứng thú học tiếng Anh. Ngược lại, giờ học sử dụng các công cụ đa phương tiện có tác dụng kích thích sự hứng thú của sinh viên, từ đó cho họ thêm động lực học tập. Đa phương tiện giúp giáo viên tích hợp hình ảnh, âm nhạc và video vào chương trình học, làm cho nội dung học tập trở nên nhiều màu sắc tác động trực tiếp đến quá trình học tập, lĩnh hội kiến thức.

4.3. Thúc đẩy quá trình tự học của sinh viên:

Trong các lớp học truyền thống, sinh viên thường có khuynh hướng coi giáo viên là nguồn cung cấp kiến thức duy nhất và ít khi vận dụng kiến thức, sáng kiến của mình để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, đòi hỏi về khả năng tự học của sinh viên ngày càng trở nên cần thiết, tạo ra một quan điểm mới đối với công tác giảng dạy nói chung và vai trò truyền thống của giáo viên nói riêng. Với việc ứng dụng các công cụ đa phương tiện, sinh viên có thể tự mình thực hiện nhiều hoạt động học tập. Sinh viên có thể vận dụng các kiến thức nền, liên hệ với nguồn kiến thức mới, kết hợp học tập nhóm để cùng tìm kiếm, phân tích, lập luận theo cách riêng; từ đó tìm ra phương án giải quyết vấn đề một cách thành công. Trong môi trường học tập đa phương tiện, sinh viên không chỉ dựa vào sách giáo khoa và các sách tham khảo; thay vào đó, họ buộc phải khám phá các thông tin trực tuyến khác.

4.4. Trang bị khả năng giao tiếp cho sinh viên trong môi trường đa văn hóa:

Sử dụng đa phương tiện trong dạy tiếng Anh không chỉ tạo sự hứng thú, mở rộng kiến thức cho sinh viên mà còn mang lại cho họ cơ hội tiếp cận và từ đó có được một nền tảng văn hóa giàu có sống động. Điều này sẽ giúp sinh viên tự tin và hăng hái tham gia vào các hoạt động thảo luận và tương tác trên lớp.

4.5. Thúc đẩy khả năng tương tác giữa giáo viên và sinh viên:

Sự tương tác giữa giáo viên – sinh viên là một phần không thể thiếu trong dạy và học tiếng Anh, giúp xây dựng mối quan hệ giữa giao viên và sinh viên. Các công cụ đa phương tiện giúp giáo viên tổ chức các hoạt động học tập nhóm, tạo ra các cơ hội tương tác với sinh viên, đồng thời cung cấp một môi trường ngôn ngữ cải thiện trên mô hình giảng dạy truyền thống.

4.6. Tăng cường hiệu quả giảng dạy.

Trong các lớp học truyền thống, giáo viên là trung tâm của quá trình dạy và học. Giáo viên thường dành hầu hết thời gian trên lớp để viết các nội dung quan trọng của bài học lên bảng. Với sự trợ giúp của các công cụ đa phương tiện, giáo viên có thể sử dụng tốt nhất thời gian trên lớp. Họ không còn phải mất thời gian viết cùng một nội dung học cho các lớp học khác nhau. Tất cả những gì họ phải làm là ấn nút.

5. Kết luận:

Hứng thú có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của quá trình dạy học. Có nhiều biện pháp giúp gây hứng thú cho sinh viên, trong đó sử dụng các công cụ đa phương tiện là một biện pháp có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả đối với cả giáo viên và sinh viên. Có thể, đa phương tiện đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong dạy và học tiếng Anh trong thời đại hiện nay.

 

REFERENCES

 

1. Mayer RE. Multimedia Learning, Cambridge University Press, New York, 1999.

2. Sweller J. Instructional Design in Technical Areas,ACER, Camberwell, Australia, 1999.

3. Van Merrienboer JJG. Training Complex CognitiveSkills, Educational Technology Publications, Englewood Cliffs, NJ, 1997.

4. Phillips R. The Developers handbook to Interactive Multimedia: A Practical Guide for EducationalApplications London: Kogan Page, 1997.

5. Velleman PF, Moore DS. Multimedia for teaching statistics: promises and pitfalls. Am. Stat 1996; 50:217-226.

 

 

 

KHAI THÁC CÁC KHÍA CẠNH NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA, XÃ HỘI TRONG CÁC BÀI HÁT TIẾNG ANH

ĐỂ TẠO HỨNG THÚ CHO SINH VIÊN

CN. Trần Thị Thương[14]

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc học và sử dụng ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng, ngày càng trở nên cần thiết. Tính cấp thiết phải tạo ra một thế hệ nhân lực vừa giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, vừa thông thạo ngoại ngữ được thể hiện rõ nét trong giáo dục những năm vừa qua, nổi bật là “Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020” vẫn đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy và học ngoại ngữ. Chúng ta có thể rõ ràng nhận thấy Nhà nước đã và đang đầu tư hàng tỉ đồng (tổng kinh phí của đề án là 9.400 tỉ đồng, trong đó, giai đoạn 2008-2010 là 1.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 gần 4.400 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 4.000 tỷ đồng). Tuy nhiên thực tế theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì sau 9 năm thực hiện, đến nay nhiều mục tiêu chưa đạt được, khả năng ngoại ngữ của học sinh nói riêng, người Việt Nam nói chung chưa được cải thiện nếu chỉ học theo chương trình phổ thông. Vậy để trả lời câu hỏi “làm thế nào để nâng cao trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, cho học sinh, sinh viên Việt Nam?” vẫn còn có rất nhiều khía cạnh cần phải bàn đến và chắc chắn cũng cần một thời gian dài nữa mới nhìn thấy được hiệu quả của các giải pháp. Mặc dù vậy, có một điều không thể phủ nhận được, đó là vai trò của mỗi người giáo viên: những người nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ, luôn tìm tòi, sáng tạo để tìm ra phương pháp dạy học hiệu quả nhất.

Đã có rất nhiều các sáng kiến kinh nghiệm, các bài nghiên cứu về phương pháp dạy học ngoại ngữ, trong đó xu hướng lấy học sinh làm trung tâm nhận được sự đồng thuận từ nhiều nhà giáo dục trên khắp thế giới.Các phương pháp hiện đại chú trọng vào việc đánh thức sự hứng thú của người học với ngôn ngữ thông qua rất nhiều các phương thức khác nhau. Một trong số đó là phương thức sử dụng âm nhạc như một công cụ vừa kích thích niềm say mê học tiếng, vừa là phương tiện để khai thác các khía cạnh của ngôn ngữ như ngữ âm, ngữ pháp…. Các bài hát có sức lôi cuốn kỳ diệu vì ca từ của chúng có thể nói lên tâm tư, tình cảm, có thể kể câu chuyện của chính chúng ta. Vì vậy mà bài hát dễ đi vào lòng người và chúng ta có thể vô thức thuộc lời bài hát chỉ sau vài lần nghe mà không cần đến một sự nỗ lực hay cố gắng nào của trí nhớ. Hơn nữa, ngôn ngữ được biểu đạt trong bài hát là một nguồn tài liệu tự nhiên và phong phú, có thể có tác dụng rất tốt trong việc học tiếng Anh nếu người giáo viên biết lựa chọn ca khúc và khai thác triệt để những yếu tố ngôn ngữ có trong bài hát đó.

  1. THỰC TRẠNG

Đã có rất nhiều nghiên cứu cả trong nước và ngoài nước về hiệu quả của việc sử dụng bài hát trong việc dạy ngôn ngữ. Tuy nhiên, thực tế giảng dạy tiếng Anh tại trường Đại học Luật Hà Nội cho thấy những ứng dụng này chưa được khai thác nhiều.Trong chương trình giảng dạy Tiếng Anh học phần I và học phần II dùng cho sinh viên ngành Luật học và Luật Kinh tế, giáo trình dùng để củng cố từ vựng và ngữ pháp là New-headway pre-intermediate (John & Lee Soars) có một số bài hát được thiết kế sẵn các hoạt động nghe, tuy nhiên theo chương trình giảng dạy thì những phần đó không phải trọng tâm nên được lược bớt.

Một số khó khăn mà giảng viên gặp phải khi quyết định dùng bài hát như một công cụ để giảng dạy đó là: Thứ nhất, việc lựa chọn bài hát nào để thiết kế hoạt động phù hợp thực sự cần nhiều thời gian để tìm hiểu. Nếu giáo viên là người am hiểu và biết nhiều về các bài hát tiếng Anh thì đó là một lợi thế. Tuy nhiên, với những giáo viên ít quan tâm tới các bài hát tiếng Anh thì họ sẽ mất nhiều thời gian hơn để tìm và lựa chọn bài hát.Thứ hai, việc nghĩ ra ý tưởng để tổ chức hoạt động dựa vào bài hát cũng tốn khá nhiều công sức và thời gian.Thông thường, hoạt động đơn giản nhất mà rất nhiều giáo viên thiết kế từ lời bài hát đó là hoạt động điền từ vào chỗ trống.Đây là hoạt động dễ làm và cũng tiết kiệm thời gian hơn cả.Tuy vậy, nếu lặp đi lặp lại hoạt động này nhiều lần có thể sẽ gây nhàm chán cho sinh viên.

Tuy có những khó khăn trong việc tìm bài hát và thiết kế bài tập nhưng cùng với những công cụ hỗ trợ hiện đại khác như máy tính, máy chiếu, mạng internet…giáo viên  ngày nay cũng có thể giảm bớt phần nào những khó khăn đó. Đặc biệt, mạng Internet là công cụ đắc lực giúp giáo viên nắm bắt được thị hiếu âm nhạc của giới trẻ cũng như tìm được nguồn cung cấp các bài bát và lời bài hát dễ dàng hơn.

  1. GIẢI PHÁP

III.1. LỰA CHỌN BÀI HÁT PHÙ HỢP

Âm nhạc là một danh từ chỉ chung cho mọi thể loại bài hát. Nếu nói một người yêu thích âm nhạc không có nghĩa là họ yêu thích mọi thể loại bài hát. Có thể mỗi người sẽ có những dòng nhạc yêu thích khác nhau, những ca sĩ yêu thích khác nhau. Đối với đối tượng là sinh viên cũng vậy. Họ nằm trong một nhóm đối tượng có nhiều đặc điểm chung nhưng mỗi người cũng là một cá thể riêng với những thị hiếu âm nhạc khác nhau. Giáo viên cần phải quan tâm tìm hiểu xem sở thích của người học là gì, thể loại âm nhạc mà họ hay nghe, chủ đề mà họ quan tâm…

Harmer (2000) đã đưa ra hai cách thức lựa chọn bài hát làm công cụ giảng dạy như sau:

Thứ nhất, giáo viên có thể khuyến khích sinh viên tự lựa chọn bài hát mình yêu thích rồi mang bản ghi âm bài hát đó đến lớp. Tuy nhiên, giáo viên cần phải dành thời gian (một hoặc hai ngày) nghe trước bài hát của sinh viên để tìm hiểu ca từ của bài hát đó.

Thứ hai, giáo viên có thể sử dụng các bài hát cũ, rồi hỏi ý kiến sinh viên xem chúng có hay và họ có thích chúng không, rồi lựa chọn một bài trong số những bài hát này.

Khi lựa chọn bài hát, giáo viên cũng nên chú ý đến các yếu tố quan trọng sau đây:

  • Bài hát phải phù hợp với nội dung giảng dạy, đồng thời phải mô tả được văn hóa của đất nước và con người nói tiếng Anh.
  •  Giáo viên cần chú ý đến thể loại nhạc, nên chọn loại nhạc chậm và nhẹ nhàng như pop, ballad hay nhạc đồng quê (country music) thay vì rap hoặc hip hop, do lời bài hát của hai dòng nhạc này thường khá dài và sử dụng nhiều tiếng lóng, thậm chí cả từ ngữ thô tục.
  • Bài hát phải phù hợp với lứa tuổi, trình độ tiếng Anh, sở thích và khiếu âm nhạc của sinh viên.

III.2. THIẾT KẾ HOẠT ĐỘNG PHÙ HỢP VỚI MỤC TIÊU BÀI HỌC

Tùy thuộc vào mục tiêu bài học mà giáo viên có thể lồng ghép bài hát và thiết kế các hoạt động bổ trợ cụ thể. Sau đây là một số phương diện của bài hát mà giáo viên có thể khai thác để tạo hứng thú cho sinh viên.

III.2.1. ÂM NHẠC VÀ PHÁT ÂM

Hầu hết người lớn khi học tiếng Anh đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi ngữ âm, ngữ điệu và cách phát âm của tiếng mẹ đẻ. Bằng âm nhạc, giáo viên có thể giúp họ hạn chế rất nhiều sự ảnh hưởng này. Leith (1979) đã khẳng định dường như không có một cách nào tốt hơn và nhanh hơn để dạy ngữ âm bằng các bài hát. Gatti-Taylor (1980) cũng tin rằng không khó để có thể tìm ra một bài hát với những âm vị được nhấn mạnh. Như vậy những yếu tố như cao độ, trường độ của bài hát là những ví dụ điển hình cho ngữ âm tiếng Anh.

Một số hoạt động giáo viên có thể ứng dụng để dạy sinh viên về phát âm:

  • Hoạt động tìm âm:

Giáo viên có thể yêu cầu sinh viên tìm những từ có chứa những âm cụ thể nào đó trong tiếng Anh. Bước đầu tiên, giáo viên cho sinh viên nghe mà không nhìn lời bài hát và ghi chép lại những từ mà họ thấy có âm được yêu cầu tìm. Sau khi nghe lần một, giáo viên kiểm tra xem sinh viên có thể nắm bắt được bao nhiêu từ. Sau đó, giáo viên phát lời bài hát cho sinh viên và bật bài hát lần hai. Giáo viên tổng kết các từ mà sinh viên tìm được ở cả 2 lần nghe và kiểm tra lại xem những từ đó có chứa âm cần tìm không. Cuối  cùng, sinh viên có thể luyện tập phát âm bằng cách đọc to các từ tìm được.

  • Hoạt động viết từ dựa vào ký hiệu phiên âm của từ:

Giáo viên phát cho mỗi sinh viên một tờ giấy có in lời bài hát, trong đó có một số từ được biểu hiện bằng ký hiệu phiên âm chứ không có chữ viết. Tùy thuộc vào trình độ của sinh viên mà giáo viên có thể chọn những từ có âm dễ hay khó. Sinh viên sẽ có khoảng thời gian một đến hai phút nhìn và dự đoán các từ được phiên âm. Sau đó, giáo viên bật bài hát, sinh viên nghe và viết các từ dựa vào phiên âm và cách phát âm của chúng trong bài hát. Cuối cùng, sinh viên luyện tập phát âm lại các từ đó.

  • Hoạt động tìm cặp âm Minimal Pairs (những cặp từ chỉ khác nhau ở một âm vị. Ví dụ: mouse/mouth, bad/bat, sheep/ship…):

Giáo viên chọn ra một số từ trong bài hát. Với mỗi từ, giáo viên tìm thêm một từ để tạo thành cặp minimal pair. Giáo viên thiết kế lại phần lời của bài hát để tạo thành bài tập điền từ vào ô trống, mỗi chỗ trống có 2 sự lựa chọn là 2 từ của một cặp minimal pair. Giáo viên cho sinh viên nghe bài hát và chọn từ mà họ nghe được. Giáo viên kiểm tra lại và yêu cầu sinh viên đọc to các cặp từ minimal pairs.

  • Các hoạt động luyện trọng âm, nối âm, nhịp điệu và ngữ điêu:
  • Giáo viên yêu cầu sinh viên nhìn vào một số từ trong bài hát và thử đoán số lượng âm tiết của mỗi từ. Sau đó, họ sẽ nghe để kiểm tra lại, đồng thời sẽ phải gạch chân vào âm tiết nào được nhấn trọng âm. Cuối cùng, họ sẽ đọc hoăc hát to đúng trọng âm những từ đó lên.
  • Giáo viên in lời bài hát ra giấy và phát cho sinh viên. Giáo viên yêu cầu sinh viên nghe bài hát và gạch chân những âm được nối với nhau. Sau đó, giáo viên yêu cầu sinh viên luyện đọc lại những câu có các âm được nối.

III.2.2. ÂM NHẠC VÀ NGỮ PHÁP

Falioni (1993) đã nói: “Những cấu trúc câu được cho là bị tách biệt hoàn toàn với ngữ cảnh trong những bài tập thì chúng lại được nhìn nhận với một cách nhìn hoàn toàn khác trong những bài hát”. Ở đây Falioni đã nhấn mạnh đến khía cạnh ngữ cảnh của ngôn ngữ. Chúng ta không thể tách rời việc học ngôn ngữ với ngữ cảnh liên quan tới ngôn ngữ đó. Hơn nữa, khi gắn một cấu trúc câu mới với một ngữ cảnh cụ thể sẽ giúp người học dễ hình dung hơn. Lời bài hát chính là một dạng ngữ cảnh tự nhiên của ngôn ngữ đích. Giáo viên có thể sử dụng các bài hát có chứa nội dung ngữ pháp mà họ muốn dạy để giới thiệu hoặc để củng cố kiến thức cho người học. Bartle (1962) cho rằng các bài hát là công cụ tuyệt vời để ôn tập các cấu trúc và các thì. Để giới thiệu bài học, giáo viên có thể in lời bài hát và in đậm hoặc gạch chân những cấu trúc câu trọng tâm. Sau đó có thể đặt câu hỏi gợi mở để học sinh phần nào nắm bắt được hình thức và cách sử dụng cấu trúc đó. Để ôn tập lại các cấu trúc hoặc các thì, giáo viên có thể thiết kế hoạt động trả lời câu hỏi dựa vào nội dung bài hát, hoặc có thể yêu cầu học sinh tóm tắt lại bằng ngôn từ của mình. Ví dụ, để giới thiệu thì quá khứ đơn giản, giáo viên có thể sử dụng bài hát “Yesterday once more” của nhóm nhạc The Carpenter. Bài hát là một ví dụ sinh động với ngôn từ đơn giản và rõ ràng, tiết tấu chậm, nhịp nhàng. Để ôn tập lại cách sử dụng thì quá khứ đơn giản, giáo viên có thể thiết kế một số câu hỏi như “What did she do when she was young?”

III.2.2. ÂM NHẠC VÀ TỪ VỰNG

Cùng với các nguồn tài liệu có ngôn ngữ đích được sử dụng một cách chân thực như sách, báo, truyện…các bài hát cũng là một nguồn phong phú mà giáo viên có thể lấy để dạy từ vựng gắn với ngữ cảnh. Như đã nói ở trên, ngữ cảnh đóng một vai trò quan trọng trong việc nắm bắt và thực hành ngôn ngữ. Thực tế cho thấy, khối lượng kiến thức về ngôn ngữ mà một người có được không đảm bảo họ có thể sử dụng chúng thuần thục trong giao tiếp. Mỗi bài hát là một câu chuyện chân thực, tự nhiên hay đó cũng chính là ngữ cảnh mà ngôn từ có thể biểu đạt được ý nghĩa của chúng xác thực nhất. Một từ có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau, nếu chỉ tra từ điển và hiểu những nghĩa đó thì chưa đủ. Đặt từ vào trong ngữ cảnh giúp người học hiểu một nét nghĩa nhất định và nắm bắt cách dùng nét nghĩa đó hiệu quả nhất. Một số hoạt động dạy từ vựng mà giáo viên có thể thiết kế dựa trên bài hát:

  • Miming Verbs (Diễn tả từ bằng hành động):

Giáo viên chọn một bài hát có một số động từ mà sinh viên có thể chưa biết. Giáo viên cho sinh viên nghe bài hát và ghi chép lại những động từ mà họ nghe được. Sau đó, giáo viên có thể sử dụng bản in lời bài hát hoặc có thể sử dụng máy chiếu để chạy video có lời bài hát và cùng sinh viên tìm ra các động từ cũng như ý nghĩa của chúng. Để giúp học sinh ghi nhớ từ vựng hơn, giáo viên có thể tổ chức hoạt động diễn tả từ vựng bằng hành động, có thể gọi từng cặp một lên bảng, một sinh viên mô tả bằng hành động, sinh viên còn lại đoán xem đó là từ gì; hoặc chỉ gọi một sinh viên lên bảng để diễn tả hành động, các sinh viên còn lại đoán từ.

  • Matching (Nối từ):

Hoạt động này yêu cầu sinh viên phải nối từ vựng với nghĩa của chúng. Sau khi sinh viên nghe bài hát xong, giáo viên sẽ yêu cầu sinh viên đọc lại lời bài hát với một số từ vựng được gạch chân. Sau đó, giáo viên cung cấp một danh sách trong đó ý nghĩa của các từ được gạch chân bị sắp xếp không theo thứ tự. Nhiệm vụ của sinh viên là dựa vào ngữ cảnh trong bài hát để đoán nghĩa của từ.

  • Story making (Viết chuyện):

Giáo viên chọn một bài hát theo chủ điểm bài học. Trong phần lời của bài hát, giáo viên chọn ra một số từ và thiết kế bài tập nghe điền từ vào chỗ trống với các từ cho sẵn. Sau khi sinh viên hoàn thành bài tập, giáo viên kiểm tra đáp án và cùng sinh viên tìm hiểu cách sử dụng các từ cũng như cụm từ đó. Sau khi sinh viên nắm được nghĩa và cách dùng từ, giáo viên chia lớp thành các nhóm và yêu cầu mỗi nhóm viết một câu chuyện trong đó có sử dụng các từ trong bài tập điền từ. Nhóm nào có thể sử dụng được nhiều từ hơn thì nhóm đó là nhóm thắng cuộc.

  • Song composing (Sáng tác bài hát):

Từ bài hát có sẵn lời, giáo viên gạch chân một số từ. Sau đó yêu cầu sinh viên làm việc theo nhóm để thay thế những từ được gạch chân bằng những từ khác để tạo thành một bài hát mới với nội dung mới. Bằng cách này, sinh viên phải xác định được từ loại được gạch chân là gì để tìm một từ mới cùng loại thay thế chúng. Sau đó giáo viên yêu cầu các nhóm hát lại bài hát theo lời mới.

III.2.3. ÂM NHẠC VÀ KỸ NĂNG NGHE HIỂU

Để phát triển kỹ năng nghe-hiểu cho sinh viên, trong hầu hết các sách giáo trình, sách tham khảo…đều có nội dung hướng dẫn người học các chiến lược nghe hiệu quả. Trong đó, hai chiến lược nghe phổ biến nhất đó là chiến lược nghe hiểu ý chính và chiến lược nghe hiểu chi tiết cụ thể. Thông qua bài hát, giáo viên có thể thiết kế một số hoạt động nghe để giúp sinh viên củng cố 2 kỹ năng nghe này.

Kỹ năng nghe lấy ý chính:

  • Ordering pictures/posters (Sắp xếp tranh, ảnh):

Dựa vào lời bài hát, giáo viên có thể tìm một số tranh ảnh liên quan, sau đó dán lên bảng. Giáo viên đặt các câu hỏi gợi mở để sinh viên đoán xem nội dung bài hát là gì thông qua các bức tranh đó. Sau khi đoán ý nghĩa bài hát, sinh viên nghe và sắp xếp các bức tranh theo thứ tự xuất hiện trong bài.

  • Ordering strips/ verses (Sắp xếp câu/đoạn):

Giáo viên chuẩn bị cho hoạt động bằng cách cắt nhỏ lời bài hát thành các câu hoặc các đoạn riêng lẻ. Chia sinh viên thành từng nhóm và phát cho mỗi nhóm một bộ các mảnh giấy có ghi các câu trong lời bài hát. Giáo viên bật bài hát, sinh viên nghe và sắp xếp các mảnh giấy thành bài hát hoàn chỉnh.

