Ngành Ngôn ngữ Anh - Những điều cần biết

Đăng vào 08/11/2017 21:11

GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CỬ NHÂN NGÔN NGỮ ANH CHUYÊN NGÀNH TIẾNG ANH PHÁP LÝ

 -Tên ngành đào tạo: Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành tiếng Anh pháp lý

 -Trình độ đào tạo: Đại học -Thời gian đào tạo: 04 năm

-Tên văn bằng sau tốt nghiệp: +Tiếng Việt: Cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh - chuyên ngành Tiếng Anh pháp lý +Tiếng Anh: Bachelor’s Degree in English

1. Mục tiêu đào tạo

1.1 Mục tiêu chung

 Chương trình cử nhân Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Tiếng Anh pháp lý đào tạo những nhà chuyên môn có khả năng thích ứng cao, có kiến thức tốt về tiếng Anh cơ sở (tương đương mức C1 theo Khung tham chiếu Châu Âu); có khả năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành luật tương đối thành thạo; có kiến thức rộng về nhà nước và pháp luật để có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu hoặc trở thành cán bộ thực hiện các công tác liên quan đến pháp luật đáp ứng được nhu cầu của xã hội và của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế. Ngoài ra, cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh cũng sẽ được rèn luyện kĩ năng giao tiếp, xác định và giải quyết vấn đề, tìm tòi, suy xét, làm việc nhóm...

1.2 Mục tiêu cụ thể

- Cung cấp cho sinh viên kiến thức tương đối rộng về ngôn ngữ Anh, văn hoá, xã hội và văn học Anh-Mỹ; đồng thời trang bị cho sinh viên kỹ năng học tập hiệu quả để có thể tự học tập nhằm tiếp tục nâng cao kiến thức và năng lực thực hành tiếng Anh, bước đầu hình thành tư duy và năng lực nghiên cứu khoa học về các vấn đề ngôn ngữ, văn học hoặc văn hoá-văn minh của các nước Cộng đồng Anh ngữ.

- Rèn luyện và phát triển các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh ở mức độ tương đối thành thạo (tối thiểu tương đương mức C1 theo Khung tham chiếu châu Âu) trong các tình huống giao tiếp xã hội. -Rèn luyện và bảo đảm cho cử nhân Ngôn ngữ Anh đạt được trình độ tiếng Anh pháp lý tương đối tốt và kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật đủ để hoạt động và công tác có hiệu quả trong các lĩnh vực chuyên môn như giảng dạy, công tác biên - phiên dịch, các lĩnh vực hoạt động liên quan tới pháp luật, có thể đảm đương các công việc đối ngoại và hợp tác quốc tế phù hợp tại các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp v.v..

 2. Thông tin tuyển sinh

- Đối tượng dự thi: Thí sinh có trình độ tốt nghiệp THPT tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm/kì thi quốc gia hàng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, đáp ứng được các yêu cầu tuyển sinh của Trường Đại học Luật Hà Nội. - Khối thi: Khối D1. Môn thi: Toán, Văn, Tiếng Anh

3. Chương trình đào tạo

 Khối lượng kiến thức đào tạo toàn khoá học: 126 tín chỉ (chưa tính phần nội dung giáo dục quốc phòng - an ninh và giáo dục thể chất), trong đó: Khối kiến thức giáo dục đại cương: 24 tín chỉ (20 tín chỉ bắt buộc và 04 tín chỉ tự chọn) Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: 92 tín chỉ, trong đó: 40 tín chỉ kiến thức ngành Ngôn ngữ Anh: bao gồm các môn học thực hành tiếng Anh (nghe, nói, đọc, viết; kiến thức ngôn ngữ, văn hoá - văn học (ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa học, văn học – văn hoá Anh - Mỹ). 28 tín chỉ kiến thức chuyên ngành tiếng Anh pháp lý: bao gồm các môn học như tiếng Anh pháp lý; biên phiên dịch pháp lý; kĩ năng thuyết trình, đàm phán, thư tín trong lĩnh vực luật. 24 tín chỉ kiến thức bổ trợ ngành: bao gồm các môn học luật bằng tiếng Anh và tiếng Việt

4.Hình thức, phương pháp đào tạo

-Hình thức đào tạo: Đào tạo theo tín chỉ

-Phương pháp dạy: Theo quan điểm giao tiếp trong việc dạy và học tiếng Anh hiện nay của thế giới (Communicative Approach in English Language Teaching) dựa vào nguyên tắc người học là trung tâm đào tạo (learner-centered).

-Phương pháp và quy trình giảng dạy bao gồm việc giảng bài trên lớp, hướng dẫn thuyết trình (presentation), tổ chức thảo luận nhóm, tổ chức, hướng dẫn học tập cho sinh viên (tutorial), thiết kế và giao bài tập lớn, tổ chức kiểm tra định kỳ và thi kết thúc học phần.

 - Phương pháp học: Sinh viên áp dụng phương pháp học tích cực – phương pháp tự học, tự đọc tài liệu, tự nghiên cứu là chủ yếu, tăng cường giờ tự học ở nhà và thư viện để dành thời gian cho việc thảo luận trên lớp. +Sinh viên chủ động việc học tập của bản thân, có tham khảo ý kiến của cố vấn học tập; kết hợp việc tự học với thảo luận nhóm (group discussion), thuyết trình (presentation), làm các bài tập lớn, kiểm tra định kỳ và thi kết thúc học phần.

 +Phương pháp học của sinh viên chủ yếu dựa trên việc giảm giờ học lý thuyết trên lớp, tăng thời gian tự học ở nhà và ở thư viện, tự đọc sách, trao đổi bài và thảo luận theo nhóm, thuyết trình trên lớp nhằm tăng tính chủ động và sáng tạo của sinh viên trong việc học.

5. Phương pháp đánh giá

 - Hình thức thi cử đánh giá kiến thức và kỹ năng dựa trên trắc nghiệm khách quan, trắc nghiệm tự luận và vấn đáp tuỳ vào nội dung từng học phần. - Kết quả đánh giá từng học phần bao gồm các phần tham dự thảo luận tổ, nhóm, làm bài tập lớn, kiểm tra thường xuyên; kiểm tra đánh giá định kỳ chiếm 30%; phần thi kết thúc học phần chiếm 70%.

6. Cơ hội dành cho sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Tiếng Anh pháp lý tại Trường Đại học Luật Hà Nội

6.1. Cơ hội học liên thông ngành Luật học

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh đạt trình độ kết quả học tập đáp ứng yêu cầu được học liên thông với ngành Luật học tại Trường Đại học Luật Hà Nội. Đây chính là cơ sở để đào tạo những cán bộ làm công tác pháp luật trong tương lai không những vững về chuyên môn mà có khả năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành pháp luật thành thạo.

 6.2. Cơ hội nghề nghiệp

Cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành tiếng Anh pháp lý đạt được trình độ tiếng Anh pháp lý tương đối tốt và kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật đủ để hoạt động và công tác hiệu quả trong các lĩnh vực chuyên môn như giảng dạy, công tác biên - phiên dịch hay các lĩnh vực hoạt động khác liên quan tới pháp luật, có thể đảm đương các công việc đối ngoại và hợp tác quốc tế phù hợp tại các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp v.v..

Tải về tại đây