Kỹ năng nghe hiểu chi tiết:

  • True/false questions (Câu hỏi đúng/sai):

Dựa vào nội dung bài hát, giáo viên có thể thiết kế dạng bài tập gồm các câu đúng hoặc sai so với lời bài hát. Chú ý thứ tự xuất hiện của các câu trong bài tập phải trùng với thứ tự của chúng trong bài hát. Ngoài ra, giáo viên nên thiết kế các câu sao cho giữ đúng ý mà không lặp lại hoàn toàn giống như lời bài hát (Paraphrasing)

  • Detailed questions (Câu hỏi lấy thông tin chi tiết):

Giáo viên có thể dùng bài hát để thiết kế dạng bài tập trả lời câu hỏi chi tiết. Nếu sinh viên có khả năng nghe tốt thì giáo viên chỉ cần tạo một danh sách các câu hỏi và yêu cầu sinh viên trả lời trong khi nghe. Đối với những sinh viên có khả năng nghe kém hơn, giáo viên nên cung cấp các sự lựa chọn A, B, C, D cho mỗi câu hỏi.

III.2.3. ÂM NHẠC VÀ VĂN HÓA

Âm nhạc là một phần không thể thiếu của văn hóa. Nó thể hiện tinh thần của thời đại. Chúng ta có thể tìm thấy trong kho tàng văn hóa Việt Nam một thời kỳ những bài ca cách mạng nở rộ, thông qua những ca khúc đó, những con người kháng chiến muốn thể hiện ý chí hiên ngang, bất khuất trước quân thù,  tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Những ca khúc ấy không chỉ có ý nghĩa ở thời đại đó, mà chính nhờ chúng, những thế hệ sau cách mạng phần nào hiểu được những gian khổ, hy sinh thời chiến và bối cảnh lịch sử của nước nhà. Các bài hát tiếng Anh cũng vậy. Chúng là nguồn tư liệu phong phú để giúp người học hiểu hơn về tinh thần, văn hóa Anh-Mỹ.Dưới đây là một số bài hát giáo viên có thể khai thác để giới thiệu về đất nước, con người nước Mỹ:

·             Brooks & Dunn - Only In America 

Bài hát của Brooks and Dunn nhấn mạnh đến một khía cạnh mà đất nước Mỹ luôn tự hào, đó là mọi công dân, thuộc mọi tầng lớp, đều có cơ hội như nhau ở nước Mỹ. Mọi giấc mơ đều có thể được biến thành hiện thực chỉ cần con người nỗ lực: “One just might be president” (một người có thể trở thành tổng thống)

  • Neil Daimond - Coming to America 

Ca khúc “coming to America” khắc họa tinh thần của những người nhập cư vào nước Mỹ để tìm kiếm một cuộc sống mới.Sự nhập cư được nhìn nhận một cách tích cực như là để thực hiện giấc mơ Mỹ vào những năm 80 và 90 của thế kỷ XX. Nhiều người đã mạo hiểm tất cả mọi thứ đi đến mảnh đất tự do này để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Bài hát này nhắc nhở những con người đó  về những phước lành mà họ có trên đất nước Mỹ và bổn phận phải chào đón những người cũng muốn là một phần của những phước lành đó.

  • Martina McBride - Independence Day 

“Independence Day” không phải là một bài hát về nước Mỹ nhưng nó là bài hát về sự tự do. Lời bài hát kể về câu chuyện của một người phụ nữ bị chồng ngược đãi và những bước đi mạnh mẽ để đòi lại quyền tự do của cô. Theo lời bài hát “I’m not saying if it’s right or wrong” – Tôi không nói điều đó là đúng hay là sai”, người phụ nữ không nói sự vùng lên đòi lại tự do là đúng hay sai, nhưng lịch sử nước Mỹ đã chứng minh tự do là thứ đáng để đấu tranh.

  • Lee Greenwood - God Bless the U.S.A. 

“God bless the USA” là một bài hát mang tính đột phá của Lee Greenwood, được trình diễn ở hầu hết các thành phố vào ngày Độc lập của nước Mỹ (4/7). Bài hát thể hiện tinh thần yêu nước và niềm tự hào được là một phần của nước Mỹ tự do. Đồng thời, bài hát còn là lời khẳng định của một công dân sẵn sàng làm mọi việc để bảo vệ đất mẹ.

  • John Cougar Mellencamp - R.O.C.K. in the U.S.A. 

Có rất nhiều bài hát viết về việc theo đuổi giấc mơ ở Mỹ tuyệt vời ra sao nhưng bản hit của John Cougar Mellencamp tập trung nói đến một giấc mơ hẹp hơn-giấc mơ âm nhạc. Những ngôi sao ca nhạc đến từ khắp mọi nơi trên đất nước Mỹ và đều rất say mê với sự nghiệp của mình. Bài hát này ca ngợi họ, nhắc nhở những người Mỹ rằng họ là những người thường từ bỏ mọi thứ họ có để theo đuổi giấc mơ, và không có gì mang chất Mỹ hơn thế.

  1. KẾT LUẬN

Âm nhạc từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bất kỳ ai. Ngoài tác dụng giải trí, âm nhạc còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác, như trong y học, trong tâm lý học…Giảng dạy ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng cũng là một trong những lĩnh vực mà âm nhạc có thể được khai thác. Giáo viên có thể tận dụng những khía cạnh của ngôn ngữ được thể hiện qua lời bài hát để thiết kế các hoạt động phù hợp với mục tiêu bài học và kích thích sự hứng thú, say mê của sinh viên. Những khía cạnh đó bao gồm: Ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng và văn hóa. Bài hát là một bối cảnh mà ngôn ngữ được sử dụng tự nhiên, do đó, sẽ giúp cho người học dễ dàng tiếp thu và sử dụng từ ngữ, cấu trúc câu đúng ngữ cảnh hơn. Các bài hát còn là một phần của nền văn hóa, do đó, thông qua các bài hát để dạy sinh viên về con người, đất nước Anh-Mỹlà một trong những cách sinh động giúp sinh viên ghi nhớ lâu hơn. Nói tóm lại, âm nhạc là một công cụ hiệu quả để truyền tải kiến thức ngôn ngữ-xã hội. Vì vậy, giáo viên cần khai thác âm nhạc theo nhiều cách khác nhau để kích thích động lực học tiếng Anh của sinh viên.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1, 10 Inspiring Songs About America. http://www.beliefnet.com/love-family/holidays/july-4th/10-inspiring-songs-about-america.aspx#iH39wklzT8xyccwD.99

2, Bartle, G. (1962).Music in the language classroom.Canadian Modern Language Review, 19 (1), 11-13.

3, Falioni, J. W. (1993).Music as means to enhance cultural awareness and literacy in the foreign language classroom.Mid-Atlantic Journal of Foreign Language Pedagogy, 7, 97-108.

4, Gatti-Taylor, M. (1980).Songs as a linguistic and cultural resource in the Intermediate Italian class.Foreign Language Journals, 6, 465-469.

5, Leith, W.D. (1979).Advanced French conversation through popular music.The French Review, 52, 537-551.

6, Lynch, L. M. (2005). 9 reasons why you should use songs to teach English as a foreign language. Retrieved from http://ezinearticles.com/?9-Reasons-Why-You-Should-Use-Songs-to-Teach-English-as-a-Foreign-Language&id=104988

7, Quỳnh Trang. (2016). Bộ Giáo dục: Một số mục tiêu của đề án ngoại ngữ quá cao. http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bo-giao-duc-mot-so-muc-tieu-cua-de-an-ngoai-ngu-qua-cao-3491191.html

 

 

 

KHAI THÁC CÁC YẾU TỐ VĂN HOÁ TRONG DẠY HỌC NGOẠI NGỮ

NHẰM TẠO HỨNG THÚ ĐỐI VỚI MÔN HỌC Ở SINH VIÊN

 

Ths. Trịnh Thị Thúy Hoa - Tổ Pháp văn

 

Đặt vấn đề

Với mục tiêu : “Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, […] đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa “, đề án Ngoại ngữ Quốc gia là một  thách thức to lớn  đối với các cơ sở đào tạo trên cả nước. Làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ vẫn luôn là vấn đề trăn trở của những người làm công tác giảng dạy, đặc biệt là tại các trường không chuyên ngữ khi mà rất nhiều sinh viên tới lớp chỉ để điểm danh và thực hiện cho xong một tín chỉ bắt buộc và không mấy hứng thú với môn học. Vậy làm thế nào để thu hút sự chú ý, quan tâm thực sự của sinh viên đối với môn học, khơi dậy niềm đam mê, hứng thú của họ ? Dưới góc độ của người làm công tác giảng dạy, trong khuôn khổ của bài viết này, tôi xin đề cập tới việc khai thác các yếu tố văn hóa trong giảng dậy ngoại ngữ nhằm tạo hứng thú đối với môn học ở sinh viên Đại học Luật Hà Nội.

Nội dung của bài viết gồm hai phần :Trong phần thứ nhất, tác giả xin trả lời cho câu hỏi vì sao văn hóa lại là yếu tố được lựa chọn để thu hút sự chú ý của người học trong khi hệ thống ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp thường được xem là khách thể quan trọng của việc dậy học ngoại ngữ ? Trong phần thứ hai, tác giả sẽ trình bầy cách thức khai thác các yếu tố văn hóa trong dạy ngoại ngữ nhằm tạo hứng thú đối với môn học ở sinh viên.

 

 

 

 

 

 

 

 

Phần thứ nhất

Vì sao yếu tố văn hóa được lựa chọn nhằm tạo hứng thú đối với môn học ở sinh viên ?

 

  1. Vì sao lại lựa chọn khai thác các yếu tố văn hóa trong dạy ngoại ngữ
  2. Văn hóa là gì ?

Văn hóakhái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Văn hóa được đề cập đến trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như dân tộc học, nhân chủng học, dân gian học, văn hóa học, xã hội học,... và trong mỗi lĩnh vực nghiên cứu đó định nghĩa về văn hóa cũng khác nhau. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, tác giả chỉ đề cập tới những khái niệm thông dụng nhất về văn hóa :

  • Văn hóa, hiểu theo nghĩa hẹp của từ, là các môn văn học, nghệ thuật như thơ ca, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, hội họa ... ;
  • Trong đời sống hàng ngày văn hóa được hiểu là cách sống bao gồm phong cách ẩm thực, trang phục, cách cư xử , đức tin, thói quen, phong tục... ;
  • Văn hóa, theo UNESCO (2002), nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thứcxúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn họcnghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin.

Trong bài viết này, tác giả sử dụng định nghĩa về văn hóa  của UNESCO khi đề cập tới khái niệm văn hóa, hay các yếu tố văn hóa.

  1. Mối quan hệ giữa văn hóa và ngôn ngữ

Ngôn ngữ do con người sáng tạo ra, là sản phẩm của trí tuệ và vì thế nó là một bộ phận cấu thành của nền văn hóa. Trên thế giới không có nền văn hóa nào lại không có ngôn ngữ. Ngôn ngữ cho phép con người trao đổi thông tin, tâm tư, nguyện vọng với nhau. Ngôn ngữ là phương tiện quan trọng nhất để lưu giữ các sản phẩm của trí tuệ, truyền bá kinh nghiệm từ đời này qua đời khác. chính nhờ có ngôn ngữ mà các giá trị truyền thống, những nét đặc trưng, tinh hoa của một nền văn hóa luôn được bảo tồn và phát triển. Như vậy không có một ngôn ngữ nào lại không chuyển tải trong nó một nền văn hóa. Tiếp cận một ngoại ngữ chính là tiếp cận một nền văn hóa. Học ngoại ngữ chính là học văn hóa.

  1. Văn hóa trong hoạt động dạy và học ngoại ngữ

Theo quan niệm truyền thống, ngôn ngữ là một hệ thông các tín hiệu được sắp xếp theo một trật tự nhất định cho phép con người trong một cộng đồng giao tiếp với nhau. Và vì thế, dạy ngoại ngữ là cung cấp cho người học các qui tắc ngữ pháp và một vốn từ nhất định để họ có thể đọc và dịch được các tài liệu sang ngôn ngữ mẹ đẻ, phục vụ cho nghiên cứu, học thuật. Chính vì vậy, trong nhiều năm liền, và hiện nay có thể vẫn còn duy trì trong một số các cơ sở đào tạo, dạy ngoại ngữ chủ yếu là dạy ngữ pháp và từ vựng nhằm phát triển kỹ năng đọc hiểu ở người học. Ngày nay, ngôn ngữ không còn được nghiên cứu thuần tuý như một hệ thống tín hiệu mà đã được xem xét dưới nhiều bình diện khác nhau của hoạt động giao tiếp. Theo cách tiếp cận này, các nhà nghiên cứu ngày càng nhận ra tầm quan trọng của văn hóa trong ngôn ngữ và giao tiếp ngôn ngữ. Bên cạnh đó, do nhu cầu giao lưu hợp tác quốc tế giữa các dân tộc, giữa các quốc gia ngày càng phát triển nên quan niệm về dạy và học ngoại ngữ đã có nhiều thay đổi : từ việc chú trọng ngôn ngữ viết chuyển sang ưu tiên ngôn ngữ nói và ngày nay là phát triển năng lực giao tiếp.

Năng lực giao tiếp được hiểu là khả năng phân tích và sử dụng các kiến thức ngôn ngữ (Ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp), văn hóa, xã hội,  kinh nghiệm, chiến lược vào các tình huống giao tiếp cụ thể một cách hiệu quả nhằm hoàn thành mục đích giao tiếp. Như vậy, để giao tiếp được thành công, sự hiểu biết về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp là chưa đủ. Nếu các kiến thức về ngôn ngữ là điều kiện cần để cho ta thực hiện một hành vi giao tiếp thì giao tiếp đó chưa phải là một giao tiếp trọn vẹn bởi một giao tiếp trọn vẹn phải cho phép ta tiếp cận không chỉ ý nghĩa của ngôn từ mà là ý nghĩa biểu đạt của nó trên bình diện văn hóa xã hội (Jacques Leylavergne & Andrea Parra - La culture dans l’enseignement et l’appretissage d’une langue étrangère,2010). Như vậy, dạy và học ngoại ngữ ngày nay không chỉ hướng tới hệ thống ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp của một ngôn ngữ mà còn là các yếu tố văn hóa luôn hiện hữu trong nó : đó là các thói quen, nếp sống, cách nghĩ, quan niệm về các giá trị, tạo nên phong cách, lối sống của nền văn hóa mà ta đang tiếp cận thông qua ngôn ngữ. Ngôn từ và các cấu trúc ngữ pháp vốn là những kí hiệu và qui tắc khô cứng nhưng chính các yếu tố văn hóa-xã hội đã làm cho chúng trở nên sống động, linh hoạt và đầy hấp dẫn. Khai thác các yếu tố văn hóa trong dạy học ngoại ngữ sẽ làm cho giờ giảng trở nên sinh động, lôi cuốn. Người học sẽ có cơ hội được tiếp cận với cách nhìn, tư duy mới lạ, tìm hiểu, khám phá thêm một lối sống, một nền văn hóa, tìm ra những nét tương đồng và khác biệt giữa các ngôn ngữ và các nền văn hóa, cho phép người học hiểu sâu hơn về ngôn ngữ và văn hóa của mình, từ đó hình thành ở người học một thái độ cư xử phù hợp, cởi mở hơn trong giao tiếp. Đó là việc chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt đồng thời gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc mình. Đó cũng chính là phương châm, xu thế chung trong giao tiếp quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay. 

Tuy nhiên, trên  thực tế, do bị ấn định về thời gian và chương trình nên phần lớn các giờ học ngoại ngữ tập trung chủ yếu vào các vấn đề ngôn ngữ, trong khi đó các yếu tố văn hóa của ngôn ngữ thường bị xem nhẹ hoặc thậm chí bị bỏ qua. Điều này thực sự rất đáng tiếc bởi người học sẽ không thể đạt được khả năng giao tiếp một cách hoàn chỉnh nếu thiếu hiểu biết về văn hóa. Tôi xin đưa ra một ví dụ để minh chứng cho điều này : một thương nhân người Mỹ muốn tiến hành những hoạt động kinh doanh tại Pháp. Anh ta tới gặp Chủ tịch tập đoàn Total, người mà anh ta chưa từng quen biết. Anh ta bước vào phòng làm việc của Chủ tịch tập đoàn và nói theo cách mà anh ta hoàn toàn có thể sử dụng trong giao tiếp thông thường tại Québec (Canada) : “ Salut, Bob, je m’appelle Steven, on se tutoie ?” (Chào Bob, tôi tên là Steven, chúng ta xưng hô cậu/tớ cho thân mật nhé ?). Xét về phương diện ngôn ngữ thuần túy, phát ngôn trên hoàn toàn chỉnh về mặt ngữ nghĩa nhưng xét dưới góc độ văn hóa thì lại không thể chấp nhận được và chắc chắn, mục đích giao tiếp của Steven khó có thể thành công, bởi ba lý do sau đây : Thứ nhất, người Pháp không bao giờ sử dụng cách chào hỏi thân mật và dùng đại từ “Tu” để xưng hô với một người chưa từng quen biết, đặc biệt là đối với một nhân vật tầm cỡ như Chủ tịch một tập đoàn đa quốc gia như Total; Thứ hai, người ta cũng không gọi một người nào đó bằng tên riêng ngay trong lần giao tiếp đầu tiên nếu như không được chính người đó đề nghị trước; Thứ ba, trong phòng làm việc của người đứng đầu công ty, người ta sẽ không được phép nói trước khi chưa có lời đề nghị từ phía đối tác. Trong mọi trường hợp người này sẽ làm chủ cuộc đối thoại, là người dẫn dắt và đặt ra các điều kiện trong giao tiếp. Như vậy, Steven đã mắc sai lầm trong giao tiếp do thiếu hiểu biết về văn hóa Pháp, phong cách giao tiếp trong giao dịch thương mại ở Pháp. Nếu như anh ta được đào tạo đầy đủ về kiến thức văn hóa, anh ta sẽ phải đợi đến khi chủ tịch tập đoàn Total đưa ra lời mời, anh ta mới bắt đầu nói : “Monsieur le Président, c’est un honneur pour moi d’être recu par vous. Je me permets de me présenter, je m’appelle Steven THOMAS et je suis le directeur de l’usine de montage de General Motors d’Atlanta …” (Thưa ngài Chủ tịch, thật là vinh hạnh cho tôi vì được ngài đích thân đón tiếp. Tôi xin phép được tự giới thiệu, tôi tên là Steven THOMAS, giám đốc nhà máy lắp ráp General motors Atlanta…). Tình huông này chỉ là một trong vô số các tình huống giao tiếp mà người học, do thiếu kiến thức về văn hóa nên thường áp đặt văn hóa mẹ đẻ vào quá trình học ngoại ngữ và giao tiếp với người nước ngoài. Chẳng hạn, trong quá trình thực hành giao tiếp, sinh viên Việt Nam thường đặt ra các câu hỏi khi làm quen như: “Bạn có gia đình chưa?”, “Bạn bao nhiêu tuổi?”, “Bạn đi làm chưa? Thu nhập có khá không ?/ lương tháng bao nhiêu ?”… Những câu hỏi tưởng chừng muốn thể hiện sự quan tâm trong văn hóa Việt thì lại bị coi là quá tò mò, gây nên sự khó chịu đối với người châu Âu trong giao tiếp. Chính vì vậy, ngôn ngữ cần phải được sử dụng cùng với cách hành xử văn hoá thích hợp. Hiểu biết văn hoá là một phần của năng lực giao tiếp và văn hoá cần được xem là nội dung quan trọng trong dạy học ngoại ngữ. Việc khai thác các yếu tố văn hóa trong dạy ngoại ngữ giúp cho người học có thể phát hiện và hiểu được rằng các ngữ cảnh văn hóa xã hội, mục đích giao tiếp chính là yếu tố qui định việc sử dụng các phương tiện ngôn ngữ khác nhau để biểu đạt. Qua đó người học có thể vận dụng một cách thuần thục trong giao tiếp thực tế, tránh cho họ các hiểu lầm đáng tiếc trong giao tiếp với người bản ngữ với tư cách là người phát ngôn hoặc thụ ngôn, bởi một phát ngôn chỉ thực sự có nghĩa khi nó được đặt trong một hoàn cảnh giao tiếp cụ thể, tách rời phát ngôn ra khỏi bối cảnh văn hóa xã hội của nó, phát ngôn sẽ trở nên vô nghĩa (Cuq & Gruca,2003). Theo Kramsch (1993:1), văn hóa không phải là kỹ năng thứ 5 trong giảng dạy ngoại ngữ, bên cạnh các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, nó chính là nền tảng để chỉ ra sự giới hạn trong năng lực giao tiếp, thách thức khả năng của người học và chỉ cho họ thấy ý nghĩa của thế giới xung quanh. Và ngôn ngữ, suy cho cùng, nếu không được tắm mình trong muôn hình vạn trạng của đời sống văn hóa xã hội dưới muôn ngàn lối biểu đạt khác nhau của người dùng thì nó cũng chỉ là một thứ khô cứng, lạnh lẽo.

  1. Sinh viên liệu có hứng thú đối với các yếu tố văn hóa trong việc học ngoại ngữ ? 
    1. Quan sát từ phía người dạy

Qua nhiều năm giảng dạy, tôi nhận thấy mỗi khi các yếu tố văn hóa đi kèm với một hiện tượng ngôn ngữ nào đó được đề cập trong bài giảng, sinh viên tỏ ra quan tâm hơn, thích thú hơn và lắng nghe tôi giảng một cách chăm chú, thậm chí sẵn sàng thực hiện các hoạt động học tập mà tôi yêu cầu với một thái độ hào hứng. Chẳng hạn như khi học các giới từ định vị trong không gian, tôi yêu cầu các em tìm hiểu các thông tin văn hóa về các công trình nổi tiếng trên thế giới rồi xếp chúng vào các thành phố, đất nước trên thế giới. khác hẳn với các dạng bài tập quen thuộc, các em đã tham gia một cách hào hứng và hoàn thành tốt bài tập. Khi trò chuyện với các giáo viên dạy ngoại ngữ tại các trường đại học tôi được biết ngày càng nhiều giáo viên nhận thấy khi bài học có sự lồng ghép các yếu tố văn hóa, các tình huống giao văn hóa thì sinh viên sẽ tiếp thu và cải thiện tốt hơn về khả năng giao tiếp.

  1. Kết quả khảo sát sinh viên

Trên cơ sở của những nhận định trên đây tôi tự hỏi liệu việc khai thác các yếu tố văn hóa trong bài giảng có thể mang lại cho người học sự thích thú để rồi họ sẽ chú tâm hơn tới việc học ngoại ngữ ? Để trả lời cho câu hỏi này tôi đã tiến hành khảo sát đối với 54 sinh viên đang học tiếng Pháp tại trường (1 lớp học phần một và 2 lớp học phần hai) và kết quả điều tra cho thấy sinh viên rất quan tâm tới các thông tin văn hóa. Với câu hỏi vì sao anh/chị lựa chọn học tiếng Pháp, có đến một nửa số sinh viên được hỏi (27/54 sinh viên) cho rằng họ chọn học tiếng pháp vì muốn tìm hiểu về đất nước, con người và nền văn minh Pháp. Với câu hỏi hoạt động nào trong giờ học ngoại ngữ khiến anh/chị cảm thấy hứng thú nhất, 70% số sinh viên được hỏi đã lựa chọn hoạt động khám phá, tìm hiểu các thông tin về đất nước, con người và nền văn hóa Pháp, trong số các hoạt động như : nghe đoạn băng, làm việc nhóm, học ngữ pháp, tập đọc/tập phát âm, làm bài tập trong sách. Một số sinh viên còn đề nghị đưa thêm vào giờ học ngoại ngữ các hoạt động văn hóa khác như nghe nhạc, xem phim, học hát. Với câu hỏi anh/chị cảm thấy thế nào mỗi khi vào giờ học tiếng Pháp, hầu hết sinh viên đều cho biết họ cảm thấy thoải mái, vui vẻ, hứng thú ; chỉ có 5 sinh viên (9%) cảm thấy  căng thẳng, không thoải mái, khó chịu, miễn cưỡng, lo lắng.

Kết quả điều tra này một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải đưa văn hóa của ngôn ngữ đích vào quá trình dạy - học ngoại ngữ. Đó vừa là yếu tố kích thích sự hứng thú trong quá trình học ngoại ngữ của sinh viên, vừa cho phép họ nâng cao trình độ hiểu biết, kiến thức văn hóa và hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, tạo tiền đề để người học có thể tham gia vào các giao lưu quốc tế của quá trình hội nhập một cách nhanh chóng và hiệu quả. 

 

Phần thứ hai

Khai thác các yếu tố văn hóa trong dạy học ngoại ngữ nhằm tạo hứng thú đối với môn học ở sinh viên.

  1. Các yếu tố văn hóa nào cần được khai thác trong hoạt động giảng dạy ngôn ngữ ?

Như đã trình bầy trong phần thứ nhất, các yếu tố văn hóa luôn hiện diện trong ngôn ngữ và dạy ngoại ngữ bao gồm cả dạy văn hóa. Tuy nhiên, khái niệm văn hóa ở đây không phải với tư cách là đối tượng của một môn học độc lập như văn học, âm nhạc, hội họa …, mà là các yếu tố văn hóa hiện diện trong hệ thống ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, trong lối nói, cách diễn đạt, sử dụng ngôn từ, trong phong cách giao tiếp và nghi thức giao tiếp được đặt trong bối cảnh văn hóa xã hội đã sản sinh ra ngôn ngữ đó (Jacques Leylavergne & Andrea Parra,2010). Các yếu tố văn hóa được đưa vào trong dạy ngoại ngữ không chỉ đơn giản là cung cấp thông tin cho người học mà nhằm cung cấp cho họ các kiến thức giúp họ có khả năng sử dụng phương tiện ngôn ngữ  phù hợp với những quy ước giao tiếp của cộng đồng người trong một xã hội nhất định.

Trong thời lượng 150 tiết, tùy vào đặc trưng của từng ngôn ngữ, trình độ, nhu cầu của sinh viên cũng như kết cấu của từng giáo trình sử dụng trong giảng dạy mà các giảng viên có thể lựa chọn nội dung văn hóa cần khai thác phù hợp với nội dung ngôn ngữ trong chương trình giảng dạy để đưa ra một lộ trình cụ thể. Thông thường, các yếu tố văn hóa cần được khai thác trong giờ học ngoại ngữ liên quan tới các nội dung sau :

  • Các nghi thức trong giao tiếp.
  • Việc sử dụng các đại từ nhân xưng trong giao tiếp.
  • Sở thích - các hoạt động giải trí (Văn hóa, thể thao, du lịch).
  • Thói quen và cuộc sống thường ngày.
  • Giao tiếp qua điện thoại : cách gọi điện thoại và trả lời.
  • Nhịp sống, cuộc sống đô thị, công việc.
  • Gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, gia đình trong cuộc sống hiện đại.
  • Cuộc sống gia đình và công việc nội trợ, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình.
  • Sở thích, thói quen ăn uống, mua sắm, tiêu dùng, các phương thức thanh toán.
  • Thời trang, phong cách  trang phụ,  hình ảnh cá nhân.
  • Quà tặng, các dịp tặng quà, cách chọn và tặng quà, cách nhận quà tặng.
  • Nhà ở : quan niệm về nơi ở (Nông thôn và thành phố), về không gian (chung và riêng), cách bố trí và xắp xếp các phòng trong nhà; Vấn đề thuê nhà, các vấn đề giữa người cùng thuê nhà.
  • Quan niệm về thời gian, khoảng cách : giờ giấc sinh hoạt, làm việc, cuộc hẹn.
  • Các lễ hội truyền thống : phong tục, nghi lễ truyền thống và các biểu tượng đặc trưng của nó.
  • Một số các hoạt động văn hóa đặc trưng ; các biểu tượng văn hóa.
  • Các cử chỉ/ hành vi giao tiếp phi ngôn ngữ và ý nghĩa của nó.
  • Một số các thành ngữ/ngạn ngữ thông dụng.
  1. Nguồn tư liệu

Để lồng ghép /khai thác các yếu tố văn hóa trong giờ giảng chúng ta cần phải có nguồn tài liệu. Các tài liệu này phải đảm bảo độ tin cậy, cập nhật, xác thực và phong phú. Có như vậy chúng ta mới cung cấp cho người học bức tranh sống động, xác thực về nền văn hóa của ngôn ngữ mà  họ đang tiếp cận. Nguồn tài liệu đầu tiên mà chúng ta có thể kể đến là các giáo trình dạy ngoại ngữ được biên soạn bởi chính các nhà giáo học pháp của ngôn ngữ đích, tiếp đó là các tư liệu điện tử, được khai thác từ mạng Internet (hình ảnh, băng đĩa, video, phim, hệ thống bài tập, vv.) và cuối cùng, những trải nghiệm của chính giáo viên giảng dạy khi tiếp xúc với con người và văn hóa của ngôn ngữ đích. 

2.1. Giáo trình giảng dạy

Trong những năm gần đây, các giáo trình giảng dạy ngoại ngữ do nước ngoài biên soạn đều dựa trên các nghiên cứu mới nhất của giáo học pháp hiện đại, theo đường hướng tiếp cận năng lực, lấy người học là trung tâm, chú trọng phát triển năng lực giao tiếp bao gồm cả năng lực văn hóa (liên văn hóa/đa văn hóa). Chính vì vậy, đi kèm với nội dung ngôn ngữ được sắp xếp theo các chủ đề là các yếu tố văn hóa được đưa vào giáo trình rất đa dạng và phong phú với các tư liệu sống động, xác thực : các hội thoại trong các tình huống thực (authentique) hoặc giống như thực (fabriqué), các hình ảnh quảng cáo, các thông tin văn hóa, thiệp mời, thiệp thông báo, thư tín, … Đây chính là những nguồn tư liệu dồi dào, tin cậy cho phép giáo viên sử dụng, khai thác, lồng ghép vào các vấn đề ngôn ngữ khô cứng, làm cho giờ giảng trở nên sống động, giúp cho người học thấy hứng thú hơn, đỡ căng thẳng hơn, có cái nhìn rõ hơn về ngôn ngữ mà mình đang tiếp cận, về đất nước, con người và nền văn hóa của nó. Tuy nhiên, cuộc sống là dòng chảy theo thời gian, kéo theo những thay đổi và luôn làm mới nó. Các hiện tượng ngôn ngữ, văn hóa, xã hội cũng không nằm ngoài qui luật đó : có những thứ trường tồn, có những thứ mất đi và cái mới nảy sinh. Các tư liệu mà chúng ta sử dụng để chuyển giao ngôn ngữ và văn hóa đến cho người học cũng phải luôn được cập nhật, mang tính thời sự và phù hợp với cuộc sống đương đại. Các giáo trình sử dụng trong dạy học ngoại ngữ phải luôn đổi mới, cập nhật. Chúng ta vẫn biết rằng ngôn ngữ của Molière, Shakespeare, Goethe, Dante, Pouchkine luôn được coi là biểu tượng của sự tinh túy, uyên bác, mang đậm chất văn hóa cổ điển châu Âu nhưng ta lại không thể sử dụng trong các giao tiếp của thế kỷ 21.

  1. Các tài liệu điện tử

Ngoài các tư liệu trong giáo trình giảng dạy, chúng ta còn có thể tìm thấy rất nhiều tài liệu điện tử trên mạng Internet mà giáo viên có thể sử dụng để lông ghép các yếu tố văn hóa trong bài giảng. Đó là các trang web, các băng video, các bộ phim, bài hát với số lượng khổng lồ mà chúng ta có thể tìm được sau một cái nhấp chuột. Tuy nhiên để tìm được các trang web có uy tín, được thiết kế bởi các chuyên gia với mục đích sư phạm, chất lượng tốt người dạy phải mất nhiều thời gian và công sức. Theo kinh nghiệm của bản thân, tôi tự lập cho mình một danh bạ các trang web, liên quan tới các chủ đề của nội dung bài giảng có các yếu tố văn hóa cần khai thác. Danh bạ này cần liên tục được cập nhật bởi sẽ có những trang mất đi và trang mới được thiết lập. Nguồn tư liệu này rất phong phú, đa dạng về thể loại, dễ sử dụng.

Ví dụ :

  •  

Contenus socioculturels

Sites web

  1.  

Les salutations

 

 

 

 

“Tu” et “Vous”

  •  
  •  
  •  
  •  
  1. Những trải nghiệm thực tế của người dạy

Những trải nghiệm thực tế của người dạy trong quá trình tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là với người bản ngữ là một kho tư liệu sống trong tương tác văn hóa và giao tiếp liên văn hóa. Trong nhiều năm giảng dạy, tôi đã nghe rất nhiều câu hỏi của sinh viên như cô đã ra nước ngoài bao giờ chưa ? cô đã đến Pháp chưa ? Và thật may mắn là là những trải nghiệm của tôi trên đất Pháp và các nước Châu Âu đã có thể phần nào thỏa mãn sự tò mò của người học. Tôi đã chia sẻ với các sinh viên của mình những đồ vật nhỏ nhỏ mà tôi luôn lưu giữ sau mỗi chuyến đi để làm tư liệu dạy học như tấm bản đồ hệ thống giao thông công cộng của Paris, chiếc vé xe buýt, các loại tiền của các nước châu Âu, những tấm bưu ảnh, những bức ảnh chụp của tôi về cảnh quan và cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi tôi đã đi qua, cảm nhận của tôi về nước Pháp, người Pháp và nền văn hóa Pháp cũng như những câu chuyện nhỏ gây hiểu lầm trong tương tác giao văn hóa mà tôi đã trải qua. Thông qua những trải nghiệm của mình, tôi giảng dạy cho sinh viên của mình về vai trò của văn hóa trong giao tiếp ngôn ngữ, sự cần thiết phải mở rộng kiến thức nền của bản thân để nâng cao trình độ hiểu biết, để có cái nhìn khách quan hơn, đúng hơn về thế giới xung quanh, để khoan dung và tôn trọng sự khác biệt.

  1. Khai thác các yếu tố văn hóa trong giảng dạy ngoại ngữ

Từ vài thập kỷ nay, văn hóa được coi là phần không thể thiếu trong dạy - học ngoại ngữ và ngày càng trở nên quan trọng. Nếu như trước đây, người học tiếp cận với nền văn hóa nước ngoài qua văn học, các trích đoạn của các tác phẩm văn học được đưa vào chương trình giảng dạy ngoại ngữ để phục vụ đọc hiểu và thực hành dịch, phân tích cấu trúc ngữ pháp, lối diễn đạt tinh tế với các biện pháp tu từ thuần thục của người viết, thì ngày nay với sự phát triển vượt bậc và đa dạng của nguồn học liệu, người học tiếp cận với nền văn hóa nước ngoài một cách thực hơn so với sự mô tả qua sách vở, một nền văn hóa đời thường hơn, gần gũi hơn và mục đích của dạy văn hóa trong dạy ngoại ngữ không dừng ở việc cung cấp thông tin về nền văn hóa đích mà còn giúp người học có được kiến thức để thấu hiểu : hiểu mình và hiểu người trong mối quan hệ tương tác liên văn hóa.

Có nhiều cách tiếp cận để khai thác các yếu tố văn hóa trong dạy học ngoại ngữ như phương pháp mô tả (approche descriptive), phương pháp đối chiếu (approche contrastive), phương pháp chủ tố (approche thesmatique), phương pháp chủ cách (approche subjective) mà hiện nay vẫn còn được sử dụng để dạy văn hóa trong dạy học ngoại ngữ. Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi chỉ xin đề cập tới phương pháp tiếp cận giao văn hóa (approche interculturelle), được sử dụng để khai thác các yếu tố văn hóa trong dạy học ngoại ngữ ngày nay đồng thời đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện việc giảng dạy ngoại ngữ nói chung và dạy văn hóa trong dạy học ngoại ngữ nói riêng.

3.1. Phương pháp tiếp cận giao văn hóa (Approche interculturelle)

Khái niệm giao văn hóa, hiểu một cách đơn giản, được dùng để chỉ sự tương tác giữa hai nền văn hóa khác nhau. Đó là khi hai cá thể của hai nền văn hóa khác nhau trao đổi thông tin với nhau thông qua ngôn từ hoặc phi ngôn từ, ta có một tương tác giao văn hóa (hay còn gọi là giao thoa văn hóa). Sự tương tác này có thể diễn ra một cách suôn sẻ, tốt đẹp hoặc không dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau nhiều hay ít, sự tương đồng hoặc không tương đồng về các ẩn tàng văn hoá -Các giá trị, quan niệm, đức tin, phong tục, tập quán, trình độ văn minh, thể chế chính trị - xã hội, vv. – (Nguyễn Quang, 2008.). Trong quá trình tương tác đó, người ta thường nhìn đối tác (Người khác) dưới nhãn quan của mình và phán xét thái độ, hành vi, cách cư xử của họ dựa trên phông nền văn hóa của cá nhân mình. Quá trình tương tác này thường bị chi phối bởi các yếu tố sau :

- Khuôn mẫu và định kiến (stéréotype & préjugé) : Khuôn mẫu là một phương thức đánh giá bằng cách khái quát hóa một cách thái quá hiện thực khách quan từ một vài hiện tượng đơn lẻ để định hướng đánh giá. Các khuôn mẫu tạo ra sự nhìn nhận thiếu chính xác về các nhóm chủng tộc và văn hóa. Những đức tin mang tính khuôn mẫu làm chúng ta không thể nhìn nhận mọi người như những cá thể với những nét tính cách riêng biệt. Những khuôn mẫu tiêu cực sẽ dẫn đến định kiến: sự ngờ vực, sự thiếu khoan dung, hay sự thù hận đối với các nhóm văn hóa khác (Levine, Adelman).

- Bản tộc trung tâm (Ethnocentrisme) : đó là sự đề cao các giá trị, quan niệm, đức tin, thói quen, phong tục, hành vi ứng xử, phong cách giao tiếp … trong văn hoá của mình và coi những gì khác với “chuẩn mực” đó là “phi chuẩn mực”.

Thông thường, người ta sinh ra và lớn lên trong một nền văn hoá nhất định. Các ẩn tàng văn hoá của một xã hội trong đó người ta sống và các trải nghiệm mà  người ta có được cùng các hành vi ứng xử của số đông những người xung quanh giúp người ta hình thành “giản đồ văn hoá” (cultural schemata) cho chính mình. Giản đồ văn  hoá này được sử dụng như một công cụ để nhìn nhận, phán xét, lí giải... các hiện tượng và hành vi khác nhau. Người ta coi các giá trị, quan niệm, đức tin, thói quen, phong tục... của văn hoá mình là đúng đắn và các hành vi ứng xử của các thành viên trong cộng đồng của họ là phù hợp. Cái gì khác hoặc ngược lại đều ít nhiều bị nhìn nhận là tiêu cực (sai trái, dị thường, kì quặc...). Đây chính là biểu hiện của tính bản tộc trung tâm (Nguyễn Quang, Văn hóa, giao thoa văn hóa và giảng dạy ngoại ngữ, 2008)

- Mặc cảm (complexe) : là “một tập hợp những ước vọng, sợ hãi, cảm giác mang tính vô thức và  lẫn  lộn có ảnh hưởng đến hành vi của một người, đặc biệt là làm cho nó tồi tệ hơn”. (Nguyễn Quang, 2008.). Mặc cảm bao gồm “Mặc cảm tự  ti”- một trạng thái tâm lí trong đó.người ta tin rằng mình kém quan trọng, kém thông minh hơn nhiều so với người khác - và “Mặc cảm tự tôn”, một  trạng thái tâm lí trong đó người ta tin rằng mình quan trọng, thông minh hơn nhiều so  với người khác.

Trong  giao tiếp giao văn hóa, ở rất nhiều trường hợp cụ thể, chính giản đồ văn hóa của các đối tác cùng các tiền niệm sai lầm, cứng nhắc về người khác đã tạo ra những diễn giải sai lệch dẫn đến các cách hiểu sai lệch và gây ra sốc văn hóa. Và do bị sốc văn hóa, họ sẽ có những hành xử sai lệch dẫn đến tương tác sai lệch và tạo ra xung đột văn hóa. Và hậu quả tất yếu là sự ngừng trệ của quá trình tương tác và hợp tác.

Việc học một ngoại ngữ với những yếu tố văn hóa ẩn chứa bên trong nó giúp ta bước trên con đường tiệm cận tới một thứ “khác lạ” so với những gì mà ta ý thức được về cái “tôi” riêng có. Và quá trình học ngoại ngữ cũng chính là quá trình quan sát, tìm hiểu khám phá một ngôn ngữ với những đặc thù về từ vựng, ngữ pháp, cách vận hành của nó cũng như các qui ước chung về giao tiếp, lối nói, điển tích và các yếu tố văn hóa mà ngôn ngữ đó chuyển tải trong mối tương quan so sánh với ngôn ngữ nguồn của người học và nền văn hóa của họ. Qua đó người học tìm ra những nét tương đồng và khác biệt giữa ngôn ngữ của họ và ngôn ngữ đích, giữa nền văn hóa mà họ thuộc về với nền văn hóa của ngôn ngữ đích. Quá trình tìm hiểu ngôn ngữ và văn hóa của “Người khác” cũng làm cho người học hiểu hơn về ngôn ngữ và văn hóa của mình. Đó chính là phương pháp tiếp cận giao văn hóa. Phương pháp tiếp cận này kích thích trí tò mò của người học, làm cho họ thấy hứng thú trong việc phát hiện, tìm ra những điều mới mẻ, thậm chí ngay cả đối với những vấn đề mà người học vốn chỉ biết chấp nhận như một điều hiển nhiên trong ngôn ngữ, văn hóa của mình và chưa bao giờ tự đặt câu hỏi “Vì sao”, “Tại sao lại như vậy”. Chẳng hạn như khi học tiếng pháp, các sinh viên Việt Nam luôn thấy nản lòng khi phải nhớ các mạo từ đặt trước danh từ với những biến đổi hình thái của chúng như : une maison, un arbre, des amis, le Vietnam, la France, les Etats-Unis, du poulet, de la bière, des fruits và thường nảy sinh một thái độ tiêu cực đối với tiếng Pháp khi so sánh hiện tượng này với tiếng Việt. Trong tiếng Việt, đối với các danh từ, chúng ta chỉ cần nói : nhà, cây, bạn, Việt Nam, Pháp, Mỹ, thịt gà, bia, trái cây mà không cần phải thêm từ. Tuy nhiên khi yêu cầu sinh viên Việt Nam giải thích hiện tượng và cách sử dụng các từ như : bông hoa, nải chuối, buồng cau, tầu lá, con dao, cái kéo, tờ lịch, mẩu gỗ, thanh tre, quả trứng, tấm bản đồ, … thì họ lúng túng, bối rối và qua đó thấy được phần nào những khó khăn của người nước ngoài khi học tiếng Việt. Phương pháp tiếp cận giao văn hóa không chỉ nghiên cứu tính khác biệt mà còn để ta suy ngẫm về văn hóa của mình, nhìn nhận lại mình trong mối tương giao với Người khác. Những so sánh, đối chiếu trong quá trình tiếp cận cái mới khiến người học hiểu và chấp nhận những điều khác biệt và có thái độ tích cực trong nhận thức, thụ đắc ngôn ngữ và văn hóa đích.

Việc dẫn dắt người học trên con đường tìm hiểu, khám phá đầy thú vị đó chính là vai trò của người thầy. Bằng phương pháp tiếp cận giao văn hóa, người dạy, ngoài việc cung cấp các kiến thức ngôn ngữ cho người học còn giúp họ nâng cao nhận thức về những tương đồng và dị biệt  trong các ẩn tàng văn hóa như: giá trị, quan niệm, đức tin, phong tục, tập quán, truyền thống, cấm kị, phong cách tương tác, trình độ văn minh ... Việc ý thức được những tương đồng và dị biệt này sẽ giúp người học khi tham gia vào các hoạt động giao tiếp giao văn hóa nâng cao được độ nhạy cảm, tránh được tính cố chấp, giáo điều, khuôn mẫu hóa, định kiến, bản tộc trung  tâm, mặc cảm (tự ti, tự tôn) và tạo ra tính phù hợp trong các hoạt động giao thoa văn hóa.

3.2. Một số đề xuất trong việc khai thác các yếu tố văn hóa trong dạy học ngoại ngữ. 

- Các yếu tố văn hóa cần được lồng ghép vào việc giảng dạy ngôn ngữ mỗi khi có thể. Ở mỗi bài học, hầu như đều có các yếu tố văn hóa cần được khai thác ở góc độ này hay góc độ khác. Chẳng hạn như trong tiếng Pháp, các nghi thức giao tiếp sẽ được đưa vào bài giảng khi dạy cách chào hỏi, sử dụng các đại từ nhân xưng “Tu” và “Vous” trong tiếng Pháp ; một khu phố Pháp với những công trình công cộng, các cửa hiệu và những nét đặc trưng của nó khi dạy từ vựng liên quan tới thành phố, các địa danh trong thành phố, cách định vị một vật trong không gian; thói quen văn hóa của người pháp mỗi khi đi du lịch khi dạy cách viết thư trên một tấm bưu ảnh gửi cho gia đình, bạn bè để chia sẻ với họ những cảm nhận về nơi đến thăm, về thời tiết và các hoạt động trong kỳ nghỉ; thái độ của người Pháp với các con vật nuôi trong gia đình khi dạy các động từ diễn đạt sở thích, vv. Để cho việc giảng dạy văn hóa diễn ra một cách có hệ thống trong dạy học ngoại ngữ, khi chuẩn bị bài giảng, giáo viên cần xác định mục tiêu ngôn ngữ, mục tiêu giao tiếp, mục tiêu về kiến thức, thái độ và kỹ năng liên văn hóa mà người học phải đạt được cũng như thời gian thích hợp dành cho mỗi mục tiêu đó trong từng bài giảng.

- Các hoạt động học tập trên lớp cần đa dạng, ngắn gọn, hấp dẫn. Giáo viên nên đặt các câu hỏi gợi mở, dẫn dắt để học sinh quan sát các hiện tượng ngôn ngữ, các tình huống giao tiếp, từ đó tự phát hiện ra vấn đề, đưa ra nhận xét, phán đoán, giải thích và tìm ra qui tắc. Tùy thuộc vào quỹ thời gian, phân phối chương trình, giáo viên có thể lôi cuốn người học vào các hoạt động văn hóa phong phú trong lớp như thuyết giảng, đóng vai, mô phỏng, đóng kịch, thuyết trình, và tổ chức các hoạt động ngoại cho sinh viên như dạ hội, thi tìm hiểu ngôn ngữ và văn hóa của các nước mà sinh viên đang theo học; khuyến khích sinh viên tham gia các hội thảo văn hóa, các hoạt động trao đổi giao lưu văn hóa với nước ngoài bằng cách cung cấp cho sinh viên các thông tin cần thiết như chương trình hoạt động văn hóa của các trung tâm văn hóa nước ngoài (Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Pháp, Trung tâm văn hóa Nga, …) như xem phim, hòa nhạc, triển lãm, tọa đàm, các lễ hội truyền thống … để sinh viên có cơ hội tiếp cận với ngôn ngữ và nền văn hóa đích, để có những trải nghiệm cá nhân về giao tiếp giao văn hóa và mở rộng tầm hiểu biết, là động cơ để họ phấn đấu học tập tốt hơn.

- Với vai trò là người hướng dẫn và đào tạo, truyền thụ kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa, giao thoa văn hóa, giáo viên cần phải có những kiến thức và kỹ năng cần thiết về văn hóa nói chung và giao tiếp giao văn hóa nói riêng. Người dạy cần phải được trang bị cả kiến thức nền (phông văn hóa) và kiến thức chuyên môn tốt. Điều này liên quan tới quá trình đào tạo và tự đào tạo. Theo giáo sư Nguyễn Quang (Văn hóa, giao thoa văn hóa và giảng dạy ngoại ngữ, 2008), các nhà nghiên cứu về giao thoa văn hóa, dân tộc học giao tiếp, giao tiếp giao văn hóa đều đồng thuận và đưa ra những phẩm chất cần thiết đối với những người tham gia vào các hoạt động giao thoa văn hóa. Đó là những phẩm chất, theo tôi, không chỉ cần thiết đối với những người tham gia vào các hoạt động giao thoa văn hóa mà còn đặc biệt cần thiết đối với những người làm công tác đào tạo, các giáo viên dạy ngoại ngữ bởi vì họ và công việc của họ chính là cây cầu nối giữa các nền văn hóa, các dân tộc trên thế giới với nhau trong sự giao lưu, hợp tác và cùng phát triển. Dưới đây tôi xin trình bày tóm lược những phẩm chất đó, những phẩm chất mà tôi cho là không thể thiếu đối với giáo viên ngoại ngữ, những người trực tiếp đào tạo các nhân tố tham gia vào các tương tác giao văn hóa. Và vì vậy, đây cũng chính là những phẩm chất mà các giảng viên ngoại ngữ cần hình thành ở người học, những nhân tố chủ chốt trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước trong tương lai :

* Thay đổi về nhận thức : nhận thức được rằng tất cả các nền văn hóa đều bình đẳng nhưng khác biệt : điều ta cho là đúng, là tốt, tích cực ... trong văn hóa của ta không phải lúc nào cũng như vậy trong văn hóa khác. Cái có thể dẫn đến thành công trong văn hóa của ta chưa hẳn đã dẫn đến thành công trong văn hóa khác và ngược lại.

* Có ý thức về dị biệt trong các ẩn tàng văn hóa và những khu vực dễ gây sốc trong giao thoa văn hóa: các giá trị, quan niệm, đức tin ... trong các văn hóa khác nhau, ở các mức độ khác nhau, đều khác nhau.

* Tiếp nhận một cách xây dựng và có phê phán “cái mới”, “cái chưa biết” của văn hóa đích hoặc nẩy sinh trong quá trình giao thoa văn hóa.

* Tránh phán xét các thành viên thuộc nền văn hóa đích theo các ẩn tàng văn hóa của văn hóa nguồn. Cần tìm hiểu và phán xét nền văn hóa đích một cách khách quan, công bằng để có thể hiểu được tại sao cái mà ta tin là đúng, là hay, là tốt ... trong nền văn hóa nguồn lại bị phán xét một cách tiêu cực trong nền văn hóa đích và ngược lại.

* Học cách khoan dung: khoan dung thậm chí đối với cả những điều không thể ; nghiêm khắc với bản thân và khoan dung với người khác.

* Nhạy cảm và có đầu óc quan sát:  Quan sát các cách thức hành xử, các  phản ứng thái độ và tình cảm của đối tác thuộc phông nền văn hóa đích  trong các tương tác đặc thù để có các hành vi phù hợp.

* Tôn trọng đối tác:  Việc lưu tâm, giữ gìn và đề cao thể  diện của đối tác sẽ  tạo thuận lợi cho tương tác và hợp tác.

* Xóa bỏ tư tưởng bản tộc trung tâm: Tính bản tộc trung tâm dễ tạo ra thái độ coi thường, khắt khe, nghiệt ngã ... đối với những người thuộc phông nền văn hóa khác.

* Không khuôn mẫu hóa: Khuôn mẫu hóa làm sơ cứng cách thức nhìn nhận  của ta về những người thuộc phông nền văn hóa khác.

* Không định kiến: Định kiến là sản phẩm của của khuôn mẫu hóa tiêu cực,  của sự thiếu hiểu biết và thiếu tiếp xúc.

* Không mặc cảm: Mặc cảm dễ dẫn đến các hành vi thụ động và thái độ yếm thế hoặc thái độ coi thường.

Ngôn ngữ được sử dụng trong khi dạy văn hóa thường là tiếng mẹ đẻ. Điều này đảm bảo sinh viên hiểu rõ những yêu cầu do giáo viên đề ra và cho phép sinh viên có thể đưa ra ý kiến nhận xét, tham gia thảo luận một cách sôi nổi về một vấn đề văn hóa, ngôn ngữ.

Các giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy dành cho sinh viên và giáo viên phải là/nên là các tài liệu gốc, nguyên bản, tránh dùng sách, tài liệu phô-tô vì dùng tài liệu phô-tô đen trắng, chất lượng thường rất kém khiến cho việc khai thác các yếu tố văn hóa dựa trên hình ảnh rất khó khăn cho người dạy và hầu như không thể. Điều này làm giảm đi sự hứng thú, hấp dẫn trong giờ học. Nhà trường có thể đầu tư sách gốc và cho sinh viên mượn và sẽ phạt nặng nếu họ làm hỏng hoặc mất.

Để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nhà trường cần tạo điều kiện để các giảng viên ngoại ngữ được đào tạo, nâng cao trình độ, tập huấn thường xuyên  ở nước ngoài, để họ có cơ hội trải nghiệm với ngôn ngữ và văn hóa của ngôn ngữ mà họ đang giảng dạy. Điều này rất quan trọng vì chúng ta có thể đọc nhiều sách, xem nhiều phim, nghe kể nhiều chuyện nhưng những trải nghiệm thực tế bao giờ cũng là những bài học quý báu về giao tiếp giao văn hóa. Ngoài việc nâng cao kiến thức ngôn ngữ, năng lực giảng dạy, những trải nghiệm mà họ có được trong tiếp xúc với người bản ngữ và nền văn hóa của họ thực sự là những tư liệu quý giá để chúng ta hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ dạy học ngoại ngữ nói chung và các yếu tố văn hóa trong hoạt động dạy ngoại ngữ nói riêng.

Kết luận

Mục đích của quá trình dạy và học ngoại ngữ là người học phải đạt được năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ mình học. Năng lực giao tiếp bao gồm khả năng ngôn ngữ và khả năng sử dụng phương tiện ngôn ngữ phù hợp với những quy ước giao tiếp của cộng đồng người trong một xã hội nhất định. Do vậy, muốn giao tiếp thành công, người học không những phải nắm chắc hệ  thống hình thái ngôn ngữ mà còn phải hiểu và sử dụng được những quy ước văn hóa giao tiếp  của cộng đồng người bản ngữ. Trong quá trình dạy ngoại ngữ, việc đưa các yếu tố văn hóa vào  bài giảng theo hướng tiếp cận giao văn hóa cho phép, một mặt, tạo hứng thú cho người học trong quá trình tiếp nhận các kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa, phát triển năng lực giao tiếp, mặt khác, hình thành ở người học những phẩm chất cần thiết trong tương tác giao văn hóa, phát triển nhận thức, mở rộng tầm hiểu biết, và như tinh thần của “Thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững” do UNESCO phát động, hiểu biết để chấp nhận, hiểu biết để khoan dung, hiểu biết để hợp tác và hiểu biết để vươn tới một sự phát triển bền vững (Nguyễn Quang, 2008).

 

Tài liệu tham khảo

 

  1. MURILLO, J-S. & HERNANDEZ, G-S., Quelques pistes pour aborder la culture en classe de FLE, Letras 53 (2013)
  2. AMIREAULT, V., La rencontre des langues et cultures d’enseignement/apprentissage du français langue étrangère dans le système universitaire chinois, Pays Riverains du Mékong n°4- 2012 pp. 51-63.
  3. WINDMULLER, F., “Apprendre une langue, c’est apprendre une culture.» Leurre ou réalité ? Giessener elektronische bibliothek 2015.
  4. BLANCHET, P., L'approche interculturelle en didactique du FLE, Cours d’UED de Didactique du Français Langue Étrangère de 3e année de Licences, Novembre 2004.
  5. LEYLAVERGNE, J – PARRA, A., La culture dans l’enseignement et l’appretissage d’une langue étrangère, nº 13 julio - diciembre, 2010
  6. ZARATE, G., Enseigner une culture étrangère, Paris, Hachette, 1986.
  7. NGUYEN Quang, Văn hóa, giao thoa văn hóa và giảng dạy ngoại ngữ, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Ngoại ngữ 24 (2008) 69-85.
  8. NGUYEN Đăng Sửu, Yếu tố văn hóa trong dạy -  học ngoại ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ & đời sống, Số 12 (230)-2014.
  9. LÊ Viết Dũng, Giao thoa văn hóa trong dạy-học ngoại ngữ : về một vài thói quen trong giao tiếp của người Việt ảnh hưởng đến việc học ngoại ngữ, http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-hoc-ung-dung/van-hoa-giao-tiep/1143-le-viet-dung-giao-thoa-van-hoa-trong-day-hoc-ngoai-ngu.html

 

 

Phụ lục

Phiếu khảo sát sinh viên

  1. Theo anh (chị), trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc biết một ngoại ngữ là 
  • cần thiết
  • không cần thiết
  1. Anh (chị) chọn học tiếng Pháp vì ….
  • Tiếng Pháp là một trong các ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trên thế giới.
  • Tốt cho công việc trong tương lai.
  • Muốn đi du học tại Pháp
  • Muốn tìm hiểu về đất nước, con người và nền văn minh Pháp
  • Không thể đăng kí được các ngôn ngữ khác
  • Đã được học tiếng Pháp ở các bậc phổ thông.
  • Tiếng Pháp là một ngôn ngữ hay.
  • Dễ đạt điểm số cao.
  • Giáo viên dễ tính, thoải mái.
  • Lý do khác (Làm ơn xin nêu rõ) : ………………………………………………..
  1. Hoạt động nào trong giờ học ngoại ngữ khiến anh chị cảm thấy hứng thú nhất ? (Nếu anh chị lựa chọn nhiều phương án, xin vui lòng đánh số thứ tự vào bên cạnh lựa chọn của mình).
  • Nghe đoạn băng
  • Làm việc nhóm
  • khám phá/tìm hiểu các thông tin về đất nước, con người và nền văn hóa Pháp.
  • Học ngữ pháp.
  • Tập phát âm/tập đọc.
  • Làm bài tập trong sách
  • Hoạt động khác (Làm ơn xin nêu rõ) : ………………………………………….
  1. Anh/chị cảm thấy thế nào mỗi khi vào học giờ tiếng Pháp ?
  • Thoải mái, vui vẻ
  • Căng thẳng
  • Hứng thú
  • Không thoải mái/khó chịu
  • Miễn cưỡng
  • Không quan tâm
  • Trạng thái khác (Làm ơn xin nêu rõ) : …………………………………………..

 

Kết quả khảo sát

Bản câu hỏi được phát cho 54 sinh viên đang học tiếng Pháp học phần1 và học phần 2 tại trường. Dưới đây là kết quả khảo sát :

  1. Theo anh (chị), trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc biết một ngoại ngữ là 
  • cần thiết                                                                                                                       54 phiếu
  • không cần thiết                                                                                                            0 phiếu
  1. Anh (chị) chọn học tiếng Pháp vì ….
  • Tiếng Pháp là một trong các ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trên thế giới.              16 phiếu
  • Tốt cho công việc trong tương lai.                                                                               08 phiếu
  • Muốn đi du học tại Pháp                                                                                             10 phiếu
  • Muốn tìm hiểu về đất nước, con người và nền văn minh Pháp                                               27 phiếu
  • Không thể đăng kí được các ngôn ngữ khác                                                               10 phiếu
  • Đã được học tiếng Pháp ở các bậc phổ thông.                                                 02 phiếu
  • Tiếng Pháp là một ngôn ngữ hay.                                                                               27 phiếu
  • Dễ đạt điểm số cao.                                                                                         09 phiếu
  • Giáo viên dễ tính, thoải mái.                                                                           12 phiếu
  • Lý do khác (Làm ơn xin nêu rõ) : bạn cũng chọn                                                       01 phiếu         
  1. Hoạt động nào trong giờ học ngoại ngữ khiến anh chị cảm thấy hứng thú nhất ? (Nếu anh chị lựa chọn nhiều phương án, xin vui lòng đánh số thứ tự vào bên cạnh lựa chọn của mình).
  • Nghe đoạn băng                                                                                                          13 phiếu
  • Làm việc nhóm                                                                                                           04 phiếu
  • khám phá/tìm hiểu các thông tin về đất nước, con người và nền văn hóa Pháp.                     42 phiếu
  • Học ngữ pháp.                                                                                                15 phiếu
  • Tập phát âm/tập đọc.                                                                                       27 phiếu
  • Làm bài tập trong sách                                                                                                11 phiếu
  • Hoạt động khác (Làm ơn xin nêu rõ) : nghe nhạc, xem phim                                     02 phiếu
  1. Anh/chị cảm thấy thế nào mỗi khi vào học giờ tiếng Pháp ?
  • Thoải mái, vui vẻ                                                                                                        37 phiếu
  • Căng thẳng                                                                                                      01 phiếu
  • Hứng thú                                                                                                         23 phiếu
  • Không thoải mái/khó chịu                                                                                           01 phiếu
  • Miễn cưỡng                                                                                                     02 phiếu
  • Không quan tâm                                                                                                         0 phiếu
  • Trạng thái khác (Làm ơn xin nêu rõ) : lo lắng                                                 01 phiếu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TẠO HỨNG THÚ HỌC TIẾNG PHÁP THÔNG QUA VIỆC LỒNG GHÉP KIẾN THỨC NGÔN NGỮ BỔ TRỢ CHO SINH VIÊN TRONG KHÓA HỌC Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI.

Cử nhân Nguyễn Trường Giang [15]

 

  1. Lời mở đầu  :

      Môn tiếng Pháp đã đươc giảng dạy trong trường  Đại học luât  Hà Nội kể từ năm học 1989-90, từ khóa 14. Đươc đưa vào giảng dạy sau tiếng Nga nhiều năm và sau một năm so với môn tiếng Anh, môn học đã trải  qua nhiều thay đổi. Từ hình thức đào tao niên chế sang hình thức đào tao tín chỉ, thay đổi về thời lượng giảng dạy, từ 450 tiết sang 280 tiết và hiện nay là 150 tiết hay thay đổi về giáo trình...(các giáo trình đã được đưa vào giảng dạy là các giáo trình : intercode,  sans frontièrenouvelle espace và hiện nay là giáo trình alter ego.

-  Đối tượng sinh viên theo học tiếng Pháp cũng có nhiều thay đổi. Trước đây các sinh viên  học tiếng Pháp bao gồm các sinh viên đã từng học tiếng Anh, tiếng Nga, và một số ít đã từng học tiếng Pháp ở bậc phổ thông, thâm trí có một số sinh viên chưa học ngoai ngữ nào trước khi vào trường. Tuy nhiên kể từ những năm học gần đây thì các sinh viên theo học tiếng Pháp đa số đều đã học tiếng Anh từ trước.Theo thăm dò của cá nhân tôi tại các lớp học do tôi trực tiếp giảng dạy thì có tới 99,9 các sinh viên theo học tiếng  Pháp đã và đang học tiếng Anh. Trình độ tiếng Anh của các sinh viên này là không đồng đều, hơn nữa các kiến thức cơ bản về ngôn ngữ nói chung cũng còn nhiều khiếm khuyết.

- Với thời lượng 150 tiết và mục tiêu đạt được là trình độ A1 theo khung tham chiếu Châu Âu thì việc thưc hiện đầy đủ nội dung theo tiến trình đề cương môn học và rèn luyện các kỹ năng đã chiếm hầu hết thời gian giờ giảng. Nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi thì  sinh viên với những đặc thù riêng ( đã học một ngoại ngữ khác- không phải tiếng Pháp, chương trình giảng dạy chỉ dừng lại ở trình độ A) cần thêm một phần nhỏ kiến thức về đại cương ngôn ngữ.

Trên quan điểm tạo “ cầu nối ” kiến thức nhằm giúp sinh viên tiếp cận nội dung kiến thức môn tiếng Pháp dễ dàng hơn thì các phương pháp so sánh, đối chiếu là nhưng phương pháp khoa học không mới, có thể áp dụng được. Tuy nhiên, việc lồng ghép nội dung giảng dạy ngoài nội dung đề cương môn học cần tuân thủ là : không chiếm dụng quá nhiều thời lượng giờ giảng và trên hết là phải hoàn thành nội dung giảng dạy theo tiến trình. Chính vì lẽ đó tôi đã soạn giáo án theo nguyên tắc phù hợp với từng bài giảng đồng thời chọn lọc và đưa vào những kiến thức ngoài đề cương môn học, nhưng là những kiến thức  nằm ngoài nội dung kiểm tra, đánh giá.

-  Trong qúa  trình soạn giáo án và thực tế trong giờ giảng tôi đã đưa lồng ghép vào nội dung bài giảng những kiến thức bổ trợ nhằm giúp sinh viên có thêm một số kiến thức về ngôn ngữ có liên quan trước khi đi sâu vào từng vấn đề cụ thể của tiếng Pháp theo nội dung đề cương môn học. Những vấn đề chính là :

-  Ảnh hưởng của tiếng Pháp đối với tiếng Việt và những khác biệt về ngữ âm.

-  Mối tương quan giữa tiếng Pháp và tiếng Anh.

         Điều bất ngờ xảy ra là đa số sinh viên đã đón nhận kiến thức đưa vào với sự        chăm  chú và hứng khởi.              

  •   Trước khi viết tham luận này, tôi đã trăn trở chọn lựa nội dung vấn đề cụ thể trong giảng dạy ngoại ngữ .Ví dụ như : một vấn đề ngữ pháp chuyên sâu hay vấn đề ngữ âm so sánh  hoặc kiến thức về văn hóa (là phần kiến thức môn đất nước học) ..... Tuy nhiên những vấn đề đó tôi chưa có những thử nghiệm trong giờ giảng nhiều hoặc đã từng đưa vào giảng dạy ở mức độ sâu hơn (ví dụ như vấn đề mạo từ - article trong tiếng Pháp) đáng tiếc là phản hồi của sinh viên chỉ cho thấy sự mệt mỏi, quá tải...điều đó cũng hoàn toàn đúng với đặc thù khóa học 150 tiết hiện nay (kiến thức ngữ pháp hạn chế, từ vựng còn quá ít, không đủ thời lượng rèn luyện kỹ năng cơ bản ..). Và như vậy về mặt thực tế thì cho thấy không phù hợp với chủ đề  hội thảo đặt ra. Nên sự lựa chọn cuối cùng của tôi là chỉ đưa ra những nội dung thực sự đã mang lại hứng thú cho sinh viên trong thực tế giảng dạy .
  • Một lý do nữa thúc đẩy tôi đi đến lựa chọn này đó là căn cứ vào phát biểu chỉ đạo của hiệu phó- phụ trách trực tiếp bộ môn ngoại ngữ  -  Lan Anh trong buổi dự họp cuối năm 2016 khi đề cập đến hội thảo khoa học ở bộ môn ngoại ngữ, đó là “ ...hãy để họ - những giảng viên viết điều họ muốn .......” tôi hiểu điều này đồng nghĩa với việc mỗi giảng viên cần chịu trách nhiệm về bài viết của mình dưới mọi góc độ.

Trong khuôn khổ hội thảo này tôi xin trình bày tham luận với những nội dung mà tôi đã nghiên cứu và áp dụng trong  một số giờ giảng của riêng cá nhân tôi, với những  phản hồi tích cực từ sinh viên.

II.NỘI DUNG

Các nội dung về ngôn ngữ lồng ghép vào giờ giảng :

II.1 Ngôn ngữ biến hình và ngôn ngữ không biến hình (đơn lập):

Theo các nhà ngôn ngữ học thì tên gọi đầy đủ về ngôn ngữ biến hình là ngôn ngữ có biến hóa hình thái và ngược lại ngôn ngữ đơn lập (không biến hình)ngôn ngữ không có biến hóa hình thái. Các khái niệm về ngôn ngữ nói chung và phân loại ngôn ngữ do các nhà ngôn ngữ học đưa ra trên các cơ sở và căn cứ khoa học. Đối với sinh viên của khóa học tiếng pháp này thì việc tìm hiểu sâu kiến thức về dẫn luận ngôn ngữ là không cần thiết. Điều cần ghi nhận đó là :

 - Tiếng Pháp thuộc hệ ngôn ngữ Ấn –Âu, nghành romance (Italic - la tinh) có     nguồn hy lạp (gồm những ngôn ngữ:  Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha ,Pháp , Ý, Romani) là ngôn ngữ có biến hóa hình thái .

- Tiếng Việt (thuộc hệ ngôn ngữ Nam Á, nghành môn khmer, là ngôn ngữ không có biến hóa hình thái (đơn lập)

Thông qua các ví dụ dưới đây để thấy sự khác biệt :

-  Xem xét ở cấp độ TỪ, có 5 loại từ tiếng Pháp có thể biến dạng. Đó là : mạo từ, danh từ, động từ, tính từ và đại từ . Trước hết là động từ tiếng Pháp.

So sánh các câu tiếng Pháp và tiếng Việt tương đương về mặt nghĩa dưới đây.:

 

Il    parle  vietnamien.

Nous  parlons vietnamien.

Ils   parlent  vietnamien.

Anh  ấy  nói  tiếng Việt.

Chúng  tôi  nói tiếng Việt.

       Họ nói tiếng Việt.

 

Trong đó động từ tiếng Pháp là parler được nhận diện do khả năng biến dạng theo ngôi ( il – ngôi thứ 3 số ít , giống đực và nous- ngôi thứ 2 số nhiều, ils – ngôi thứ 3 số nhiều) còn trong tiếng Việt động từ nói không thay đổi( tiếng Việt không có phạm trù ngôi).

Ví dụ thứ 2 liên quan đến danh từ

 

Un étudiant et une étudiante .

 

Des étudiants et des étudiantes

một nam sinh viên và một nữ sinh viên

những nam sinh viên và những nữ sinh viên.

 

Ở đây danh từ étudiant đã biến dạng theo giống(tạo thành danh từ giống cái) và biến dạng theo s(tạo thành danh từ số nhiều)

Hiện tượng biến dạng đối với danh từ trong tiếng Nga không chỉ với các phạm trù giống hoặc số mà còn xảy ra với phạm trù cách. (Có thể nói tiếng Nga là một trong những ngôn ngữ điển hình có biến hóa hình thái).

- Còn có thể lấy các dẫn chứng một từ loại khác trong tiếng Pháp để làm rõ sự khác biệt đó là tính từ. Cụ thể là tính từ chỉ định (adjectifs démonstratifs) là một trong những nội dung ngữ pháp trong học phần I của chương trình tiếng Pháp đang giảng dạy.

 

                             Ce  livre

 

Cet étudiant

 

Cette étudiante

 

Ces étudiants

 

                   Quyển sách này

 

Nam sinh viên này

 

Nữ sinh viên này

 

Những sinh viên này

 

 

Tính từ chỉ định CE biến đổi theo giống, số của danh từ : với danh từ livre (quyển sách) –là một danh từ giống đực, là từ mở đầu bằng phụ âm /l/ còn với danh từ étudiant  là danh từ giống đực nhưng mở đầu bằng nguyên âm /e/  nên tính từ này cũng biến đổi hình thức  thành CET.

Đa số các giáo trình tiếng Pháp (đã áp dụng giảng dạy) đều được biên soạn hướng tới người học ở các quốc gia khác nhau nên trong phần từ vựng đa ngôn ngữ (lexique multilingue) luôn có phần từ vựng tương ứng bằng các thứ ngôn ngữ  khác nhau và luôn có tiếng Anh. Đây là điểm thuận lợi đối với sinh viên đã học tiếng Anh theo học tiếng Pháp. Cho dù phần từ vựng này không phải là từ điển song ngữ nhưng sinh viên có trình độ tiếng Anh nhất định vẫn có thể sử dụng được. Thông qua việc giới thiệu giáo trình (một trong những nội dung giảng dạy ở bài số 0 (dossier zero) tôi thường dành một phần thời gian để cùng với sinh viên làm rõ các chữ viết tắt về từ loại (ví dụ pr- pronom, hay adj – adjectif., n.f – nom feminin.......) trong mục lexique qua đó đặt câu hỏi kiểm tra hiểu biết các chức năng từ loại trong ngôn ngữ nói chung. Cụ thể, yêu cầu đặt ra với sinh viên là : “ hãy nêu chức năng của đại từ trong tiếng việt và ngôn ngữ nói chung !” Chính những dạng câu hỏi này đã tạo hứng thú nhiều hơn trong giờ học. Hầu hết đa số sinh viên không biết rằng  chữ “ đại ” trong từ “ đại từ  ” có  nghĩa là thay thế, thay mặt..(nghĩa hán) như trong các từ đại diện , đại lý ....hoặc từ pronoun ( tiếng Anh), từ pronom (tiếng Pháp) đều xuất phát từ thuật ngữ tiếng Latin pronomen có nghĩa là “thay cho tên gọi ”. Hoặc một yêu cầu  khác tôi cũng thường đặt ra với sinh viên là : Hãy nêu những giá trị của từ loại - động từ  trong tiếng Việt và ngôn ngữ nói chung !. Đa số sinh viên chỉ nêu được một phần giá trị là từ chỉ hành động, hoạt động.....mà quên rằng động từ còn chỉ trạng thái .

Có thể giúp sinh viên hiểu sâu hơn về chức năng (fonctions) của đại từ. (các chức năng thay thế của đại từ trong tiếng Việt và tiếng Pháp là khá tương đồng). Điều này tùy thuộc linh hoạt vào thời lượng giờ giảng.

Các từ loại khác như danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, liên từ ....ở các ngôn ngữ khác nhau có những đặc điểm cơ bản giống nhau nhưng nếu đi sâu hơn tìm hiểu thì lại có nhiều khác biệt và không cần thiết với sinh viên khóa học.

II.2 Ảnh hưởng của tiếng Pháp đối với tiếng Việt và những khác biệt về ngữ âm :

A/ - Tiếng Việt và tiếng Pháp thuộc hai hệ thống ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau nhưng xét về mặt ngữ âm thì tiếng Việt và tiếng Pháp là hai ngôn ngữ không sử dụng phương pháp trọng âm từ (đây là điểm khác biệt so với tiếng Anh và tiếng Nga). Bảng chữ cái tiếng Pháp có 26 chữ, bảng chữ cái tiếng việt có 29 chữ .

B / Theo lịch sử ,bắt đầu từ thế kỷ XVIII tiếng Pháp vào Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung đầu tiên qua những thương nhân, những nhà thám hiểm, sau đó ngôn ngữ này được sử dụng trong những văn bản hành chính, tư pháp ở các cơ quan quản lý hành chính thực dân, ở tòa án ..và hơn hết là trong các trường học do người Pháp dựng nên. Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX thì tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính  trong các trường học, là ngôn ngữ dành cho giới quý tộc phong kiến hay tầng lớp trên trong xã hội. Phần lớn người việt thời bấy giờ không nói được thành thạo tiếng Pháp, chỉ có một thứ ngôn ngữ pha trộn tiếng Việt và một phần tiếng Pháp được gọi là tiếng ‘tây bồi’. Sau năm 1954 thì tiếng Pháp không còn hiện diện ở miền bắc nhưng vẫn được sử dụng trong trường học và các cơ quan hành chính ở miền nam.

Hệ quả là xuất hiện một số lượng từ vay mượn gốc tiếng Pháp trong tiếng Việt. Những từ chỉ đồ vật , thực phẩm và từ liên quan đến các nghành khoa học như : hóa học, vật lý ,lịch sử, địa lý, khoa học tự nhiên  nói chung và đặc biệt là các công nghệ đã được đưa vào Việt Nam thời đó.

Các từ thuộc lĩnh vực khoa học : axit (acide), phốt-pho (phosphore) i-ốt (iode)  cồn (alcool), suyn-phát (sulfate) véc-tơ (vecteur), am-pe(ampère) , amip (amipe) , ki- lo- gam ( kilogramme), ........

Các từ chỉ chi tiết máy , dụng cụ  kỹ thuật , vật liệu...:  bê-tông (béton), mát-tít( mastic), pit-tông(piston), lò-xo (ressort), cáp (câble), lốp (enveloppe), xú-páp(soupape), bom (bombe), phanh xe (frein), ắc-quy (accumulateur) líp (libre), săm (chambre) đèn pha (phare) , cao su(caouchouc), xi-lanh ( cylindre) ........

Các từ thuộc lĩnh vực thực phẩm : bơ ( beurre), rượu vang (vin), ba-tê (paté) sâm-banh (champagne) , pho mát (fromage), xalát (salade), cà-rốt(carotte) cà phê (café), mù-tạt (mutat) .....

: búp bê ( poupée) , khăn mùi xoa (mouchoir), ca- vát (cravate), va-li (valise)  ôtô buýt (autobus), áo sơ-mi (chemise), xà phòng (savon), nhà ga (gare), xăng (essence), phim (film ), sếp (chef) , phát- xít ( faciste) két ( caisse), ga-ra ( garage) , xiếc (cirque ) ...........theo nhà nghiên cứu ngôn ngữ Sabine Huỳnh thì có khoảng gần 600 từ gốc tiếng Pháp được đưa vào tiếng Việt dạng vay mượn (les emprunts – đây là một đề tài nghiên cứu khá thú vị, vì khi nghiên cứu sâu thì có nhiều cơ chế vay mượn từ vựng từ các ngôn ngữ khác nhau).

- Việc ra đời hệ thống ký tự sử dụng chữ La tinh chuyển tải ngữ âm ngôn ngữ nói tiếng Việt vào thế kỷ XVII (nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes  có đóng góp lớn) đã tạo nên chữ quốc ngữ , được dùng tới hiện nay.Việc la tinh  hóa chữ viết tiếng Việt cũng góp phần làm dễ dàng hơn quá trình du nhập từ ngữ tiếng Việt gốc Pháp (trước khi có chữ viết La tinh người Việt sử dụng chữ Hán và chữ Hán –Nôm ở Việt Nam). Một số lượng lớn từ việt gốc pháp được sử dụng trong các nhà máy, công xưởng, hầm mỏ và ở các khu chợ, chủ yếu để chỉ các dụng cụ, chi tiết máy... liên quan đến máy móc và các công nghệ đến từ phương tây thời đó.

  Không chỉ các danh từ tiếng Pháp đã Việt hóa và đưa vào từ điển mà cách dùng từ tiếng Pháp (phát âm theo ngôn ngữ tây bồi ) xen tiếng Việt trong lối nói vẫn còn tới hiện nay. Ví dụ :khi nói về địa chỉ nhà ngõ,  nghách  thì người miền nam vẫn dùng từ sẹc ( sur) : nhà số 3 ngách 5sẹc 6. (ngõ 3 nghách 5/6).

- Một số  ít từ gốc Việt cũng đã được đưa vào từ vựng tiếng Pháp ví dụ như : le nem, le phole ao dai, le banhchung.................

C/ những khác biệt về ngữ âm giữa tiếng Việt và Pháp:

- Trong tiếng Việt hiếm khi có hiện tượng hai phụ âm đứng cạnh nhau . Ví dụ : cl , fr , st , sc , kl,..... nếu có trường hợp hai phụ âm đứng cạnh nhau thì lại tạo thành tổ hợp phụ âm khác, ví dụ : tr / ţ / hay ng  / ŋ / , hoặc th  / ť /, ph  /ƒ/.........nhưng trong nhiều ngôn ngữ thuộc hệ Ấn –Âu nói chung và tiếng Pháp nói riêng thì hiện tượng này là phổ biến. Người Việt luôn có xu hướng phát âm hai phụ âm đứng cạnh nhau bằng cách xen vào đó một nguyên âm và ngay trong cách phiên âm các từ tiếng nước ngoại cũng thể hiện điều này. Ví dụ : từ scandal được đọc và phiên âm là xì- căng –đan hoặc  xờ-căng-đan, các nguyên âm được xen vào là ơ và i . hay từ professional được đọc là pờ-rô............Đặc điểm này cũng ảnh hưởng và thể hiện trong cách phát âm của một số sinh viên khi học tiếng Anh, Nga, Pháp....nên cần lưu ý và khắc phục.

Trong các âm đặc trưng của tiếng Pháp có âm rung( trill) : [R], gọi là âm rung lưỡi con ( thường có tên gọi là rung cuối lưỡi). Âm rung này có một âm xát lưỡi con tương ứng được ghi bằng  [      ](chữ “r”  hoa đảo ngược)  người Pháp phát âm âm [    ] rất đặc trưng. Ví dụ:  từ  rat [    a] hay từ  Paris [ pa   i]. Người mới học tiếng Pháp thường gặp khó khăn khi phát âm đúng âm này, xu hướng đọc thành âm [g] hoặc âm [z]. Tuy nhiên ở miền nam nước Pháp thì âm này được phát âm như một âm rung chân chính tức là vị trí rung ở đầu lưỡi- răng  (giống trong tiếng Nga).

- Trong số 36 âm vị tiếng Pháp có tới 11 âm vị không có trong tiếng Việt : 3 phụ âm /     /, /     /,   /     / , các nguyên âm /y, ø, œ, œ̃, ã,   ,  ε / và bán nguyên âm /          /   ví dụ : huit [   it] 

- Trong tiếng Việt không có nguyên âm giọng mũi (voyelles nasals) ví dụ như [œ̃] , [ã], [    ]

(ví dụ: manger /mãje /), nguyên âm ghép (voyelles composées) như eu, oi...ví dụ : moi / mwa /

       -  Ngược lại trong tiếng Pháp không có nguyên âm đôi  như trong tiếng Việt là ie , uô, ươ.

- Phụ âm trong tiếng Pháp có thể giữ vị trí đầu, giữa hoặc cuối âm tiết. Nhưng trong số 23 phụ âm tiếng Việt chỉ có 6 phụ âm cuối.

- Trong tiếng Pháp có các phụ âm lặp (consonne géminée)ví dụ : gentille /   ãtij/  (phụ âm l được lặp lại), hiện tượng này không có trong tiếng Việt .

  Những khác biệt nêu trên giữa hệ thống âm vị tiếng Pháp và tiếng Việt đã gây ra không ít khó khăn về phát âm cho sinh viên  trong giai đoạn đầu mới học tiếng Pháp. Những lỗi phát âm dưới đây tôi thường lưu ý sinh viên theo học tín chỉ tiếng Pháp.

Những lỗi phát âm cơ bản của người Việt khi học tiếng Pháp

  1. / Các lỗi thường gặp khi phát âm nguyên âm.

 Người học gặp nhiều khó khăn nhất khi phát âm các âm giọng mũi và thường có xu hướng phát âm [ã] thành “ăng”, [ε] thành “anh” và [   ] thành “ông”. Khi phát âm các âm tiết “ăng” và “anh” trong tiếng Việt , hai hàm khép lại vì vậy để chữa lỗi phát âm này cần yêu cầu người học giữ nguyên độ mở của hai hàm tương ứng với vị trí khi phát âm âm [ ε] và âm [a] ; sau đó phát âm “ăng” , “anh” mà không khép hai hàm lại. Còn để chữa lỗi phát âm [   ], chỉ cần yêu cầu người học giữ tròn môi đồng thời phát âm âm tiết “ông” như trong tiếng Việt .

Trong tiếng Việt không có nguyên âm [y] tròn môi. Vì vậy người học hay phát âm âm [y] thành âm [u], (ví dụ : [sur] thay vì phát âm đúng là [syr] “sur”); hoặc việt hóa âm [y] thành [wi] « uy » , là âm có trong tiếng Việt (ví dụ : “tu” tiếng Pháp được phát âm thành [twi] “tuy”. - Một lỗi thường gặp phải kể đến nữa là : nhầm lẫn giữa hai âm [ø ] và [ œ]. Hai nguyên âm này không có trong tiếng Việt, và thường được phát âm như âm “ơ” nguyên âm sau và không tròn môi trong tiếng Việt.

2/ Các lỗi thường gặp khi phát âm phụ âm.

- Trong tiếng Việt chỉ có 6 phụ âm cuối /p, t, k, m, n, ŋ/ vì vậy người học có xu hướng không phát âm phụ âm cuối ( âm đuôi) .

ví dụ : “la France” [lafrãs] thành  [lafrã] hoặc phát âm nhầm phụ âm cuối trong tiếng Pháp theo thói quen phát âm tiếng mẹ đẻ.

Ví dụ : - /d / thành /t/ : “code” [kod] thành  [kot]

      - /s / thành /t/ : “six” [sis] thành  [sit]

 Nếu như tiếng Việt hiện nay có khoảng70 % từ gốc hán và xu hướng sử dụng từ gốc hán này đang gia tăng thì theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ từ vựng tiếng Anh có tới gần 30% từ gốc Pháp ( > 29%) và gốc La tinh ( > 29%). Số liệu thống kê này cũng đã làm nhiều sinh viên thấy ngỡ ngàng.

 

II.3. Sự tương quan giữa tiếng Pháp và tiếng Anh :

Tiếng Pháp và tiếng Anh là hai ngôn ngữ thuộc hệ ngôn ngữ Ấn-Âu.Tuy nhiên tiếng Pháp thuộc nghành ITALIC (Latinh) – romance gồm những ngôn ngữ :  Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha ,Pháp , Ý, Romani . Bảng chữ cái tiếng Pháp có 26 chữ.

Tiếng Anh thuộc nghành GERMANIC (Gothic)  gồm các ngôn ngữ : Anh, Đức, Hà lan, Thụy Điển, Đan mạch, Na Uy. Bảng chữ cái tiếng Anh có 26 chữ (bằng số chữ cái tiếng Pháp).

Tiếng Anh là ngôn ngữ sử dụng phương thức trọng âm từ, tiếng Pháp không sử dụng phương pháp này .

Ví dụ :

tiếng Pháp

tiếng Anh

 

présent[p   ezã ]  (adj)

 

présenter[p  ezãte ]  (v)

 

present [ pre-z¶nt ]  (adj) ,(n)

 

         present [pri-zent ] (v)

 

 

 Có thể nói một cách khác theo các nhà ngôn ngữ học là  ở cấp độ TỪ thì tiếng Pháp  không sử dụng phương thức trọng âm, nhưng đối với sinh viên của khóa học 150 tiết tiếng Pháp đã có học tiếng Anh thì đơn giản chỉ là : trong tiếng Pháp sẽ không có hiện tượng một từ được phát âm theo hai cách khác nhau và ý nghĩa của từ ( nghĩa ngữ pháp và nghĩa từ vựng) cũng biến đổi theo. Vấn đề này hoàn toàn khác với hiện tượng từ đa nghĩa  trong ngôn ngữ nói chung. (tiếng Nga là ngôn ngữ sử dụng phương thức trọng âm từ rõ rệt).

- Những người biết tiếng Anh với một số lượng từ vựng nhất định  khi tìm hiểu tiếng Pháp sẽ thấy có nhiều sự tương đồng  (similitudes). Từ vựng tương đồng giữa hai ngôn ngữ chủ yếu thuộc lĩnh vực kỹ thuật hoặc ngôn ngữ học thuật, còn trong  ngôn ngữ giao tiếp thông thường thì ít hơn.

  • Sở dĩ trong từ vựng tiếng Anh có nhiều từ gốc Pháp vì trong lịch sử, vào thế kỷ XI (năm 1066) nước Pháp, dưới triều đại vua Guillaume II đã chinh phục vùng Norman thuộc nước Anh. Tiếng Pháp được áp đặt sử dụng như ngôn ngữ trong bộ máy cai trị, từ các cơ quan hành chính cho tới tòa án và cả nhà thờ ở đây. Không chỉ có vậy, tiếng Pháp còn là ngôn ngữ của giới quý tộc, của giới tu sĩ, của tầng lớp trên ở miền trung và nam nước Anh hàng thế kỷ sau đó. Tiếng Pháp được dùng trong thời kỳ này là dạng thổ ngữ có tên gọi là ngôn ngữ  vùng Norman – Anh (anglo-normand).
  • Thời cực thịnh của tiếng Pháp diễn ra vào thế kỷ XVII, là  thời kỳ thành công rực rỡ của chế độ phong kiến Pháp với hàng loạt thành tựu trong các lĩnh vực : chính trị, văn học, nghệ thật...Giáo chủ Richelieu là người đã sáng lập nên Viện hàn lâm Pháp dưới thời vua Louis XIII vào năm 1635 góp phần đưa tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ của văn hóa, của khoa học và đặc biệt là ngôn ngữ ngoại giao trên toàn Châu Âu, bao gồm cả nước Anh. Tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ thứ hai cả của giới quý tộc Châu Âu lúc bấy giờ (bao gồm cả giới quý tộc phong kiến Nga).

-   Phần lớn các từ tiếng Anh có hậu tố là : ty ( y biến thể từ é ), tion, ture, ent là những từ gốc tiếng Pháp . Ví dụ  một số từ sau:

  •  

tiếng Anh

tiếng Pháp

 

liberty, university, unity...

 

liberté, université, unité ...

 

 

constitution, nation, jurisdiction .....

 

 constitution, nation, juridiction ...

 

 

torture,  cloture, endure .....

 

torture, cloture, endurer....

 

 

development, enforcement, document...

 

developpement, enforcement , document.......

 

 

-   Một yếu tố quan trọng khác dẫn tới sự tương đồng trong từ vựng giữa hai ngôn ngữ này là tiếng Anh ảnh hưởng tiếng La tinh từ thời tiền Trung cổ thế kỷ thứ VI và thứ VII. Khi các nhà truyền giáo đạo Thiên Chúa tới nước Anh và đưa tiếng La tinh vào tiếng Anh  qua những thuật ngữ tôn giáo, trong số đó có những từ vẫn được dùng tới ngày nay như school, monk, priest, pope...... Sang tới thời cận đại vào các thế kỷ XVII, XVIII, kỷ nguyên của các phát kiến khoa học, công nghệ làm thay đổi kiến thức nhân loại thì tiếng Anh cũng giống như nhiều ngôn ngữ khác ở Châu Âu với nhu cầu về từ vựng để diễn đạt những tri thức nhân loại, đã vay mượn nhiều từ La tinh hoặc những từ chỉ mang một yếu tố của tiếng La tinh ( như : gốc từ , tiền tố, hậu tố ), bộ phận còn lại cấu tạo nên từ tiếng Anh được lấy từ các ngôn ngữ khác.( một số từ vẫn còn tới nay đã được đưa vào tiếng Anh trong thời kỳ này như: data, component,  experiment, structure, organic, formula.............)

-  Như trên đã nêu, tiếng Pháp là ngôn ngữ thuộc nghành La tinh, chính vì lẽ đó ảnh hưởng của tiếng La tinh với tiếng Pháp là rất lớn. Từ vựng tiếng Pháp có rất nhiều từ gốc La tinh.

 

Nếu như tiếng Pháp hiện nay đang phần nào bị Anh hóa thì chủ yếu là do ảnh hưởng của tiếng Anh –Mỹ trong lĩnh vực khoa học công nghệ hay âm nhạc thì tiếng  Anh vẫn tiếp tục vay mượn từ vựng tiếng Pháp trong các lĩnh vực như : ẩm thực, thời trang, hội họa.

  • Sự ảnh hưởng ngược trở lại tiếng Pháp của tiếng Anh chỉ thật sự bắt đầu vào thế kỷ XVIII và kéo dài tới hiện nay.  Có thể nhận thấy dễ dàng một số từ gốc Anh trong tiếng Pháp hiện nay. Ví dụ : từ week-end. Đã nhiều lần các cơ quan truyền thông và chính phủ Pháp kêu gọi người dân thay thế các từ, cụm từ tiếng Anh bằng các từ tiếng Pháp tương đương, (trong trường hợp từ week-end thì cụm từ tương đương là : fin de semaine) tuy nhiên trong thực tế không có chuyển biến. Ngay cả khi tiếng Pháp có sẵn từ vựng để diễn đạt sự vật, sự việc thì hiện tượng từ tiếng Anh được biến đổi để đưa vào sử dụng trong tiếng Pháp vẫn diễn ra. Cụ thể từ : stop, đây là từ gốc Anh, người Pháp đã tạo nên động từ stopper mang đúng nguyên nghĩa động từ to stop mặc dù vẫn luôn tồn tại động từ tương đương là arrêter.  Có nhiều từ tiếng Anh gốc Pháp lại được vay mượn trở lại tiếng Pháp, hiện tượng hai chiều (aller-retour) này diễn ra khá nhiều ví dụ : từ ace – từ này có nguồn gốc tiếng Pháp cổ là từ as (giống từ as trong tiếng Latin) sau đó được đưa vào từ vựng tiếng Anh biến thành ace và hiện nay từ này  đã trở thành từ tiếng Pháp ( sử dụng là thuật ngữ trong  môn thể thao tennis). Trường hợp tương tự với từ challege , từ này có nguồn gốc Pháp cổ là các từ chalenge hay chalonge du nhập vào tiếng Anh và hiện nay lại quay trở lại tiếng Pháp .

Từ express (từ tiếng Anh) có gốc từ tiếng Pháp cổ (exprès) hiện tại quay lại tiếng Pháp, hay từ cash, từ này có nguồn gốc Pháp thời Trung cổ, được du nhập vào tiếng Anh và hiện nay cũng đã được đưa trở lại từ vựng tiếng Pháp.

  •  

Đa số các từ vay mượn qua lại giữa hai ngôn ngữ đã thay đổi nghĩa hoặc phát sinh nghĩa mới so với từ gốc.

Có thể kể ra đây một số các từ Pháp gốc Anh hiện nay : fair-play, cool, crash, dancing, dealer, derby, fast-foot, feeling, forcing, freelance , hall, hi-fi , hobby , humour, informel , item, interview, customiser, job, know-how (savoir-faire), lobby(groupe d’intérêt), marketing, panorama, parking, fan( fanatic) , ok , performance, record, reporter, rollers, self-control, self-service, shopshopping, start-up .........

Hiện tượng từ vay mượn trong các ngôn ngữ là phổ biến, đó là hệ quả của sự giao thoa trên mọi lĩnh vực cuộc sống, đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa.

III/ Kết luận :

Tôi bắt đầu tham gia giảng dạy tiếng Pháp tại trường vào năm học 1993-1994. Đến nay đã có hàng chục khóa sinh viên ra trường. Đã có những sinh viên tới gặp tôi sau khóa học tiếng Pháp và bày tỏ suy nghĩ của họ. Điều tôi hiểu và cảm nhận ở họ đó là tình cảm với ngôn ngữ nói chung và tiếng Pháp nói riêng. Có người chỉ đơn thuần bày tỏ mong muốn được tiếp tục học tiếng Pháp nhưng cũng có người bày tỏ sự yêu thích với ngôn ngữ này. Tôi bất chợt liên tưởng những tình cảm đó như những vật nhỏ bé mang sắc vàng lấp lánh, sáng hơn những toan tính, những vô vàn dự  định thông thường phải hoàn thành cho tương lai của đời sống sinh viên.

Tạo hứng thú cho người học luôn là mục đích và thách thức với mọi giáo viên trực tiếp giảng dạy.Việc mang lại cảm xúc tốt cho người học sẽ  giúp giáo viên dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ chính của mình là truyền đạt kiến thức. Việc tạo hứng thú cho sinh viên đòi hỏi giảng viên luôn tìm tòi kiến thức mới, cách tiếp cận mới. Với riêng tôi, tìm cách tiếp cận mới bắt đầu bằng việc tìm hiểu xem người học đã biết ngoại ngữ nào, trình độ ở mức độ nào. Sau đó giáo án sẽ được soạn theo hướng “ bắc cầu” kiến thức. Trong những giờ giảng nếu giáo viên và sinh viên có thể cùng trao đổi, cùng tìm tòi về một vấn đề cụ thể nào đó sẽ khiến không khí giờ giảng sôi nổi hơn và hơn hết là sinh viên sẽ làm việc tích cực hơn. Số lượng sinh viên theo học tiếng Pháp hiện nay ít hơn nhiều so với các ngoại ngữ khác nhưng tôi tin rằng họ có một ấn tượng tốt về môn học.

Trong buổi đầu gặp mặt lần đầu với đơn vị- tổ bộ môn ngoại ngữ, Hiệu trưởng nhà trường đã nói “ Chúng ta phải cảm thấy có lỗi khi mỗi sinh viên ra trường không có đủ trình độ tiếng Anh theo chuẩn ...” . Tôi hiểu ý kiến đó không chỉ là của riêng ông, đó là sự cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo thông suốt từ Chính Phủ. Trong thời gian tới, tôi nghĩ nhà trường cũng như nhiều trường đại học khác trên cả nước sẽ phải tìm cách “ giải bài toán chứng chỉ ngoại ngữ đầu ra ” vì có nhiều sinh viên không đủ điều kiện xét tốt nghiệp do thiếu chứng chỉ về trình độ tiếng Anh theo chuẩn. Có nhiều ý kiến đưa ra tìm nguyên nhân của vấn đề, nhưng một trong số đó cho rằng  sinh viên chưa có ý thức tự học, có tư tưởng chờ “ nước đến chân mới nhảy’’ ............Chính vì lẽ đó việc tạo hứng thú học ngoại ngữ cho sinh viên, giúp họ ý thức đầy đủ hơn về ngôn ngữ qua đó góp phần thúc đẩy họ đạt được mục đích tốt nghiệp là nhiệm vụ của tất cả các giảng viên dạy ngoại ngữ trong trường đại học luật Hà Nội.

 

Tài liệu tham khảo:

 

  1. sous la direction de Bernard Cerquiglini , Jean – Claude Corbeil , Jean- Marie Klinkenberg et Benoit Pieeters - Le français dans tous ses états. -  Champs Flammarion  2000.
  2. Sabine Huynh  Les mecanismes d’integration des mots d’emprunt français en vietnamien.   Nxb  L’harmattan 2010   
  3.  Francois Chevillet -1994  l’histoire de la langue anglaise – que sais je. nxb presses internationales de France.
  4. Claude Hagege – 2006  Combat pour le français . Nxb Odile Jacob .
  5. P.H Mathews -  2003 Dẫn luận về ngôn ngữ học ( linguistics  a very short introduction). Nxb Hồng Đức.
  6. GS TS Đỗ Hữu Châu –GS TS Bùi Minh Toán – 2011. Đại cương ngôn ngữ học. Nxb giáo dục Việt Nam .
  7. Nguyễn Thiện Giáp 2015. vấn đề “ từ” trong tiếng Việt.  Nxb bản giáo dục Việt nam.
  8. Đoàn Thiện Thuật - 2002 . ngữ âm tiếng Việt . Nxb  Đại học quốc gia .
  9. A. Hamon.  734 chuyên mục về ngữ pháp tiếng Pháp cho mọi người.  Nxb Trẻ . Merriam webster dictionary – http// www.merriam –webster.com
  10. Jacques Moeschler – Antoine Auchlin -2009.  introduction à la linguistique contemporaine  3e éditionNxb Armand Colin.

11. . Larousse Anglais dictionnaire 2010 (francais-anglais . anglais-francais ) Nxb Larousse .

 

 

CÁC PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC DÙNG CHỮ HÁN

GÂY HỨNG THÚ CHO SINH VIÊN

ThS.Phạm Thị Phương Nhung[16]

1. Đặt vấn đề

            Rất nhiều người học tiếng Trung đều nhận định chữ Hán khó nhận biết, khó nhớ, khó viết, khó đọc. Đây cũng là vấn đề chung của sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội. Khi được hỏi yếu tố trong tiếng Trung khiến em thấy khó nhất, câu trả lời mà tôi nhận về đa số là chữ Hán. Chữ Hán trở thành “hòn đá cản đường” trên con đường học tiếng Trung. Vậy chữ Hán có thực sự khó? Và cách nào giúp sinh viên có thể học tốt chữ Hán từ đó học tốt tiếng Trung? Đó là câu hỏi không chỉ khiến tôi mà nhiều giáo viên dạy tiếng Trung khác đều trăn trở.  

            Hiện nay, tại Trường Đại học Luật Hà Nội môn tiếng Trung được giảng dạy trong 150 tiết. Với thời lượng giảng dạy ít lại không phải môn chuyên ngành chính, việc tạo hứng thú cho sinh viên là vô cùng quan trọng. Hứng thú với môn học giúp tăng hiệu quả học tập trên lớp, hơn nữa tạo động lực cho sinh viên sau khi kết thúc học tập tại trường tiếp tục học nâng cao thêm để đạt được mục tiêu vận dụng ngôn ngữ trong đời sống và công việc sau này.

            Trong tiếng Trung có một câu thành ngữ sau “一箭双雕” nghĩa là một mũi tên trúng hai đích. Nếu vận dụng các phương pháp dạy học giúp sinh viên vừa học tốt chữ Hán và lại coi chữ Hán là niềm hứng thú, là động lực để học tiếng Trung vậy là chúng ta đã đạt được hai mục tiêu quan trọng. Đây cũng chính là mục đích nghiên cứu của đề tài này.           

2. Đặc điểm của chữ Hán

            Để có thể sử dụng chữ Hán giúp cho sinh viên hứng thú với việc học tiếng Trung ta cần nắm vững đặc điểm của nó, từ đó đưa ra được các phương pháp dạy học phù hợp.

Thứ nhất, Chữ Hán có số lượng lớn. Các ngôn ngữ biểu âm như tiếng Việt có 27 chữ cái; tiếng Anh chỉ có 26 chữ cái vv...Số lượng chữ Hán thì nhiều hơn rất nhiều. Cùng với sự phát triển của thời đại số lượng chữ Hán cũng tăng dần. Tác phẩm “Thuyết văn giải tự” của Hứa Thận thời Đông Hán có 9353 chữ, đến “Khang Hy Tự Điển” triều Thanh của Trương Ngọc Thư thu nạp 47043 chữ, còn trong “Trung Hoa Tự Hải” số chữ Hán đã lên tới 86000 chữ. Tuy vậy năm 1988 Trung Quốc công bố “Bảng chữ Hán thường dùng trong tiếng Hán hiên đại” gồm khoảng 3500 chữ và “Bảng chữ Hán thông dụng trong tiếng Hán hiện đại” gồm khoảng 7000 chữ. Nhưng đó cũng là những con số lớn. Điều đó cũng lý giải một phần lý do khiến nhiều sinh viên cảm thấy khó khăn khi học tiếng Hán.

Thứ hai, chữ Hán có nhiều nét. Chữ Hán chỉ có vài nét cơ bản (ngang, sổ, phẩy, chấm, gập), tuy vậy số nét phái sinh lại nhiều (khoảng 25 nét). Có những chữ đơn giản chỉ là 1 nét như: “一”, “乙” nhưng có những chữ 64 nét như “𪚥”. Giữa các nét lại có 3 hình thức tổ hợp: cách nhau (như “八”), tiếp xúc nhau (như “人”), giao nhau (như “十”). Việc học những chữ Hán có nhiều nét trở thành việc khó khăn nếu ta phải nhớ từng nét một. Vì vậy ngoài khái niệm nét chữ, dựa vào kết cấu người ta phân chia chữ Hán thành những đơn vị thường lớn hơn nét nhưng nhỏ hơn hoặc bằng với chữ gọi là bộ kiện. Ví dụ chữ “笔”  (bút) được tạo thành bởi 2 bộ kiện đó là “ ” (chỉ tre trúc) và “毛” (lông) (thời xưa dùng bút lông, phần phía trên là tre trúc, phía dưới là lông). Bộ kiện chia làm 2 loại: Bộ kiện có thể đứng một mình độc lập làm một chữ như “日” và bộ kiện không thể đứng độc lập thành chữ như “亻”. Bộ kiện chính là một trong những chìa khóa quan trọng giúp việc học chữ Hán dễ dàng hơn.

Thứ ba, Chữ Hán có kết cấu phức tạp. Dựa vào kết cấu, người ta chia Chữ Hán làm 2 loại chữ độc thể (như “半”) và chữ hợp thể (như “好”). Loại hình kết cấu của chữ hợp thể rất đa dạng:

  1. Kết cấu trên-dưới (như “花”, “安” , “字”)
  2. Kết cấu trên-giữa-dưới (như “意” , “草” , “京”)
  3. Kết cấu trái-phải (như “相” , “明” , “河”)
  4. Kết cấu trái-giữa-phải (như “谢” , “树” , “概”)
  5. Kết cấu toàn bao vây (như “国” , “田” , “困”)
  6. Kết cấu bán bao vây (như “这” , “问” , “区”)
  7. Kết cấu xuyên tâm (như “乘” , “非” , “兆”)
  8. Kết cấu chữ phẩm (như “品” , “森” , “磊 ”)

Thứ tư, số lượng chữ đồng âm, đa âm, chữ viết gần giống nhau nhiều. Đặc điểm này khiến cho việc học chữ Hán, sử dụng chữ Hán gặp nhiều khó khăn không chỉ với người nước ngoài mà ngay cả người Trung Quốc cũng dễ nhầm lẫn. Ví dụ có tới 6 chữ cùng một âm tiết “zhōng”: 中, 钟, 忠, 终, 衷, 盅 ; một chữ “和” có thể biểu thị 3 âm tiết “hé”, “huó”, “huì”; và có rất nhiều chữ viết gần giống nhau mà người học mới nhìn khó nhận biết như “已”, “己”, “巳”. 

Thứ năm, chữ Hán là sự kết hợp của ba yếu tố hình, thanh (âm) và nghĩa. Chữ Hán là một loại văn tự biểu ý, có thể nói mỗi chữ Hán là sự kết hợp của cả ba yếu tố hình ảnh, âm thanh và ý nghĩa. Chúng đều có mối liên hệ mật thiết với nhau. Học một chữ Hán phải nắm bắt được nó viết như thế nào, đọc ra sao, ý nghĩa là gì. Vận dụng chữ Hán để gây hứng thú cho sinh viên cần quan tâm đến cả ba yếu tố này.

Cuối cùng, theo thuyết “Lục thư” của Hứa Thận trong tác phẩm “Thuyết Văn Giải Tự” Chữ Hán được hình thành từ 6 cách chính là tượng hình, chỉ sự, hội ý, hình thanh, chuyển chú, giả tác. Trong đó bốn loại tượng hình, chỉ sự, hội ý, hình thanh được xếp vào cách tạo chữ, còn chuyển chú, giả tác là cách dùng chữ. Bốn cách tạo chữ đó là:

1)  Chữ tượng hình: căn cứ vào hình tượng sự vật mà hình thành chữ viết. Đây là loại chữ đơn giản và dễ nhận biết. Ví dụ: chữ “日” vẽ hình mặt trời, chữ “月” vẽ hình mặt trăng.

2)  Chữ chỉ sự: dùng ký hiệu đánh dấu để chỉ ra sự vật. Ví dụ: “上” nét ngang chỉ mặt đất, nét ngang ngắn phía trên chỉ bên trên mặt đất, “下” nét ngang chỉ mặt đất, nét chấm phía dưới chỉ bên dưới mặt đất.

            3)   Chữ hội ý: ghép ý nghĩa với nhau để tạo chữ mới. Ví dụ: “休” gồm “亻” chỉ người và “木” chỉ cây, người tựa vào gốc cây nghỉ ngơi.

4) Chữ hình thanh: một phần biểu hiện nghĩa, một phần biểu hiện thanh. Loại chữ này chiếm khoảng 80% trong chữ Hán. Ví dụ:  “远” gồm “辶” liên quan đến đi lại và “元” (yuán) biểu hiện âm, vì vậy chữ “远” đọc là yuǎn và nghĩa là xa.

Trên đây là một số đặc điểm của chữ Hán. Chúng ta thấy rõ có một số đặc điểm khiến chữ Hán khó học như số lượng nhiều, nét nhiều, chữ đồng âm, đa âm, chữ viết giống nhau nhiều, kết cấu phức tạp... Tuy vậy ta cũng thấy được những điểm sáng giúp việc học chữ Hán dễ dàng và thú vị hơn như bộ kiện, cách tạo chữ...

3. Các phương pháp dạy học dùng chữ Hán gây hứng thú cho sinh viên

            Từ những đặc diểm trên của chữ Hán, tôi xin đưa ra một số phương pháp dạy học dùng chữ Hán gây hứng thú cho sinh viên như sau:

3.1 Câu đố chữ Hán

            Câu đố chữ Hán là một loại trò chơi văn tự. Chúng ta có thể kết hợp phương pháp dạy học với loại trò chơi văn tự này giúp cho sinh viên có thêm hứng thú với tiếng Hán. Trong quá trình giải các câu đố sinh viên càng hiểu thêm về kết cấu chữ Hán, các nét, các bộ kiện tạo nên chữ Hán đó... qua đó việc học và nhớ chữ Hán cũng trở nên dễ dàng hơn. Có thể thấy các câu đố chữ Hán sẽ tạo nhiều hứng thú trong giờ học, tuy vậy khi thiết kế các câu đố này cần chú ý tới trình độ tiếng Hán sinh viên, cần đưa ra các câu đố dễ hiểu và từ dễ đến khó, liên quan tới bài học. Hiện tại tại trường Đại học Luật Hà Nội, đa số sinh viên học từ trình độ mới bắt đầu, số lượng chữ Hán các em nắm được còn ít, việc chọn đưa ra các câu đố phù hợp trình độ là rất quan trọng. Các câu đố quá khó sẽ không phát huy được tác dụng như mong muốn. Sau đây là một số câu đó chữ Hán vừa đơn giản lại dễ hiểu, tuy vậy với những lần đầu tiên tiếp xúc với các loại câu đố như vậy giảng viên cũng có thể đưa ra các gợi ý phù hợp giúp các em giải đố dễ dàng hơn. Các câu đố như:

+) các câu đố ghép các chữ lại với nhau: 一日 (旧); 八十八 (米);

+) các câu đố kết hợp cả chữ và nghĩa: 笔下 (phía dưới của chữ 笔 là chữ 毛); 华南 (phía nam của chữ华 là chữ 十);

九十九 (nghĩa là một trăm trừ một, một trăm là chữ 百bỏ đi chữ 一 trên đầu tạo thành chữ 九 ); 六十天 ( 60 ngày là 2 tháng, tháng trong tiếng Hán là chữ 月, kết hợp 2 chữ 月ta được chữ朋).

3.2 Trò chơi

            Phương pháp dạy học dùng trò chơi là thông qua việc tổ chức hoạt động cho sinh viên dưới sự hướng dẫn của giảng viên, sinh viên trở thành chủ thể của quá trình học, họ hoạt động bằng cách tự chơi trò chơi. Các trò chơi về chữ Hán sẽ truyền tải được mục tiêu giúp sinh viên nắm vững chữ Hán hơn và hứng thú hơn với môn học. Dưới đây là một số trò chơi:

 (1) Thêm một nét tạo chữ mới

Cách chơi: Giáo viên viết lên bảng một số chữ Hán quen thuộc, yêu cầu sinh viên đọc những chữ Hán đó. Chia lớp thành 4 đội chơi, yêu cầu các đội thêm một nét vào các chữ Hán đó để tạo thành chữ mới. Đội nào tạo được nhiều chữ Hán mới và nhanh nhất giành chiến thắng.

Mục đích: Giúp sinh viên chú ý kết cấu, nét chữ và tăng khả năng phân biệt những chữ Hán viết gần giống nhau.

Một số chữ Hán phù hợp với giai đoạn bắt đầu học như:

1.王     2.日     3.白     4.头     5.牛

Đáp án gợi ý:

1.玉     2.目     3.百     4.买     5.生

 (2) Thêm hai nét tạo chữ mới

Cách chơi và mục đích: giống trò chơi (1)

Một số chữ Hán phù hợp với giai đoạn bắt đầu học như:

1.力     2.天     3.口     4.令     5.土

Đáp án gợi ý:

1.办     2.关     3.只     4.冷     5.去

(3) Ai tạo được nhiều chữ Hán nhất

Cách chơi: Giáo viên viết lên bảng chữ “口”. Chia lớp làm 4 nhóm. Yêu cầu sinh viên thêm 2 nét bất kỳ để tạo nên chữ mới. Nhóm nào viết được nhiều chữ nhất và nhanh nhất giành chiến thắng. Nên giới hạn thời gian trong khoảng 5 phút.

Mục đích: Nâng cao khả năng nhớ chữ Hán.

Đáp án gợi ý: 可, 只, 目, 田, 电

Ngoài chữ “口”, giáo viên có thể chọn một số chữ khác như “日”, “月”

(4) Dùng 3 nét tạo chữ

Cách chơi: Giáo viên viết lên bảng một số nét tạo nên chữ Hán như: 一, 丨, 丿,丶 ... Yêu cầu sinh viên dùng 3 nét bất kỳ (có thể giống hoặc không giống) tạo nên các chữ Hán. Thời gian hạn định là 5 phút, ai viết được nhiều chữ và đúng nhất là người thắng cuộc.

Mục đích: năng cao năng lực dùng các nét tạo chữ Hán của sinh viên.

Đáp án gợi ý: 三, 土, 士, 川, 口

(5) Chữ Hán thoắt hiện

            Cách chơi: Giáo viên chuẩn bị sẵn một số chữ Hán sinh viên chưa được học. Chia lớp thành 4 nhóm. Giáo viên sẽ đưa từng chữ Hán lên cho sinh viên xem trong thời gian rất ngắn. Kết thúc, các nhóm cử thành viên lên viết lại chữ Hán. Nhóm viết được nhiều và đúng nhất giành chiến thắng.

            Mục đích: nâng cao khả năng phân tích chữ Hán, tăng sự chú ý tới các bộ kiện.

            Một số chữ Hán phù hợp: 衠, 冀, 膏, 蒯, 燕

3.3 Giải thích chữ Hán

            Giải thích chữ Hán là dựa vào các đặc điểm của chữ Hán để phân tích và giải thích chữ Hán về cả ba mặt hình, âm và nghĩa. Như đã giới thiệu ở trên chữ Hán là sự kết hợp của ba yếu tố hình, âm và nghĩa. Ba yếu tố này có quan hệ mật thiết với nhau. Đây cũng là yếu tố cơ bản giúp ta giải thích về chữ Hán giúp sinh viên dễ nhớ và có hứng thú hơn.

(1) Giải thích về mặt hình ảnh

Chữ Hán được phát triển từ chữ tượng hình. Tuy số lượng chữ tượng hình trong tiếng Hán hiện nay không nhiều nhưng chúng ta có thể vận dụng chúng để giải thích các chữ Hán và mối quan hệ giữa hình và nghĩa của chữ Hán đó. Điều đó giúp cho bài học thêm phong phú, dễ hiểu và thú vị hơn. Cũng cần chú ý rằng nhiều chữ Hán tượng hình hiện nay đã rất khó nhận biết, giáo viên cần có sự chọn lọc khi giới thiệu. Ví dụ:

+)  chữ “目” nghĩa là mắt, giáo viên có thế vẽ hình con mắt, chữ “目” là hình ảnh của con mắt khi được dựng đứng lên.

+) Chữ “山” nghĩa là núi, giáo viên vẽ hình 3 ngọn núi cao thấp đứng cạnh nhau.

+) Chữ “大” nghĩa là to, đây là hình ảnh của một người đứng chính diện dang cả 2 tay, 2 chân, lúc đấy người là to nhất.

Ngoài ra, trong tiếng Hán còn có chữ hội ý. Khi giảng giải một số chữ sau giáo viên có thể giải thích:

+) Chữ “休” có nghĩa là nghỉ ngơi, ghép từ hai bộ “亻” (nhân đứng: người) và “木” (mộc: cây) là hình ảnh người tựa vào gốc cây để nghỉ.

+) Chữ “林” có nghĩa là rừng, ghép từ hai bộ “木” (mộc: cây) biểu thị hai cái cây tạo thành rừng cây.

(2) Giải thích về mặt âm thanh

Có khoảng 80% chữ Hán là chữ hình thanh. Chúng ta có thể dựa vào bộ phận biểu âm trong chữ hình thanh để giải thích về âm của chữ Hán đó. Ví dụ:

+) Sinh viên đã học chữ “请” (qǐng), sau đó khi được học các chữ khác có phần biểu âm là “青” như “情” (qíng), “晴” (qíng), giáo viên có thể giải thích thêm các chữ này đều là chữ hình thanh và có âm đọc gần giống nhau do có bộ phận biểu âm chung là “青” (qīng), phần còn lại thể hiện nghĩa. Như vậy khi gặp các chữ có bộ phận biểu âm như trên sinh viên có thể đoán được một phần âm của chữ Hán đó là gì. Cũng cần chú ý rằng, hiện nay bộ phận biểu âm và âm của chữ Hán có trường hợp hoàn toàn giống nhau về cả thanh mẫu, vận mẫu, thanh điệu, tuy vậy có những trường hợp có sự khác biệt. Vì vậy khi giải thích cho sinh viên, giáo viên cần chú ý phân biệt thêm.

(3) Giải thích về mặt nghĩa

Trong chữ Hán có một số chữ là chữ chỉ sự và hội ý. Giáo viên có thể dựa vào ý nghĩa của các bộ phận tạo nên chữ Hán để giải thích nghĩa chữ Hán đó. Ví dụ:

+) Chữ “本” có nghĩa là gốc rễ, đặt nét ngang phía dưới bộ mộc (cái cây) chỉ gốc, rễ của cây

+) Chữ “信” có nghĩa là thư, bao gồm hai bộ phận là bộ “亻” (nhân đứng: người) và “言” (ngôn ngữ), vậy “信” có thể được hiểu là ngôn ngữ của người được viết ra.

Ngoài ra, bộ phận biểu nghĩa trong chữ hình thanh cũng giúp nhiều trong việc giải thích nghĩa. Các chữ có phần biểu nghĩa giống nhau thường có ý nghĩa chung nhất định. Nắm bắt được đặc điểm này sẽ giúp sinh viên nhớ chữ Hán dễ dàng hơn. Ví dụ:

+) Bộ “女” (nữ) chỉ phụ nữ. Thường thì các chữ Hán xuất hiện bộ này đa số sẽ đều liên quan đến phụ nữ như “妈” (mẹ); “姐” (chị); “妹” (em gái)...

+) Bộ “氵” (thủy) chỉ nước. Thường thì các chữ Hán xuất hiện bộ này đa số sẽ đều liên quan đến nước như “河” (sông); “湖” (hồ); “酒” (rượu)...

3.4 Chiết tự

            Chiết tự là một trong những mẹo nhớ chữ Hán. Qua việc phân tích các đặc diểm về hình thể của chữ Hán mà người ta sáng tạo ra những câu thơ dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hiểu. Giáo viên có thể giới thiệu các bài thơ chiết tự như:

            +) Chữ “德” đức

                                                Chim chích mà đậu cành tre

                                                Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm.

            +) Chữ “孝”hiếu

                                                Đất thì là đất bùn ao

                                                Ai cắm cây sào sao lại chẳng ngay

                                                Con ai mà đứng ở đây

                                                Đứng thì chẳng đứng vịn ngay vào sào.

3.5 Trải nghiệm văn hóa     

            Học bất kỳ một ngôn ngữ nào cũng vậy, việc trải nghiệm với văn hóa của nước bản địa nói ngôn ngữ đó sẽ giúp sinh viên không chỉ hiểu thêm về văn hóa của họ mà còn tăng sự hứng thú với ngôn ngữ đang học. Trung Quốc là một đất nước có nền lịch sử lâu đời cùng những truyền thống văn hóa đặc sắc. Giáo viên có thể kết hợp việc học chữ Hán với việc giới thiệu những nét văn hóa đó.

(1) Viết thư pháp chữ Hán

            Thư pháp chữ Hán-nghệ thuật viết chữ Hán là một nét văn hóa truyền thống nổi bật của người Trung quốc. Trong quá trình dạy học, giáo viên có thể đưa nội dung này vào giới thiệu cho sinh viên.

+) Chuẩn bị: mực tàu, bút lông, giấy viết.

+) Tiến hành: Đầu tiên, giáo viên cho sinh viên xem một đoạn phim giới thiệu về thư pháp chữ Hán và một vài bức ảnh thư pháp chữ Hán, sau đó hướng dẫn các em viết một số nét cơ bản theo kiểu thư pháp và cho các em thực hành viết một số chữ như “学” (học), “心” (tâm), “孝” (hiếu) hoặc chính tên của mình...Việc trải nghiệm viết thư pháp chữ Hán sẽ tạo nhiều hứng thú cho sinh viên.

(2) Cắt giấy chữ Hán

Nghệ thuật cắt giấy cũng là một nghệ thuật đặc sắc của người Trung quốc. Giáo viên có thể giới thiệu một số chữ Hán dễ cắt và có liên quan tới bài học như chữ “囍” song hỷ.

+) Chuẩn bị: giấy màu, bút và kéo

+) Tiến hành: Giáo viên hướng dẫn cách gấp giấy, vẽ hình chữ hỷ và sau đó sinh viên thực hành cắt.

4.Kết luận

            Trên đây là một số phương pháp dạy học dùng chữ Hán để gây hứng thú cho sinh viên. Trong quá trình giảng dạy, tôi đã áp dụng một số phương pháp và nhận được những phản hồi tích cực từ phía sinh viên: Giờ học đã trở nên thú vị hơn, sinh viên đã nắm được một số đặc điểm của chữ Hán và biết vận dụng chúng trong quá trình học tiếng Hán của mình. Để có thể áp dụng được các phương pháp trên, người giáo viên phải không ngừng trau dồi các kiến thức liên quan đến chữ Hán, mở rộng thêm hiểu biết của mình. Đặc biệt với phương pháp dạy học chữ Hán thông qua những trải nghiệm văn hóa, giáo viên cần biết viết thư pháp và cắt giấy. Tuy vậy, trong quá trình giảng dạy tôi cũng thấy rằng với số lượng sinh viên đông trên 30sv/lớp thì khi áp dụng các phương pháp trên có một phần sinh viên rất tích cực nhưng cũng có một số coi đó không phải việc của mình, không thực sự tham gia. Vì vậy, để đảm bảo cho việc phát huy hiệu quả các phương pháp trên số lượng sinh viên cần giữ ở mức khoảng 20 sv/lớp là hợp lý.

Tài liệu tham khảo

[1] 胡文华, 汉字与对外汉字教学, 上海:学林出版社, 2008.

[2] 崔永华, 杨寄洲 , 汉语课堂教学技巧, 北京:北京语言大学出版社, 2009.

[3] 周健, 汉语课堂教学技巧与游戏, 北京:北京语言大学出啊版社, 1998.

[4] 侯小宝, 徐江, 王德海, 蔡芳, 趣味谜语词典, 四川:四川辞书出版社, 2008.

[5] 张晓梅, 对外汉字教学的趣味性研究, 黑龙江大学硕士学位论文, 2012.

[6] 李玲,汉字趣味教学法在泰国中学汉字教学中的应用研究-以泰国邦立中学为例,广西大学硕士学位论文, 2015.

 

 

TĂNG CƯỜNG GIAO TIẾP QUA MẠNG XÃ HỘI NHẰM TẠO HỨNG THÚ CHO SINH VIÊN HỌC TIẾNG PHÁP

ThS. GVC. Trần Ngọc Dương

Tổ tiếng Pháp

I.Đặt vấn đề :

1. Một vài yêu cầu cần thiết khi học ngoại ngữ:

Học ngoại ngữ là một quá trình liên tục, không gián đoạn. Khác với các môn học khác, ngoại ngữ là môn học rất nhanh quên, nếu không được luyện tập thường xuyên hàng ngày. Mỗi ngày học đều đặn 15 phút đồng hồ chắc chắn sẽ tốt hơn là dành một ngày trong một tháng để học. Chính vì thế, ngoại ngữ được xem là môn sinh ngữ (langue vivante). Sinh viên không thể chỉ học ở trên lớp mà còn cần học thêm thường xuyên ngoài giờ học. Học ở nhà, học trên xe bus, học trên thư viện… học bất cứ ở đâu và bất cứ vào thời điểm nào. Việc trau dồi thường xuyên sẽ giúp ghi nhớ và thực hành tốt hơn.

Dạy và học là sự tương tác giữa giáo viên và sinh viên. Nhiệm vụ của giáo viên không chỉ hoàn thành bài giảng, giúp học sinh hiểu và nắm được nội dung của từng bài. Giáo viên cần phải coi “người học làm trung tâm” và trang bị cho họ tính “tích cực, chủ động” trong học tập. Chính vì thế giáo viên còn cần phải chỉ ra cho sinh viên hướng tự học, tự nghiên cứu, cách bổ sung thêm kiến thức ở bên ngoài để củng cố thêm cho bài học trên lớp. Mặt khác, với tiêu chí học suốt đời của xã hội chúng ta hiện nay, việc chỉ ra cách tự học là rất cần thiết đối với sinh viên để sau này họ tiếp tục học ngoại ngữ khi họ cần.

Đối với bất kì môn học nào, người học có cảm thấy hứng thú thì học tập mới có kết quả. Việc áp dụng các tiến bộ của khoa học kĩ thuật, đặc biệt là tiến bộ của công nghệ thông tin vào dạy ngoại ngữ sẽ có nhiều lợi ích thiết thực. Một trong những việc áp dụng này là chỉ dẫn cho sinh viên học tập qua các trang mạng xã hội. Ở các trang này, các tài liệu được biên soạn rất đa dạng, phong phú vì thế sinh viên sẽ cảm thấy hứng thú hơn.

2.Thực trạng việc dạy và học ngoại ngữ Pháp văn tại trường Đại học Luât-Hà nội :

Hiện nay trong chương trình học của sinh viên chỉ có 150 tiết học, trong các năm học tới có thể sẽ tăng lên. Nhưng dù có tăng thêm giờ học thì cũng khó đáp ứng yêu cầu của xã hội khi ra trường nếu sinh viên giữ cách học thụ động, kém hứng thú, học với tư tưởng miễn cưỡng, chỉ cốt hoàn thành chương trình. Rất nhiều sinh viên chỉ mới biết đến kiến thức trong khuôn khổ giáo trình, họ chưa biết cách củng cố và mở rộng thêm kiến thức bằng cách tìm kiếm ở bên ngoài. Nhiều sinh viên chưa biết cách khai thác sự hỗ trợ từ công nghệ thông tin (ví dụ : Tải từ điển về điên thoại để tra cứu). Một số  sinh viên còn không tự giác làm bài tập ở nhà, chỉ động đến sách vở mỗi khi lên lớp. Phần nhiều sinh viên chỉ tập trung ôn tập khi đến gần kì thi. Cách học này hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu của môn học ngoại ngữ. Một khó khăn nữa là hầu hết sinh viên đều chưa được học tiếng Pháp ở cấp phổ thông nên rất bỡ ngỡ khi tiếp cận với ngôn ngữ này. Họ chưa có một chút khái niệm về ngữ âm, ngữ pháp… nên giáo viên rất vất vả trong việc giảng dạy. Đôi khi lớp học lại còn đông sinh viên (trên 30 người ) nên việc luyện tập cũng không được nhiều.

Về phía giáo viên, trong quá trình lên lớp còn ít áp dụng các công cụ đa phương tiện (multimédia) vào giảng dạy, thậm trí còn thiếu tranh, ảnh minh họa cho bài học (ví dụ khi dạy về Paris, chúng tôi cần nhiều bức ảnh về các công trình kiến trúc nổi tiếng của Paris nhưng trong sách chỉ cung cấp một vài bức ảnh nhỏ). Giáo viên chỉ có thể cho sinh viên nghe (audition) đĩa ghi âm, mà không có đĩa ghi hình (vidéo). Do vậy công việc giảng dạy bị kém sinh động và đã hạn chế đi nhiều mức độ tiếp thu của sinh viên, bởi vì tiếp thu ngôn ngữ không thể chỉ dựa trên thính giác (ouie) mà còn cần dựa trên thị giác (vue), thậm trí dựa trên cả các giác quan khác nữa (autres sens). Trong quá trình học ngoại ngữ, sinh viên rất cần tiếp xúc trực tiếp với người bản ngữ để học về ngữ điệu (intonation), giọng nói (accent), phong cách (style)… nhưng họ không có cơ hội đó. Giáo viên Việt nam dù cố gắng cũng khó đóng vai hoàn hảo như người bản ngữ được. Với điều kiện như vậy, chỉ có thể khắc phục bằng cách tăng cường cho người học được tiếp cận với vidéo của người bản ngữ. Các video này được phổ biến rất nhiều trên các trang mạng xã hội.

II.Tìm hiểu về lợi ích của việc áp dụng các trang mạng xã hội vào việc dạy và học ngoại ngữ :

Việc dạy và học ngoại ngữ rất cần thiết với sự hỗ trợ của công cụ đa phương tiện : phim, ảnh, vô tuyến, đài, báo, băng, đĩa, internet… Nhưng trong khuôn khổ bài tham luận này, chúng tôi muốn hạn chế ở việc áp dụng các trang mạng xã hội (mà cụ thể ở đây là mạng xã hội Facebook) vào việc hỗ trợ sinh viên học tiếng Pháp nhằm tăng cường sự hứng thú của sinh viên.

1.Lợi ích:

Ngày  nay rất đông người Việt nam đã sử dụng mạng xã hội Facebook, nhất là giới trẻ và sinh viên ai cũng sử dụng. Nếu giáo viên cùng liên kết với sinh viên qua mạng xã hội này thì sẽ có những lợi ích thiết thực sau đây :

  • Về khía cạnh giáo dục - xã hội : Ngày nay hầu hết sinh viên đều có điện thoại di động có thể truy cập Internet, nên họ có thể học ngoại ngữ ở mọi nơi, mọi lúc qua mạng xã hội. Bên cạnh kênh You Tube, Facebook là một kênh tuyên truyền kiến thức khá hiệu quả và tương đối phổ biến, đặc biệt là đối việc dạy và học ngoại ngữ. Rất nhiều tài liệu học ngoại ngữ được phổ biến trên mạng xã hội này. Đây là kênh liên lạc có thể liên kết với nhiều người nên hiệu quả lan truyền được rộng rãi. (Ví dụ : Người dậy chỉ cần chia sẻ tài liệu cho một sinh viên qua đó các sinh viên khác cũng có thể chia sẻ.)
  • Về mặt kĩ thuật : Người học và người dạy có thể bàn bạc, trao đổi trực tiếp với nhau hay trao đổi qua tin nhắn, do đó thông tin qua lại có thể đa dạng, phong phú, chính xác  (cả bằng hình ảnh, âm thanh và kí tự…).
  • Về khía cạnh kinh tế, thì đây là kênh tiếp thu kiến thức rất phù hợp với sinh viên vì hầu như không phải chi phí. Việc này tiết kiệm rất nhiều cho sinh viên so với việc học tại các trung tâm ngoại ngữ hay việc mua tài liệu sách vở.
  • Về khía cạnh văn hóa - giải trí : Hiện nay việc truy cập Internet diễn ra dễ dàng, nếu sinh viên sử dụng mạng xã hội Facebook thì họ có thể học tập ở mọi nơi, mọi lúc nhàn rỗi. Mặt khác, học ngôn ngữ cũng cần phải biết văn hóa của đất nước đó. Trên Facebook có cập nhật nhiều tin tức, hình ảnh giải trí. Nếu kết hợp phổ biến kiến thức trên mạng này sẽ khiến người học cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm, hấp dẫn việc tiếp thu (Ví dụ : Giáo viên có thể chia sẻ các bức ảnh về đất nước, con người của nước Pháp, một câu ngạn ngữ Pháp… hay bất kì một bức ảnh nào đó về trang của mình và đăng kèm lời dịch hay lời bình luận bằng tiếng Pháp).

2.Tìm hiểu việc phổ biến tiếng Pháp trên các trang mạng và mạng xã hội Facebook :

Hiện nay có rất nhiều trang mạng (sites d’internet)  và trang Facebook  phổ biến tiếng Pháp. Ở phạm vi ngoài nước có thể kể đến các trang sau :

  • Bonjour de France.
  • Le point du FLE.
  • TV5 du monde.
  • Francaisfacile.
  • Francaisavec pierre.
  • Rappelons-nous.
  • NATHALIEFLE.com.
  • Campus France.
  • Le francais dans sa poche.
  • Le francais pour tous.
  • J’aime le francais.

Ở phạm vi trong nước, có các trang sau :

  • Học tiếng Pháp với thày Ludovic.
  • Tiếng Pháp du học.
  • Club de francais.
  • Học tiếng Pháp Cap France.
  • Vui cùng tiếng Pháp.

Các trang mạng và trang Facebook kể trên đều cung cấp các kiến thức ở mức độ khác nhau. Đặc biệt các trang Francaisfacile, Bonjour de France, Le point du FLE cung cấp rất nhiều bài học và các bài tập trắc nghiệm được sắp sếp ở nhiều trình độ, có đáp án đi kèm nên rất thuận tiện cho việc tự học. Người học có thể luyện tập từng kĩ năng và từng vấn đề theo nhu cầu và trình độ của minh. Ở đây có đầy đủ các phần luyện tập như sau :

  • Compréhension écrite (đọc hiểu).
  • Audition. (nghe )
  • Grammaire (ngữ pháp).
  • Vocabulaire (từ vựng)
  • Dictée (chính tả)
  • Expresion écrite (diễn đạt viết).
  • Phonétique (ngữ âm).

Với tài liệu được cung cấp phong phú , đa dạng trên các trang này, người học cần được sự hướng dẫn của giáo viên mới có thể khai thác một cách có hiệu quả. Chính vì thế cần có sự liên kết của giáo viên với sinh viên qua mạng xã hội Facebook.

III.Các hoạt động có thể áp dụng nhằm gây hứng thú cho người học bằng cách tương tác qua mạng xã hội Facebook.

Có thể áp dụng các hoạt động khác nhau nhằm phổ biến việc học ngoại ngữ qua mạng xã hội Facebook :

1.Giải đáp thắc mắc : Qua Inbox (messenger), giáo viên có thể giải đáp mọi thắc mắc cho người học. Công cụ này có ưu điểm là hai bên có thể trao đổi trực tiếp hoặc người học có thể  để lại tin nhắn cho giáo viên. Nhưng công cụ này có nhược điểm là không giúp sửa chữa về ngữ âm, đây là điều đặc biệt cần thiết cho người mới học.  Ngoài việc sử dụng Inbox,  người học có thể nêu thắc mắc cho giáo viên qua phần bình luận (commenter) dưới các bức ảnh hoặc vidéo phổ biến tài liệu. Về phần giáo viên, họ có thể giải đáp hoặc lưu ý người học về những vấn đề đáng quan tâm trong tài liệu. Nói tóm lại, hai bên có thể trao đổi xoay quanh phần bình luận tài liệu được đăng.

2.Chia sẻ thông tin :

a- Giáo viên có thể chia sẻ (partager) tài liệu từ các nguồn khác nhau lên trang Facebook của mình. Có rất nhiều tài liệu từ các nguồn của Pháp, nên người học được tiếp cận với các tài liệu chính thống (documents authentiques), được nghe giọng bản ngữ (accent natif). Có nhiều tài liệu được biên soạn rất công phu, thuận tiện cho người học. Ví dụ : Có tài liệu về  từ vựng với hàng ngàn từ được sắp xếp theo chủ đề, có hình ảnh và phát  âm minh họa. Hoặc tài liệu về chia động từ. Người học chỉ cần gõ động từ phải chia và nhấn chuột  là chương trình sẽ hiện ra đầy đủ các ngôi, các thời, các thức của động từ. Mặt khác, ở trong nước cũng có nhiều trang Facebook dạy tiếng Pháp, có nhiều bài được biên soạn song ngữ rất thuận tiện cho người mới học. Tuy nhiên ở  đây có điểm hạn chế là sinh viên trường Luật có quá ít giờ ngoại ngữ, trình độ tiếng Pháp còn thấp nên giáo viên cần mất nhiều công sức tìm tài liệu phù hợp.

Bên cạnh việc chia sẻ tài liệu từ các nguồn khác nhau lên trang cá nhân của minh, giáo viên có thể chia sẻ tài liệu lên trang của sinh viên. Với cách này, giáo viên có thể lựa chọn tài liệu hợp với từng cá nhân cụ thể hay hợp với trình độ từng lớp học cụ thể.

b- Người học có thể lựa chọn những tài liệu cần thiết từ trang của giáo viên và chia sẻ về trang của mình hoặc làm bài tập trực tiếp ngay trên trang được đăng. Để có sự tương tác hiệu quả, giáo viên cần tìm những tài liệu phù hợp với trình độ sinh viên. Đôi khi, giáo viên cần dịch phần yêu cầu (consigne) hay đưa ra các chỉ dẫn cần thiết về mặt tin học để người học làm quen dần với các cách làm bài tập trên Internet, ví dụ : Muốn làm bài tập ghép từ thì cần phải nhấn chuột và di chuyển đến vị trí lựa chọn như thế nào… Đồng thời giáo viên cũng cần chỉ cho sinh viên biết cách xem phần đánh giá (vérifier) hay đáp án (corrigé). Cách tốt nhất ở đây là giáo viên có thể chỉ dẫn trực tiếp cho một vài sinh viên ở trên lớp học sử dụng laptop hay điện thoại, rồi những người này hướng dẫn cho người khác hoặc có thể sử dụng đèn chiếu ở trên lớp.

c- Giáo viên có thể đăng (publier) tài liệu do mình biên soạn hay chữa một số bài tập cần thiết cho sinh viên để củng cố kiến thức trên lớp. Cách này đặc biệt quan trọng vì giáo viên nắm được chương trình học của sinh viên và sinh viên hứng thú hơn khi được luyện tập với kiến thức phù hợp về ngữ pháp, từ vựng… Ở đây, giáo viên cần biên soạn tài liệu một cách công phu, thận trọng, tránh những sai sót đáng tiếc. Mặt khác, giáo viên cũng cần mở rộng thêm bằng các kiến thức liên quan, không nên chỉ gói gọn trong kiến thức chương trình.  Qua kinh nghiệm, chúng tôi thấy sinh viên rât hứng thú khi luyện tập với bài trắc nghiệm ôn tập cuối học kì với phần đáp án cho sẵn.

3.Hướng dẫn cách truy cập tìm tài liệu :

Do sinh viên chưa có nhiều từ vựng và yếu về ngữ pháp nên còn yếu về phần đọc hiểu và tìm tài liệu rất khó khăn, giáo viên có thể hướng dẫn họ trong việc này.  Đối với sinh viên mới học, vấn đề cần thiết nhất đối với họ là ngữ âm (phonétique) và ngữ pháp (grammaire). Giáo viên cần chỉ ra cụ thể, ví dụ : Muốn luyện tập âm tiết gì hay muốn làm bài tập về vấn đề ngữ pháp nào đó thì cần truy cập trang nào, mục nào. Mặt khác, nếu thấy tài liệu phù hợp, giáo viên có thể gửi đường link đến trang cá nhân của sinh viên, hay dùng dấu hiệu (signaler). Nói chung, giáo viên cần phải biết trước nhiều nguồn tài liệu thì mới chỉ dẫn có hiệu quả.

4.Trao đổi trực tuyến : Giữa giáo viên và sinh viên có thể trao đổi trực tiếp với nhau thông qua công cụ Discussion instantanée. Nhờ caméra, hai bên có thể thấy hình ảnh và nghe được âm thanh của nhau. Công cụ này cho phép sửa chữa cách phát âm của người học hoặc hai bên có thể tiến hành hội thoại như trên lớp học. Có thể nói đây là công cụ để học tập từ xa rất thuận tiện.

IV.Kết luận :  Dạy và học ngoại ngữ là một quá trình tương tác đặc thù trong quá trình dạy học. Khác với các môn học khác, ở môn ngoại ngữ cần có nhiều sự trao đổi qua lại giữa người dạy và người học thì hiệu quả mới cao hơn. Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, ngoài giờ học trên lớp, giữa người dạy và người học có thể tăng cường thêm tiếp xúc bên ngoài. Qua mạng xã hội Facebook, mối quan hệ giữa giáo viên và sinh viên càng thêm thắt chặt. Từ đó giáo viên có thể nhắm đến các mục đích sư phạm như sau :

-Tạo ra động lực học tâp : Qua việc giải đáp thắc mắc, giáo viên có thể tháo gỡ bớt khó khăn cho sinh viên, khiến họ tiếp thu môn học dễ dàng, thuận tiện hơn, tạo động lực để tiếp tục học tập. Với việc trao đổi tài liệu thường xuyên, giáo viên giúp sinh viên bớt công tìm kiếm tài liệu phù hợp ở ngoài chương trình, tạo cho họ hứng thú với môn học. Việc được tiếp xúc với khối lượng tri thức bên ngoài sách vở mở ra cho sinh viên một cánh cửa rộng lớn hơn để họ hiểu thêm về ngôn ngữ, đất nước, con người bản ngữ. Mặt khác tầm nhìn của sinh viên cũng được rộng mở, từ đó họ có thêm động lực học tập. Họ hiểu được việc học giỏi ngoại ngữ sẽ có nhiều cơ hội cho tương lai trong một thế giới hội nhập.

-Tạo ra niềm đam mê, thói quen duy trì học ngoại ngữ : Hàng ngày giáo viên kiên nhẫn duy trì tiếp xúc với sinh viên qua mạng xã hội sẽ giúp sinh viên dần làm quen với việc học ngoại ngữ bằng cách thức này. Họ có thể chia sẻ tài liệu dần từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp (ví dụ : Từ những bức ảnh địa danh, phong cảnh đến các vidéo. Từ các câu chào, hỏi thăm tin tức đến các câu giao tiếp thông thường. Từ câu ngắn gọn đến câu dài có cấu trúc phức tạp, từ độc thoại đến hội thoại…). Đặc biệt, giáo viên phải kiên nhẫn, không nên cập nhật quá nhiều tài liệu trong một ngày hay cập nhật những tài liệu khó so với trình độ sinh viên, vì như vậy họ chóng bị nản. Thời gian đầu, mỗi ngày sinh viên có thể truy cập ít phút vào trang của giáo viên, nhưng nếu thấy hấp dẫn, số lượt truy cập và thời gian truy cập có thể tăng lên. Chính vì thế mục tiêu duy trì niềm đam mê, thói quen học ngoại ngữ đã đạt. 

-Tạo ra sự thay đổi : Với cách đa dạng hóa việc tiếp cận với sinh viên, giáo viên có thể tạo ra ra sự thay đổi trong sinh viên. Sách, vở ngoại ngữ chỉ có thể giúp sinh viên học được phần từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu chứ không thể giúp sinh viên ở phần nghe (audition) và mở rộng thế giới quan sát qua phần nhìn (vision). Chính vì thế, khi không hứng thú học sách, sinh viên có thể truy cập mạng xã hội. và khi đó sinh viên được luyện tập nhiều dạng phong phú, hấp dẫn hơn nên họ có cái nhìn đầy đủ về ngoại ngữ, chứ không phiến diện. Tạo ra sự thay đổi này chính là tạo ra sự hứng thú học tập.

-Tạo ra niềm tin trong học tập : Thời gian đầu học ngoại ngữ, sinh viên thường rất háo hức muốn được chiếm lĩnh tri thức. Nhưng trong quá trình học, nhiều người gặp khó khăn tưởng chừng khó có thể khắc phục được nên dần dần chán nản, mất niềm tin vào bản thân và môn học vì cho rằng đây là môn học khó tiếp thu hoặc bản thân họ không có năng khiếu. Với việc giúp đỡ sinh viên học tập qua mạng xã hội, giáo viên sẽ biết được nhu cầu của từng người, biết được họ còn vướng mắc ở đâu để tháo gỡ và chỉ cho họ những bước đi cần thiết (ví dụ : để luyện tập vấn đề này thì cần tìm thêm tài liệu ở đâu). Dần dần sinh viên sẽ thấy học ngoại ngữ không khó khi có niềm đam mê và có niềm tin trong quá trình học tập. Muốn làm được việc này, giáo viên cần phải gần gũi, gắn bó, ân cần  với sinh viên khiến sinh viên không ngần ngại khi trao đổi.

Tài liệu tham khảo :

1. Trần Bá Hoành – Những nét đặc trưng của phương pháp dạy học tích cực – Tạp chí giáo dục số 32

2. Nguyễn Thị Thanh Thanh – Đại học Đà nẵng - Luận văn tiến sĩ : “Đa dạng hóa hình thức giảng dạy ngoại ngữ bằng công cụ đa phương tiện”.

3. Phương pháp học tương tác và hiệu quả trong giảng dạy ngoại ngữ - Tạp chí Đời sống số 7 (237) – 2015 – ThS Hoàng Thanh Hương – Đại học Ngoại thương

SỬ DỤNG MOOT COURT ĐỂ TẠO HỨNG THÚ VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HỌC TẬP TIẾNG ANH TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI - GÓC NHÌN CỦA SINH VIÊN

 

SV. Lê Mai Trang,

Nguyễn Sơn Tùng,

Hoàng Khánh Linh

 

1. Giới thiệu chung về Moot Court

Moot Court (cuộc thi tranh tụng giả định) là hoạt động ngoại khoá của sinh viên luật mà theo đó, từng đội sinh viên tham gia vào một thủ tục tố tụng giả định với vai trò là luật sư đại diện cho các bên tham gia tố tụng.

Một Moot Court điển hình sẽ bao gồm hai (02) giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là quá trình chuẩn bị bản bào chữa. Trong giai đoạn này, đội thi sẽ tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng tình huống đề bài, nghiên cứu luật áp dụng rồi tiến hành viết bản bào chữa. Giai đoạn thứ hai là các phiên tranh tụng được dàn dựng giống như một phiên toà/ phiên trọng tài trên thực tế, trong đó mỗi đội thi sẽ đại diện cho một bên (nguyên đơn hoặc bị đơn) lần lượt đưa ra lập luận và trả lời các câu hỏi làm rõ vấn đề mà hội đồng xét xử có thể đưa ra.

Về vấn đề luật áp dụng, thông thường, một Moot Court sẽ đưa ra hai (02) nhóm vấn đề pháp lý, đó là vấn đề về thủ tục (jurisdiction) và vấn đề về mặt nội dung tranh chấp (merit). Mỗi phần được điều chỉnh bởi các nguồn luật khá độc lập với nhau. Ví dụ, trong cuộc thi tranh tụng Willem C. Vis International Arbitration Moot, vấn đề thủ tục sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật về trọng tài thương mại quốc tế, trong khi vấn đề nội dung lại được điều chỉnh bởi Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (“CISG”), Bộ Quy tắc về hợp đồng thương mại quốc tế (PICC).

Có thể nói, Moot Court cùng với ấn phẩm học thuật của trường Luật (Law Review), được coi là hai hoạt động ngoại khoá trọng yếu của các cơ sở đào tạo luật trên Thế giới. Moot Court đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho cơ sở đào tạo luật, mà còn cho các đối tượng tham gia cuộc thi. Một số lợi ích có thể kể đến như:

  • Nâng cao vị thế, xếp hạng của cơ sở đào tạo luật có đội thi moot court đạt giải quốc tế;
  • Trau dồi kiến thức pháp lý, kỹ năng tranh tụng và vô số các kỹ năng mềm (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tạo mối quan hệ - networking, kỹ năng nói và viết của luật sư) giành cho sinh viên tham gia cuộc thi;
  • Cơ hội tạo mối quan hệ, tuyển dụng nhân viên dành cho các trọng tài viên, các nhà tài trợ tham gia cuộc thi.

Nhận thấy rõ tầm quan trong của hình thức này trong việc trau dồi kiến thức cho sinh viên luật, Moot Court đã được nhiều đơn vị, trường đại học tổ chức với các hình thức và nội dung đa dạng, cụ thể:

(1) Cuộc thi tranh tụng quốc tế

Moot Court quốc tế (International Moot Court Competitions) là các cuộc thi tranh tụng với thành phần tham gia (sinh viên, trọng tài viên) đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Ngôn ngữ được sử dụng trong hầu hết các cuộc thi (và tất cả các cuộc thi được liệt kê dưới đây) là tiếng Anh.

Lĩnh vực Luật Quốc tế: Philip C. Jessup International Law Moot Court Competition là cuộc thi Diễn án Luật quốc tế lớn nhất thế giới được tổ chức hàng năm kể từ năm 1959 tại Hoa Kỳ với sự tham gia của hơn 500 trường Đại học Luật tại hơn 80 quốc gia trên thế giới. Các thí sinh dự thi đóng vai trò biện hộ cho các quốc gia là các bên của tranh chấp quốc tế giả định được đưa ra trước Toà án Quốc tế La Haye. Tình huống đề bài được các chuyên gia luật quốc tế uy tín hàng đầu thế giới soạn thảo. Các đội phải tham gia vòng loại ở cấp quốc gia (National Round) trước khi được chọn là đại diện ưu tú của quốc gia tham dự cuộc thi chung kết tại Hoa Kỳ.

Luật nhân đạo quốc tế: Red Cross Internaitonal Humanitarian Law (IHL) Moot Court là cuộc thi tranh tụng bằng tiếng Anh trong lĩnh vực luật nhân đạo quốc tế được tổ chức hằng năm tại Hong Kong. Cuộc thi được diễn ra với các nhóm gồm 02 sinh viên luật, tranh tụng về một vấn đề được đặt ra liên quan đến luật nhân đạo quốc tế. Mục đích của cuộc thi là giúp cho sinh viên luật nâng cao nhận thức về những vấn đề nhân đạo quốc tế, tăng vốn hiểu biết về luật nhân đạo quốc tế và lan tỏa tinh thần nhân đạo đến với sinh viên Luật khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Luật Thương mại quốc tế:Willem C. Vis International Commercial Arbitration Moot là một trong những cuộc thi tranh tụng bằng tiếng Anh lớn và uy tín nhất thế giới, được tổ chức thường niên tại Hongkong với 80 đội thi tham gia và ở Vienna với hơn 200 đội thi. Đề thi tập trung vào vấn đề luật thương mại quốc tế, Công ước Viên 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) và Bộ quy tắc về hợp đồng thương mại quốc tế (PICC).

Luật Đầu tư quốc tế: Foreign Direct Investment Arbitration Moot là cuộc thi về đầu tư quốc tế có quy mô lớn kéo dài trong 06 tháng tại ba khu vực trên thế giới: châu Á – Thái Bình Dương, Đông Á và Châu Phi. Vấn đề của moot court tập trung vào các vấn đề hợp đồng đầu tư quốc tế giữa các quốc gia và nhà đầu tư nước ngoài và các thủ tục quốc tế trong giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế.

(2) Cuộc thi tranh tụng trong nước

Bên cạnh các cuộc thi tranh tụng quốc tế, phong trào tổ chức và tham gia moot court tại Việt Nam cũng đang diễn ra rất sôi nổi. Đối với lĩnh vực Luật Nhân đạo quốc tế, Việt Nam (cụ thể là trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) hằng năm tổ chức vòng loại toàn quốc (regional rounds) để chọn ra ứng viên cho cuộc thi Red Cross IHL Moot Court diễn ra hằng nămtại Hong Kong. Đối với lĩnh vực luật Thương mại Quốc tế, mới đây, Khoa Luật Thương mại Quốc tế trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức thành công cuộc thi “Commercial Arbitration Moot”, một Moot Court chuyên sâu về trọng tài thương mại quốc tế với luật áp dụng là UNCITRAL Model Law cho phần thủ tục và Công ước Viên 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (CISG) cho phần nội dung.

Moot Contest là cuộc thi tranh tụng giả định được tổ chức bởi Câu lạc bộ Tranh tụng Trường Đại học Luật Hà Nội (The Moot Club). Cuộc thi được tổ chức với thủ tục trọng tài giả định, luật áp dụng là pháp luật về trọng tài và thương mại của Việt Nam.

2. Những giá trị mà Moot Court mang lại cho người tham gia và tầm quan trọng của tiếng Anh trong Moot Court

2.1. Kiến thức

Đến với Moot Court, giá trị đầu tiên mà người tham gia nhận được chính là kiến thức chuyên ngành luật và cả kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực khác. Trước hết, về kiến thức chuyên ngành luật, Moot Court đòi hỏi người tham gia phải tìm hiểu về lĩnh vực luật có liên quan. Mỗi cuộc thi lại hướng đến một lĩnh vực khác nhau. Như Vis Moot nhắm đến thương mại quốc tế mà cụ thể hơn là Công ước Viên của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) và Bộ quy tắc về hợp đồng thương mại quốc tế (PICC); Jessup lại tập trung vào công pháp quốc tế; FDI Moot thiên về mảng đầu tư quốc tế; Moot Contest lại linh động giữa luật thương mại quốc tế và luật thương mại Việt Nam. Các cuộc thi Moot Court đòi hỏi sự thấu hiểu sâu sắc về mảng luật liên quan, thấu hiểu đến mức có thể sử dụng và áp dụng thành thạo trong thực tế. Điều này xuất phát từ việc các vấn đề pháp lý được đặt ra trong đề Moot thường được người ra đề khai thác theo hướng đào sâu vào một khía cạnh nhỏ nhưng đầy tranh cãi của luật. Ví dụ như đề thi của Vis East Moot lần thứ 14 xoay quanh hai vấn đề: (1) Thời hiệu khởi kiện tại trung tâm trọng tài; và (2) Tỷ giá áp dụng cho việc thanh toán hợp đồng trong trường hợp không có thỏa thuận cụ thể. Mỗi một lần tham gia nghiêm túc vào Moot Court là một lần sinh viên có cơ hội được trở thành “chuyên gia” trong lĩnh vực luật tương ứng. Không dừng lại ở những vấn đề mang tính định hướng, dẫn dắt sinh viên tham gia đào sâu nghiên cứu, điểm đặc biệt của các Moot Court chính là hình thức tổ chức: các phiên giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hoặc tố tụng tại tòa án. Các trọng tài viên, các thẩm phán cầm cân nảy mực đều là những người có chuyên môn cao trong lĩnh vực luật tương ứng. Họ chính là những người tiếp tục dẫn dắt, định hướng và làm rõ cho các thí sinh những vấn đề cần tập trung khai thác đối với từng tình tiết. Được lắng nghe những lời chỉ dẫn và nhận xét của trọng tài viên chính là một cơ hội quý báu giúp các thí sinh nhận rõ được ưu và khuyết điểm để tiếp tục hoàn thiện bản thân mình.

Không chỉ về mặt pháp luật, những kiến thức chuyên sâu về thực tế cũng là một “kho báu” chờ đợi các thí sinh gặt hái. Các đề thi Moot thường nhắm đến một lĩnh vực chuyên môn đặc thù, như đề thi Vis East Moot lần thứ 14 xoay quanh ngành hàng không mà cụ thể hơn là việc mua bán cánh quạt cho động cơ máy bay; Đề thi Vis East Moot lần thứ 13 nhắm đến lĩnh vực sản xuất rượu vang. Người tham gia cần tìm hiểu về các lĩnh vực tương ứng để góp phần xây dựng luận điểm của mình sắc sảo nhất. Trong các Moot Court về thương mại, khía cạnh kinh tế của vấn đề cũng thường được chú trọng. Những lập luận chỉ bám vào ngôn ngữ trong hợp đồng hay trong luật là không đủ để thuyết phục hội đồng trọng tài nếu nó không có sự hợp lý về khía cạnh kinh tế.

Như vậy, nguồn kiến thức vừa tổng hợp lại vừa chuyên sâu là những giá trị đáng kể đầu tiên mà các cuộc thi Moot Court mang lại cho sinh viên tham gia.

2.2. Kĩ năng

Hơn nữa, Moot Court đòi hỏi thí sinh của mình phải rèn luyện nhiều kĩ năng để sử dụng kho tàng kiến thức kể trên cho việc thuyết phục hội đồng trọng tài. Ba kĩ năng nổi bật trong số đó là: Viết pháp lý; Tranh tụng; và Đối mặt với áp lực.

Viết pháp lý là kĩ năng bắt buộc phải thành thạo đối với bất cứ ai mong muốn tiến xa trên con đường thực hành nghề luật. Moot Court chính là “chiến trường” lí tưởng để mài giũa những kỹ năng đó cho thí sinh tham gia. Đặc thù của Moot Court chính là việc thí sinh tham gia cần phải viết hai bản bào chữa với tư cách nguyên đơn và bị đơn. Bên cạnh những yêu cầu chung cho bất cứ bài viết pháp lý nào như ngắn gọn, trực tiếp, sắc bén, hai bản bào chữa này lại đi theo hai phong cách viết khác nhau. Trong khi bản bào chữa cho nguyên đơn hướng đến việc “áp đặt” những luận điểm mạnh nhất của bên mình và cố gắng “bít kínmọi lỗ hổng” để không cho đối phương phản bác thì bản bào chữa cho bị đơn lại thiên về phủ định các luận điểm được đối phương đưa ra thay vì cố gắng trình bày những điểm mạnh của mình. Nói cách khác, bên nguyên đơn nắm thế chủ động và đóng vai trò dẫn dắt, còn bên bị đơn ở vào tình trạng bị động, phải ứng đối linh hoạt. Hai phong cách đối lập này là “lò lửa” hoàn hảo giúp rèn luyện khả năng viết pháp lý của thí sinh theo hướng linh hoạt và chặt chẽ hơn.

Bên cạnh viết, một người hành nghề luật tài năng phải có khả năng truyền đạt ý tưởng của mình đến người khác thông qua lời nói. Moot Court cung cấp một môi trường lý tưởng để rèn luyện những kỹ năng ấy cho thí sinh tham gia. Tại một phiên xử trong Moot Court, hai bên sẽ dành thời gian để trình bày luận điểm của mình và phản biện luận điểm của đối phương. Một nét đặc sắc và đầy tính chiến thuật ở đây chính là việc hai bên tự thỏa thuận về thời gian nói từng phần của mình. Ví dụ, tại Vis East Moot, đối với mỗi phần, từng đội sẽ có 15 phút vừa trình bày vừa phản biện. 15 phút này sẽ được sử dụng rất linh hoạt. Thông thường, các đội sẽ sử dụng 14 phút trình bày luận điểm và 1 phút phản biện. Nhưng cũng có trường hợp, đội nói sau sử dụng hoàn toàn 15 phút để trình bày luận điểm mà không cần phản biện. Hoặc có đội tin rằng luận điểm đối phương đưa ra đầy lỗ hổng nên lựa chọn dành tới tận 3 phút để phản biện. Sự phân phối thời gian này giúp trui luyện kĩ năng kiểm soát thời gian trong khi nói cũng như khả năng tóm lược một bản bào chữa vài chục trang thành một bài nói chỉ hơn 10 phút. Ngoài ra, trong quá trình trình bày luận điểm, trọng tài viên có thể ngắt lời các đội bất cứ lúc nào để đưa ra những câu hỏi hóc búa đòi hỏi phải trả lời thật nhanh và thật ngắn gọn vì phần hỏi này vẫn tính vào thời gian trình bày. Khi trải qua được những màn hỏi xoáy như thế, các thí sinh chắc chắn sẽ có tâm lý vững vàng, bình tĩnh hơn khi thường xuyên bị ngắt lời và khả năng phản xạ cũng sẽ được nâng cao đáng kể.

Trong Moot Court nói chung, áp lực về thời gian đối với việc viết bản bào chữa và trình bày luận điểm trong phiên tranh tụng là khá lớn. Đặc biệt, trong các Moot Court quốc tế, đội thi được cử đi là đại diện của cả trường, thậm chí cả quốc gia. Vì vậy, áp lực phải chuẩn bị và thể hiện tốt lại càng chồng chất. Áp lực này giúp rèn luyện tổ chất tâm lý của sinh viên, qua đó chuẩn bị cho tương lai nghề nghiệp vốn ngập tràn áp lực sau này.

2.3. Mối quan hệ

Trong xã hội, mối quan hệ giữa người với người luôn là một thứ “tài sản” rất quý giá. Nhưng mối quan hệ cũng chia thành loại thông thường, xã giao và loại chất lượng, thực chất. Moot Court là nơi quy tụ những con người tài năng và thực sự đam mê với hoạt động học thuật về luật. Vì thế, những mối quan hệ mà các thí sinh đạt được trong Moot Court sẽ thường có chất lượng. Đó không chỉ là giữa các thí sinh với nhau mà cả với những trọng tài đầy kinh nghiệm hoặc với nhưng công ty luật mong muốn có được nguồn nhân lực chất lượng cao.Trong tương lai họ có thể trở thành thầy trò, thành cộng sự, thành những người cùng giúp nhau phát triển. Chắc chắn, đây là một trong những giá trị quý giá nhất mà Moot Court đem lại.

2.4. Vai trò tiên quyết của tiếng Anh trong Moot Court

Nếu coi Moot Court là một căn phòng ngập tràn “kho báu” thì căn phòng đó bị khóa và tiếng Anh chính là chiếc chìa khóa duy nhất để tiến vào căn phòng đó. Mọi sự kiện, mọi hoạt động của Moot Court đều được tiến hành bằng tiếng Anh. Đề bài bằng tiếng Anh. Nguồn luật áp dụng bằng tiếng Anh. Viết bản bào chữa cũng bằng tiếng Anh. Mà tranh tụng thì không gì khác ngoài tiếng Anh. Vì thế, nếu khả năng tiếng Anh của thí sinh không đủ thì họkhó có thể học hỏi nhiều, nhận được nhiều giá trị từ cuộc thi này.

3. Phương hướng sử dụng Moot Court để tạo hứng thú và nâng cao hiệu quả học tập tiếng Anh tại trường Đại học Luật Hà Nội.

Như đã phân tích ở trên, tự bản thân Moot Court đã là một hoạt động đòi hỏi khả năng tiếng Anh rất cao đối với người tham gia. Thế nên, chỉ cần làm cho sinh viên hứng thú tham gia một cách nghiêm túc vào Moot Court thì tự nhiên việc học tập tiếng Anh nói chung và tiếng Anh pháp lý nói riêng sẽ diễn ra hiệu quả hơn nhiều. Để đạt được điều đó thiết nghĩ trường Đại học Luật Hà Nội cần biến hoạt động này thành một hoạt động chuyên nghiệp, hấp dẫn, được tổ chức thường xuyên và rộng khắp.

Việc quan trọng nhất cần làm là chính thức đưa tham dự các Moot Court quốc tế trở thành hoạt động trọng tâm thường niên của trường Đại học Luật Hà Nội. Cụ thể, cần thành lập những đội thi Moot Court quốc tế ở mọi lĩnh vực. Các cuộc thi Moot Court nội bộ sẽ được tổ chức thường xuyên để chọn lựa ra những người phù hợp nhất tham gia vào các đội tuyển quốc tế trên. Thành viên tham gia vào các đội tuyển cũng sẽ nhận được những động viên, ưu đãi nhất định của nhà trường về tài chính hoặc về mặt học tập. Theo một khảo sát không chính thức, một số trường ở nước ngoài (như Đức hay Ấn Độ) đã đi theo hướng này khi tổ chức những đội chuyên đi thi Moot Court. Họ được tạo điều kiện để tập trung hoàn toàn vào hoạt động này và việc tham gia Moot Court cũng như thành tích tương ứng của họ sẽ được tính thành tín chỉ thay cho những giờ học thông thường. Đây rõ ràng là một bước đi khôn ngoan hướng tới sự chuyên nghiệp hóa đối với thế hệ luật sư tương lai. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong bảng vàng danh dự của Vis East Moot hay Vis Moot, những bản bào chữa hay nhất thường thuộc về các trường của Đức còn các đội lọt sâu vào những vòng sau trong những năm gần đây phần nhiều đến từ Ấn Độ.

Để giải thích nguyên do tại sao cần đầu tư nhiều hơn vào Moot Court, hãy nhìn vào thực trạng tham gia các hoạt động học thuật của sinh viên Đại học Luật Hà Nội. Có thể khẳng định rằng, sinh viên Luật Hà Nộiluôn luôn rất cuồng nhiệt đối với những hoạt động học thuật chất lượng. Sự cuồng nhiệt này được thể hiện qua số lượng khán giả đến với đêm chung kết cuộc thi Hùng biện Socrates mỗi năm. Nhưng nhìn sang một hoạt động học thuật cũng rất chuyên nghiệp là Moot Contest tổ chức bởi The Moot Club, số lượng khán giả đến ban đầu khá đông nhưng số khán giả về sớm lại càng đông hơn. Chất lượng của Moot Contest được thừa nhận bởi các công ty luật hàng đầu cũng như những chuyên gia pháp lý tham gia làm trọng tài cho cuộc thi này. Vậy đâu là nguyên nhân khiến nhiều sinh viên không đến hoặc bỏ về sớm trong đêm chung kết Moot Contest mặc dù họ luôn rất hứng thú với những hoạt động như thế này? Theo khảo sát nhanh đối với một bộ phận khán giả, lí do họ về sớm không phải là vì chất lượng chương trình mà là vì khả năng tiếng Anh hạn chế, không theo kịp được với diễn biến chương trình dẫn đến không hiểu gì.Trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam hiện nay, việc các luật sư phải sử dụng thông thạo tiếng Anh là không thể tránh được. Vì thế với những gì đang diễn ra hiện nay, có một nguy cơ đang dần lộ rõ, đó là việc không ít sản phẩm đào tạo của Đại học Luật Hà Nội không đáp ứng được nhu cầu của thời đại hội nhập. Đây là một nguy cơ vừa đáng buồn, vừa đáng lo và cần phải giải quyết ngay lập tức.

Cuối cùng, thay cho lời kết, người viết muốn bộc bạch nỗi lòng của mình rằng: tại trường Luật, các hoạt động ngoại khóa như tình nguyện, giải trí là rất cần thiết để làm phong phú đời sống tinh thần cho sinh viên và giảng viên, nhưng hoạt động học thuật gắn liền với thực tế hành nghề luật phải là hoạt động chủ đạo và phổ biến nhất! Và Moot Court là một trong những hoạt động tiêu biểu cần được chính thức hóa, chuyên nghiệp hóa và phổ biến trong môi trường Đại học Luật Hà Nội.Bởi lẽchỉ cần xây dựng được một phong trào Moot Court sôi nổi, phổ biến thì cái được không chỉ là việc giải quyết “cơn đau đầu” về tiếng Anh mà còn là vô số cơn đau đầu khác về kĩ năng mềm, kĩ năng tranh tụng,…

 

 

 

[1] Giảng viên Tổ Tiếng Anh

[2] Giám đốc Phân viện Puskin, Cục ĐTVNN

 

 

[4] ESA – Phương pháp giảng dạy tiếng Anh mang tới hiệu quả tối ưu nhất.

[5]http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/5-dieu-ban-nen-biet-truoc-khi-hoc-tieng-anh-2988831.html

[6] http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/y-kien-cua-toi/hoc-tieng-anh-giong-chay-bo-khong-can-nang-khieu-3284444.html

[7] http://cfl.edu.vn/cach-tao-dong-luc-va-duy-tri-dam-me-hoc-tieng-anh/

[8]http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hoc-tieng-anh/5-website-giup-ban-tu-hoc-tieng-anh-thuong-mai-3586827.html

[9] Giảng viên tổ tiếng Anh

[10] Khoa Cơ bản I – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

 

[11] Giảng viên tổ tiếng Anh

[12] Giảng viên tổ tiếng Anh

[13] Giảng viên tổ tiếng Anh

[14] Giảng viên tổ tiếng Anh

[15] Giảng viên tổ tiếng Pháp

[16] Giảng viên tổ tiếng Nga-Trung